Quảng Nam - Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp

07/11/2023 - 10:40 AM
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế lớn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực triển khai tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Những năm gần đây, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn, sản phẩm nông nghiệp ngày càng gắn với nhu cầu thị trường và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Trong đó, giai đoạn 2021-2023, Tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét: Tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như cây ăn quả, rau đậu các loại quả; sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm được phát triển.

Chính vì thế, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất không ngừng tăng lên: Năm 2023, giá trị sản phẩm trồng cây hàng năm trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 103 triệu đồng, tăng gần 3 triệu đồng so năm 2022, giá trị sản phẩm trồng cây lâu năm trên 1 ha đạt 68 triệu đồng, tăng 3,7 triệu đồng; giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1 ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 414 triệu đồng, tăng trên 9 triệu đồng so năm 2022.

Tính chung cả năm 2023, toàn Tỉnh gieo trồng ước đạt 145 nghìn ha cây hàng năm, tương đương năm 2022 và tăng 174 ha so với năm 2021, trong đó: Cây lương thực có hạt 94,4 nghìn ha, giảm 0,3%; cây chất bột có củ 11,8 nghìn ha, giảm 0,8%; cây có hạt chứa dầu 11,9 nghìn ha, tăng 3,9%; cây rau, đậu và các loại hoa 18,8 nghìn ha, tăng 0,5%; cây hàng năm khác 7,2 nghìn ha, tăng 2,8%.

 
QUẢNG NAM: ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Quảng Nam tích cực triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp
 
Năm 2023, diện tích gieo cấy lúa cả năm ước đạt 82,9 nghìn ha, tuy giảm 0,3% so với năm 2022 nhưng cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất chất lượng. Đa số các địa phương đều tuân theo cơ cấu giống lúa xác nhận của tỉnh ban hành. Diện tích sản xuất giống trung, ngắn ngày tăng hơn so với giống dài ngày; ở các huyện đồng bằng, trung du, giống trung, ngắn ngày được cơ cấu nâng cao dần, chiếm 82% - 87%. Các giống trung, ngắn ngày được sản xuất với diện tích lớn. Việc bố trí cùng giống, cùng thời vụ đã tạo thuận lợi cho thu hoạch lúa nhanh gọn bằng máy gặt đập liên hợp. Bên cạnh đó, do tỷ lệ cơ giới hoá ở khâu làm đất cao trên 90% nên việc xuống giống được thuận lợi. Năng suất ước đạt 54,7 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha; sản lượng đạt 453,5 nghìn tấn, tăng 16,1 nghìn tấn. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2023 ước đạt 508,7 nghìn tấn, tăng 16,4 nghìn tấn so với năm 2022; trong đó sản lượng ngô ước đạt 55,2 nghìn tấn, tăng 326 tấn.

Diện tích gieo trồng cây hằng năm khác đạt trên 62 nghìn ha, tăng 0,3% so với năm 2022. Các nhóm cây có diện tích gieo trồng tăng khá: Hoa các loại tăng 8%, mía tăng 7%, rau các loại tăng trên 1%... Bên cạnh đó, một số cây có diện tích giảm như: Khoai lang đạt 2.130 ha, giảm 5,1%, lạc 9.330 ha, giảm 3,6%, sắn đạt 9.000 ha, giảm 0,6%, ngô đạt 11.500 ha, giảm 0,4%... Nguyên nhân chính do hiệu quả kinh tế từ việc sản xuất các loại cây này không cao nên nông dân chuyển đổi cây trồng.

Sản lượng một số cây hoa màu cụ thể: Khoai lang đạt 17 nghìn tấn, giảm 2,9%; sắn đạt 157 nghìn tấn, giảm 0,1%; lạc đạt 22,8 nghìn tấn, giảm 2,5%; rau các loại đạt 310 nghìn tấn, tăng 3,7%; đậu các loại đạt 11,2 nghìn tấn, tăng 2,0%;....

Để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, giai đoạn 2021-2023, Tỉnh thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng NTM. Theo đó, trên địa bàn Tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên và liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, liên kết sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt được thực hiện thường xuyên và ngày càng hiệu quả: Năm 2022, đã có 33 công ty, đơn vị tổ chức sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, tổng diện tích sản xuất giống lúa 5.127 ha, tăng 5,1% so năm 2021, trong đó vụ Đông Xuân 2021- 2022 là 4.088 ha, vụ Mùa là 1.039 ha. Diện tích sản xuất giống ngô 20 ha, diện tích sản xuất giống ớt 02 ha, diện tích sản xuất giống hành tím 02 ha. Việc liên kết sản xuất đã giúp cho đầu ra sản phẩm được bao tiêu ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các địa phương cũng chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng mới như sản xuất nông nghiệp hữu cơ (Sản xuất rau quả hữu cơ được cấp chứng nhận PGS, mô hình sản xuất hữu cơ gắn với du lịch quy mô nhỏ). Diện tích sản xuất rau, củ, quả an toàn được chứng nhận trong năm 2022 là 58 ha (trong đó: Rau chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP là 26,3 ha; Rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên: 31,7 ha). Như vậy, so với kế hoạch diện tích thực tế sản xuất rau, củ, quả an toàn tại các địa phương trên địa bàn Tỉnh trong năm 2022 còn thấp, chỉ đạt 3,1% (đối với rau chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP) và 26,0% (đối với rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên). Diện tích sản xuất rau được chứng nhận 6 tháng đầu năm 2023 là 85,1 ha, trong đó: Rau chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP là 15,1 ha (đạt 1,3% so với kế hoạch); Rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP là 70 ha (đạt 41,2 % so với kế hoạch). Mặt dù kết quả ban đầu chưa cao như kỳ vọng, nhưng đây là bước tiến mới về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nông nghiệp.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả triển khai chương trình trồng các loại rau an toàn, đạt tiêu chuẩn, các địa phương trong Tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, tưới tiết kiệm để nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm; chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau, củ, quả an toàn đến với người tiêu dùng và các thị trường tiềm năng; tiến hành rà soát, khoanh vùng định hướng phát triển các vùng chuyên canh tập trung tại các vùng bãi bồi ven sông ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình,... nhằm phục vụ phát triển sản xuất các vùng rau, củ, quả tại các vùng trọng điểm trên địa bàn Tỉnh.

Phát triển trồng các cây lâu năm: Theo thống kê, diện tích và sản lượng cây lâu năm của Tỉnh thời gian qua tương đối ổn định, có xu hướng tăng, đặc biệt là cây ăn quả. Nhiều địa phương tiếp tục chuyển đổi cây hằng năm sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây lâu năm có hiệu quả cao hơn. Đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất cây ăn quả, nhất là tại các địa bàn trung du, miền núi của tỉnh; trong đó có lồng ghép với việc thực hiện Đề án “Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Tiếp tục triển khai các mô hình trồng thí điểm cây sầu riêng, măng cụt theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Theo kết quả thống kê năm 2023, tổng diện tích cây lâu năm ước đạt 24,5 nghìn ha, tăng 38 ha so với năm 2022; tính chung giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 1,3%/năm, trong đó: Nhóm cây ăn quả tăng 2,4%/ năm; nhóm cây công nghiệp giảm 1,7%/năm; nhóm cây gia vị, dược liệu tăng 0,2%/năm. Sản lượng một số sản phẩm cây lâu năm chủ yếu: Chuối đạt 63 nghìn tấn, tăng 226 tấn so với năm 2022; xoài đạt 1.400 tấn, giảm 85 tấn; dứa đạt 20.500 tấn, tăng 825 tấn; bưởi đạt 4.300 tấn, tăng 109 tấn; điều đạt 310 tấn, giảm 10 tấn; hồ tiêu đạt 295 tấn, tăng 13 tấn; cao su đạt 5.700 tấn, tăng 161 tấn,...

Không chỉ đạt được những kết quả trong tái cơ cấu hoạt động trồng trọt, các hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi của Tỉnh cũng đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi, khép kín từ con giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Hiện nay, toàn Tỉnh có 83 cơ sở chăn nuôi thực hiện liên kết với 2 doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng quy mô khoảng 100 nghìn con lợn/năm và 2,6 triệu con gia cầm/năm, góp phần vào sự tăng trưởng ngành chăn nuôi của Tỉnh trong thời gian qua.

Trong năm 2023, chăn nuôi trâu bò tương đối ổn định, đàn bò ước đạt trên 177 nghìn con, tăng 2% so với năm 2022; đàn trâu đạt 58,8 nghìn con, giảm 1,7% do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp; đàn lợn hiện nay ước đạt trên 330 nghìn con, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2022. Bình quân giai đoạn 2021-2023, số lượng bò tăng 3%/năm; trâu giảm 1,5%/năm./.
 
Trần Thị Thu Trang
Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến Thông tin thống kê - TCTK
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top