Trong không khí tưng bừng, náo nức, rộn ràng của những ngày đầu xuân năm mới, nhìn lại chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của thành Thăng Long xưa, nay là Hà Nội, mỗi người dân đất Việt lại trào dâng cảm xúc tự hào. Thành Thăng Long tựa thế rồng bay, hội tụ nguyên khí ngàn năm, cùng với tinh hoa của đất nước, góp phần đưa Việt Nam rạng rỡ đi lên và phát triển hùng cường.
Vùng đất địa linh được ấn định là kinh đô nước Việt
Nhìn vào lịch sử xa xưa, có nhiều vùng đất khác nhau của Hà Nội đã từng được chọn làm kinh đô đất nước. Trong đó, thành Cổ Loa là nơi hai lần giữ vai trò kinh đô dưới thời Thục Phán An Dương Vương và Ngô Quyền - vị Tổ Trung hưng đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc; vùng đất Mê Linh dưới thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành được độc lập… Những dấu mốc ấy đã cho thấy nguyên khí địa linh, được các bậc tiền nhân cổ xưa nhìn nhận và tin tưởng của vùng đất được phù sa sông Hồng bồi đắp này.
Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ nhận định, vùng đất thắng địa Đại La - kinh đô cũ của Cao Vương lúc bấy giờ là nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn, hổ ngồi; đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây; thế dựa núi, nhìn sông; có địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng; dân cư không phải chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật phong phú tốt tươi; xứng đáng là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của Đế vương muôn đời.
Hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội hội tụ từ nguyên khí ngàn năm
Ngay sau khi Chiếu dời đô được ban, tháng 7 năm 1010, vua Lý Thái Tổ khởi sự dời kinh đô của đất nước từ thành Hoa Lư ra thành Đại La. Đoàn dời đô của Nhà vua vừa đến đất Đại La thì trông thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên trời, Nhà vua bèn quyết định đặt tên cho vùng đất này là Thăng Long. Từ đây, ghi nhận mốc son lịch sử cho sự ra đời, phát triển của Thăng Long - kinh đô chính thức của nhà nước Đại Việt độc lập, thống nhất. Kinh đô mới thể hiện một nhận thức mới, một tầm nhìn mới về sự phát triển của quốc gia. Lịch sử đã chứng minh đó là quyết định đúng đắn, là khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của Đại Việt.
Thành Thăng Long trải qua hơn ngàn năm lịch sử cùng bao thăng trầm với biến cố theo thời gian nhưng vẫn vững chãi, hiên ngang. Thăng Long - Hà Nội đã chứng kiến và ghi dấu những chiến công hiển hách của dân tộc Đại Việt trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi. Mỗi khi đất nước lâm nguy, tinh thần Thăng Long lại ngời sáng, người dân Kinh kỳ cùng nhân dân cả nước nhất tề nổi dậy, quyết chiến với kẻ thù, bảo vệ giang sơn, xã tắc.
Sử sách vẫn còn lưu danh Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với hào khí Đông A từ thế kỷ XIII, 3 lần dẹp lùi quân Nguyên đánh vào Thăng Long hòng mưu chiếm Đại Việt. Thế kỷ XV có Bình Định vương Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi “lấy chí nhân thay cường bạo”, đánh đuổi địch khỏi thành Đông Quan (Thăng Long) cùng sự tích “trả gươm” bên hồ Hoàn Kiếm. Thế kỷ XVIII, cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung cùng các tướng sĩ Tây Sơn đã quét sạch 29 vạn quân Thanh ra khỏi gò Đống Đa - kinh thành Thăng Long. Thế kỷ XIX, XX lưu lại dấu ấn thực dân Pháp tấn công Hà Nội; cửa ngõ Thủ đô tại Ô Quan Chưởng còn ghi chiến tích thà hy sinh tất cả, quyết không cho địch vào thành.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lãnh tụ Hồ Chí Minh long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thăng Long - Hà Nội cũng chứng kiến cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Liên khu I với lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và trận chiến “Điện Biên phủ trên không” lừng lẫy với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ trái tim của đất nước.
Tinh hoa ngàn năm thổi hồn vào vùng đất địa linh nhân kiệt
Sau hơn một nghìn mùa xuân lưu dấu, thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - mảnh đất địa linh nhân kiệt đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, trở thành trái tim đất nước với thế đứng hiên ngang và là biểu tượng ngàn năm của độc lập và tự do, thiết tha yêu hòa bình của cả dân tộc. Theo dòng chảy của thời gian, những công trình kỳ vĩ, đền đài, lầu gác và cả “tứ đại khí” triều Lý đều vùi trong lòng đất hoặc chỉ còn được ghi dấu qua sách vở. Nhưng có những giá trị còn mãi với thời gian - đó là nhà Lý “định vị” Thăng Long mang sứ mệnh kinh đô, mang theo niềm tin, hy vọng của cả dân tộc trong gian khó.
Dưới các thời vua, kinh thành Thăng Long tiếp tục được xây dựng, mở mang và củng cố. Kế thừa những di sản vật chất và tinh thần đồ sộ từ cha ông, Thăng Long xưa - Hà Nội nay được thế giới biết đến là một trong những thủ đô lâu đời của nhân loại, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ như một mảnh đất được phù sa bồi đắp rồi chắt lọc, chỉ lấy lại giá trị tiêu biểu cho những điều đẹp đẽ nhất của dân tộc.
Thủ đô Hà Nội với lịch sử hơn 1000 năm, hội tụ nhiều tinh hoa nhất cả nước, vẫn còn những di tích thuộc cố đô Thăng Long xưa và rất nhiều di tích giá trị khác nhau, mang đậm nét văn hóa đặc trưng. Cùng với khu di tích Hoàng Thành, thành Thăng Long còn để lại nhiều công trình văn hóa quan trọng như: Chùa Một Cột hay còn gọi là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài, công trình có kiến trúc vô cùng độc đáo được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng Mười năm Kỷ Sửu 1049. Văn Miếu - Quốc tử giám cũng là một công trình nổi bật được xây dựng từ năm 1070, năm Thần Vũ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông. Văn Miếu được xây dựng với chức năng thờ cúng các bậc Tiên thánh, Tiên sư của Nho giáo; trường Quốc tử Giám bên cạnh Văn Miếu là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam; tháp Bút, hồ Gươm gắn với sự tích về vua Lê Lợi…
Nối tiếp truyền thống hào hùng của cha ông, mỗi người dân Việt nói chung, và người dân sinh sống trên mảnh đất văn hiến Hà thành luôn tự hào mang dòng máu Lạc Hồng với truyền thống yêu nước quật cường của cha ông để lại. Các thế hệ trẻ ngày hôm nay không ngừng tu dưỡng, phấn đấu để tiếp tục làm rạng danh dòng máu Tiên Rồng, phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện có ý nghĩa tồn vong của cả dân tộc Việt Nam, nơi có các lễ hội gắn liền với những mốc son lịch sử. Nhất là khi Tết đến xuân về, đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay lại mở hội tưng bừng, náo nhiệt, cho thấy sự sung túc, phát triển của trung tâm đất nước, vừa để tưởng nhớ đến các vị anh hùng dân tộc đã hiển thánh, duy thần trong lòng người dân từ đời này qua đời khác, vừa để giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Thủ đô ngàn năm.
Về kinh tế, Hà Nội xứng danh là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm kinh tế lớn nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Bộ với quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2023 đạt 1.297 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng, thu hút 2.943 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nền văn hiến của kinh thành Thăng Long - Hà Nội tụ hội nguyên khí ngàn năm tỏa chiếu mọi miền Tổ quốc, sánh ngang cùng các thành phố, thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị cổ kính, hoa lệ khác của thế giới. Thủ đô Hà Nội ngày nay phát huy mọi mặt kinh tế - xã hội, trở thành niềm tự hào của đất nước Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế với tên gọi “Thủ đô vì hòa bình”, “Thủ đô vì phẩm giá con người”. Qua đó, tiếp nối hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi trái tim con dân nước Việt, tự tin xây dựng quê hương và vững vàng hơn khi vượt ra biển lớn, đưa đất nước sánh ngang với các cường quốc năm châu./.
Phương Anh