Tiếp tục thúc đẩy đào tạo nghề lao động nông thôn

25/12/2023 - 02:10 PM

Đào tạo nghề lao động nông thôn đang góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế địa phương, qua đó thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng vào các chỉ tiêu xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững trên địa bàn nông thôn.

Đào tạo nghề lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 1

Đa dạng phương thức đào tạo nghề

Trong chương trình xây dựng NTM, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là một trong những giải pháp căn cơ nhằm tạo việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động khu vực nông thôn trong quá trình chuyển nhanh cơ cấu kinh tế địa phương. Do đó, nhiều địa phương đã tập trung nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để đầu tư, hỗ trợ các cơ sở đào tạo ngành nghề nông thôn. Đến nay, việc tổ chức đào tạo nghề trong xây dựng NTM tại các xã đã chú trọng bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành từ đó hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, các cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp tại các xã theo hướng hợp lý, tạo bước đột phá để thực hiện các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM.

Với việc bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đáp ứng thực tế nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong xây dựng NTM tại nhiều địa phương đã và đang mang lại hiệu quả, nhất là các mô hình dạy nghề đã hình thành sản xuất mới đem lại hiệu quả cao.

Đơn cử, tại tỉnh Quảng Ninh, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng gần 40.000 lao động nông thôn, trong đó 38% học nghề nông nghiệp, 62% học nghề phi nông nghiệp. Người dân có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học để nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Các lớp dạy nghề xây dựng các chương trình đào tạo nghề sát với tình hình thực tế đáp ứng nhu cầu của người dân và hợp tác xã (HTX) như: Trồng na, trồng dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, nghề đan lưới, trồng nấm.... Nhờ đó, người lao động nông thôn sau khi được đào tạo đã có việc làm và phát huy hiệu quả tại các HTX.

Tỉnh Ninh Bình, đã đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Từ kiến thức được đào tạo, người nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, 80% người nông dân sau khi học nghề có thu nhập khá, 10% người nông dân sau khi học nghề đã chuyển đổi nghề.

Tại Vĩnh Phúc, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực với số lượng lao động nông thôn tham gia học nghề được duy trì hàng năm. Tính riêng năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo gần 29.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Tỉnh đạt 79%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 36%, góp phần duy trì 100% các xã đạt tiêu chí về đào tạo lao động trong xây dựng NTM. Đặc biệt, sau đào tạo, 100% người học có việc làm và tự tạo việc làm hoặc tiếp tục các công việc sẵn có tại địa phương, trên 80% lao động nông thôn được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tiêu bao sản phẩm; số còn lại tự tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 82%, trong đó, tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%, hoàn thành tiêu chí về đào tạo lao động trong xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn để điều chỉnh, bổ sung danh mục phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người lao động về vai trò của đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia giám sát việc học và dạy nghề, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng NTM.

Là tỉnh thuần nông, tỉnh Quảng Trị có khoảng 70% dân số sống nhờ nông nghiệp, nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Qua đào tạo, không những góp phần nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để bà con ứng dụng trong sản xuất, gia tăng lợi nhuận mà còn tạo ra sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt từ 75-80%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ là trên 33%, đến năm 2030 là 85-90%, có bằng cấp, chứng chỉ là trên 36%. Tỷ lệ lao động có việc làm mới bình quân hàng năm giai đoạn 2020 - 2025 là 12.000 lao động, giai đoạn 2025 - 2030 là 12.500 lao động.

Tỉnh Tiền Giang, xây dựng NTM nâng cao gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo đó, Tỉnh đã tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề; Khuyến khích, huy động, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua khảo sát, đánh giá đối với lao động nông thôn đã tốt nghiệp sau 1 năm, tỷ lệ lao động đã có việc làm đạt hơn 85%. Thu nhập tăng thêm khoảng 750.000 đồng/tháng/hộ đối với lao động học kỹ thuật nông nghiệp; 1,5 triệu đồng/tháng/lao động đối với lao động học nghề phi nông nghiệp. Một số ngành nghề Tỉnh đang tập trung đào tạo gồm: Sửa chữa xe gắn máy; hàn; may công nghiệp; sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng; sửa chữa máy may công nghiệp; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Trong đó, các nghề may, sửa chữa máy may, cơ khí, đan lát… người lao động được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp hoặc nhận gia công hàng cho các cơ sở sản xuất nên có việc làm ổn định. Để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 đào tạo 68.000 lao động gồm: 10.000 cao đẳng, 15.000 trung cấp và 43.000 trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, từ khi thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy... từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề.

Người lao động ở khu vực nông thôn được đào tạo nghề, cập nhật những kiến thức mới, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất đạt năng suất và hiệu quả cao, số lao động sau học nghề có việc làm, nguồn thu nhập được tăng lên đáng kể, góp phần vào tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

Đào tạo nghề lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 2

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với xây dựng NTM nâng cao

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng lao động ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Người lao động nông thôn cũng đã đổi mới cách làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo tiêu chí NTM.

Để bắt kịp với xu thế phát triển của xây dựng NTM nâng cao, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, tiếp tục làm tốt công tác dự báo về cung-cầu lao động để phối hợp với các cơ sở dạy nghề có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động; Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa loại hình dạy nghề, tạo điều kiện, cơ hội cho lao động nông thôn có nguyện vọng học nghề đều được đáp ứng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người lao động về vai trò của đào tạo nghề trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia công tác đào tạo nghề nông nghiệp, trong đó coi trọng công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp gắn với giải quyết có hiệu quả việc làm cho người lao động sau khi đào tạo; tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp dạy nghề cho lao động nông thôn; nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo phải phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề án tái cấu trúc nông nghiệp, xây dựng NTM và điều kiện của người học nghề./.

Đào tạo nghề lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 3

PV


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top