Trong truyền thống lịch sử, nhân văn là một giá trị cao quý, là sợi dây kết nối các giá trị, các thế hệ khác nhau, tạo nên sức mạnh dân tộc Việt Nam. Tính nhân văn được thể hiện ở lòng nhân ái, khoan dung, nhân nghĩa, tình yêu quê hương, đất nước, gìn giữ những giá trị truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp,... làm nền tảng cho sự phát triển, hướng đích đến Chân - Thiện - Mĩ. Giá trị nhân văn vừa mang yếu tố tinh thần, có sức lan tỏa mạnh mẽ, vừa góp phần tạo ra những giá trị vật chất cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nuôi dưỡng tinh thần nhân văn trong mỗi người dân Việt
Trong một xã hội nhân văn, các quan hệ xã hội đều được coi trọng, đề cao với những chuẩn mực văn hóa, văn minh trong ứng xử; luôn hướng đến đáp ứng nhu cầu chính đáng của các tầng lớp nhân dân, được thể hiện từ trong những chủ trương, đường lối phát triển đến hệ thống luật pháp, môi trường xã hội…
Đối với dân tộc Việt Nam, tinh thần nhân văn với các giá trị và biểu hiện tốt đẹp, cao cả luôn được dưỡng nuôi trong những trái tim tràn đầy nhiệt huyết yêu thương của mỗi người dân và được hiện thực hóa thành những hành động, việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực. Từ đó gom góp thành nền tảng giá trị tinh thần vô giá trong cộng đồng.
Nhân dân cả nước sẽ không bao giờ quên những trận lụt lịch sử càn quét miền Trung mỗi khi mùa lũ đến với nhiều mất mát, đau thương. Thế nhưng phía sau cơn lũ khủng khiếp ấy đọng lại nhiều điều tốt đẹp về tình người. Giữa tâm lũ, lực lượng quân đội, công an, thanh niên trở thành mũi xung kích thực hiện công tác sơ tán dân, tài sản, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp. Và cũng giữa vùng lũ ấy nhận hàng trăm tấn hàng viện trợ, hàng tỷ đồng trợ cấp từ các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Đó là những ngọn lửa của hơi ấm tình người, thắp dậy niềm tin và động lực cho người dân vùng lũ vượt qua tang thương và hồi sinh sự sống.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta còn xúc động được biết đến những câu chuyện "cổ tích trong đời thường" của những tấm gương người tốt, việc tốt ở nhiều lứa tuổi, đến từ nhiều vùng miền và lĩnh vực, hoàn cảnh khác nhau. Đó là những thầy, cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ ở vùng sâu, vùng xa; những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi. Đó còn là những người tham gia tích cực vào các chương trình của cộng đồng vì người nghèo, tự nguyện ủng hộ, quyên góp hàng trăm tỷ đồng vào các chương trình thiện nguyện. Hay đơn giản là những chương trình ấm lòng được triển khai trong các cơ sở giáo dục như: Ủng hộ trẻ em vùng cao; Áo ấm cho em; Tiếp sức trẻ em đến trường...
Những tháng năm gần đây nhất, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và cả nước ta, cộng đồng dân tộc Việt Nam như được “kích hoạt”, tinh thần nhân văn - nhân ái trong mỗi con người lại được khơi dậy và tạo ra hiệu ứng lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. Không đắn đo, không kỳ thị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đồng lòng nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, chung lưng đấu cật vượt qua thử thách của cuộc chiến đầy khốc liệt. Chúng ta được chứng kiến những hình ảnh ít xuất hiện trong hoàn cảnh bình thường. Đó là những chuyến bay hồi hương Chính phủ Việt Nam đón những người con trên khắp thế giới về đất nước làm lay động trái tim của hàng triệu đồng bào mang dòng máu Việt. Đó là những chuyến xe lên đường chi viện của các cán bộ, chuyên gia y tế đến nơi tuyến đầu chống dịch. Đó là những gói hỗ trợ khổng lồ có tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, hay các cây gạo ATM miễn phí, cửa hàng tiện lợi miễn phí..., giúp những người yếu thế không bị “lãng quên” giữa đại dịch. Với sức mạnh đoàn kết, ý chí một lòng đã đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” trong phòng chống dịch Covid-19 toàn cầu.

Cây gạo ATM miễn phí trong những ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành
Bồi đắp giá trị nhân văn trong bối cảnh mới
Trong xã hội, giá trị nhân văn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ hệ tư tưởng, môi trường chính trị, bối cảnh xã hội từng thời kỳ. Mỗi thời kỳ, giá trị nhân văn lại có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau. Nhận thức về một xã hội nhân văn với những khát vọng phát triển trong bối cảnh mới hiện nay cũng đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận.
Những năm vừa qua, xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ để hòa chung vào tiến trình vận động của toàn cầu trong thời đại 4.0, nơi mà con người khó có thể kiểm soát thông tin. Việt Nam tham gia vào sân chơi hội nhập thế giới khiến câu chuyện giáo dục nhân văn ngày càng được chú ý hơn.
Trong xã hội hiện đại, ngoài những giá trị nhân văn truyền thống (lòng yêu nhà, yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tự lực tự cường, nhân ái, nghĩa tình thuỷ chung, vị tha, độ lượng, hiếu học, sáng tạo, đoàn kết, cần kiệm, cởi mở lạc quan, dũng cảm kiên cường, gắn bó với gia tộc quê hương, biết ơn tổ tiên, tôn trọng người cao tuổi...) thì giá trị nhân văn hiện đại cũng là vấn đề được hướng đến, như hoà bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng; ý thức bảo vệ môi trường, trật tự an ninh; năng động sáng tạo, tự lập; có tinh thần hữu nghị hợp tác...
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.
Với quan điểm này, chủ trương khơi dậy và phát huy hệ giá trị nhân văn, lấy các giá trị văn hóa, phát triển con người toàn diện làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng nước ta. Đảng và Nhà nước xác định giá trị nhân văn là giá trị cốt lõi đối với mỗi con người, giáo dục cần hoàn thành sứ mệnh quan trọng là định hướng và tổ chức dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển đạo đức, nhân cách con người - nền tảng để xây dựng một xã hội nhân văn.
Để hội nhập với thế giới mà không mất đi bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu những hệ giá trị mới của nhân loại vừa kế thừa những giá trị “tốt đẹp” của truyền thống, khơi dậy giá trị nhân văn, Việt Nam sẽ hướng đến những giá trị nhân văn cốt lõi. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam coi trọng việc gìn giữ bản sắc văn hóa và nhân văn dân tộc, lưu giữ và phát huy các giá trị, phẩm chất nhân văn truyền thống; phát triển con người Việt Nam toàn diện trong thời kỳ mới. Phát huy dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; giá trị nhân văn trong chính trị được biểu hiện trước hết và tập trung ở Hiến pháp. Đảng và Nhà nước luôn đề cao dân chủ trên cơ sở đề cao, thượng tôn pháp luật, coi đây là nền tảng quan trọng xây dựng xã hội công bằng, nhân văn. Cùng với đó, đưa văn hóa, nhân văn thấm sâu vào hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào các mối quan hệ phối hợp công tác, đời sống xã hội, là nền tảng vững bền cho sự phát triển. Phát triển kinh tế gắn với giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội. Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Hình thành môi trường nhân văn, cộng đồng nhân văn để không ngừng bồi đắp các giá trị nhân văn, trở thành một nguồn lực và động lực cho sự phát triển của đất nước.
Giáo dục nhân văn - Cái nôi hình thành nhân cách của mỗi con người
Giáo dục nhân văn sẽ được thực hiện cả ở trong gia đình và nhà trường - cái nôi hình thành nhân cách của mỗi con người. Trong hệ thống giáo dục, nhằm giáo dục nhân văn hiệu quả, trước hết mỗi trường học phải là một môi trường thật sự nhân văn, phải đổi mới cơ chế và phương pháp giáo dục. Cần có sự phân tầng để giáo dục nhân văn bởi mỗi lứa tuổi sẽ tìm thấy cho mình những chuẩn mực và giá trị khác nhau; lồng ghép giáo dục nhân văn vào các môn học đang được giảng dạy. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với các hoạt động xã hội để hình thành các giá trị nhân văn cho các học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước. Để qua đó mỗi bạn trẻ có tư chất tốt phát triển, phòng ngừa, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực trong môi trường xã hội của thế giới ngày một“phẳng” hơn, có sự pha trộn văn hóa cần được chắt lọc.

Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Mấy chục năm trở lại đây, quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đã khiến gia đình Việt Nam đang trong bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại trên nhiều phương diện và xu hướng khác nhau. Hơn bao giờ hết cần phải tăng cường vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Giáo dục đối với tất cả các thành viên trong gia đình, tập trung vào con trẻ, thế hệ thanh niên về tư duy và ứng xử, cảm xúc và hành động, ở đó giáo dục đạo đức giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giúp mỗi thành viên trong gia đình hiểu được đạo lý, trung hiếu, tiết nghĩa, hòa thuận, thương yêu nhau; biết hướng thiện, cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng mực, có lối sống lành mạnh; có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình, của cộng đồng, xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh./.
ThS. Trần Tố Uyên
Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội