Phú Thọ: Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

07/12/2023 - 10:54 AM
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lưu giữ nhiều di sản văn hoá phong phú gắn với đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam, Phú Thọ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển du lịch nông thôn, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn

Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ, cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hệ thống đa dạng các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng kháng chiến. Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được coi là biểu tượng văn hoá tâm linh, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Phú Thọ còn có hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... Với những tiềm năng, lợi thế này, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Phú Thọ là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ gắn với lễ hội Đền Hùng và hệ thống các di tích thời đại Hùng Vương.

Cùng với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, Phú Thọ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn, trong đó phải kể đến như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn là một trong ba vườn quốc gia của Việt Nam có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy thích hợp cho việc tắm, ngâm phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh; đồi chè Long Cốc; đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, Ao Giời - Suối Tiên, Đình cổ Hùng Lô.

 
Trình diễn Hát Xoan tại Đình Hùng Lô

Ngoài hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa, thiên nhiên hấp dẫn, Phú Thọ còn được biết đến là tỉnh tập trung nhiều làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời với những sản phẩm có tính độc đáo, chứa đựng hồn cốt của dân tộc và sắc màu văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, các loại nông sản, ẩm thực và những đặc sản của vùng đất trung du trù phú... là những tiềm năng thuận lợi để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ xác định đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. 

Hiện nay, nhiều điểm du lịch tiêu biểu, có giá trị mang đặc trưng vùng Đất Tổ được xác định là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch Phú Thọ. Điển hình là mô hình du lịch trải nghiệm tại xã Hùng Lô. Quần thể di tích Đình Hùng Lô cổ kính, mang giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời kỳ Hậu Lê và Làng cổ Hùng Lô với kiến trúc, văn hóa đa dạng, mang đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước cùng với hoạt động làng nghề truyền thống là những điểm du lịch nổi tiếng của Hùng Lô, rất thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ khách du lịch. Năm 2022, Lễ hội Đình Hùng Lô và Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bên cạnh đó, hai di sản văn hóa phi vật thể là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan cũng góp phần tăng sức lôi cuốn đặc biệt với du khách khi đến với vùng đất Hùng Lô. Ngoài các di sản văn hóa, xã Hùng Lô hiện có các làng nghề truyền thống lâu đời với sản phẩm đặc trưng. Trong đó nổi bật làng nghề mỳ gạo Hùng Lô không chỉ là sản xuất thương mại mà còn là điểm nhấn trong hành trình du lịch làng cổ Hùng Lô.

Với những thế mạnh về tài nguyên văn hóa, lịch sử dồi dào, kết hợp với du lịch tâm linh, làng nghề, trong năm 2023, sản phẩm “Du lịch cộng đồng Hùng Lô, thành phố Việt Trì” là sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Mô hình này được coi là hình mẫu để các xã nông thôn khác trên địa bàn tỉnh học tập và làm theo, từ đó tạo đòn bẩy, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tỉnh theo hướng tích hợp đa giá trị.

Cùng với Hùng Lô, hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh có lợi thế nằm trên các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và có các sản phẩm đặc trưng để xây dựng thành điểm dừng chân tham quan cho khách du lịch như: Làng trồng rau Tân Đức, làng nghề Hùng Lô gắn với chương trình City tour Việt Trì; các làng nghề chè Địch Quả, chè Văn Luông, dệt thổ cẩm Kim Thượng gắn với tuyến Việt Trì- Xuân Sơn; các làng nghề như làng tương Bợ, làng nghề đan lát Ba Đông, nuôi trồng và chế biến nấm mộc nhĩ Đoan Thượng gắn với tuyến Việt Trì- Thanh Thủy; các làng nghề như làng tương Dục Mỹ, nón lá Sai Nga gắn với tuyến Việt Trì - Hạ Hòa... đã được chú trọng đầu tư xây dựng phục vụ khách du lịch... Điều này đã và đang khơi dậy tiềm lực phát triển du lịch nông thôn tại nhiều vùng quê vốn thuần nông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Tạo đà phát triển bền vững

Phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng sẽ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, đồng thời đem lại việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân... Thời gian qua, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.

Để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, Phú Thọ đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp của địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Trong đó, ưu tiên lồng ghép xây dựng các điểm du lịch nông thôn theo định hướng của Bộ tiêu chí OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý; các tổ chức, cộng đồng về du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM.

Các ngành, đơn vị và địa phương thực hiện huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải. Xây dựng cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động quảng bá du lịch nông thôn... Cùng với đó, các ngành, đơn vị và địa phương cũng tích cực xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (youtube, facebook, tiktok…) giới thiệu các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được thực hiện, đặc biệt là tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn lồng ghép với các sự kiện về văn hóa, chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Qua đó, đã hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung - cầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng tour tuyến du lịch để đưa du khách đến thăm quan, mua sắm tại các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP...

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với hoạt động nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, văn hóa…; hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt là các nội dung của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 4-6 điểm du lịch nông thôn được công nhận, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch...

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách như: Du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ… Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM; xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững...

 
 Khánh Quỳnh
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top