Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

23/12/2023 - 07:43 AM

Sáng ngày 22/12/2023 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì hội nghị.

 Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Đây là Hội nghị đầu tiên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa (CNVH); cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa Việt.

Thời gian qua, với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, các ngành CNVH dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành CNVH đã thúc đẩy thị trường CNVH có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành CNVH nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Để CNVH Việt Nam sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành CNVH Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các địa phương trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần trách nhiệm, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và CNVH thời gian qua; Nhận diện thời cơ, thách thức của CNVH Việt Nam trong thời gian tới; Đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá...

 Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam 1

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, các ngành CNVH đã bước đầu phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm; ngày càng đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với quốc tế.

Ngành CNVH đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển KTXH chung của đất nước, riêng trong năm 2019 đã đóng góp 6,02% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển CNVH; năm 2021 đạt 3,92% GDP. Năm 2022, cùng sự phục hồi của KTXH, mức đóng góp này đã tăng lên mức 4,04% GDP. Thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển CNVH. Giai đoạn 2018-2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH tăng khá cao ở mức 7,2%/năm, hiện có trên 70 nghìn cơ sở kinh tế; Lực lượng lao động thuộc các ngành CNVH tăng khá nhanh ở mức 7,4%/năm, hiện thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế; Mô hình tổ chức đào tạo nhân lực cho phát triển CNVH từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp, chuyên nghiệp, bài bản, nhất là cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Xây dựng mạng lưới liên kết, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong CNVH được chú trọng, đạt được kết quả bước đầu. Mạng lưới liên kết, kết nối các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo trong nước và quốc tế dần hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu về các di tích văn hóa - lịch sử, nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, bảo tàng được đẩy mạnh xây dựng, tạo nền tảng quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về du lịch văn hóa nói riêng, CNVH nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ rõ những tồn tại như CNVH là phạm trù rộng, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, người dân, doanh nghiệp; tuy nhiên, chưa quy định rõ vai trò quản lý Nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn; cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ. Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển CNVH chưa theo kịp thực tiễn; công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực thuộc CNVH chưa hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho CNVH  chưa tương xứng, còn dàn trải; việc huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước, phương thức đối tác công tư (PPP) chưa đạt yêu cầu; Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực CNVH còn hạn chế; Nguồn nhân lực trong các ngành CNVH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cả về số lượng và chất lượng...

Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu tập trung thảo luận đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề Quy hoạch CNVH, về vấn đề nguồn nhân lực, cơ chế chính sách...

 Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam 2

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta có các cơ sở chính trị quan trọng để phát triển ngành CNVH là các Nghị quyết Trung ương; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa năm 2021; trong đó có 3 Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, 2 Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII để triển khai phát triển ngành CNVH. Tuy nhiên, hiệu quả làm được chưa tương xứng tiềm năng mong muốn.

Để phát triển các ngành CNVH, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển CNVH phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, các Nghị quyết chuyên đề của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Phát triển CNVH phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa; dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm CNVH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại. CNVH phải được tiếp cận bình đẳng về tiếp cận vốn, đất đai, thuế, các ưu đãi khác.

Phát triển CNVH phải năng động, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, đa dạng chuỗi cung ứng, đa dạng thị trường, liên ngành. Liên kết phải chặt chẽ, phù hợp quy luật thị trường, quy định của luật pháp, quy định của quốc tế.

Phát triển CNVH phải gắn liền việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước; phát triển CNVH phải gắn liền phát triển du lịch.

Các sản phẩm, dịch vụ CNVH phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, cạnh tranh, lành mạnh, trên nền tảng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”; từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa “tiềm năng” thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh. Phải có các cơ chế, chính sách ưu tiên để thu hút các nguồn lực.

Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và các nhiệm vụ cụ thể tới từng Bộ ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương , các Hiệp hội, cộng đồng các doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực CNVH./.

PV


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top