Ở Việt Nam, mô hình hợp tác giữa trường đại học (TĐH) và doanh nghiệp (DN) được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hai thập niên trở lại đây. Theo đó, trong nhiều chính sách của nhà nước khẳng định: Các TĐH phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các DN, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; coi DN là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn nhu cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học - công nghệ… Tuy nhiên, trong những năm qua, sự phát triển các mô hình hợp tác giữa các TĐH và DN còn hạn chế. Bài viết này sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả mối liên kết giữa TĐH và DN.
Chính sách thúc đẩy hợp tác TĐH và DN
Chủ trương phát triển mô hình ba nhà (Nhà nước - TĐH - DN) đã có từ cuối những năm 1990 thông qua chủ trương xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đến nay dự án vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định.
Đến năm 2005, Dự án Phát triển Giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (Profession Oriented Higher Education - POHE) đã được triển khai dưới sự quản lý và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Song song với đó, cơ sở pháp lý cho hoạt động này đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung có đề cập đến việc “đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Trung ương Đảng khóa XI, có nêu “các TĐH phải thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội (chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2011 - 2020)”. Bên cạnh đó, thông qua việc ban hành một số các nghị định, công văn đặc thù, cụ thể: Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05/10/2017 về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe; Công văn số 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin trình độ đại học; Công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH ngày 20/10/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch; Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Điều này cho thấy, các ban, ngành đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác giữa các TĐH và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Thực trạng các mô hình hợp tác giữa TĐH và doanh nghiệp
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT, trong số 135 cơ sở giáo dục đại học có báo cáo khảo sát năm 2021, thì có 40,7% cơ sở đào tạo có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp cả trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác; 44,4% có hợp tác trong các lĩnh vực khác; 8,1% có hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và 6,7% không có hoạt động hợp tác nào với doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào các cơ sở đào tạo các khối ngành đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật.
Tổng số doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát là 6.126 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ trung bình là 60 doanh nghiệp/cơ sở đào tạo. Việc gắn kết với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở vấn đề tìm chỗ thực hành cho sinh viên hay xin học bổng, đa số các trường hiện nay đang hướng tới việc giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Kết quả khảo sát của Vụ Giáo dục đại học năm 2021 cũng cho thấy, hoạt động hợp tác nổi bật nhất giữa TĐH - doanh nghiệp trong đào tạo là hoạt động tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập (gần 90%). Hoạt động hợp tác chiếm vị trí thứ 2 là tài trợ cho các hoạt động liên quan đến đào tạo và ngoại khóa bao gồm: Trao học bổng sinh viên, tổ chức ngày hội việc làm và tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp (gần 70%). Việc các doanh nghiệp tham gia góp ý cho chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy dừng lại ở mức độ 30%.
Trên thực tế, nhiều mô hình hợp tác đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, như:
i. Mô hình của TĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện nay, Trường đang hợp tác với DN về tuyển dụng, nghiên cứu. Trong đó, các khóa học đào tạo dựa trên công nghệ của DN được đưa vào các học phần nhà trường và các khóa học đào tạo chuyên sâu đặc thù hướng tới môi trường làm việc cho sinh viên. Để làm được điều này, TĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng mối quan hệ với các DN để đảm bảo thành công của các khóa học tương ứng. Trong năm 2017, Trường đang có 10 chương trình liên kết đào tạo với các DN. Điển hình Nhà trường có 4 học phần liên kết đào tạo với Công ty Samsung. Sau khi sinh viên học những học phần đó sẽ được nhà trường cấp cho chứng chỉ tương ứng để có thể đi thực tập. Hàng năm, Nhà trường có khoảng từ 120-180 sinh viên thực tập tại Công ty Samsung và những sinh viên này cũng là nguồn tuyển dụng của DN (Đỗ Hòa, 2018).
Ngoài ra, TĐH Bách khoa Hà Nội còn tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận tìm hiểu với văn hóa làm việc của mỗi DN nhằm giúp sinh viên làm quen với văn hóa của các nước để làm việc tốt hơn tại các DN.
ii. Mô hình của TĐH Công nghiệp Hà Nội. Năm 2014, TĐH Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Trung tâm Hợp tác với DN. Theo báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Trung tâm Hợp tác với DN, năm 2016, Nhà trường đã tiếp nhận 28 yêu cầu tham gia thăm quan, thực tập tại DN trong khuôn khổ hợp tác đào tạo của các DN, như: Nissan Techno, Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam, Foxconn, Vinatop, COMA 18... với 3.150 sinh viên. Hoạt động trao đổi cán bộ giảng viên cũng được đẩy mạnh hơn so với năm 2016, cụ thể có 30 cán bộ giảng viên tới DN đào tạo tại các DN, như: Denso Việt Nam, Canon Việt Nam, Pepsico Việt Nam, Phân lân Văn Điển, Hanacans; có 36 cán bộ của DN tham gia giảng dạy tại Nhà trường đến từ: Foxconn, Pepsico Việt Nam, Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam.
Năm 2017, số lượng các khoá học ngắn hạn do DN gửi tới trường đào tạo là 148 khóa học với số lượng học viên lên tới 1795 người, tăng 174,78% so với năm trước. Số lượng chương trình thực tập trải nghiệm tại DN là 26 chương trình với khoảng 1.938 sinh viên tham gia tại các DN, như: Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam, Foxconn, UMC, Toyo Denso, TNHH Gia Minh. Có 45 giảng viên từng tham gia giảng dạy tại các DN, như: Pepsico Việt Nam, Nestle Việt Nam, Hanwha, Denso Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Habeco. Số cán bộ DN tham gia giảng dạy tại nhà trường tăng lên 40 người đến từ các DN, như: Foxconn, Hanwa, Denso Việt Nam, Bóng đèn dạng đông, Minami Fuji.
Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay, chiếm khoảng từ 58,6% - 65%, số lượng sinh viên có việc làm sau 01 năm tốt nghiệp chiếm khoảng 86,9%. Căn cứ vào số lượng sinh viên có việc làm cao mà số lượng tuyển sinh của nhà trường hàng năm đều đạt mức 100% chỉ tiêu các hệ đào tạo, mang lại nguồn tài chính ổn định quan trọng đối với cơ chế tự chủ của nhà trường.
iii. Mô hình của TĐH Nông Lâm - Đại học Huế: Là một trong những TĐH đầu tiên được chọn thí điểm mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) từ năm 2005. Trường đã nỗ lực hợp tác với DN để đổi mới chương trình đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sinh viên được đào tạo theo mô hình POHE có nhiều cơ hội trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, DN trong và ngoài nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan... Đến nay, Trường đã có quan hệ hợp tác với gần 500 DN, mang lại cơ hội rất lớn cho người học. Chính điều này giúp sinh viên tự tin, năng động và tìm kiếm được việc làm đúng với sở trường và ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp. Theo số liệu khảo sát năm 2013 của TĐH Nông Lâm - Đại học Huế, có 100% sinh viên được đào tạo theo mô hình POHE khi ra trường tìm được việc làm đúng với nghề nghiệp, được các nhà sử dụng lao động đánh giá cao về năng lực nghề nghiệp.
iv. Trong những năm qua, TĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội luôn thúc đẩy đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được thị trường lao động Việt Nam và các DN FDI. Nhà trường đã và đang phối hợp với DN Samsung, LG, Vinmart... là những DN có nhu cầu cao về nguồn lao động chất lượng. Cuối năm 2017, TĐH Công nghệ đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ (SAE). SAE thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ hàng không vũ trụ ở các bậc đại học, sau đại học; nghiên cứu, phát triển các công nghệ và sản phẩm khoa học trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh, quốc phòng của đất nước; cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ - tri thức trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ trong và ngoài nước.
Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định, song xét về tổng thể đến nay việc hợp tác giữa các TĐH&DN ở Việt Nam còn hạn chế, cụ thể như sau:
Trước hết, hoạt động hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp chưa thực sự phổ biến; nhận thức về lợi ích của các bên liên quan còn mơ hồ.
Thứ hai, quan hệ hợp tác còn mang tính một chiều, ngắn hạn, tình thế; chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba, mục đích hợp tác tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Thứ tư, hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu còn hạn chế.
Thứ năm, về cơ bản vẫn chưa hình thành một mô hình hợp tác bền vững, mang tính tự giác, dựa trên niềm tin và đôi bên cùng có lợi.
Một số giải pháp phát triển mô hình hợp tác giữa trường đại học và Doanh nghiệp
Một là, để thúc đẩy mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp phát triển và phát huy hiệu quả cần tăng cường nhận thức cho đối tượng thực hiện trực tiếp.
Hai là, cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư (PPP) trong giáo dục đại học. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, tài trợ cho lĩnh vực giáo dục đại học, như chính sách miễn trừ thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tài trợ cho giáo dục.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng quyền tự chủ cho nhà trường. Nhà trường cần được tự chủ và chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính. Đặc biệt, bên cạnh các chính sách khích lệ, động viên, kết nối, thúc đẩy, cần một số yêu cầu mang tính bắt buộc. Ví dụ như với nhà trường, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp phải là một tiêu chí trong kiểm định.
Khi xây dựng chính sách phải vừa chú ý đến cái chung, vừa chú ý đến các trường theo từng nhóm lĩnh vực để phù hợp, hài hòa, trong đó đặt trọng tâm đến hệ thống các trường có liên quan nhiều đến doanh nghiệp.
Đề cập tới từng phương diện cụ thể trong hợp tác giữa TĐH và doanh nghiệp như hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hoạt động đào tạo; việc sử dụng nguồn lực…
Ba là, mở rộng quyền tự chủ đại học về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, hợp tác trong nước và quốc tế đối với các cơ sở giáo dục đại học sáng nghiệp. Đây là yêu cầu cần thiết nhằm tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học sáng nghiệp có thể hoạt động như một doanh nghiệp, phát huy vai trò dẫn dắt trong hệ sinh thái ba nhà.
Ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính trong việc triển khai xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp thông qua nhiều dự án khác nhau, bao gồm dự án đấu thầu, dự án ODA, dự án PPP. Về phương diện này, cần có nhiều quan tâm hơn đến các dự án PPP vì đó là sự mở đầu cho hợp tác đại học - doanh nghiệp một cách bền vững, trong đó đóng góp về phía nhà trường là cơ sở hạ tầng, vườn ươm doanh nghiệp, tư duy sáng tạo và đổi mới, kết quả nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên; đóng góp về phía doanh nghiệp là tài chính, đặt hàng nghiên cứu, công nghệ, bí quyết kinh doanh, nơi thực tập cho sinh viên, cố vấn cho vườn ươm.
Kết quả đầu ra của các dự án PPP này là doanh nghiệp được ươm tạo thành công, sản phẩm công nghệ được thương mại hóa, nhà trường có doanh thu và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng đào tạo./.
Tài liệu tham khảo
1. Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT (2022), Báo cáo tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực (thuộc Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh), ngày 18/8/2022.
2. Quốc hội (2014). Luật Giáo dục nghề nghiệp, số 74/2014/QH13, ngày 27/11/2014.
3. Trung tâm Hợp tác với DN (TĐH Công nghiệp Hà Nội) (2017). Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017.
4. Đoàn Văn Tình (2015). Liên kết TĐH với doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13, tháng 7.
5. Đỗ Hòa (2018). Hợp tác đào tạo Nhà trường - DN: Hướng đi cần đẩy mạnh cùng cách mạng 4.0, truy cập từ http://www. baohaiquan.vn/Pages/Hop-tac-dao-tao-Nha-truong-Doanh-nghiep-Huong-di-can-day-manh-cung-cach-mang-4-0.aspx.