Cách thức đo lường kinh tế số từ một số tổ chức quốc tế

06/09/2023 - 09:40 AM
Khái niệm về kinh tế số

Kinh tế số nhằm phản ánh bản chất thay đổi nhanh chóng của công nghệ và việc sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp, của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đây là khái niệm được đề cập từ những năm 1990.

Sau đó có nhiều quan điểu khác nhau về kinh tế số như: (1). Quan điểm về nguồn lực, Tapscott, 1996, “kinh tế số được xác định dựa trên quan điểm về công nghệ, công cụ xử lý dữ liệu hoặc thông tin và quan điểm về nguồn lực con người kết hợp trí tuệ, sáng tạo hoặc kỹ năng được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin”[1]; (2) Quan điểm quy trình, Kling & Lamb 2000, Mesenbourg 2001 “kinh tế số là sử dụng công nghệ để hỗ trợ các quy trình sản xuất kinh doanh như giao dịch/thương mại”[2]; (3) Quan điểm về cấu trúc: Brynjolfsson & Kahin 2000b, G20 DETF 2016 “chuyển đổi kinh tế” và DBCDE 2013, Nghị viện Châu Âu 2015 “một phần của kinh tế số là xác định cấu trúc dựa trên Web hay mạng mới”[3].

Do quan niệm khác nhau nên kết quả đo lường kinh tế số cũng khác nhau. Gần đây nhất, năm 2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra định nghĩa mang tính toàn diện hơn nhằm tạo sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên G20 trong xác định khái niệm thống nhất và đo lường kinh tế số: “Kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu”[4].

Theo đó, kinh tế số đề cập đến tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng, kể cả chính phủ đang sử dụng các đầu vào kỹ thuật số trong các hoạt động kinh tế. Với cách tiếp cận này, hoạt động thuộc phạm vi kinh tế số được xác định dựa trên việc xem xét mức độ ứng dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số tạo ra sản phẩm. Khái niệm kinh tế số do OECD đưa ra nhằm hỗ trợ các cơ quan thống kê đo lường chính xác và đảm bảo tính so sánh của kinh tế số, đồng thời phản ánh đầy đủ hơn các tương tác số hóa không được ghi nhận là hoạt động kinh tế, vượt ra ngoài phạm vi đo lường của chỉ tiêu GDP. Như vậy, các hoạt động kỹ thuật số không chỉ tác động đến kinh tế mà còn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Phương pháp đo lường kinh tế số

Theo nghiên cứu của Hội đồng nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ (ICRIER) - Học viện Ngân hàng phát triển Châu Á (WB) tháng 6/2023[5] về “Hướng tới khung chung và khả năng so sánh cho đo lường kinh tế số” chỉ ra rằng, các nghiên cứu hiện nay có hai phương pháp tiếp cận đo lường kinh tế số đó là phương pháp tiếp cận từ trên xuống và phương pháp tiếp cận từ dưới lên.

Phương pháp tiếp cận từ trên xuống: Đo lường dựa vào tất cả các ngành được hưởng lợi từ việc áp dụng công nghệ số và năng suất đạt được do áp dụng công nghệ số (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp), nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng phương pháp này, trong đó có Trung Quốc và đã đem lại kết quả bất ngờ về kinh tế số với đóng góp khoảng 40% trong GDP.

Phương pháp tiếp cận từ dưới lên: Đo lường từng thành phần của kinh tế số, xác định khái niệm, phạm vi từ phần cứng đến hoạt động thương mại điện tử để tổng hợp và đi đến một ước tính ở tầm vĩ mô như OECD/BEA- Cơ quan phân tích kinh tế Mỹ, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và đo lường GDP-B của Brynjolfsson và các đồng nghiệp năm 2019[6].

Theo các phương pháp tiếp cận từ dưới lên, hướng dẫn đo lường kinh tế số được quan tâm nhiều nhất trên thế giới hiện nay là của OECD và ADB.

Hướng dẫn về đo lường kinh tế số của OECD

Theo hướng dẫn của OECD[7], nền kinh tế số được tiếp cận đa chiều theo cả giao dịch số, ngành số và sản phẩm số, đồng thời có khuyến nghị các quốc gia xây dựng bảng nguồn và sử dụng số (D.SUT) dựa trên cấu trúc của bảng nguồn và sử dụng (SUT) tiêu chuẩn để đo lường nền kinh tế số thông qua việc thêm 07 ngành kinh tế mới và 04 sản phẩm số mới:

- Ngành số gồm: (1) Ngành hỗ trợ kỹ thuật số; (2) Ngành cung cấp dịch vụ tài chính bảo hiểm hoạt động trên môi trường số; (3) Nền tảng trung gian tính phí; (4) Ngành hoạt động phụ thuộc vào nền tảng trung gian; (5) Ngành hoạt động nền tảng kỹ thuật số định hướng dữ liệu và quảng cáo; (6) Ngành bán lẻ trực tuyến; (7) Ngành sản xuất khác chỉ hoạt động trên môi trường số.

- Sản phẩm số gồm: (1) Hàng hóa công nghệ thông tin- truyền thông ICT; (2) Dịch vụ kỹ thuật số; (3) Dịch vụ điện toán đám mây; (4) Dịch vụ trung gian kỹ thuật số.

- Giao dịch số: Đặt hàng kỹ thuật số và giao hàng kỹ thuật số.

Về phương pháp tính toán, bảng D.SUT được xây dựng dựa theo quy trình sau:

Đo lường kinh tế số - cách thức từ một số tổ chức quốc tế

Với cách tiếp cận theo hướng dẫn của OECD, nền kinh tế số sẽ được nhìn nhận đa chiều, cung cấp một lượng lớn thông tin, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chính sách phát triển kinh tế số đa dạng từ góc độ giao dịch, sản phẩm và ngành kinh tế số. Tuy nhiên, việc phân định các ngành kinh tế và ngành sản phẩm theo bảy ngành kỹ thuật số là khó khăn và chưa thể tính toán được tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP một cách tổng quan nhất theo ngành kinh tế. Do vậy, hiện nay chưa thể biên soạn được chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP, GRDP. Hơn nữa, việc xây dựng D.SUT sẽ mất thời gian và tốn nhiều nguồn lực, việc thiếu thông tin chi tiết để phân chia thành các sản phẩm số, ngành số thường đòi hỏi phải sử dụng mô hình hóa để xử lý trong quá trình hoàn thiện bảng SUT.

Hướng dẫn về đo lường kinh tế số của ADB[8]

Theo hướng dẫn của ADB, ước tính đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP dựa trên bảng cân đối liên ngành (IO), theo đó “Nền kinh tế số là sự đóng góp của bất kỳ giao dịch kinh tế nào liên quan đến cả sản phẩm kinh tế số và ngành kinh tế số trong GDP”, đồng thời đo lường đóng góp của ngành kinh tế số trong GDP dựa vào ảnh hưởng của ngành kinh tế số (ngành lõi), bởi tiêu dùng cuối cùng của chính nó và tiêu dùng cuối cùng của các ngành khác (ngành phi số) có sử dụng hoặc phụ thuộc vào các ngành kinh tế số qua liên kết xuôi (ngành kinh tế được số hóa).

Sản phẩm kỹ thuật số lõi gồm 5 nhóm sản phẩm chính là: Phần cứng; Xuất bản phần mềm; Xuất bản web; Dịch vụ viễn thông; và Dịch vụ chuyên biệt và hỗ trợ.

ADB đưa ra phương pháp tính toán: Giả định có hai ngành trong một nền kinh tế nhất định, với ngành 1 là nhóm ngành số, ngành 2 là nhóm ngành phi số.

Xác định ma trận giá trị sản xuất ảnh hưởng bởi các nhân tố của cầu cuối cùng với các véc tơ giá trị sản xuất của nhóm ngành kinh tế số và véc tơ giá trị của nhóm ngành kinh tế khác; ma trận hệ số sản xuất với các véc tơ của nhóm ngành kinh tế số và nhóm ngành kinh tế khác; Ma trận cầu cuối cùng với các véc tơ cầu cuối cùng của nhóm ngành kinh tế số và nhóm ngành kinh tế khác.

Xác định sự thay đổi của nhóm ngành kinh tế số do tác động bởi giá trị sản xuất của nhóm ngành kinh tế khác sử dụng nhóm ngành kinh tế số làm đầu vào.

Xác định giá trị gia tăng của nhóm ngành kinh tế số bao gồm: Đóng góp giá trị tăng thêm của ngành kinh tế số bởi cầu cuối cùng của chính các ngành kinh tế số; đóng góp giá trị tăng thêm của ngành kinh tế số được yêu cầu bởi sản xuất các ngành kinh tế khác, đây cũng là sự đóng góp của ngành kinh tế số vào giá trị các sản phẩm cuối cùng của ngành kinh tế khác và đóng góp giá trị tăng thêm của ngành kinh tế khác được tạo ra bởi cầu cuối cùng của nhóm ngành kinh tế số thông qua các liên kết ngược.

Theo hướng dẫn của ADB, đóng góp của kinh tế số trong GDP trên phạm vi toàn quốc được thể hiện từ cả phía cung và phía cầu. Tuy nhiên, việc tính toán chỉ tiêu này hằng năm và tính cho các địa phương là khó khả thi, do ở Việt Nam bảng IO thường được biên soạn theo chu kỳ 5 năm/lần cho phạm vi cả nước.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng đang trên hành trình chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng góp nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng; công nghệ thông tin được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề và mọi mặt của đời sống. Việc đo lường đóng góp của kinh tế số đối với nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức trong việc thống nhất định nghĩa, khái niệm và nội hàm của kinh tế số; xác định các nguồn số liệu biên soạn quy mô kinh tế số; xác định các hoạt động kinh tế số trong từng ngành kinh tế và cả những thách thức đối với cập nhật và phản ánh các sản phẩm số trong chi phí đầu vào chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất. Những kinh nghiệm quốc tế trên sẽ là bài học quý để Việt Nam nghiên cứu, tìm tòi phương pháp đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, từ đó có được các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số đầy đủ, kịp thời, chính xác phục vụ quản lý, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ./.

 
                                           TS. Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
 

 
[1] https://archive.org/details/digitaleconomy00dont
 
[2]https://books.google.com.vn/books?id=tgw8EAAAQBAJ&pg=PT83&lpg=PT83&dq=Kling+%26+Lamb+2000,+Mesenbourg+2001&source=bl&ots=GnUnpBlL5S&sig=ACfU3U1gyYkNHHPqzX_aamogmQPyrZLh3w&hl=vi&sa=X&ved=2ahUKEwi6r__14fKAAxXasVYBHZXjCc0Q6AF6BAgWEAM#v=onepage&q=Kling%20%26%20Lamb%202000%2C%20Mesenbourg%202001&f=false
 
[3] http://www.g20.utoronto.ca/2016/g20digital- economy- development- and- cooperation.pdf.
 
[4] https://one.oecd.org/document/SDD/CSSP/WPNA(2019)1/REV1/En/pdf
 
[5]https://www.adb.org/sites/default/files/publication/887046/adbi-toward-common-and-comparable-framework-measuring-digital-economy.pdf
 
[6] https://www.nber.org/system/files/working_papers/w25695/w25695.pdf
 
[7] https://one.oecd.org/document/SDD/CSSP/WPNA(2019)1/REV1/En/pdf
 
[8] https://www.adb.org/publications/capturing-digital-economy-measurement-framework

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top