Xác định yêu cầu và xu hướng tất yếu trong chuyển đổi số, từ năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thực hiện xây dựng phát triển các mô hình chuyển đổi số dựa trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Sự ra đời và đi vào vận hành của mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng ứng dụng Hue-S đã giúp Thừa Thiên Huế trở thành địa phương tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hue-S - Ứng dụng kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trên môi trường mạng
Hue-S là nền tảng ứng dụng trên môi trường di động được xây dựng theo hướng một siêu ứng dụng (super App). Hue-S vừa cung cấp, triển khai các công cụ phục vụ cho phát triển Chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh, vừa là nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích hợp các sản phẩm dịch vụ. Đây cũng là ứng dụng kết nối giữa nhà nước và người dân, giữa nhà nước và doanh nghiệp trên nền tảng di động, đầu mối thiết lập kết nối giữa doanh nghiệp và người dân trong cung ứng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ. Nền tảng ứng dụng này được đưa vào vận hành thí điểm và hoạt động chính thức từ tháng 01 năm 2019. Đơn vị phát triển và vận hành trực tiếp các dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Thua Thien Hue Intelligent Operations Center- HueIOC).
Báo cáo mới đây của HueIOC cho biết, sau hơn 3 năm hoạt động HueIOC đã đưa vào vận hành gần 20 dịch vụ đô thị thông minh; nền tảng Hue-S đã phát triển hơn 50 chức năng và hơn 10 doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã tham gia tích hợp vào Hue-S nhằm cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Theo số liệu thống kê, hiện đã có hơn 1.200.000 lượt tải ứng dụng, với 503.000 người dùng kích hoạt tài khoản để sử dụng các chức năng trên Hue-S. Từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 7/2023, Hue-S đã thu hút hơn 12 triệu lượt người xem, thời gian tương tác trung bình là 2 giờ 47 phút. Đặc biệt, Hue-S đã kết nối được số lượng lớn người dân tỉnh Thừa Thiên Huế làm ăn xa trong nước và quốc tế.
Nền tảng ứng dụng Hue S - ngày càng được phổ biến và ứng dụng rộng rãi
Một số dịch vụ đô thị thông minh nổi bật HueIOC đã triển khai, vận hành, như: Dịch vụ phản ánh hiện trường, giám sát đô thị thông qua cảm biến camera, giám sát dịch vụ hành chính công, cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh, giám sát quảng cáo điện tử, giám sát môi trường, thẻ điện tử, giám sát tàu cá, giám sát đảm bảo an toàn thông tin…; triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo điều kiện các giải pháp làm việc trực tuyến. Các dịch vụ được cung cấp trên Hue-S bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cũng như hình thành thói quen sử dụng dịch vụ trên nền tảng số trong cộng đồng xã hội; Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các công nghệ Big data, IoT,… đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Không chỉ vậy, nền tảng ứng dụng Hue-S còn cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống thông tin tổng hợp, phân tích các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, hỗ trợ nghiệp vụ liên quan cho các ngành; Ứng dụng giải pháp công nghệ GIS mới để sớm chuyển đổi bản đồ nền, cũng như xây dựng, cập nhật dữ liệu đảm bảo hình thành các dịch vụ GIS phục vụ các ứng dụng đô thị thông minh; Xây dựng và vận hành hệ thống số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một số kết quả nổi bật trong triển khai dịch vụ đô thị thông minh
Phản ánh hiện trường: Đến nay đã có 235 cơ quan tham gia xử lý phản ánh hiện trường. Từ 01/01/2019 đến nay đã tiếp nhận, xác minh, phân phối tới các cơ quan quản lý xử lý hơn 105.575 phản ánh của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó: Đã tiếp nhận và phân phối, chuyển theo dõi đến các cơ quan xử lý 67.227 phản ánh (trong đó đã xử lý 62.550 phản ánh, đang xử lý 1.204, chuyển theo dõi 3.473); có 38.348 phản ánh không đủ điều kiện tiếp nhận; 145 phản ánh đang quá hạn xử lý, chiếm tỷ lệ 0,5%. Các phản ánh được đánh giá từ mức chấp nhận trở lên chiếm tỷ lệ 90% (80.018 phản ánh); Phản ánh đánh giá không hài lòng chiếm tỷ lệ 10% (8.870 phản ánh); Tổng số tiền xử phạt trên 5,08 tỷ đồng.
Hệ thống camera giám sát: Đã đầu tư, kết nối về trung tâm IOC 563 camera. Triển khai và áp dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo như: Nhận diện biển số, vi phạm giao thông (đi vào đường cấm, vi phạm tín hiệu đèn giao thông, đi ngược chiều...), nhận diện khuôn mặt, nhận diện cháy rừng, hỏa hoạn, nhận diện đám đông... Tính từ đầu năm 2019 đến nay, qua hệ thống camera giám sát đã tự động phát hiện hơn 1.900.000 vi phạm, đã chuyển các cơ quan chức năng xử lý 24.866 trường hợp vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh.
Cũng trên cơ sở dữ liệu hình ảnh từ hệ thống cảm biến camera, thực hiện xử lý hình ảnh thông minh qua thuật toán nhận diện giúp tìm kiếm các đối tượng nghi vấn, phát hiện và tự động cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tình hình an ninh trật tự và trật tự đô thị, như: Tụ tập đám đông, hoạt động gây mất trật tự xã hội và xâm nhập khu vực cấm… Tính đến nay, thông qua hệ thống camera giám sát an ninh cùng sự phối hợp hỗ trợ của các lực lượng chức năng đã xử lý 712 vụ án có biểu hiện yếu tố hình sự.
Dịch vụ giám sát về phòng, chống thiên tai, bão lụt: Hue-S cũng đã phát hiện và cảnh báo hơn 1.700 trường hợp cảnh báo cháy, phát hiện hơn 199 vụ cháy rừng và 255 vụ đốt rơm rạ.
Với nền tảng ứng dụng Hue-S, người dân đã được tiếp cận các thông tin về chỉ số về môi trường như chất lượng không khí, chất lượng nước. Trong mùa mưa bão, hệ thống camera giám sát cảnh báo mực nước tại các hồ đập thủy điện cũng như các vị trí thấp trũng ngập lụt, có cảnh báo kịp thời cho người dân về các tuyến đường bị ngập lụt, tình hình mưa bão.
Giám sát dịch vụ hành chính công: Đến nay hệ thống đã nhận diện được 33.399 vi phạm, trong đó có 6.638 vi phạm thuộc cấp tỉnh, 18.804 vi phạm thuộc cấp huyện, 7.957 vi phạm thuộc cấp xã.
Bên cạnh đó, với việc tích hợp thành công ví điện tử, Hue-S đã góp phần thúc đẩy kinh tế số thông qua việc cung cấp giải pháp thanh toán liền mạch. Đến nay đã có trên 35.000 tài khoản đăng ký thành công ví điện tử, mở gần 700 điểm chấp nhận thanh toán qua Hue-S. Tích hợp thành công và triển khai chức năng thanh toán tiền điện, tiền nước, dịch vụ vệ sinh môi trường. Nghiên cứu tích hợp thành công dịch vụ thu lệ phí dịch vụ hành chính công, học phí, viện phí thông qua ví điện tử Hue-S…
Hiện nền tảng ứng dụng Hue-S cung cấp hơn 50 chức năng và được cấu trúc lại phù hợp với vai trò của mỗi người dùng, phục vụ cho các nhóm đối tượng khác nhau như: Công dân, khách du lịch, doanh nghiệp, báo chí, Đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức… Mỗi vai trò trên Hue-S là một giao diện khác nhau, mỗi chức năng khác nhau phục vụ cho nhiều bài toán phát triển dịch vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số của Tỉnh.
Ngoài những chức năng và dịch vụ trên, Hue-S còn tích hợp Hồ sơ sức khỏe điện tử do Bộ Y tế triển khai; Xây dựng mô hình Học bạ điện tử; Triển khai mô hình khám phá Huế 3D và bước đầu hình thành mô hình du lịch thực tế ảo tại một số điểm di tích. Hiện du khách có thể khám phá, du lịch Huế dựa trên công nghệ thực tế ảo - Virtual Reality. Công nghệ thực tế ảo sử dụng thế giới 3D/360, thông qua du lịch thực tế ảo, du khách có thể du lịch đến bất cứ đâu khi sử dụng các ứng dụng, phần mềm…
Hue-S: Thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân
Các chuyên gia tại HueIOC cho biết, dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có các phương thức tích hợp phù hợp, hiệu quả và tương ứng với mỗi cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp cũng như cá nhân trong cộng đồng. Quá trình tích hợp ứng dụng đảm bảo tuân thủ quy định tiêu chuẩn kết nối theo hướng dẫn chung của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh. Trong đó, phương thức tích hợp Hue-S đối với cơ quan hành chính nhà nước thể hiện thông qua việc chủ trì phát triển các ứng dụng phục vụ phát triển Chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh thuộc lĩnh vực mình quản lý và đề xuất tích hợp lên nền tảng ứng dụng Hue-S; Tương tác, hỗ trợ với người dân, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ do cơ quan nhà nước cung ứng thuộc thẩm quyền của đơn vị quản lý.
Đối với Doanh nghiệp, tổ chức: Chủ động phát triển cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường di động phục vụ dịch vụ đô thị thông minh và đề xuất tích hợp lên nền tảng ứng dụng Hue-S. Tương tác, hỗ trợ người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức cung cấp, đồng thời có cam kết chịu trách nhiệm theo đúng thỏa thuận hợp tác về các sản phẩm, dịch vụ của mình cung cấp trên nền tảng ứng dụng Hue-S.
Đối với người dân và toàn xã hội: Người sử dụng có nhu cầu thực hiện cài đặt ứng dụng Hue-S, đăng ký và sử dụng dịch vụ để hưởng thụ các tiện ích của ứng dụng Hue-S. Người sử dụng có quyền tương tác, đánh giá các dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng ứng dụng Hue-S. Người sử dụng cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của ứng dụng Hue-S và phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của các thông tin cung cấp.
Có thể thấy, Hue-S đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã hiện diện ngày càng rõ ràng hơn thông qua sự tham gia phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Cách thức tiếp nhận, xử lý các vấn đề của cơ quan nhà nước cũng đã được thay đổi thông qua quy trình số hóa, khắc phục hạn chế và những bất cập tồn tại trước đây. Thời gian tới, với định hướng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng Hue-S đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số. Triển khai và vận hành đô thị thông minh ngày càng hiệu quả hơn, qua đó nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, làm thước đo năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị; đưa kết quả giải quyết và mức độ hài lòng của người dân trong quá trình xử lý phản ánh hiện trường vào đánh giá năng lực điều hành của các cơ quan, đơn vị.
Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh sẽ tăng cường các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh. Tổ chức đánh giá, chuẩn hóa lại quy trình số trong vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, trong đó chú trọng đến kỹ năng số cho công chức, viên chức, lực lượng trực tiếp tương tác trên các dịch vụ thông minh kết nối người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số hướng đến xây dựng chính quyền số, chú trọng tăng cường mạnh công tác tích hợp ứng dụng, dịch vụ số của nhà nước lên nền tảng ứng dụng Hue-S. Đồng thời, phối hợp triển khai các giải pháp nhằm nâng cấp hạ tầng đồng bộ, đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh. Tin tưởng rằng, Hue-S sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn nữa, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.../.
Thu Hòa