Phát triển việc làm xanh vì nền kinh tế xanh hơn

22/08/2023 - 02:36 PM
Tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP26 diễn ra vào cuối năm 2021, Việt Nam cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, loại bỏ than đá vào những năm 2040 và giảm 30% lượng khí thải mêtan vào năm 2030. Đây là cam kết đầy tham vọng của Việt Nam, có tác động đến Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là Chiến lược tăng trưởng xanh và đòi hỏi tất cả các ngành kinh tế phải điều chỉnh việc làm thân thiện với môi trường.
Khái niệm việc làm xanh còn rất mới mẻ
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam xác định, tạo việc làm xanh là một trong những giải pháp trọng tâm đđạt được mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
 
Tại Quyết định số 882/2022/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh cũng xác định vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành và cơ quan trong tạo việc làm xanh. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) xây dựng tiêu chí phương pháp đo lường việc làm xanh, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về việc làm xanh tích hợp đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu tăng trưởng xanh quốc gia. Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng tăng trưởng xanh dựa trên định hướng của các ngành; hình thành, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia cho các ngành nghề xanh (dự báo nhu cầu lao động, yêu cầu về năng lực, kỹ năng…), kết nối cung và cầu trong thị trường lao động việc làm xanh.
 
Về khái niệm, tại Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa thống nhất và khung đo lường cơ bản của việc làm xanh. Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm "xanh" được hiểu là giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu; hạn chế phát thải khí nhà kính; giảm thiểu rác thải và ô nhiễm; bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái, cũng như hỗ trợ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
 
Đđánh giá tình hình việc làm xanh tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tiếp cận song song hai khái niệm là dựa trên nhiệm vụ (đo lường các công việc liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ thân thiện với môi trường) và dựa trên kết quả (đo lường việc làm trong các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, góp phần giảm tác động đến môi trường).
 
Với cách tiếp cận dựa trên nhiệm vụ đối với dữ liệu khảo sát lao động việc làm, WB đã phát triển bộ công cụ Mức độ nhiệm vụ xanh (GTI) theo Granata và Posadas (2022). Chỉ số GTI (tiềm năng) được tính bằng tỷ lệ các nhiệm vụ xanh (tiềm năng) trên tổng số nhiệm vụ trong một nghề nghiệp.
 
Phát triển việc làm xanh vì nền kinh tế xanh hơn

Theo đó, WB tiến hành liên kết các nghề nghiệp ISCO-08 (bảng phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp 2008) được phân loại theo bộ công cụ GTI trên với Danh mục nghề nghiệp Việt Nam (VSCO), đồng thời phân tích mô tả theo phương pháp GTI cho 15% nghề nghiệp còn lại có khác biệt giữa VSCO và ISCO-08 để có được kết quả phân loại nghề nghiệp (VSCO cấp 4) theo tỷ lệ nhiệm vụ xanh và nhiệm vụ xanh tiềm năng.
Bước đầu nghiên cứu việc làm xanh tại Việt Nam
Kết quả, việc làm xanh chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số việc làm với 3,6%, tương đương với tỷ lệ việc làm xanh của các nước Hoa Kỳ, Indonesia và Campuchia. Tuy nhiên, ngoài 39 nghề xanh, còn có 88 nghề khác có tiềm năng trở thành nghề xanh, chiếm 41% tổng số việc làm, cho thấy những lợi ích to lớn có thể mang lại từ việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam. Các ngành có mức độ tập trung việc làm xanh cao nhất là điện, khí đốt và cấp nước (23%), khai mỏ (5%), dịch vụ môi trường (5%). Nông nghiệp có mức độ tập trung việc làm xanh tiềm năng cao nhất (83%).
Bảng 1: Top 10 nghề nghiệp xanh
Phát triển việc làm xanh vì nền kinh tế xanh hơn 1
 
Với cách tiếp cận dựa trên kết quả đối với dữ liệu Khảo sát lao động việc làm và Tổng điều tra kinh tế, WB đã thực hiện theo phương pháp được triển khai ở Indonesia (Pasadas và cộng sự, 2023) đđiều chỉnh phân loại các ngành công nghiệp xanh của Hoa Kỳ cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Theo đó, WB tiến hành chuyển đổi phân loại các ngành công nghiệp xanh trong Hệ thống phân loại công nghiệp Bắc Mỹ (NAICS) sang Bảng phân loại công nghiệp quốc tế cho các hoạt động kinh tế, phiên bản thứ 4 (ISIC Rev.4); chuyển đổi phân loại các ngành công nghiệp xanh trong ISIC Rev.4 sang Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC); điều chỉnh phân loại thủ công, sử dụng thông tin ngành chi tiết của VSIC để phản ánh tốt hơn bối cảnh của các ngành công nghiệp xanh tại Việt Nam. Từ đó, cho kết quả phân loại ngành (VSIC cấp 4) thành ngành xanh, hỗn hợp và không xanh. Các ngành hỗn hợp được tính trọng số theo tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ xanh và được bao gồm trong các ngành công nghiệp xanh.
 
Kết quả cho thấy, tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp xanh là 4,8% trong tổng số lao động, lớn hơn so tỷ lệ lao động trong việc làm xanh là 3,6%. Mặc dù số lao động trong các ngành công nghiệp xanh có thể không thực hiện nhiệm vụ xanh hoặc sử dụng kỹ năng xanh, nhưng trên thực tế quá trình chuyển đổi xanh sẽ có tác động đến những công việc này. Cũng theo dữ liệu phân tích của WB, các doanh nghiệp trong các ngành xanh hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là một gợi ý để xây dựng chính sách có thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, ví dụ như tài chính xanh và ưu đãi thuế đđầu tư vào năng lượng tái tạo.
 
Qua khảo sát của WB cũng cho thấy, tỷ lệ việc làm xanh duy trì khá ổn định trong giai đoạn 2016-2021, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu và xu hướng chuyển dịch khỏi ngành nông nghiệp thì tỷ lệ xanh tiềm năng có xu hướng giảm.
 
Phân theo khu vực vị trí địa lý, việc làm xanh và việc làm trong các ngành xanh tập trung nhiều hơn ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi việc làm xanh tiềm năng lại trải rộng hơn. Các tỉnh có mức độ việc làm xanh cao nhất là Yên Bái (13%), Bạc Liêu (12%) và Sóc Trăng (9%), đây cũng là các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế chưa thực sự cao. Các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên có tỷ trọng và mức độ việc làm xanh thấp, cho thấy những lợi ích tiềm năng từ quá trình xanh hóa.
 
Bên cạnh đó, lao động nam chiếm ưu thế trong việc làm xanh và việc làm trong ngành xanh. Việc làm xanh có nhiều khả năng là việc làm chính thức hơn so với việc làm không xanh. Có điểm đáng chú ý là việc làm xanh đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn cao hơn nhưng dường như không được trả lương cao hơn, trái ngược với một số nước như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh khi các việc làm xanh có mức lương cao hơn.
 
Tỷ lệ việc làm có tay nghề trung bình và cao trong tổng số việc làm xanh cao hơn so với việc làm không xanh, ở mức lần lượt là 92% và 74%. Điều này chứng tỏ việc làm xanh là một trong những “con đường” để chúng ta nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của Việt Nam.
 
Bên cạnh hai cách tiếp cận trên, đầu năm 2023, WB cũng phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện khảo sát việc làm xanh (GJS) nhằm thu thập thông tin chi tiết về nhiệm vụ, kỹ năng và yêu cầu trình độ của việc làm xanh tại Việt Nam. Cuộc khảo sát không chỉ đo lường đơn giản về tỷ lệ các nhiệm vụ xanh trong tổng số nhiệm vụ, nội dung nhiệm vụ của việc làm xanh, mà còn kiểm tra tần suất thực hiện các nhiệm vụ; kiểm tra các kỹ năng được sử dụng trong việc làm, bao gồm cả các kỹ năng xanh, kỹ năng nhận thức, kỹ năng số, kỹ năng quản lý và kỹ năng kỹ thuật.
 
Bảng câu hỏi dùng trong cuộc khảo sát GJS do WB thiết kế, áp dụng phương pháp luận của Hoa Kỳ phù hợp Việt Nam. GJS sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên kết hợp với giới thiệu với các tiêu chí lựa chọn nghiêm ngặt đđảm bảo độ bao phủ mạnh mẽ và tính đa dạng trên các thuộc tính chính, bao gồm giới tính, nhóm tuổi, loại hình doanh nghiệp và khu vực địa lý (thành thị/ nông thôn và vùng). Cuộc khảo sát được thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố năng động của Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An và Khánh Hòa và tổng cỡ mẫu là 500 quan sát.
 
Cuộc khảo sát GJS cho kết quả, tỷ lệ người lao động có việc làm xanh thực hiện các nhiệm vụ xanh hàng ngày với tần suất cao là 38%. Người lao động thực hiện các nhiệm vụ xanh với tần suất cao không nhất thiết thường xuyên sử dụng các kỹ năng xanh. Điều này cho thấy, các nhiệm vụ xanh bao gồm không chỉ các kỹ năng xanh mà còn nhiều kỹ năng khác (giao tiếp, giải quyết vấn đề, kỹ thuật, quản lý, kỹ năng số…). Các kỹ năng số được người lao động có việc làm xanh sử dụng thường xuyên nhất là soạn thảo tài liệu trên máy tính, sử dụng mạng xã hội và tra cứu trên internet. Kết quả GJS cũng cho biết, mặc dù việc làm xanh yêu cầu trình độ học vấn cao hơn nhưng hầu hết có thể được đào tạo tại chỗ trong thời gian dưới 12 tháng. Các việc làm xanh tay nghề cao hơn yêu cầu đào tạo về khoa học, trong khi các việc làm tay nghề trung bình yêu cầu đào tạo về kỹ thuật, sản xuất và xây dựng. Nam giới có nhiều cơ hội tiếp cận việc làm xanh hơn nữ giới.
WB đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam
Về đo lường việc làm xanh theo cả cách tiếp cận dựa trên nhiệm vụ và dựa trên kết quả: Cách tiếp cận dựa trên nhiệm vụ có nhiều thông tin hơn so với cách tiếp cận dựa trên kết quả từ góc độ chính sách phát triển kỹ năng. Cách tiếp cận dựa trên kết quả rất hữu ích để cung cấp thông tin cho các chính sách ngành. Hai cách tiếp cận trên bổ sung cho nhau.
 
Về theo dõi tác động của tăng trưởng xanh tới việc làm, cần lồng ghép báo cáo số liệu thống kê việc làm xanh đđánh giá tác động của quá trình chuyển đổi xanh đến thị trường lao động, sử dụng phân loại chính xác để xác định các việc làm xanh. Có thể định kỳ thực hiện khảo sát GJI để thu thập thông tin một cách có hệ thống về việc làm xanh tại Việt Nam. Khi áp dụng định nghĩa việc làm xanh,  TCTK có thể công bố các chỉ số thống kê về việc làm xanh, sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm và tổng điều tra kinh tế. Nên đưa việc làm xanh vào hệ thống thông tin thị trường lao động.
 
WB cũng đồng thời khuyến nghị về các vấn đề: Nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động trong các việc làm xanh và tăng cường cung cấp các kỹ năng xanh đđáp ứng nhu cầu trong nước và toàn cầu; Lồng ghép các vấn đề môi trường và khí hậu vào trong chương trình giáo dục và đạo tạo; Phát triển các kỹ năng nhận thức nâng cao (giải quyết vấn đề), kỹ năng xã hội và kỹ năng số cho tất cả người lao động, bao gồm cả những người chuyển đổi sang việc làm xanh; Thiết lập quan hệ đối tác công tư để có thể xác định nhu cầu và cải thiện hoạt động đào tạo về kỹ năng xanh; Ban hành các chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận việc làm xanh cho lao động nữ và các nhóm dễ bị tổn thương.
 
Những kết quả nghiên cứu ban đầu về việc làm xanh và các khuyến nghị của WB sẽ là những lưu ý để Việt Nam đưa ra những chính sách phát triển thị trường việc làm xanh, từ đó đạt được những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia./.
 
Ngọc Linh
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top