Các yếu tố đóng góp vào bất bình đẳng trong phân phối chi tiêu vùng Tây Nguyên giai đoạn 2018-2022 sử dụng phân rã chỉ số Theil L

17/11/2023 - 04:48 PM

Tây Nguyên là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Việt Nam. Vì vậy, đây là vùng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai cả nước, ở mức 11,4%, cao hơn tỷ lệ hộ nghèo cả nước 2,6 lần, cao hơn Đông Nam Bộ, vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của cả nước, 17,2 lần vào năm 2022. Đây cũng là vùng có bất bình đẳng cao nhất cả nước theo chỉ số Theil L.

Akita và cộng sự (1999) chỉ rõ bất bình đẳng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế - xã hội như vị trí địa lý, độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, quy mô hộ gia đình, .... Sử dụng đặc tính phân rã của chỉ số Theil L giúp xác định được đóng góp của các yếu tố này vào bất bình đẳng thu nhập, từ đó đề xuất các giải pháp giảm bất bình đẳng.

Bài viết này đi sâu tìm hiểu và phân tích đóng góp của các yếu tố vào bất bình đẳng phân phối chi tiêu vùng Tây Nguyên giai đoạn 2018-2022 sử dụng phân rã chỉ số Theil L, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm góp phần giảm bất bình đẳng ở vùng này.

Đo lường bất bình đẳng

Để đo lường bất bình đẳng thu nhập, các nhà nghiên cứu dựa vào số liệu về thu nhập hoặc chi tiêu. Deaton (1997) chỉ rõ có thể đo lường bất bình đẳng thu nhập theo thu nhập hoặc theo chi tiêu. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, Deaton khuyến nghị nên sử dụng chi tiêu để tính toán bất bình đẳng vì kết quả tính bằng chi tiêu đáng tin cậy hơn.

Dựa vào các khuyến nghị trên, nghiên cứu này sẽ sử dụng số liệu chi tiêu từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2018, 2020 và 2022 của TCTK để đo lường bất bình đẳng.

Để đo lường bất bình đẳng thu nhập, một số thước đo như hệ số Gini, chỉ số Theil, tỷ số Kuznet, hệ số giãn cách thu nhập,… thường được sử dụng. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng chỉ số Theil L để đo lường bất bình đẳng do chỉ số này có thể phân rã và thỏa mãn một số thuộc tính mong muốn trong đo lường bất bình đẳng trong phân phối phúc lợi xã hội, gồm thuộc tính độc lập so với giá trị trung bình, độc lập so với qui mô tổng thể, nguyên tắc chuyển nhượng Pigou-Dalton (Bourguignon 1979).

Giả sử tổng thể các hộ được chia thành m nhóm kinh tế- xã hội loại trừ lẫn nhau nhưng cùng nhau tạo thành tổng thể chung (ví dụ như nhóm thành thị/nông thôn; các nhóm tuổi, các nhóm dân tộc, ..). Khi đó, chỉ số Theil L (đo lường bất bình đẳng trong phân phối chi tiêu bình quân đầu người của các hộ) được tính theo công thức sau:


Khi tính bất bình đẳng trong phân phối chi tiêu bình quân đầu người của các hộ, chúng ta ngầm giả định mỗi hộ đều có chi tiêu bình quân đầu người.

Chỉ số Theil L biến động từ 0 (bình đẳng tuyệt đối) đến vô cùng (bất bình đẳng tuyệt đối). Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ số Theil L ít khi lớn hơn 1.

Theo Arnand (1983, Phụ lục C), chỉ số Theil L được phân rã gồm cấu thành nội bộ nhóm và cấu thành giữa các nhóm như sau:


Việc chỉ số Theil L có thể phân rã có ý nghĩa quan trọng trong phân tích bất bình đẳng, giúp xác định các yếu tố đóng góp chủ yếu vào bất bình đẳng để đề xuất các giải pháp phù hợp.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến bất bình đẳng trong phân phối chi tiêu của Tây Nguyên

Hình 1 cho thấy trong giai đoạn 2018-2022, tính theo chỉ số Theil L, Tây Nguyên là vùng có bất bình đẳng cao nhất cả nước, ở mức 0,352 năm 2018, giảm xuống 0,256 năm 2020 nhưng lại tăng lên 0,301 năm 2022. Điều này cho thấy đại dịch Covid-19 đã kéo lùi nỗ lực giảm bất bình đẳng ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Vậy đâu là những yếu tố đóng góp chủ yếu vào mức bất bình đẳng cao này? Nhóm tác giả sử dụng phân rã chỉ số Theil L theo các nhóm yếu tố thành thị/nông thôn, giới tính, nhóm dân tộc, trình độ học vấn… để làm rõ các yếu tố này có vai trò như thế nào đối với mức bình đẳng của Tây Nguyên. 

Hình 1. Chỉ số Theil L các vùng kinh tế-xã hội và cả nước

Các yếu tố đóng góp vào bất bình đẳng trong phân phối chi tiêu vùng Tây Nguyên giai đoạn 2018-2022 sử dụng phân rã chỉ số Theil L  7 

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

 Phân rã chỉ số Theil L của Tây Nguyên theo khu vực thành thị, nông thôn

Trong giai đoạn 2018-2022, chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở Tây Nguyên giảm trong năm 2020 và tăng vào năm 2022. Cụ thể, năm 2018 chi tiêu bình quân đầu người của vùng này giảm từ 2.234 nghìn đồng năm 2018 xuống 2.174 nghìn đồng năm 2020 nhưng sau đó tăng lên 2.209 đồng vào năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn với mức chi tiêu bình quân đầu người một tháng của năm 2018, là năm trước khi xảy ra đại dịch.

Giai đoạn 2018-2022, chứng kiến sự trái chiều trong chi tiêu bình quân của khu vực thành thị và khu vực nông thôn ở Tây Nguyên. Theo đó, chi tiêu bình quân đầu người một tháng khu vực thành thị liên tục giảm, từ 3.507 nghìn đồng năm 2018, giảm xuống còn 3.123 nghìn đồng năm 2020 và 2.791 nghìn đồng năm 2022. Ở chiều ngược lại, chi tiêu bình quân đầu người một tháng khu vực nông thôn tăng qua các năm trong giai đoạn 2018-2022, từ 1.671 nghìn đồng năm 2018 lên 1.937 nghìn đồng năm 2022. Do vậy, chênh lệch trong chi tiêu bình quân giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn đã thu hẹp, từ tỷ lệ chi tiêu bình quân của khu vực thành thị so với khu vực nông thôn là 2,1 lần năm 2018 xuống còn 1,8 lần năm 2020 và 1,4 lần năm 2022.

Số liệu của Biểu 1 cho thấy, tại Tây Nguyên, tính theo chỉ số Theil L, bất bình đẳng ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn các năm 2018 và 2020 nhưng đến năm 2022, bất bình đẳng giữa hai khu vực này đã tiệm cận nhau. Năm 2018, bất bình đẳng ở khu vực thành thị là 0,376 và ở khu vực nông thôn là 0,251. Đến năm 2020, bất bình đẳng ở cả hai khu vực này đều giảm, còn 0,247 ở khu vực thành thị và 0,211 ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên năm 2022, bất bình đẳng của hai khu vực này tăng và ở cùng mức 0,286.

Biểu 1. Bất bình đẳng của Tây Nguyên theo khu vực thành thị và khu vực nông thôn

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

Bất bình đẳng ở khu vực thành thị cao hơn ở khu vực nông thôn vùng Tây Nguyên do khu vực thành thị có ngành nghề đa dạng, mức độ thương mại hóa, đầu tư và kinh doanh cao hơn. Các ngành nghề đều có mức lương khác nhau. Các công việc làm công ăn lương trong các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có mức lương cao, trong khi những công việc chỉ cần trình độ học vấn thấp được trả lương thấp hơn nhiều. Chênh lệch lớn trong thu nhập (chi tiêu) giữa các loại hình lao động ở khu vực thành thị đã tạo nên bất bình đẳng cao trong khu vực này. Trái lại, ở khu vực nông thôn chi tiêu của người dân tương đối giống nhau do các hoạt động kinh tế đều tập trung vào nông nghiệp, vì vậy thu nhập (chi tiêu) của người dân khu vực nông thôn không chênh lệch nhau nhiều.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong hai năm 2021 và 2022, cắt giảm lao động và lương ở khu vực thành thị trong các ngành trả lương cao trước đại dịch, tình trạng lao động lao động ở khu vực thành thị dịch chuyển về khu vực nông thôn là những nguyên nhân chủ yếu khiến bất bình đẳng ở khu vực nông thôn có xu hướng tăng, ngang bằng với bất bình đẳng ở khu vực thành thị.

Số liệu ở Biểu 1 cho thấy, cấu thành nội bộ nhóm chiếm tỷ trọng lớn hơn trong bất bình đẳng ở Tây Nguyên giai đoạn 2018-2022. Tuy nhiên, con số này tăng dần qua các năm. Cụ thể, theo phương pháp phân rã của chỉ số Theil L thì 82,1% bất bình đẳng chung năm 2018 ở Tây Nguyên là do chênh lệch trong chi tiêu bình quân của nội bộ khu vực thành thị/nông thôn. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 86,4% vào năm 2020 và 95,0% vào năm 2022. Ngược lại, cấu thành giữa các nhóm khu vực thành thị và khu vực nông thôn lại giảm trong suốt thời kỳ này, cho thấy bất bình đẳng giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn đang thu hẹp lại. Điều này chứng minh chính sách hỗ trợ của nhà nước trong giai đoạn dịch Covid-19 đã phát huy hiệu quả đối với người nghèo khu vực thành thị ở Tây Nguyên, do đã được tiếp cận với gói trợ cấp của Chính phủ nhằm hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn trong đại dịch.

Nếu so với cả nước, Tây Nguyên có cùng xu hướng với cả nước khi bất bình đẳng giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn đang giảm xuống khá ngoạn mục. Tuy nhiên, bất bình đẳng giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn của Tây Nguyên vẫn cao hơn cả nước (5% so với 3,6% của cả nước).

Với thực trạng bất bình đẳng trong nội bộ nhóm khu vực thành thị/nông thôn ngày càng cao, để giảm bất bình đẳng ở Tây Nguyên, cần chú trọng giảm bất bình đẳng trong nội bộ nhóm khu vực thành thị và nội bộ nhóm khu vực nông thôn, theo đó quan tâm hơn bất bình đẳng khu vực nông thôn do có xu hướng cao ngang bằng với bất bình đẳng ở khu vực thành thị.

Phân rã chỉ số Theil L của Tây Nguyên theo giới tính

Chi tiêu bình quân đầu người của các hộ có chủ hộ là nam ở Tây Nguyên giảm trong năm 2020 nhưng tăng lên vào năm 2022. Trong khi đó, chi tiêu bình quân đầu người của các hộ có chủ hộ là nữ giảm liên tục trong giai đoạn 2018-2022.

Xét trên mặt bằng chung, mức độ chênh lệch trong chi tiêu bình quân đầu người giữa hộ có chủ hộ là nữ so với hộ có chủ hộ là nam rất thấp ở Tây Nguyên, tỷ lệ chi tiêu bình quân đầu người của hộ có chủ hộ là nữ so với hộ có chủ hộ là nam là 1,04 cho năm 2018. Con số này là 0,99 cho năm 2020 và 0,94 cho năm 2022.

Biểu 2. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng của Tây Nguyên
chia theo giới tính theo giá hiện hành

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

Theo Biểu 3, bất bình đẳng của cả nam và nữ ở Tây Nguyên năm 2020 giảm nhiều so với năm 2018 nhưng lại tăng lên trong năm 2022. Cụ thể, bất bình đẳng của nam giảm mạnh từ mức 0,360 năm 2018 xuống còn 0,265 năm 2020 nhưng tăng lên 0,311 năm 2022. Đối với nhóm nữ, bất bình đằng đã giảm mạnh từ 0,321 năm 2018 xuống còn 0,215 năm 2020 nhưng lại tăng vào năm 2022, ở mức 0,259. Xu hướng này khá khác so với bất bình đẳng của nhóm nam và nhóm nữ của cả nước, khi bất bình đẳng của nhóm nam của cả nước giảm nhẹ từ 0,223 năm 2018 xuống 0,201 năm 2020 nhưng tăng mạnh lên 0,267 vào năm 2022. Trong khi đó, bất bình đẳng ở nhóm nữ của cả nước tăng nhẹ từ 0,205 năm 2018 lên 0,206 năm 2020 và lại giảm xuống còn 0,188 năm 2022.

Biểu 3. Bất bình đẳng của Tây Nguyên theo giới tính

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

Tại Tây Nguyên, bất bình đẳng của nhóm nam cao hơn so với bất bình đẳng của nhóm nữ trong giai đoạn 2018-2022. Kết quả cho thấy, cấu phần giữa các nhóm hầu như bằng 0% trong thời kỳ nghiên cứu ở Tây Nguyên cũng như cả nước. Do đó, bất bình đẳng về giới tính không phải là yếu tố chính gây nên tình trạng bất bình đẳng chung ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này cho thấy, nỗ lực giảm bất bình đẳng về giới tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, do bất bình đẳng của nội bộ nhóm nam và nữ chiếm tỷ lệ gần 100% tổng bất bình đẳng chung của Tây Nguyên nên cần tập trung giảm bất bình đẳng trong nội bộ nhóm nam và nội bộ nhóm nữ. Nếu làm được điều này sẽ đóng góp đáng kể vào việc giảm bất bình đẳng chung ở Tây Nguyên.

Phân rã chỉ số Theil L của Tây Nguyên theo nhóm dân tộc

Tây Nguyên là nơi sinh sống của 37,7% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống bằng nghề nông ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, người Kinh/Hoa ở Tây Nguyên phần lớn tập trung ở khu vực thành thị. Tại Tây Nguyên, năm 2022 có đến 38,1% người Kinh/Hoa sống ở khu vực thành thị trong khi các dân tộc khác là 17,9%. Vì vậy, thu nhập (chi tiêu) của người Kinh/Hoa cao hơn nhiều so với nhóm các dân tộc thiểu số còn lại. Theo đó, chi tiêu bình quân đầu người của dân tộc Kinh/Hoa năm 2022 gấp 2,9 lần chi tiêu bình quân đầu người của các dân tộc khác. Biểu 4 phản ánh chi tiêu bình quân đầu người một tháng của dân tộc Kinh/Hoa giảm năm 2020 nhưng tăng lên năm 2022. Trong khi đó, chi tiêu bình quân đầu người một tháng của các dân tộc khác tăng vào năm 2020 và giảm vào năm 2022. Như vậy, dù tăng trưởng kinh tế của Tây Nguyên được phục hồi năm 2022, nhưng có thể chưa đến người dân thuộc các dân tộc thiểu số.

Biểu 4. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng của Tây Nguyên
chia theo dân tộc theo giá hiện hành

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

Số liệu Biểu 5 cho thấy bất bình đẳng của dân tộc Kinh/Hoa ở Tây Nguyên luôn cao hơn các dân tộc khác. Do người dân thuộc dân tộc Kinh/Hoa ở Tây Nguyên có trình độ học vấn khá chênh lệch, làm trong các ngành nghề có các mức thu nhập khác nhau, trong khi người dân thuộc các dân tộc khác có trình độ học vấn khá tương đồng. Hơn nữa, tỷ lệ người Kinh/Hoa sống ở nông thôn là 61,9% năm 2022, trong khi 82,1% người các dân tộc khác sống ở nông thôn. Như phân tích ở trên, thu nhập của người dân nông thôn chủ yếu đến từ nông nghiệp nên không có chênh lệch đáng kể trong chi tiêu.

Biểu 5. Bất bình đẳng của Tây Nguyên theo dân tộc

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

Bất bình đẳng của dân tộc Kinh/Hoa cũng như các dân tộc khác đều giảm vào năm 2020 so với năm 2018, nhưng tăng lên vào năm 2022. Cụ thể, bất bình đẳng của dân tộc Kinh/Hoa ở Tây Nguyên giảm từ 0,267 năm 2018 xuống còn 0,171 năm 2020 và tăng lên 0,202 vào năm 2022; bất bình đẳng của các dân tộc khác giảm từ 0,219 năm 2018, xuống còn 0,161 năm 2020 và tăng lên 0,196 vào năm 2022.

Kết quả phân rã tại Biểu 5 cho thấy tuy cấu thành bất bình đẳng nội bộ nhóm vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng cấu thành giữa các nhóm đã tăng lên trong thời kỳ nghiên cứu, từ 28,9% năm 2018 lên 33,5% năm 2022. Đây là xu hướng trái ngược với xu hướng chung của cả nước, khi cấu thành bất bình đẳng giữa các nhóm của cả nước giảm từ 14,2% xuống còn 11,2%. Điều này cho thấy, Tây Nguyên cần hết sức nỗ lực trong việc giảm bất bình đẳng giữa nhóm dân tộc Kinh/Hoa với các dân tộc khác để giảm bất bình đẳng của vùng.

Phân rã chỉ số Theil L của Tây nguyên theo trình độ học vấn của chủ hộ

Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, chi tiêu bình quân đầu người/tháng của chủ hộ có trình độ trên trung học phổ thông tại Tây Nguyên cao gấp 2,6 chủ hộ có trình độ dưới tiểu học.

Biểu 6. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng của Tây Nguyên
chia theo trình độ học vấn của chủ hộ theo giá hiện hành

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

Kết quả trình bày ở Biểu 7 cho thấy, khi phân rã chỉ số Theil L của Tây Nguyên, cấu thành nội bộ nhóm trình độ học vấn ở vùng này đã tăng lên đáng kể trong thời kỳ nghiên cứu. Năm 2018, cấu thành nội bộ nhóm trình độ học vấn theo chỉ số Theil L chiếm 69,5% tổng bất bình đẳng của Tây Nguyên nhưng con số này tăng lên 93,6% vào năm 2022. Xu hướng này đồng nhất với của cả nước, tuy mức tăng của Tây Nguyên cao hơn nhiều so với cả nước.

Biểu 7. Bất bình đẳng của Tây Nguyên theo trình độ học vấn của chủ hộ

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

 Phân rã chỉ số Theil L của Tây Nguyên theo tuổi của chủ hộ

Chi tiêu bình quân đầu người một tháng của Tây Nguyên tăng lên theo độ tuổi của chủ hộ. Theo Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2020 và 2022, chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình tăng cho đến khi tuổi chủ hộ thuộc nhóm 50-59. Sau khi tuổi chủ hộ tăng lên đến nhóm tuổi này, chi tiêu thực tế bình quân đầu người của hộ bắt đầu giảm.

Biểu 8. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng của Tây Nguyên chia theo tuổi của chủ hộ theo giá hiện hành

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

Số liệu trình bày ở Biểu 9 cho thấy, bất bình đẳng đã tăng lên ở hầu hết các nhóm tuổi ở Tây Nguyên. Chủ hộ ở nhóm tuổi từ 70 tuổi trở lên có bất bình đẳng cao nhất, tăng từ 0.221 năm 2018 lên 0.407 năm 2022 (dù giảm năm 2020). Sự khác biệt lớn trong thu nhập (chi tiêu) của những người trong độ tuổi này ở thành thị và nông thôn vùng Tây Nguyên cũng như số hộ có chủ hộ trong độ tuổi từ 70 trở lên chiếm tỷ lệ thấp trong mẫu của Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 có thể là nguyên nhân dẫn đến mức tăng vọt của bất bình đẳng trong nhóm tuổi này.

Kết quả phân rã chỉ số Theil L của Tây Nguyên cũng chỉ ra rằng đóng góp của cấu thành giữa các nhóm tuổi giảm dần trong giai đoạn 2018-2022 và chiếm tỷ lệ không đáng kể, chỉ 3,8% trong tổng bất bình đẳng chung của Tây Nguyên năm 2022, dù cao hơn cấu thành giữa các nhóm tuổi của cả nước. Điều này cho thấy, giảm bất bình đẳng trong nội bộ từng nhóm tuổi sẽ giúp giảm bất bình đẳng chung ở vùng này hơn là giảm bất bình đẳng giữa các nhóm tuổi.

Biểu 9. Bất bình đẳng của Tây Nguyên theo tuổi của chủ hộ

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả dựa trên bộ khảo sát mức sống dân cư các năm 2018, 2020 và 2022.

Kết luận và khuyến nghị

Tây Nguyên là vùng có bất bình đẳng cao nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2018-2022. Năm 2022, bất bình đẳng tại Tây Nguyên có xu hướng tăng trở lại. Theo kết quả nghiên cứu, đóng góp của cấu thành giữa các nhóm vào bất bình đẳng chung của Tây Nguyên giảm đáng kể, từ 17,9% năm 2018 xuống còn 5,0% trong bất bình đẳng chung năm 2022, tuy cao hơn so với mức 3,6% của cả nước, nhưng cho thấy Tây Nguyên có cùng xu hướng. Sự gia tăng bất bình đẳng của nội bộ nhóm thành thị và nội bộ nhóm nông thôn ở Tây Nguyên cho thấy, các chính sách cần chú trọng giảm bất bình đẳng trong nội bộ hai nhóm này, nhất là bất bình đẳng ở khu vực nông thôn do đang có xu hướng cao ngang bằng với bất bình đẳng ở khu vực thành thị.

Tương tự, theo kết quả nghiên cứu, bất bình đẳng giới, trình độ học vấn, độ tuổi không phải là yếu tố chính trong tổng bất bình đẳng của Tây Nguyên do cấu thành giữa các nhóm chiếm tỷ lệ rất thấp, từ gần bằng 0% đến 6,4% và khoảng 4% trong bất bình đẳng chung của vùng giai đoạn 2018-2022.

Trái lại, kết quả phân rã chỉ số Theil L theo nhóm dân tộc cho thấy bất bình đẳng giữa nhóm Kinh/Hoa so với nhóm các dân tộc khác ở Tây Nguyên tăng trong thời kỳ nghiên cứu, lên đến 33,5% năm 2022 và ngược với xu hướng chung của cả nước. Do vậy, các chính sách cần tập trung giảm bất bình đẳng giữa nhóm Kinh/Hoa và nhóm các dân tộc khác.
Với một vùng có tỷ lệ nghèo cao, trình độ học vấn của người dân thấp hơn so với các vùng kinh tế-xã hội khác trên cả nước, tỷ lệ người dân tộc thiểu số và người dân nông thôn cao, tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp cao trong GDP như Tây Nguyên, nghiên cứu đề xuất những khuyến nghị sau để giúp giảm bất bình đẳng của vùng này.

Thứ nhất, cần ưu tiên phát triển khu vực nông thôn tại Tây Nguyên. Theo đó, cần ưu tiên các chính sách làm tăng thu nhập từ nông nghiệp cho người dân khu vực nông thôn của Tây Nguyên. Đầu tư vào hệ thống giao thông, thủy lợi, giáo dục, nghiên cứu và phát triển, đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp sẽ là những biện pháp hiệu quả và khả thi để nâng cao năng suất nông nghiệp và trải thảm thu hút các nhà đầu tư đến Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách đa dạng hóa nông nghiệp bằng cách khuyến khích và đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước lạnh hoặc nông sản có giá trị thương mại cao phù hợp với khí hậu của vùng cao nguyên như cà phê, cao su, chè, tiêu, bông vải, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy... Đồng thời, khuyến khích nông dân chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp thông qua công việc tự làm hoặc tham gia vào các lĩnh vực sản xuất mà họ có lợi thế so sánh để đạt được tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh.

Thứ hai, các chính sách cần hướng đến đối tượng nhóm dân tộc thiểu số, người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, tạo điều kiện để họ được tiếp cận với giáo dục có chất lượng nhằm cân bằng cơ hội và phát triển kỹ năng, tiếp cận với các loại hình công việc được trả lương cao, giúp nâng cao đời sống.

Thứ ba, Tây Nguyên cần đổi mới chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt chế biến nông sản. Tuy tiền lương từ chế biến chế tạo là động lực chính của giảm nghèo nhưng năm 2020 chỉ có 20% hộ gia đình ở Tây Nguyên nhận được tiền lương từ ngành này so với con số 35% đến 47% của 5 vùng còn lại. Trong khi đó, từ một vùng có tỷ lệ nghèo cao hơn cả Tây Nguyên, nhưng miền núi Đông Bắc đã giảm đáng kể tỷ lệ nghèo nhờ sự xuất hiện của nhiều việc làm trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Hơn thế nữa, tỷ lệ hộ gia đình làm công ăn lương ở Tây Nguyên lại đang giảm xuống, một chiều hướng khác biệt so với 5 vùng kinh tế-xã hội còn lại.
Trong khi đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (2022) đã chỉ ra tỷ lệ nghèo sẽ giảm đi đáng kể đối với những người thoát ly khỏi nông nghiệp hoặc có việc làm với hợp đồng chính thức. Vì vậy, việc mở rộng ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong giảm nghèo và bất bình đẳng. Bên cạnh đó, Tây Nguyên rất có lợi thế về du lịch thiên nhiên, văn hóa lịch sử. Tập trung phát triển ngành công nghiệp không khói, xem đây là một tiềm năng giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt người dân các dân tộc thiểu số là một trong những chính sách cần được Tây Nguyên quan tâm.

Cuối cùng, Tây Nguyên cần đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục, đặc biệt đào tạo nghề, công nhân kỹ thuật, nâng cao kỹ năng lực lượng lao động để có thể khai thác tối đa tiềm năng vốn nhân lực và chuẩn bị cho người lao động những công việc có chất lượng cao hơn./.

TS. Hoàng Thị Thanh Hà
Vụ trưởng Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế _ TCTK
 Đoàn Quang Khải 
Nguyễn Thị Phương Thành 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top