Tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng trước quy mô dân số Việt Nam đạt 100 triệu người năm 2023

23/06/2023 - 05:19 PM

Năm 2023, quy mô dân số Việt Nam đạt trên 100 triệu dân và đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Theo dự báo của các chuyên gia, thời điểm bước vào cơ cấu dân số vàng của Việt Nam là năm 2007 và thời kỳ này sẽ kéo dài tới năm 2039. Như vậy, Việt Nam đã đi được gần nửa chặng thời gian của cơ cấu dân số vàng. Để tạo dựng lợi thế cơ cấu dân số vàng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tăng cường nguồn lực cần thiết nhằm phát triển dân số bền vững góp phần xây dựng đất nước.

Phát huy tối đa lợi thế dân số vàng

Với quy mô  dân số đạt 100 triệu dân và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó tạo được lực lượng lao động trẻ hùng hậu góp sức đưa đất nước tiến nhanh, tiến xa, thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Để tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được Đảng, Nhà nước ban hành, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu: “Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.”

 Tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng trước quy mô dân số Việt Nam đạt 100 triệu người năm 2023 2

Ảnh minh họa

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, đề án, chương trình cụ thể hóa Nghị quyết 21,  đến nay, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2020, tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 73,7 năm, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á (cao hơn mức bình quân 72 năm của khu vực này); đứng thứ 26 ở châu Á (cao hơn mức 73 năm của châu lục này); đứng thứ 87 trên thế giới (cao hơn mức 73 năm của thế giới).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2015 - 2021 cho thấy, năm 2015 quy mô dân số là 91.466 nghìn người, tỷ lệ tăng dân số là 1,07%; tương tự, năm 2020 là 97.204 nghìn người, với tỷ lệ 1,03%; năm 2021 là 98.281 nghìn người, với tỷ lệ 1,11%. Tính chung, quy mô dân số tăng bình quân khoảng một triệu người mỗi năm, tương đương tốc độ tăng dân số khoảng 1 phần trăm một năm. (Bảng 1)

Năm 2022, dân số trung bình của Việt Nam là 99,46 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây.

Năm Dân số có đến 01/4 hàng năm (Nghìn người) Tỷ lệ tăng dân số (%)

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

91.466

92.447

93.425

94.417

96.209

97.204

98.281

1,07

1,07

1,06

1,06

1,88

1,03

1,11

Nguồn: Tổng cục Thống kê “Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa,
gia đình thời điểm 01/4/2020, Nhà xuất bản Thống kê”.

Để tận dụng quy mô dân số đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng vào phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống giáo dục - đào tạo được xem là nền tảng khởi đầu xây dựng phẩm chất, trình độ, kỹ năng thích ứng của từng cá nhân trong quá trình lao động. Đó là lý do công tác giáo dục luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư ở tt cả các cấp học.

Sau 10 năm triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 và 2 năm thực hiện Đề án Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025, số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tổng số trẻ mầm non được đến trường là 5,3 triệu trẻ em (tăng 1,5 triệu trẻ so với năm học 2010-2011). Trong năm học 2021- 2022, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 99,7%. Chất lượng giáo dục phổ thông được cải thiện. Các cơ sở giáo dục đại học có nội dung, phương pháp và chương trình đào tạo giảng dạy thường xuyên được đổi mới tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống giáo dục nghề nghiệp  được đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây, chú trọng phát triển theo hướng linh hoạt, đa dạng hướng tới đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Năm 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của cả nước tuyển sinh khoảng 2.448 nghìn người, đạt 117% kế hoạch đề ra. Số lượng học viên trường nghề tốt nghiệp vào khoảng 2 triệu người, đạt 115% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, số tốt nghiệp trình độ trung cấp - cao đẳng đạt 346.000 người, trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác đạt 1,75 triệu người. Đây là nguồn nhân lực đáng kể đóng góp vào gia tăng tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp và chứng chỉ tạo cho Việt Nam.

Tăng năng suất lao động (NSLĐ) là mục tiêu hàng đầu và là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ý nghĩa của tăng NSLĐ đối với tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn khi Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Đây là cơ hội tốt giúp Việt Nam tăng tốc phát triển kinh tế nếu như tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng. Trong những năm gần đây, nhờ nỗ lực từ nhiều phía NSLĐ của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. Năm 2020, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động). Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Năm 2022, NSLĐ của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Đây là thành công đáng ghi nhận của Việt Nam trong nỗ lực phấn đấu nâng cao NSLĐ giúp tận dụng hiệu quả cơ hội từ cơ cấu dân số vàng.

Quy mô lớn lực lượng tham gia thị trường lao động chính là điểm cộng trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam. Lực lượng lao động Việt Nam dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực cho quá trình mở rộng sản xuất và phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2020, trung bình mỗi năm có khoảng 437 nghìn người gia nhập lực lượng lao động. Điều quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực nước ta ngày càng cải thiện đáng kể, phần nào đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số của đất nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đang làm thay đổi tỷ trọng lao động trong các ngành kinh tế. Theo đó, xu hướng chuyển dịch lao động giữa các khu vực kinh tế ở nước ta diễn ra theo hướng hợp lý và tiến bộ. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2020, tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản  đã giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 33,1% năm 2020; tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng đã tăng từ 21,3% lên 30,8% và khu vực dịch vụ tăng từ 30,2% lên 36,1%. Lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam cũng tăng mạnh trong 10 năm (giai đoạn 2011-2020): Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo tăng từ 15,6% năm 2011 lên 20,9% năm 2016 và đạt 24,1% năm 2020. Đến quý I năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,4%.
L
ao động Việt Nam cần cù, chăm chỉ cũng là một trong những lợi thế giúp Việt Nam thu hút mạnh nguồn lực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua. Chỉ tính riêng năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước - là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Về thị trường lao động việc làm hiện nay,
số liệu quý I năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Số người lao động có việc làm tiếp tục tăng, quý I năm 2023, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng 677,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra). Như vậy, nếu tận dụng tốt, hiệu quả nguồn lao động này, Việt Nam sẽ đạt được thành công như nhiều quốc gia khác đã thành công từ cơ hội cơ cấu dân số vàng mang lại.

Trong thời kỳ dân số vàng, nguồn dân số ngày càng được chú trọng cải thiện về chất lượng đã và đang góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Quy mô nền kinh tế Việt Nam ngày càng được mở rộng. Theo giá hiện hành, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 đạt 5.191,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 239,4 tỷ USD), gấp 1,9 lần quy mô GDP năm 2010; năm 2020 đạt 8.044,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 346,6 tỷ USD), gấp 1,5 lần quy mô GDP năm 2015 và gấp 2,9 lần quy mô GDP năm 2010. Quy mô nền kinh tế Việt Nam thuộc top 40 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.958 USD năm 2011 lên 3.552 USD năm 2020. Tính chung cả giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,21%/năm. Năm 2022, quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 9.513,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những năm qua chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng. Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2021 (Năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia) và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; đồng thời có sự cải thiện vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 35, năm 2021 là 38). Đặc biệt, Việt Nam cùng với I- ran (hạng 53) và Phi-li-pin (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.

Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng dân số, phát huy tối đa lợi thế dân số vàng

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tận dụng lợi thế cơ hội cơ cấu dân số vàng của Việt Nam thời gian qua chưa đạt như mong muốn, vẫn tồn tại một số bất cập như: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng; Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao; Gánh nặng về môi trường, cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông… Lực lượng lao động tuy đông nhưng chất lượng chưa cao. Số lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt ở mức 26,4%. Thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp. NSLĐ của Việt Nam còn thấp và còn có khoảng cách với các nước trong khu vực...

 Tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng trước quy mô dân số Việt Nam đạt 100 triệu người năm 2023 3

Ảnh minh họa

Để tận dụng hiệu quả thời kỳ cơ cấu dân số vàng, các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt cụ thể hóa chính sách dân số phát triển theo Nghị quyết 21 của Ban Bí thư. Nghị quyết đưa ra mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Theo đó, đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.
Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người. Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%; tỉ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khoẻ, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ dân số đô thị đạt trên 45%.... Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Để đảm bảo phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng và để dân số là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ phục vụ phát triển nhanh và bền vững của đất nước, Việt Nam cần nhất quán thực hiện các nội dung đã được nêu trong Nghị quyết 21, thời gian tới tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp như:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân số. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hoá gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hai là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản trong và ngoài nhà trường.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ thoả đáng để thu hút, tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài ở các khu vực khó khăn, trọng yếu về an ninh, quốc phòng. Thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người.

Bốn là, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển dân số, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phát triển mạng lưới nghiên cứu về dân số và phát triển.

Năm là, bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, giáo dục, đào tạo, văn hoá, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh xã hội hoá, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số và bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Có chính sách đãi ngộ thoả đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, bản, tổ dân phố... Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học.

Bảy là, chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số. Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương, song phương về dân số và phát triển.Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nuowsc ngoài. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp  trong nước phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp là những giải pháp cần thiết để phát huy  thế mạnh nguồn nhân lực trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng ./.

Tài liệu tham khảo

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê

Báo cáo tình hình thị trường lao động việc làm Quý I năm 2023 của Tổng cục Thống kê

Năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của Tổng cục Thống kê

Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2021 của Tổng cục Thống

Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa. gia đình thời điểm 01/4/2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả 10 năm thực hieejnPhoor cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

TS. Lê Hồng Việt

Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Phụ nữ - Học viện Phụ nữ Việt Nam



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top