Thu nhập bình quân đầu người 01 tháng là chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cũng đồng thời thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện ban hành kèm theo Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Phương pháp thu thập của chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người 01 tháng trong hệ thống chỉ tiêu cấp huyện quy định là khảo sát; cơ quan chủ trì là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đây là chỉ tiêu phục vụ đánh giá tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, tuy nhiên không phải tỉnh nào cũng có thể huy động được kinh phí để tiến hành khảo sát mẫu đại diện đến cấp huyện. Do đó, ước lượng khu vực nhỏ có thể coi là một giải pháp để đáp ứng tạm thời nhu cầu tính toán chỉ tiêu này khi chưa thể tiến hành điều tra thống kê.
Ước lượng khu vực nhỏ là một phương pháp sử dụng các mô hình thống kê nhằm kết nối các biến đầu ra của các cuộc điều tra quốc gia như chỉ tiêu về tỷ lệ nghèo, thu nhập bình quân, tỷ lệ mắc các loại bệnh với các yếu tố ảnh hưởng như đặc trưng nhân khẩu học và các biến kinh tế xã hội, từ đó dự đoán tỷ lệ ở trên các khu vực địa lý nhỏ[1] |
Dựa trên nguồn số liệu sẵn có từ Khảo sát mức sống dân cư và Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, thu nhập bình quân đầu người 01 tháng của các huyện được ước lượng bằng phương pháp gián tiếp qua mô hình ước lượng khu vực nhỏ. Nền tảng phương pháp ước lượng này là xây dựng một mô hình với biến phụ thuộc là thu nhập bình quân đầu người 01 tháng và các biến độc lập là các đặc điểm của hộ gia đình.
Mô hình được xây dựng trên bộ số liệu Khảo sát mức sống dân cư 2020 với đầy đủ các thông tin về thu nhập và đặc điểm hộ gia đình. Sau đó mô hình được áp dụng lên số liệu đủ lớn để cung cấp các ước lượng ở cấp huyện/quận (là số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019) với đầy đủ các thông tin biến độc lập nhưng khuyết thông tin về thu nhập bình quân. Thu nhập bình quân được ước lượng gián tiếp dựa vào các hệ số tương quan và thông tin đầu vào (từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019).
Thu nhập bình quân đầu người 01 tháng là chỉ tiêu chủ chốt và ưu tiên trong Khảo sát mức sống dân cư (bắt đầu được thực hiện từ năm 1992). Trong giai đoạn trước năm 2016, Tổng cục Thống kê công bố chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người chu kỳ 2 năm/lần, từ 2017 trở đi chỉ tiêu này được báo cáo hàng năm. Khảo sát mức sống dân cư (gọi tắt là VHLSS) là cuộc điều tra duy nhất cung cấp đầy đủ thông tin để tính chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người, được chọn mẫu toàn quốc và cung cấp đại diện ở cấp quốc gia, cấp vùng và tỉnh.
Mẫu của Khảo sát mức sống dân cư nhiều năm duy trì ở mức trên 45 nghìn hộ gia đình (mẫu lớn), với quy mô mẫu như trên ước lượng thu nhập bình quân đầu người có thể đại diện ở cấp cả nước, khu vực, vùng, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh thông tin về thu nhập, Khảo sát mức sống dân cư còn thu thập thông tin về đặc điểm kinh tế xã hội của hộ gia đình như nhân khẩu, giáo dục, y tế, nhà ở, điện nước, công trình vệ sinh, đồ dùng tài sản, tham gia các chương trình xã hội.
Thu nhập bình quân đầu người được tính từ tổng thu nhập của các thành viên trong hộ gia đình được khảo sát, sau đó chia cho toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình và bình quân theo tháng. Nguồn thu nhập trong điều tra được xác định theo các nhóm thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ hoạt động nông, lâm, thủy sản, thu từ sản xuất kinh doanh và phi nông, lâm, thủy sản, các khoản thu khác như thu chuyển nhượng, thu từ cho thuê tài sản, tài chính.
Năm 2019, Tổng cục Thống kê tiến hành Tổng điều tra Dân số và Nhà ở với thông tin quét toàn bộ các hộ gia đình trên toàn quốc. Theo kết quả Tổng điều tra, tổng số hộ gia đình trên cả nước là 26,9 triệu hộ với dân số là 96,2 triệu người. Điều tra mẫu trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện với quy mô mẫu 9% hộ dân cư trên cả nước (khoảng 8,2 triệu người sinh sống tại hơn 2,3 triệu hộ dân cư). Với số đơn vị hành chính cấp huyện 705 đơn vị, thì điều tra mẫu của Tổng điều tra cung cấp cỡ mẫu trung bình một huyện là 3262 hộ/huyện. Cỡ mẫu này đủ lớn để cung cấp được ước lượng tin cậy đến cấp huyện, do vậy hoàn toàn có thể sử dụng dữ liệu điều tra mẫu 9% của Tổng Điều tra dân số và Nhà ở 2019 ước lượng gián tiếp thu nhập bình quân đầu người 01 tháng của toàn bộ các huyện/quận trên cả nước.
Để quyết định sử dụng phương pháp ước lượng khu vực nhỏ thu nhập bình quân đầu người 01 tháng, tác giả dựa vào Khảo sát mức sống 2020 và điều tra mẫu của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019, do một số yếu tố sau:
(i) Cỡ mẫu đủ lớn để đưa ra các ước lượng có độ tin cậy về mặt thống kê như đã trình bày ở trên, cỡ mẫu điều tra mẫu 9% của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở đáp ứng được yếu tố này. Khảo sát mức sống dân cư 2020 được triển khai trên phạm vi cả nước với quy mô mẫu 46.980 hộ ở 3.132 xã/phường, đại diện cho cả nước, các vùng, khu vực thành thị, nông thôn và tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
(ii) Nguồn số liệu sử dụng phải có tính tương thích, đó là phù hợp về thời gian và thông tin. Khảo sát mức sống dân cư 2020 và Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019 đều là hai cuộc điều tra hộ gia đình và tập trung vào các đặc trưng của hộ. Tuy nhiên, trong Tổng điều tra, thông tin thu thập vô cùng ngắn gọn - đặc biệt là điều tra toàn bộ 100% cả nước. Chính vì vậy, để có nguồn thông tin phong phú sử dụng ước lượng thì phải dùng điều tra mẫu 9% của Tổng điều tra. Còn về thời gian, hai cuộc điều tra này được thực hiện khá gần nhau vào năm 2019 và 2020 nên thông tin khá tương đồng về thời điểm.
(iii) Các chỉ tiêu ước tính có giá trị tương đương nhau: Đây là yếu tố quan trọng để ước lượng không sai lệch nhiều giữa hai cuộc điều tra. Khi các chỉ tiêu tương đương nhau về giá trị cho thấy các thống kê của hai cuộc điều tra khá tương đồng.
Phương pháp ước tính thu nhập bình quân đầu người cấp huyện là kết hợp của các phương pháp: Thống kê mô tả, mô hình hồi quy tương quan và ước lượng gián tiếp. Ba phương pháp này là các bước trong quy trình thực hiện phương pháp ước lượng khu vực nhỏ.
(1) Phương pháp thống kê mô tả
Nền tảng khi xây dựng mô hình hồi quy thu nhập và các yếu tố giải thích đó là các thống kê mô tả tương quan giữa các yếu tố đặc điểm kinh tế - xã hội của hộ gia đình đến thu nhập bình quân đầu người/tháng của thành viên hộ. Thu nhập bình quân đầu người/tháng là chỉ tiêu có đặc điểm phân phối lệch trái, nghĩa là theo quan sát, dường như thu nhập của người dân Việt Nam nghiêng về phía nhóm thu nhập thấp nhiều hơn. Khi xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính hỗn hợp các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập, thì yếu tố phụ thuộc cần đưa về dạng biến có phân phối chuẩn. Tạo biến logarit nepe của thu nhập bình quân đầu người/tháng có dạng phân phối chuẩn trước khi đưa vào mô hình hồi quy.
Phân phối thu nhập bình quân đầu người năm 2020
Để xác định các yếu tố ảnh hưởng tới thu nhập, tác giả thực hiện thống kê mô tả đơn giản giữa thu nhập bình quân và các đặc điểm của hộ gia đình. Kết quả cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng khác biệt theo các đặc điểm kinh tế xã hội của hộ gia đình thể hiện mối quan hệ tương quan giữa thu nhập và các biến giải thích. Ví dụ mối quan hệ tuyến tính thuận giữa các biến giải thích trình độ học vấn của chủ hộ, diện tích bình quân đầu người với thu nhập bình quân đầu người/tháng. Mối quan hệ theo chiều hướng parabol như quy mô hộ gia đình và thu nhập bình quân.
Bảng. Thống kê mô tả Thu nhập bình quân đầu người/tháng theo các đặc điểm
kinh tế - xã hội của hộ gia đình năm 2020
Đơn vị tính: 1000 đồng
|
Thu nhập bình quân đầu người/tháng |
Khu vực |
|
Thành thị |
5927 |
Nông thôn |
3666 |
Vùng |
|
Đồng bằng sông Hồng |
5151 |
Trung du và miền núi phía Bắc |
3036 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung |
3521 |
Tây Nguyên |
3053 |
Đông Nam Bộ |
6497 |
Đồng bằng sông Cửu Long |
4049 |
Quy mô hộ gia đình |
|
1 thành viên |
5608 |
2 thành viên |
5027 |
3 thành viên |
4834 |
4 thành viên |
4427 |
5 thành viên |
3805 |
Từ 6 thành viên trở lên |
3461 |
Dân tộc chủ hộ |
|
Kinh Hoa |
4824 |
Tày Thái Mường Nùng |
2463 |
Khmer |
3410 |
Mông |
1094 |
Khác |
1853 |
Giới tính chủ hộ |
|
Nam |
4420 |
Nữ |
4753 |
Tình trạng hôn nhân của chủ hộ |
|
Chưa có vợ/chồng |
6461 |
Đang có vợ/chồng |
4504 |
Góa |
3770 |
Ly hôn |
5153 |
Ly thân |
4227 |
Bằng cấp cao nhất của chủ hộ |
|
Dưới tiểu học |
2987 |
Tiểu học |
3843 |
THCS |
4220 |
THPT |
5304 |
Sơ cấp nghề |
5301 |
Trung cấp |
5153 |
CĐ, ĐH trở lên |
7875 |
Số người có việc làm trong hộ |
|
0 |
3785 |
1 |
4885 |
2 |
4601 |
3 |
4462 |
Từ 4 người trở lên |
3859 |
Vật liệu cấu tạo cột, mái, nền nhà |
|
Bê tông |
4605 |
Không phải bê tông |
2318 |
Tình trạng sở hữu chỗ ở |
|
Nhà riêng |
4302 |
Nhà thuê |
6913 |
Khác |
3733 |
Diện tích ở bình quân đầu người |
|
Dưới 20 m² |
3820 |
Từ 20 đến dưới 30 m² |
4259 |
Từ 30 đến dưới 40 m² |
4640 |
Từ 40 m² |
5877 |
Nguồn nước uống của hộ |
|
Nước máy |
5423 |
Nước giếng khoan |
4164 |
Nước giếng đào được bảo vệ |
3015 |
Nước khe mó |
1885 |
Nước mưa |
3579 |
Nước đóng chai |
5145 |
Loại nước khác |
2187 |
Loại công trình vệ sinh |
|
Tự hoại/ Bán tự hoại |
4816 |
Khác |
2170 |
Không có hố xí |
1455 |
Nguồn: Tác giả tự tính toán từ Khảo sát mức sống dân cư 2020, Tổng cục Thống kê
(2) Mô hình hồi quy tương quan giữa thu nhập bình quân đầu người và các đặc điểm kinh tế xã hội của hộ gia đình
Mô hình được xây dựng để ước lượng thu nhập bình quân đầu người/tháng trên cơ sở dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư năm 2020, gồm biến phụ thuộc là thu nhập bình quân đầu người/tháng (dạng hàm logarit nepe) và các biến độc lập gồm: Nhóm biến vị trí địa lý: khu vực thành thị nông thôn, vùng kinh tế; Nhóm biến phản ánh đặc điểm chủ hộ: Dân tộc, giới tính, tình trạng hôn nhân, bằng cấp cao nhất; Nhóm biến phản ánh đặc điểm thành viên hộ: Qui mô hộ, số người trong độ tuổi trẻ em, người già, tuổi lao động; số người có việc làm, bằng cấp cao nhất; Nhóm biến phản ánh cấu trúc ngôi nhà: Vật liệu cấu tạo cột - mái - tường; loại nguồn nước, công trình vệ sinh, diện tích ở bình quân, loại hình sở hữu nhà; Nhóm biến về tài sản đồ dùng lâu bền: Tivi, máy vi tính, điện thoại, tủ lạnh, máy giặt, bình nóng lạnh, điều hòa, xe máy, xe đạp, xuồng ghe, ô tô…
Mô hình tổng quan được xây dựng bao gồm toàn bộ các biến giải thích cho thay đổi của thu nhập bình quân:
Mô hình trên đây được thực hiện riêng cho từng vùng kinh tế, ở mỗi vùng chúng ta có các mô hình khác nhau và biến giải thích khác nhau. Bởi đặc điểm kinh tế xã hội của các vùng khác nhau nên có những biến giải thích có thể có ý nghĩa ở vùng này nhưng không có ý nghĩa ở vùng khác. Ngoài ra đối với mỗi mô hình theo vùng, chúng ta chỉ giữ lại những biến không có đa cộng tuyến, có ý nghĩa về mặt thống kê và cả ý nghĩa kinh tế xã hội. Một số yếu tố khác của mô hình cũng cần xem xét như giá trị R², mô hình được chọn cần tối đa hóa R² và R² có điều chỉnh. Thông thường trong kết quả chạy R² đạt được giá trị trên dưới 50%.
(3) Ước lượng gián tiếp thu nhập bình quân đầu người trên nền dữ liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019
Mô hình thu được ở Bước 2 được chuyển sang Bước 3 để ước lượng, với giá trị các biến giải thích từ dữ liệu Tổng điều tra gắn với hệ số tương quan trong mô hình ở Bước 2. Ước lượng thu nhập bình quân từ mô hình cho các cấp độ đại diện gồm cả nước, thành thị, nông thôn, vùng và tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
So sánh giá trị thu nhập ước lượng gián tiếp từ mô hình và giá trị thu được từ Khảo sát mức sống dân cư 2019 (hoặc 2020) - lưu ý đây là so sánh thu nhập ở cấp tỉnh. Nếu giá trị thu nhập bình quân đầu người cấp tỉnh quá khác biệt giữa ước lượng từ mô hình và số liệu trực tiếp khảo sát thì điều chỉnh mô hình hoặc xác định giá trị không ước lượng được từ mô hình để điều chỉnh vào giá trị - tăng hoặc giảm.
Sau khi điều chỉnh phù hợp thì tiến hành phân tổ thu nhập ước lượng theo huyện/quận của toàn bộ các đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước.
Để đảm bảo kết quả ước lượng đáp ứng tính khoa học và phù hợp với thực tế của địa phương, ngoài 03 bước tiến hành như trên, kết quả còn được thẩm định để đánh giá. Theo đó, tác giả đã tham khảo ý kiến và phương pháp của chuyên gia Ngân hàng Thế giới. Về phương pháp luận, Ngân hàng Thế giới áp dụng phương pháp ước lượng nhỏ ở mức độ phức tạp và kỹ thuật cao hơn, tuy nhiên hiện chỉ áp dụng ước lượng tỷ lệ nghèo.
Bên cạnh đó, lấy ý kiến Cục Thống kê tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Đây là đối tượng trực tiếp sử dụng số liệu cấp huyện/quận phục vụ lập kế hoạch cũng như đánh giá tình hình địa phương. Cuối tháng 8/2022, kết quả ước lượng thu nhập bình quân đầu người cấp huyện đã được gửi cho 63 tỉnh/thành phố để lấy ý kiến. Có nhiều ý kiến đồng ý nhưng cũng có một số tỉnh chưa đánh giá được do nguyên nhân khách quan (không đủ cơ sở để đánh giá, kết quả còn chưa phản ánh đúng tình hình địa phương…).
Tóm lại, phương pháp thực hiện ước lượng cần đơn giản, khoa học và sử dụng chương trình phân tích số liệu thống kê để xử lý số liệu. Yêu cầu khi thực hiện đó là có thể áp dụng trên diện rộng và dễ phổ biến đến Thống kê cấp tỉnh. Trên thực tế, nhiều cơ quan đã phát triển phương pháp ước lượng khu vực nhỏ để ước lượng các chỉ tiêu đánh giá như tỷ lệ nghèo của Ngân hàng Thế giới rất hiện đại và chính xác, tuy nhiên liệu có thể sử dụng để tập huấn và ứng dụng trên diện rộng các Cục Thống kê tỉnh/thành phố hay không thì còn là một vấn đề cần cân nhắc.
Lợi ích của phương pháp ước lượng khu vực nhỏ chính là đáp ứng khoảng trống về số liệu phục vụ hoạch định chính sách tại địa phương, khi mà việc thu thập số liệu bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó ngân sách là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, phương pháp này tận dụng nguồn số liệu sẵn có và góp phần nâng cao năng lực khai thác dữ liệu của ngành Thống kê./.
ThS. Tô Thúy Hạnh
Vụ Thống kê Xã hội - Môi trường - TCTK
[1] Theo tài liệu tuyên truyền về Ước lượng khu vực nhỏ của RTI: Small Area Estimation (rti.org)