Tháo gỡ điểm nghẽn thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh

17/06/2023 - 10:48 AM
Tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023 của TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, nên mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là 7,5 - 8% sẽ rất khó khăn. Để đạt mục tiêu đặt ra, giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế cả nước, Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, phát huy động lực cũ, khai phóng động lực mới, tạo đà để TP.HCM phục hồi và phát triển kinh tế.

Nhiều khó khăn, thách thức

Trong quá trình phát triển không ngừng của đất nước, hàng chục năm qua, TP. HCM đã luôn giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ năm 2011-2019, Thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm. GDP của Thành phố chiếm khoảng 23% GDP của cả nước; đóng góp 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu; trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước; đóng góp trên 66% GRDP cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Năm 2022, TPHCM có tốc độ tăng trưởng GRDP 9,03% (cả nước 8,02%); đóng góp 15,6% GDP (thứ 1/63); thu ngân sách nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng chiếm 30% tổng thu cả nước (thứ 1/63); thu nhập bình quân đầu người 6.770 USD/người (thứ 6/63); vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đạt 56,5 tỷ USD (thứ 1/63); xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD (thứ 1/63).

 
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả; sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm dần, chất lượng tăng trưởng chưa thật sự bền vững; tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm và chậm lại; Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sụt giảm;  hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; quy hoạch, quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện… Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong 5 năm trở lại đây, các động lực tăng trưởng bị suy giảm; mức độ đóng góp của TP.HCM vào GDP cả nước và ngân sách quốc gia đều sụt giảm.

Năm 2023, TP.HCM chịu nhiều tác động lớn, trong đó có sự bất ổn kinh tế từ giữa năm 2022 tiếp tục lan sang năm 2023. Những điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được. Chính vì vậy, GRDP quý I/2023 của TP tăng thấp (0,7%), là mức tăng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước. Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng thấp này có thể kéo theo chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả nước xuống thấp.

Theo thống kê, các ngành dịch vụ trọng yếu chiếm hơn 60,4% GRDP của thành phố thì có đến 4/9 ngành đạt mức tăng trưởng âm. Đặc biệt, ngoại thương cũng đang gặp khó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I chỉ tăng 4,7% (cả nước tăng 13,9%); Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công vốn được coi là vốn mồi khơi thông nền kinh tế cũng chưa được kích thích đễ dẫn dắt kinh tế phát triển. Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 phân bổ hơn 41.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quý I mới giải giải ngân được hơn 1.600 tỉ đồng, chỉ đạt khoảng 3,87%.

Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh đang có khoảng 156 dự án bất động sản bị tồn đọng chậm triển khai. Trung bình mỗi dự án có vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng. Như vậy thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang có khoảng 300.000 tỉ đồng đang bị ngâm vốn.

Nhiều ngành có mức độ lan tỏa cao đang giảm sâu như giá trị tăng thêm ngành xây dựng giảm 20%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khác.

Kết cấu hạ tầng (cả hạ tầng cứng và mềm) còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân cư cơ học, khiến Thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lớn về hạ tầng kinh tế-xã hội, úng ngập, chất thải, khói bụi, ô nhiễm, nhà ở... 

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; các chuỗi cung ứng, sản xuất, lao động chưa hoàn toàn phục hồi, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn kinh doanh, thiếu mặt bằng sản xuất. Công tác lập các quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn. Trong quý I có gần 18.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,8% cả nước, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, không chỉ tăng trưởng thấp, các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính của thành phố như PCI, PAPI, PAR-INDEX... cũng ở mức trung bình thấp; Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 27/63; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) năm 2021 thuộc nhóm 15 địa phương thấp nhất).

Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong quý II/2023 và những quý tiếp theo, kinh tế TP.HCM sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường. Vì vậy, cần phải có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo đà để TP phục hồi nhanh, lan tỏa cho các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tháo gỡ khó khăn, tạo lực đẩy để TP.HCM bứt phá

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là: “Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; Trung tâm Tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”.

Theo UBND TP.HCM, để hướng tới các mục tiêu này, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhằm tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, trong đó, 7 điều (từ điều 4 – điều 10) quy định 44 cơ chế, chính sách khá toàn diện trên 7 lĩnh vực khác nhau: (i) quản lý đầu tư; (ii) tài chính ngân sách; (iii) quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; (iv) thu hút nhà đầu tư chiến lược; (v) quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vi) tổ chức bộ máy của TP.HCM; (vii) tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Dự thảo Nghị quyết có 4 nhóm cơ chế, chính sách trong đó nhóm 4 là nhóm các cơ chế chính sách mới, chưa được quy định tại NQ 54/2017/QH14, chưa có trong nghị quyết đặc thù của các địa phương khác và chưa có trong các dự thảo Luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới nhưng rất cần thiết để tạo điều kiện TP.HCM phát triển đột phá trong thời gian tới. Cụ thể:

Nhóm 1: Là các cơ chế chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54, gồm các cơ chế chính sách kế thừa toàn bộ và các cơ chế chính sách sửa đổi, bổ sung như Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND) quyết định dự toán ngân sách thành phố; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay…

Nhóm 2: Là các cơ chế chính sách tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị…

Nhóm 3: Là các cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như UBND thành phố được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho thành phố.

Theo UBND TP.HCM, các cơ chế, chính sách này nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm việc định giá đất công khai, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế khiếu nại liên quan đến đất đai. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách này cũng khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm người thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Việc thông qua các cơ chế chính sách mới này sẽ tạo cơ sở thực tế để đánh giá về hiệu quả chính sách mới trong khi các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở… vẫn đang tiếp tục được soạn thảo và trình thông qua áp dụng chung cho cả nước trong thời gian tới.

Nhóm 4: Trong nhóm này, có mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư Công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC).

Cùng với đó là cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Theo các chuyên gia kinh tế, với cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM có bước phát triển đột phá và bứt tốc ở giai đoạn cuối năm, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng đầu tàu, dẫn dắt, đóng góp tốt hơn cho phát triển của các vùng kinh tế động lực phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cho cả nước.
Thu Hường
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top