Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội

13/03/2025 - 02:03 PM
Tóm tắt: Du lịch là ngành kinh tế thiết yếu và tổng hợp, giàu nội dung văn hóa, có mối liên kết ngành mạnh mẽ và tương tác xã hội giữa các vùng. Bài viết này phân tích thực trạng liên kết vùng trong phát triển du lịch tại Hà Nội. Trên cơ sở phân tích này, một số giải pháp được đề xuất nhằm tăng cường liên kết vùng trong phát triển du lịch của vùng Thủ đô.
 
Từ khoá: liên kết vùng, phát triển du lịch, Hà Nội
 
Promoting regional linkages in tourism development in Hanoi city

Abstract: Tourism is an essential and integrated economic sector, rich in cultural content, with strong sectoral linkages and social interaction across regions. This article analyzes the current state of regional linkages in tourism development in Hanoi. Based on this analysis, several solutions are proposed to enhance regional connections in the tourism development of the capital region.
 
Keywords: region linkage, tourism development, Hanoi
1. Đặt vấn đề
 
Việt Nam có sự đa dạng về văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên, liên kết vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú và độc đáo, từ đó hướng tới thu hút nhiều hơn du khách trong và ngoài nước. Nghiên cứu Ngô Văn Phong (2022) đã cho thấy liên kết vùng là sự giao thoa giữa các nguồn lực, điểm mạnh nhằm phân bổ, chia sẻ, hỗ trợ và bù đắp cho nhau cùng phát huy nguồn lực vốn có để đạt được các mục tiêu đặt ra. Liên kết vùng trong phát triển du lịch bao hàm liên kết phát triển nội vùng và phát triển liên vùng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp chịu sự tác động của nhiều ngành, đồng thời chịu ảnh hưởng của nhiều cấp theo chiều dọc và chiều ngang (Trần Xuân Quang, 2020). Theo đó, liên kết vùng trong phát triển du lịch là việc cùng tham gia, chia sẻ, hợp tác, phân công giữa các bên trong vùng nhằm phát triển du lịch. Trong đó bao hàm một số nội dung như liên kết hợp tác về hạ tầng giao thông, chia sẻ các nguồn lực, lợi thế, hợp tác về nhân lực, xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch, cùng xây dựng và chia sẻ các sản phẩm du lịch trong vùng.
 
Hà Nội là trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất trên cả nước, có quy mô dân số và diện tích lớn, tạo nên vị thế và sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Nhu cầu du lịch trong và ngoài nước rất lớn, hứa hẹn tiềm năng phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn. Liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của Hà Nội, đồng thời kích thích sự phát triển du lịch của các địa phương xung quanh. Điều này, không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn tạo điều kiện cho toàn khu vực phát triển trên nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, thể thao, giáo dục, và y tế. Các địa phương có thể cùng chia sẻ và hợp tác, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả Vùng. Chính vì vậy, bài viết này nhằm mục đích nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch trên địa bàn TP Hà Nội.
 
Thực trạng liên kết vùng trong phát triển du lịch tại thành phố Hà Nội
 
Hà Nội được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch phong phú, trong đó có 5.847 di tích và 1.350 làng nghề. Lượng khách du lịch tăng ổn định bình quân 10%/năm, và doanh thu từ du lịch tăng bình quân 15,5%/năm (Tổng cục Du lịch Việt Nam, 2024). Tuy nhiên, phát triển du lịch vùng Thủ đô vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc kết nối địa phương và doanh nghiệp do thiếu phối hợp hiệu quả giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu sự đồng nhất trong chất lượng dịch vụ (Bảo Thoa, 2023). Các chương trình du lịch giữa Hà Nội và các điểm du lịch khác thường bị phân chia bởi các công ty du lịch nhỏ lẻ, không có sự hợp tác chặt chẽ. Điều này dẫn đến việc cung cấp dịch vụ không đồng đều và không tạo được trải nghiệm liền mạch cho du khách. Ví dụ, các tuyến du lịch từ Hà Nội đến Ninh Bình có thể gặp vấn đề về chất lượng dịch vụ ăn uống, vận chuyển không đồng nhất. Điều này làm giảm sự hài lòng của du khách và ảnh hưởng đến hình ảnh chung của du lịch vùng Thủ đô. Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên chưa được chú trọng đúng mức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của du khách. Bên cạnh đó, vấn đề về môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch trong vùng. Chẳng hạn, làng gốm Bát Tràng hay phố cổ Hà Nội chưa được khai thác hợp lý và còn thiếu các hoạt động du lịch phong phú, gây nhàm chán cho du khách. Việc đô thị hóa nhanh chóng cũng khiến cho nhiều di sản bị xuống cấp mà không có biện pháp bảo tồn kịp thời (Đinh Giang, 2023).
 
Ngoài ra, hệ thống giao thông chưa dựa trên một nền tảng về du lịch vững chắc, có đầu tư bài bản, có quản lý tốt về các hệ thống tuyến điểm, có truyền thống tốt,... dẫn đến doanh thu và doanh số du lịch không đạt như kỳ vọng. Những tồn tại về giao thông điển hình như: Thiếu đường kết nối, thiếu đồng bộ hạ tầng, nhiều điểm du lịch ở địa phương còn thiếu đường giao thông, chất lượng đường còn kém, lạc hậu, mức độ đầu tư còn rất hạn chế. Vấn đề đồng bộ về giao thông cả đường bộ, đường không, đường sắt chưa hợp lý, chưa hình thành các tuyến du lịch trong Vùng mà mới chỉ phát triển tự phát dựa trên hệ thống giao thông có sẵn.
 
Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội
 
Bên cạnh đó, phát triển du lịch của Hà Nội và vùng Thủ đô hiện nay đang sự thiếu phối hợp hiệu quả giữa các địa phương và doanh nghiệp du lịch. Trong đó, theo Đinh Giang (2023) việc gắn kết giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và các địa phương khác trong vùng vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Việc đô thị hóa quá nhanh, mật độ dân cư tập trung lớn gây ảnh hưởng không nhỏ tới các điểm di tích, danh lam thắng cảnh. Việc khai thác du lịch của Hà Nội hiện nay còn rời rạc, tập trung chủ yếu ở vài điểm truyền thống tại một số quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa,... chưa có được tổng thể các tour du lịch mang tính bài bản tại các điểm du lịch Hà Nội. Do đó, cần xây dựng các trục du lịch chính cho Hà Nội. Trước mắt, có thể phân định 3 không gian du lịch theo 3 trục lớn: Trung tâm Hà Nội - Ba Vì - Sơn Tây; nội thành Hà Nội - Đông Anh - Sóc Sơn; nội thành Hà Nội - Mỹ Đức...
 
Theo Đoàn Mạnh Cương (2019), một trong những điểm hạn chế ảnh hưởng đến phát triển liên kết vùng du lịch là sự thiếu quản lý do việc quá tải khách du lịch trong những thời điểm nhất định gây ảnh hưởng đến chính cảnh quan và cộng đồng xã hội, văn hóa của điểm đến, về lâu dài sẽ làm cho ngành du lịch bị tổn hại. Khu vực du lịch sinh thái Sóc Sơn nối với khu du lịch Tam Đảo (nằm trong quy hoạch liên kết du lịch dọc tuyến Nhật Tân - Nội Bài - Vành đai 4) hiện cũng gặp một số vấn đề như: Chưa được đầu tư đúng mức, sơ sở hạ tầng thấp kém thiếu kết nối, cơ sở lưu trú nghèo nàn, hệ thống dịch vụ cung ứng du lịch mới manh nha phát triển và thiếu quản lý, không đáp ứng được nhu cầu du lịch chung mặc dù vị trí này có nhiều tiềm năng về du lịch (Thu Hường, 2023).
 
Vấn đề môi trường, như ô nhiễm không khí và rác thải tại các khu du lịch cũng làm giảm sức hấp dẫn của vùng Thủ đô. Việc quản lý vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch ngay trong nội đô Hà Nội nói riêng và trong vùng Thủ đô còn rất hạn chế, đặc biệt bố trí các nơi thu gom rác và các khu nhà vệ sinh công cộng còn ít. Điển hình là khu Văn Miếu, Hoàng Thành bố trí các điểm thu gom rác và nhà vệ sinh rất bất cập trong khi khối lượng du khách đến rất đông. Các khu vực công viên, vườn hoa, phố đi bộ trong khu vực Hà Nội cũng đang trong tình trạng mất vệ sinh do có rất ít điểm vệ sinh công cộng, điểm thu gom rác và năng lực quản lý tại những nơi này. Các khu sinh thái, điểm du lịch quanh ngoại thành hiện tại cũng đang gặp vấn đề về cảnh quan, môi trường, sinh thái bị ảnh hưởng do việc quản lý đất đai, xây dựng, môi trường kém hiệu quả... điển hình như khu Tràng An - Ninh Bình. Theo Nguyễn Thị Thu Mai và cộng sự (2020), Ban Quản lý Tràng An đã phát hiện và lập biên bản đề nghị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý 06 trường hợp vi phạm rừng đặc dụng và cảnh quan môi trường thuộc các xã Ninh Hải, Trường Yên, Sơn Hà. Vào mùa lễ hội, lượng rác thải tăng lên đột biến (do lượng khách quá tải) và được gom, xử lý, đốt ngay trong vùng lõi di sản đã làm ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí và gây mất mỹ quan du lịch, đặc biệt ở 02 xã Trường Yên và Ninh Xuân.
 
Cuối cùng, hoạt động truyền thông quảng bá các tour văn hóa, đặc biệt là tour văn hóa Hà Nội vẫn chưa được đầu tư mạnh mẽ. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ lớn khách quốc tế chỉ coi Hà Nội là điểm trung chuyển để đến các điểm du lịch khác như khám phá văn hóa vùng cao Sapa, nghỉ dưỡng biển Hạ Long hay tham quan danh thắng Ninh Bình.
 
Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội
 
Với vai trò trung tâm trong mạng lưới kết cấu giao thông của vùng Thủ đô, Hà Nội đặt ưu tiên hàng đầu vào việc phát triển và tối ưu hóa các tuyến đường, đặc biệt là Vành đai 4. Với khả năng kết nối với 7 tuyến cao tốc quan trọng, vành đai 4 không chỉ giảm áp lực giao thông mà còn mở ra cơ hội mới cho sự phát triển du lịch trong vùng (Diệu Anh, 2024). Đây không chỉ là một tuyến đường thông thường, mà còn là điểm nút giao thông quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách khám phá những điểm đến nổi tiếng như Hạ Long, Quảng Ninh, hay các địa danh lịch sử và văn hóa khác trong vùng.
 
Việc cải thiện hạ tầng kết nối giữa Hà Nội với các địa phương, các đô thị vệ tinh và trung tâm thành phố cũng mở ra cơ hội mới cho du lịch văn hóa, tăng cơ hội về việc làm, doanh thu, trao đổi sản phẩm trong lĩnh vực du lịch. Thông qua đó, cần chú trọng xây dựng, cải tạo lại các tuyến giao thông gắn với các điểm du lịch quan trọng, tiềm năng. Ví dụ, việc mở rộng mạng lưới đường liên tỉnh từ Hà Nội đến các điểm du lịch lịch sử như Chùa Thầy, Làng gốm Bát Tràng, hoặc Khu Di tích Lịch sử Cổ Loa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá và trải nghiệm văn hóa, lịch sử độc đáo của vùng.
 
Bên cạnh việc kết nối Vành đai 4 cũng cần cân nhắc xây dựng các vành đai liên kết rộng hơn cùng với các tuyến liên kết giữa các trung tâm dân cư, hành chính với các khu du lịch lớn vừa được xây dựng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi muốn thăm quan các di sản văn hóa nổi tiếng như: làng nghề truyền thống Đông Hồ ở Bắc Ninh, hay làng du lịch cổ Tràng An tại Ninh Bình nhằm khuyến khích du khách khám phá và tận hưởng những trải nghiệm độc đáo của vùng Thủ đô Hà Nội và các điểm du lịch xung quanh.
 
Khuyến khích sự hợp tác giữa các địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú. Trong nỗ lực phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hơn, vùng Thủ đô Hà Nội đã đề ra một số giải pháp thực tế. Đầu tiên, việc xây dựng các hành trình du lịch liên kết giữa Hà Nội và các điểm đến khác trong khu vực như: Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sóc Sơn, Ba Vì... sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho du khách và mở ra nhiều cơ hội khám phá mới. Giải pháp này kết hợp các sản phẩm du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng, MICE và du lịch làng nghề sẽ góp phần vừa phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội, vừa phát triển du lịch vùng, bởi Hà Nội vừa đóng vai trò trung chuyển, vừa có các làng nghề, vừa có các vùng nông thôn phụ cận thỏa mãn các tiêu chí về du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng. Ví dụ, hành trình du lịch kết hợp giữa Hà Nội và Ninh Bình có thể bao gồm viếng thăm cố đô Hoa Lư, tham quan Tam Cốc - Bích Động và trải nghiệm tham quan trên sông Ngô Đồng. Du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực Sóc Sơn cũng gắn kết được với các di tích, các khu nghỉ dưỡng và có điểm xuất phát tại Hà Nội và có thể di chuyển tới Vĩnh Yên - Tam Đảo...
 
Các vùng nông thôn ven đô Hà Nội vốn có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời vừa có nhiều khung cảnh đa dạng, vừa gần với các trục di chuyển tới các tỉnh phụ cận của TP. Hà Nội. Nếu liên kết sản phẩm này theo chuỗi các điểm du lịch sẽ hứa hẹn có nhiều tiềm năng về phát triển sản phẩm du lịch. Tuyến du lịch “Khám phá làng quê, làng nghề xứ Đoài” kết nối các điểm đến như: làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc với các làng nghề truyền thống ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh (vốn có nhiều làng nghề cổ truyền và các di tích cổ) là một ví dụ. Trong đó có thể xây dựng thành một tour khép kín với việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, điểm dừng chân, cơ sở lưu trú, ẩm thực văn hóa nhằm nâng cao sức hấp dẫn. Việc xây dựng các tuyến du lịch liên kết, khép kín giữa các điểm đến tiêu biểu ở vùng Thủ đô và Hà Nội sẽ giúp tăng sức hấp dẫn, độc đáo của các sản phẩm du lịch, đồng thời thúc đẩy sự kết nối, phát triển đồng bộ giữa du lịch thủ đô và vùng Thủ đô. Việc tăng cường các sản phẩm du lịch như vậy sẽ giúp tăng vị thế của TP. Hà Nội và các điểm du lịch tại các địa phương, tăng thÊm cơ hội quảng bá, thương hiệu cũng như giảm được chi phí quảng bá.
 
Việc tăng cường quảng bá thông qua công nghệ sẽ giúp thu hút sự chú ý của du khách. Các nền tảng truyền thông xã hội như: Facebook, Instagram và YouTube có thể được sử dụng để chia sẻ những hình ảnh đẹp và video quảng cáo về các sản phẩm du lịch đa dạng của TP. Hà Nội, như tham quan phố cổ Hà Nội, thưởng thức ẩm thực đường phố và khám phá văn hóa dân gian của người dân nơi đây.
 
Việc phát triển du lịch bền vững và bảo tồn truyền thống cũng là một ưu tiên. Các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa sẽ giúp du khách trải nghiệm những giá trị đích thực của địa phương; đồng thời bảo vệ môi trường và di sản văn hóa. Ví dụ, du lịch sinh thái tại Rừng quốc gia Ba Vì, du lịch cộng đồng tại làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, làm nón làng Chuông, thêu Quất Động, khắc Sơn Đồng, gỗ Nhị Khê hay du lịch văn hóa tại làng khảm trai Chuôn Ngọ. Trải nghiệm các giá trị văn hóa ẩm thực ngay tại các làng cổ tại Hà nội như: làng cốm Vòng, phở phố cổ, bánh tôm Hồ Tây, giò chả Ước Lễ, xôi chè Phú Thượng, nem Phùng, bánh dày Quán Gánh, Bánh tẻ Phú Nhi... là những trải nghiệm độc đáo và mang tính bền vững mà du khách có thể khám phá khi đến Hà Nội. Một ví dụ khác như tổ chức “Lễ Hội Nghệ Thuật Đường Phố” kết hợp với “Đêm Trình Diễn Ánh Sáng và Âm Nhạc” tại phố cổ Hà Nội với trung tâm là khu vực Tràng Tiền, nơi mà các nghệ sĩ đương đại có thể biểu diễn các thể loại nghệ thuật đa dạng như: Vẽ tranh, điêu khắc, biểu diễn sân khấu, và nhiều hình thức nghệ thuật khác. Đây sẽ là cơ hội để du khách tương tác trực tiếp với nghệ sĩ và trải nghiệm không gian nghệ thuật sống động và sáng tạo.
 
Tăng cường quảng bá và tiếp thị kỹ thuật số để tiếp cận được nhiều đối tượng du khách tiềm năng hơn. Để nâng cao hiệu quả chiến lược quảng bá và tiếp thị kỹ thuật số của ngành du lịch vùng Thủ đô Hà Nội, cần tập trung vào một số giải pháp thực tế. Trước hết, cần tăng cường đào tạo chuyên sâu về tiếp thị kỹ thuật số cho cán bộ quản lý và nhân viên tại các điểm tham quan, làng nghề. Đồng thời, xây dựng một kế hoạch chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các bên liên quan, với thông điệp thương hiệu rõ ràng và triển khai chiến dịch quảng bá theo lộ trình cụ thể.
 
Phát triển nội dung quảng bá sáng tạo và đa dạng là yếu tố then chốt. Điều này bao gồm sản xuất các video ngắn về trải nghiệm du lịch thực tế, bài viết blog về văn hóa, ẩm thực và sự kiện tại các điểm đến như: Hoàng thành Thăng Long, làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng. Đẩy mạnh sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, YouTube, TikTok để quảng bá du lịch thông qua các chiến dịch hashtag, livestream sự kiện và hợp tác với influencers, kết hợp với việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để theo dõi và điều chỉnh chiến lược dựa trên phản hồi và tương tác của người dùng.
 
Cuối cùng, cần tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia các hội chợ du lịch toàn cầu để mở rộng thị trường và thu hút du khách quốc tế. Cải thiện hạ tầng kỹ thuật số tại các điểm du lịch, bao gồm cung cấp Wi-Fi miễn phí, ứng dụng hướng dẫn du lịch số và bảng thông tin điện tử. Đồng thời, phát triển các chương trình khuyến mãi, giảm giá và gói dịch vụ du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước, như các gói tour tham quan kết hợp giữa các điểm đến văn hóa, làng nghề và ẩm thực đặc sản./.
 
Tài liệu tham khảo
 
Bảo Thoa (2023). Du lịch Hà Nội: Định vị điểm đến hấp dẫn, ưu tiên phát triển dịch vụ cao cấp.
 
Đinh Giang (2023). Hà Nội kết nối di sản để phát triển du lịch.
 
Đoàn Mạnh Cương (2019), Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
 
Ngô Văn Phong (2022). Thể chế liên kết vùng: Những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục.
 
Nguyễn Thị Thu Mai, Hoàng Thị Thanh, Phan Thị Phương Mai (2022). Khai thác giá trị di sản văn hoá làng Thổ Hà gắn với phát triển du lịch bền vững. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở Hà Nội, 89, 1-11.
 
Thu Hường (2023). Năm 2023: Du lịch Hà Nội bội thu giải thưởng quốc tế với nhiều xếp hạng cao. Tạp chí Con số và Sự kiện. https://consosukien.vn/nam-2023-du-lich-ha-noi-boi-thu-giai-thuong-quoc-te-voi-nhieu-xep-hang-cao.htm
 
Tổng cục Du lịch Việt Nam (2024). Thống kê lượng khách du lịch giai đoạn 2020-2024.
 
Trần Xuân Quang (2020). Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ. Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
ThS. Uông Thị Ngọc Lan
Trường Đại học Thành Đông
Email: lanutn@thanhdong.edu.vn

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top