Thu thập thông tin tính chỉ tiêu SDG "Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững" qua điều tra

11/12/2023 - 04:48 PM

Khuyến nghị của tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc về thu thập thông tin tính chỉ tiêu SDG 2.4.1

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc lần thứ 21, năm 2015 tại New York, Mỹ đã thống nhất thông qua 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về sự phát triển bền vững.

Chỉ tiêu SDG 2.4.1 “Tỷ lệ diện tích nông nghiệp sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững” (sau đây gọi tắt là chỉ tiêu SDG 2.4.1) là chỉ tiêu dùng để đánh giá mục tiêu cụ thể SDG 2.4 “Đến năm 2030, đảm bảo các hệ thống sản xuất lương thực bền vững và thực hiện các biện pháp canh tác nông nghiệp có khả năng chống chịu nhằm tăng năng suất và sản lượng, giúp duy trì các hệ sinh thái, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt và các thảm họa khác, đồng thời cải thiện dần đất đai và sức khỏe đất”, thuộc mục tiêu tổng quát SDG 2 “Chấm dứt nạn đói, đảm bảo an ninh thực phẩm, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) là cơ quan được phân công theo dõi và giám sát chỉ tiêu này, đã đưa ra phương pháp luận để thu thập và đánh giá chỉ tiêu SDG 2.4.1; trong đó khuyến khích các quốc gia thu thập thông tin thông qua điều tra và dữ liệu hành chính bổ sung để tính toán và đánh giá chỉ tiêu này theo chu kỳ.

Để thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 Vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ); Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT về Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs), trong đó có chỉ tiêu VSDG 2.4.1, kèm theo các khái niệm, phương pháp tính[1].

Năm 2019, FAO đã trực tiếp tập huấn cho công chức của Tổng cục Thống kê bảng hỏi điều tra thu thập thông tin đánh giá chỉ tiêu SDG 2.4.1. Tổng cục Thống kê đã thực hiện thu thập thông tin về chỉ tiêu SDG 2.4.1 trong Điều tra Nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020, ngay sau khi FAO hoàn thiện phương pháp luận vào năm 2019.

Tóm tắt lược đồ thiết kế mẫu để thu thập thông tin đánh giá chỉ tiêu SDG 2.4.1

Quy mô mẫu: Trong Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, Tổng cục Thống kê lựa chọn khoảng 0,3% hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản(NLTS) của cả nước để tiến hành điều tra mẫu (Phiếu hộ dài) thu thập các thông tin chuyên sâu đối với hộ sản xuất nông nghiệp nhằm đánh giá hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình theo hướng bền vững và hiệu quả (chỉ tiêu SDG 2.4.1), thông qua ba khía cạnh của sản xuất bền vững: Kinh tế, môi trường và xã hội.

Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu hai bước riêng cho khu vực nông thôn và khu vực thành thị:

Bước 1: Chọn địa bàn mẫu

Sử dụng toàn bộ địa bàn mẫu của phiếu hộ ngắn, các bước chọn như sau:

+ Đối với khu vực nông thôn: Chọn toàn bộ địa bàn nông thôn của Dàn mẫu chủ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019[2];

+ Đối với khu vực thành thị: Số địa bàn mẫu của từng địa phương do TCTK phân bổ bằng phương pháp tỷ lệ thuận với căn bậc 2 của tổng số hộ có hoạt động sản xuất NLTS của khu vực thành thị của tỉnh. Các tỉnh chọn địa bàn bằng phương pháp ngẫu nhiên.

Bước 2: Trong mỗi địa bàn mẫu, chọn theo phương pháp ngẫu nhiên 03 hộ có hoạt động sản xuất NLTS (gồm cả trang trại) trong tổng số các hộ có hoạt động NLTS của địa bàn mẫu[3] để điều tra.

Số lượng mẫu sử dụng để tính toán chỉ tiêu SDG 2.4.1 là 33.376 nghìn hộ mẫu NLTS chuyên sâu (trong tổng số hơn 46 nghìn hộ NLTS được chọn) với diện tích đất sản xuất nông nghiệp điều tra mẫu là 22.214,88 ha.

Số lượng mẫu được phân bố cho các tỉnh, thành phố theo quy mô tổng thể:

- Đồng bằng sông Hồng: 7.044 hộ với 1.423,94 ha ở 11 tỉnh, thành phố;

Trung du và miền núi phía Bắc: 8.017 hộ với 4.676,28 ha ở 14 tỉnh, thành phố;

Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung: 6.977 hộ với 3.307,12 ha ở 14 tỉnh, thành phố;

Tây Nguyên: 3.173 hộ với 4.434,14 ha ở 5 tỉnh, thành phố;

Đông Nam bộ: 1.845 hộ với 2.578,74 ha ở 6 tỉnh, thành phố;

Đồng bằng sông Cửu Long: 6.230 hộ với 5.794,6 ha ở 13 tỉnh, thành phố.

Một số vấn đề trong tính toán chỉ tiêu 2.4.1

Một là, chỉ tính toán đối với những hộ có hoạt động sản xuất trồng trọt có sử dụng diện tích đất nông nghiệp từ 200m2 trở lên, với giả thiết rằng diện tích đất nông nghiệp dưới 200 m2[4] chỉ là đất xung quanh nhà ở và không áp dụng các biện pháp mà SDG 2.4.1 quan tâm.

Hai là, chỉ tính toán đối với những hộ có hoạt động sản xuất trồng trọt và chăn nuôi kết hợp (loại trừ những hộ chỉ có duy nhất hoạt động chăn nuôi)[5].

Ba là, không áp dụng quyền số trong tổng hợp số liệu do chưa có hướng dẫn của FAO cho SDG 2.4.1. Ngoài ra, do đây là chỉ tiêu đa chiều nên TCTK gặp khó khăn trong tính quyền số.

Bốn là, việc chọn 3 hộ mỗi địa bàn không theo thông lệ 10 hộ trở lên mỗi địa bàn của các cuộc điều tra mẫu khác của TCTK. Lý do gồm: muốn mẫu cho SDG 2.4.1 (phiếu dài) có trong tất cả các địa bàn của ĐTNNNT 2020 (phiếu ngắn).

Công thức đo lường

Chỉ tiêu SDG 2.4.1 được tính toán từ bảng tổng hợp 11 chỉ tiêu thành phần như sau:

Thu thập thông tin tính chỉ tiêu SDG Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững qua điều tra
Thu thập thông tin tính chỉ tiêu SDG Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững qua điều tra 1
Thu thập thông tin tính chỉ tiêu SDG Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững qua điều tra 2

Các kết quả đạt được trong quá trình phát triển, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của quốc gia theo thời gian có thể được đo lường bằng sự thay đổi giá trị của SDG241 SDG241a+d.

Giá trị 2 chỉ số này tăng lên theo thời gian cho thấy sự cải thiện, ngược lại nếu giảm là cho thấy sự giảm sút, thoái hóa.

Đánh giá hiệu quả bền vững thông qua mỗi chỉ tiêu thành phần

Đối với mỗi chỉ tiêu thành phần, các tiêu chí để đánh giá mức độ bền vững đã được thiết lập riêng. Để nắm bắt quá trình phát triển sản xuất theo hướng bền vững, phương pháp tiếp cận “đèn giao thông” được các chuyên gia của FAO nghiên cứu và đề xuất; trong đó, mỗi chỉ tiêu thành phần được xem xét theo ba mức độ bền vững:

- Màu xanh: Bền vững mức cao, mức mong muốn;

- Màu vàng: Bền vững mức độ trung bình, chấp nhận được;

- Màu đỏ: Không bền vững.

Cách tiếp cận này cho phép nhận dạng đối với từng chủ đề về các điều kiện ở mức không bền vững, các điều kiện có thể được coi là “bền vững mức mong muốn” và các điều kiện trung gian được coi là “chấp nhận được” nhưng cần xem xét kỹ về các cải tiến khả thi. Cách tiếp cận này cũng thừa nhận sự đánh đổi những vấn đề tồn tại giữa các khía cạnh bền vững và các chủ đề, cùng với nhu cầu tìm ra sự cân bằng chấp nhận được giữa chúng.

Mỗi chỉ tiêu thành phần được đánh giá ở cấp độ hộ, trang trại. Mức độ bền vững sau đó được liên kết với diện tích đất nông nghiệp của hộ. Tất cả các chỉ tiêu thành phần đối với một hộ nhất định đều cùng một diện tích đất nông nghiệp./.

Đỗ Thị Thu Hà

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản - TCTK

 
_______________________________

1. Chỉ tiêu VSDG 2.4.1 tương ứng của Việt Nam gồm 2 chỉ tiêu thành phần: (1) Tỷ lệ diện tích tích gieo trồng nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất an toàn; và (2) Tỷ lệ diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững

2. Gồm khoảng 20.000 địa bàn, chiếm 10% tổng số địa bàn của cả nước. Các địa bàn này được phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và theo khu vực thành thị, nông thôn bằng phương pháp căn bậc ba – xác suất tỷ lệ thuận với quy mô hộ theo tỉnh và theo khu vực thành thị, nông thôn.

3. Các hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lại của địa bàn mẫu thực hiện điều tra phiếu hộ mẫu ngắn

4. Trong cuộc điều tra này quy định về quy mô đất đai của hộ có sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy s là hộ có từ 100m2 đất sản xuất nông nghiệp trở lên

5. Phương pháp luận của FAO đối với phạm vi là các hộ có hoạt động trồng trọt; chăn nuôi; trồng trọt và chăn nuôi hỗn hợp

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top