Thực trạng hôn nhân và gia đình dân tộc thiểu số

12/04/2023 - 03:20 PM
Do đặc trưng chung của đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi hẻo lánh nên đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, với những hủ tục lạc hậu đã dẫn đến tình trạng hôn nhân, gia đình của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập và hạn chế.

Tình trạng hôn nhân của các dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tuy nhiên theo đánh giá, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại nước ta còn chậm, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao (hơn 80%), cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn kém, trình độ dân trí của người dân nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá, đặc trưng chung của đa số hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh còn nhiều khó khăn, với việc coi "làm ăn” để sinh tồn là lẽ sống, đòi hỏi trẻ em tham gia vào việc đóng góp sức lực, kinh tế cho gia đình. Nam nữ đến tuổi trưởng thành phải tập trung lao động để sinh sống. Các em trai được trông đợi trở thành người trụ cột, có trách nhiệm trong gia đình, các em gái được trông đợi trở thành vợ và mẹ. Mặt khác, trong bối cảnh của những quy chuẩn văn hóa phụ hệ, việc lập gia đình có ý nghĩa thay đổi vị thế xã hội và ý nghĩa cho cuộc đời con người. Các tư duy cho rằng, hôn nhân là đích đến tất yếu và cần thiết để duy trì và củng cố trong các tộc người, đã chi phối mọi nhận thức trong tình yêu và hôn nhân của các em, từ đó tác động ảnh hưởng tới tình trạng hôn nhân của nhiều tộc người thiểu số.

Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc cho thấy: Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, với trên 14 triệu người (chiếm 14,68% dân số cả nước). So với năm 2009, dân tộc thiểu số tăng 1,42%. Dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng ở 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 503 huyện, 5468 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 424 xã biên giới (tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia). Trong đó có 13,8% sống ở thành thị, và 86,2% nông thôn.

 
Thực trạng hôn nhân và gia đình dân tộc thiểu số

 
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 78,9%, cao hơn tỷ lệ chung của dân số cả nước (77,5%). Một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn cao như: Lự (84,2%), Hrê và Xinh Mun (83,9%), La Chí (83,6%), Mông (83,1%). Dân tộc Hoa, Ơ Đu, Si La là những dân tộc có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên kết hôn thấp nhất, lần lượt là 66,1%, 68,7% và 69,2%.

Tình trạng ly hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số là không phổ biến. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đã ly hôn chỉ 1,2%. Dân tộc Ngái và dân tộc Brâu có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên ly hôn cao nhất, lần lượt là 2,4% và 2,3%.
 
 
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang diễn ra ở một số tộc người thiểu số. Năm 2018, theo dân tộc, tỷ lệ tảo hôn cao nhất là: dân tộc Mông chiếm 51,5%, Cơ Lao chiếm 47,8%, Mảng chiếm 47,2%, Xinh Mun chiếm 44,8%, Mạ chiếm 39,2%. Tỷ lệ tảo hôn của nữ dân tộc thiểu số cao hơn nam dân tộc thiểu số; tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất là dân tộc Mnông chiếm 37,7%0, La Chí chiếm 30,8%0, Bru-Vân Kiều chiếm 28,6%0, Cơ Tu chiếm 28%0 và Lô Lô chiếm 22,4%0.

Tình trạng kinh tế của hộ gia đình dân tộc thiểu số

Các kết quả điều tra cho thấy, hiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của dân tộc thiểu số chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo kết quả điều tra năm 2019 vẫn khá cao ở các hộ gia đình dân tộc tại các xã vùng dân tộc thiểu số (35,4), cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc (10,2%). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở khu vực biên giới cao gấp 1,4 lần khu vực khác (48,1% so với 34,3%); khu vực nông thôn cao xấp xỉ 4 lần khu vực thành thị (39,3% so với 10,9%).

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất. Gần một nửa (48,1%) hộ dân tộc tại các xã vùng dân tộc thiểu số ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, dân tộc Chứt có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến 89,3%, nghĩa là cứ 10 hộ thì có đến 9 hộ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Ngoài các dân tộc nói trên, cả nước vẫn còn 21 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn một nửa. Trong đó có dân tộc Mông - một trong số ít dân tộc thiểu số có dân số đông nhất (trên 1 triệu người) nhưng có số hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 2/3 (65,6%). Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc (39%), Tây Nguyên (35,2%). Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thấp nhất là ở Đông Nam Bộ với 4,6%. Mới chỉ có khoảng 6,2% lao động người dân tộc thiểu số được qua đào tạo (từ sơ cấp nghề trở lên), bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến trong các gia đình dân tộc thiểu số. Ở một số dân tộc, các nhóm dân tộc có tỷ trọng việc làm trong nông nghiệp cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng cao và tỷ lệ đói nghèo ở các dân tộc này cũng rất cao, như: Co, Xinh Mun, La Hủ, Chứt, Mảng, Pà Thẻn có số hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến hơn 70%.

Mức sinh và quy mô hộ gia đình dân tộc thiểu số

Ước lượng tổng tỷ suất sinh (TFR) của người dân tộc thiểu số từ kết quả Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là 2,35 con/phụ nữ. Mức sinh của phụ nữ dân tộc thiểu số năm 2019 đã giảm 0,03 con/phụ nữ so với năm 2015 nhưng vẫn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/ phụ nữ và cao hơn so với mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ. Trong 53 dân tộc thiểu số, dân tộc Hoa và dân tộc Hrê có mức sinh thấp nhất và thấp hơn mức sinh thay thế, lần lượt là 1,52 con/phụ nữ và 2,08 con/phụ nữ. 5 dân tộc có mức sinh cao nhất gồm: Mảng (4,97 con/phụ nữ), Chứt (3,82 con/phụ nữ), Cơ Lao (3,71 con/ phụ nữ), La Hủ (3,68 con/phụ nữ) và Mông (3,57 con/phụ nữ).

Cũng theo kết quả điều tra năm 2019, tính đến thời điểm 01/4/2019, số hộ dân tộc thiểu số là 3.680.943 hộ, chiếm 13,7% tổng số hộ của cả nước. Quy mô hộ phổ biến của 53 dân tộc thiểu số có số người trung bình từ 2-4 người/hộ, chiếm 59% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ độc thân (hộ 1 người) chiếm 5,6% tổng số hộ; hộ từ 7 người trở lên chiếm 7,9% tổng số hộ. Một số dân tộc có tỷ lệ hộ từ 7 người trở lên cao, như: Mông (24,2%), Mảng (20,5%) Khơ Mú (15,1%), Lô Lô (15%). Tính trung bình, quy mô hộ dân tộc thiểu số là 4,1 người/hộ ở năm 2019 (quy mô bình quân một hộ của cả nước là 3,6 người). Các dân tộc Mông, Khơ Mú, Mảng là những dân tộc có quy mô bình quân một hộ cao nhất, dân tộc Mông có quy mô 5,3 người/hộ, dân tộc Khơ Mú và Mảng có quy mô 4,8 người/hộ. Các dân tộc Rơ Măm, Brâu, Hrê, Tày, Pu Péo là những dân tộc có quy mô hộ nhỏ nhất với 3,5 người/hộ hoặc 3,6 người/hộ.

Tình trạng tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và thông tin của hộ gia đình dân tộc thiểu số

Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đi học chung cấp tiểu học của học sinh dân tộc thiểu số là 100,5%, cấp trung học cơ sở (THCS) là 85,8% và trung học phổ thông (THPT) là 50,7%. Ở cấp tiểu học, không có nhiều sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về tỷ lệ đi học chung (100,4% so với 100,5%). Cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa thành thị và nông thôn càng lớn, cụ thể: Cấp THCS, tỷ lệ đi học chung của khu vực thành thị cao hơn tỷ lệ đi học chung của khu vực nông thôn là 6% (91% so với 85%); mức chênh lệch này ở cấp THPT là 24,1% (71,1% và 47%). So với năm 2015, mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở cấp THPT với tỷ lệ đi học chung ở cấp này tăng 8,9% (năm 2015, tỷ lệ đi học chung của 53 dân tộc thiểu số ở cấp tiểu học là 98,6%; cấp THCS là 83,9%, cấp THPT là 41,8%).

Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THCS và THPT của trẻ em dân tộc thiểu số lần lượt là 81,6% và 47%. Một số dân tộc có tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi ở hai cấp này cao hơn mức bình quân chung của 53 dân tộc thiểu số, như: Tày, Hoa, Mường, Nùng, Ngái, Sán Dìu, Si La, Bố Y. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều dân tộc thiểu số có tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp THPT thấp (dưới 30%), như: Mông, Ba Na, Gia Rai, Mnông, Raglay, Xtiêng... Tương tự như tỷ lệ đi học chung, tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn ở tất cả các cấp học; cấp học càng cao, sự khác biệt càng lớn.

Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học giảm gần 2 lần, từ 26,4% năm 2009 xuống còn 15,5% năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của 53 dân tộc thiểu số hiện vẫn cao hơn gần 2 lần tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của cả nước và cao hơn gần 3 lần tỷ lệ này của dân tộc Kinh. Tỷ lệ trẻ em trai dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học cao hơn trẻ em gái, mức chênh lệch là 1,9% (16,4% so với 14,5%). Có 19/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường trên 20%, trong đó tỷ lệ này của dân tộc Brâu cao nhất (35,4%), tiếp đến là dân tộc Xtiêng (35,3%). Dân tộc Sán Dìu và dân tộc Tày có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường thấp nhất trong 53 dân tộc thiểu số, tương ứng là 3,7% và 5,1%. Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số ngoài nhà trường giữa các cấp học cũng có sự khác biệt khá rõ. Cấp học càng cao, tỷ lệ này càng tăng. Ở cấp tiểu học, cứ 100 em trong độ tuổi đi học cấp tiểu học thì có khoảng 2 em không đến trường; con số tương ứng ở cấp THCS (lứa tuổi dễ tảo hôn) là 13 em, ở cấp THPT là 46 em. Một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ trẻ em không đi học THCS cao hơn khoảng 3 lần so với mức chung của 53 dân tộc thiểu số như: Brâu (45,2% so với 13,3%), Xtiêng (39,6% so với 13,3%); Gia Rai (36,3% so với 13,3%). Tình trạng học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi học THPT không đến trường là phổ biến ở hầu hết các dân tộc với 27/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ học sinh trong độ tuổi không đi học THPT chiếm trên 50%. Ở tất cả các cấp học và hầu hết các dân tộc thiểu số, tình trạng bỏ học hoặc chưa bao giờ đi học của trẻ em trai luôn cao hơn trẻ em gái. Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên là 80,9%, tăng 1,7% so với năm 2015. Như vậy, sau gần 5 năm tỷ lệ này tăng lên không nhiều. Để đạt được mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030: “Đến năm 2025 người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%”, cần tập trung các chính sách để nâng cao tỷ lệ đi học của trẻ em dân tộc thiểu số ở các cấp và các chương trình bổ túc văn hóa đối với người dân tộc thiểu số ngoài độ tuổi đi học phổ thông.

Nhìn chung, tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông ở nhiều dân tộc thiểu số còn khá thấp, trong đó thấp nhất là các dân tộc: Mảng (46,2%), La Hủ (46,9%), Lự (49,7%), Mông (54,3%). Các dân tộc thiểu số có tỷ lệ biết đọc biết viết chữ phổ thông cao như: Ngái (96,5%), Sán Dìu (95,7%), Mường (95,5%), Tày (94,9%), Thổ (94,9%), Hoa (91%), Nùng (90%).

Có sự khác biệt về giới và khu vực thành thị, nông thôn về khả năng đọc thông viết thạo chữ phổ thông của người dân tộc thiểu số. Nam dân tộc thiểu số có tỷ lệ đọc thông viết thạo chữ phổ thông cao hơn nữ dân tộc thiểu số 11,6% (86,7% so với 75,1%). Tỷ lệ này của người dân tộc thiểu số sống ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 8,9% (88,7% so với 79,8%). Đặc biệt, đối với phụ nữ dân tộc thiểu số có một tỷ lệ đáng kể không biết chữ, không biết tiếng phổ thông nên không thể giao tiếp được với người ngoài cộng đồng. Hiện nay, có một bộ phận chủ hộ (bao gồm cả ông bố và bà mẹ) không biết chữ và tiếng phổ thông đã ảnh hưởng đáng kể tới quá trình giáo dục con cái của họ và hòa nhập cộng đồng...

Về cơ hội tiếp cận thông tin, kết quả điều tra năm 2019 cho thấy, cùng với sự tăng cao của tỷ lệ hộ sử dụng máy vi tính và điện thoại, tỷ lệ hộ được tiếp cận internet của đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể, chiếm 61,3% tổng số hộ dân tộc thiểu số, tăng 54,8% so với năm 2015. Trong số 53 dân tộc thiểu số, dân tộc Hoa có tỷ lệ hộ sử dụng internet cao nhất (83,7%), tiếp đến là dân tộc Ngái (81,9%) và thấp nhất là dân tộc La Hủ (10,2%). Nếu như năm 2015, chưa có hộ nào thuộc dân tộc Rơ Măm và Brâu sử dụng internet thì đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng internet của hai dân tộc này đã đạt lần lượt là 30,8% và 15,1%. Sự cải thiện về tỷ lệ hộ sử dụng internet cho thấy cơ hội tiếp cận thông tin của các hộ dân tộc thiểu số đã được mở rộng, từ đó góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Nguyễn Thị Kim Chi
Trưởng phòng, Phòng Tổ chức - Hành chính, Cục Thống kê TP. Hà Nội
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top