Đánh giá sự hài lòng với cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc của thanh niên Việt Nam

11/04/2023 - 03:25 PM
Thanh niên theo Luật Thanh niên quy định thanh niên là những người từ đủ 16 đến 30 tuổi, đây là lực lượng xung kích trong các phòng trào phát triển xã hội khi hội tụ đầy đủ các đặc điểm sức trẻ, sức khỏe, sức sáng tạo và nhiệt huyết. Các kết quả trong bài viết về đánh giá sự hài lòng với cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc của thanh niên Việt Nam được tác giả tự tính từ Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ (gọi tắt là SDGCW 2020-2021) của Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc.

Đây là cuộc điều tra mẫu hộ gia đình trên toàn quốc với quy mô mẫu 14000 hộ, thu thập các thông tin về trẻ em, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi từ 15-49 tuổi. Khoảng hơn 4000 nữ thanh niên và gần 2000 nam thanh niên đã được phỏng vấn 2 câu hỏi đơn giản về hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống. Theo đó thanh niên được phỏng vấn tự đánh giá xem cảm nhận cuộc sống qua 5 mức độ từ rất hạnh phúc cho đến rất không hạnh phúc và tự xếp hạng mức độ hài lòng với cuộc sống qua thang điểm từ 0 đến 10.

Khi nghĩ đến thanh niên, chúng ta luôn nghĩ đến tinh thần vui vẻ lạc quan, nhiệt huyết và luôn sẵn sàng, dường như đó là độ tuổi mà mỗi cá nhân đều cảm thấy hạnh phúc và lạc quan. Qua kết quả Điều tra SDGCW 2020-2021, đáng ngạc nhiên là 66% nữ thanh niên và 65% nam thanh niên cảm thấy hạnh phúc hoặc rất hạnh phúc, như vậy còn tới hơn 30% thanh niên cảm thấy cuộc sống này chưa đạt được mức độ hạnh phúc. Trong đó 32% nữ thanh niên và 35% nam thanh niên cảm thấy bình thường, 1% nam và 2% nữ cảm thấy không hạnh phúc.

Đánh giá sự hài lòng với cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc của thanh niên Việt Nam qua kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ

Khu vực sống, trình độ học vấn, dân tộc, tình trạng hôn nhân hay tình trạng giàu nghèo có ảnh hưởng tới cảm nhận hạnh phúc của thanh niên.  

Mức độ hạnh phúc của thanh niên có sự khác biệt giữa các vùng kinh tế, có tới 76% nữ thanh niên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cảm thấy hạnh phúc trong khi tỷ lệ này ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 58%. Tỷ lệ nam thanh niên cảm thấy hạnh phúc cao nhất ở vùng Tây Nguyên với 72% và thấp nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 59%.

Một điểm đáng ngạc nhiên là nếu như không thấy sự khác biệt chung nam thanh niên và nữ thanh niên cả nước về cảm nhận hạnh phúc thì 2 vùng Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ, khác biệt cảm nhận hạnh phúc theo giới khá lớn (trên 10%). Ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nữ thanh niên cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn nam thanh niên (72% so với 59%), trong khi đó ở vùng Tây Nguyên thì ngược lại (72% ở nam so với 62% ở nữ).

Đánh giá sự hài lòng với cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc của thanh niên Việt Nam qua kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ 1

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thanh niên cảm thấy hạnh phúc khá thấp ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đây là vùng kinh tế kém phát triển nhất trong cả nước và tập trung đông người dân tộc. Năm 2021, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê thì vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước là 13,4% (cao gấp 3 lần tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước)[1]. Cảm nhận về hạnh phúc giữa nữ thanh niên dân tộc Kinh so với dân tộc thiểu số khác biệt lớn (lên tới 18%), nếu như 69% nữ thanh niên dân tộc Kinh cảm thấy hạnh phúc thì chỉ có 52% nữ thanh niên dân tộc thiểu số có cảm giác này. Khoảng cách này là 10% trong nhóm nam thanh niên (66% cho nhóm Kinh/Hoa và 56% nhóm dân tộc thiểu số).

TP. Hồ Chí Minh có mật độ dân số gấp 1,8 lần Hà Nội[2], nhiều thanh niên trẻ vào tìm cơ hội phát triển nên áp lực về cuộc sống ở Hồ Chí Minh đối với thanh niên có phần nặng hơn so với Hà Nội. Có 74-75% thanh niên nam nữ sống ở Hà Nội cảm thấy hạnh phúc, cao hơn 10% so với tỷ lệ thanh niên cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống ở thành phố Hồ Chí Minh (66% với nữ và 64% với nam thanh niên).

Hôn nhân dường như có nhiều tác động tích cực đối với nam thanh niên, có 78% nam thanh niên đã kết hôn/ đang chung sống như vợ chồng cảm thấy hạnh phúc (hoặc rất hạnh phúc) với cuộc sống, trong khi tỷ lệ này 57% ở nhóm thanh niên nam độc thân. Với nữ giới thì sự khác biệt không nhiều, 69% nữ thanh niên đã kết hôn cảm thấy hạnh phúc so với 63% nữ thanh niên độc thân.

Đối với nam nữ thanh niên học đến tiểu học, ít trong số họ cảm thấy hạnh phúc/ rất hạnh phúc như nhóm thanh niên học đến cao đẳng, đại học trở lên. Chỉ có 50% nam nữ thanh niên có trình độ tiểu học hoặc dưới tiểu học cảm thấy hạnh phúc trong khi hơn 73% thanh niên có trình độ cao đẳng đại học trở lên cảm thấy điều này.

Đánh giá sự hài lòng với cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc của thanh niên Việt Nam qua kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ 2

Yếu tố hoàn cảnh kinh tế (hay tình trạng giàu nghèo) cũng tác động đến cảm nhận hạnh phúc của thanh niên. Có 56% thanh niên nam nữ thuộc các hộ có mức sống thấp nhất cảm thấy hạnh phúc, trong khi 81% nữ thanh niên và 75% nam thanh niên thuộc các hộ có mức sống khá giả nhất cảm thấy điều này.

Đánh giá sự hài lòng với cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc của thanh niên Việt Nam qua kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ 3

Thanh niên trong Điều tra SDGCW 2020-2021 được phỏng vấn tự đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống theo thang điểm 10 với 0 là cuộc sống tồi tệ nhất và 10 là cuộc sống tốt nhất có thể. Thanh niên Việt Nam tự đánh giá ở mức 7,1/10 đối với nam và 7,4/10 đối với nữ. Mức điểm về độ hài lòng với cuộc sống không có sự khác biệt lớn giữa các khu vực sống, giới tính, mức sống giàu nghèo. Tuy nhiên, nam nữ thanh niên có trình độ thấp hay thuộc dân tộc thiểu số có xu hướng chưa đạt được sự hài lòng với cuộc sống như nhóm trình độ cao, dân tộc Kinh.

Như vậy theo quan điểm tự đánh giá của thanh niên có thể thấy, phần đông thanh niên Viêt Nam đang cảm thấy hạnh phúc và khá hài lòng với cuộc sống, các yếu tố khu vực sống, giáo dục, dân tộc, giới tính và tình trạng giàu nghèo đều có những tác động đến cảm nhận hạnh phúc của thanh niên. Để phát huy được tinh thần và sức trẻ của thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước, thì việc quan tâm đến cảm nhận và tâm tư của thanh niên về cuộc sống là vô cùng cần thiết. Thông qua hai chỉ tiêu là tỷ lệ thanh niên cho rằng cuộc sống hiện tại khá hạnh phúc hoặc rất hạnh phúc và điểm tự đánh giá về sự hài lòng với cuộc sống hiện tại, bài viết cung cấp một vài nhận định về sự bất bình đẳng trong sự hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của các thanh niên nam nữ trên cả nước. Sự bất bình đẳng tồn tại ở yếu tố địa lý, trình độ giáo dục, dân tộc, giới tính và giàu nghèo. Do vậy nếu muốn cải thiện đời sống thanh niên cũng như giảm đi bất bình đẳng, các chính sách về thanh niên cần phải được lồng ghép vào các chương trình và chính sách xã hội như về giáo dục, giới, chương trình giảm nghèo, chính sách đối với người dân tộc, các chương trình chính sách theo vùng miền.

Bảng: Phần trăm nam nữ thanh niên cho rằng cuộc sống khá hạnh phúc
hoặc rất hạnh phúc 
và điểm tự đánh giá về sự hài lòng với cuộc sống,
SDGCW
2020-2021
 

 

% thanh niên cho rằng cuộc sống hiện tại khá hạnh phúc hoặc rất hạnh phúc

Điểm thanh niên tự đánh giá về sự hài lòng với cuộc sống hiện tại

Số thanh niên được phỏng vấn

 

Nữ

Nam

Nữ

Nam

Nữ

Nam

Cả nước

67

64

7.4

7.1

4187

1891

Khu vực

 

 

 

 

 

 

Thành thị

68

64

7.6

7.1

1241

535

Nông thôn

66

64

7.3

7.1

2946

1356

Vùng

 

 

 

 

 

 

Đồng bằng sông Hồng

66

63

7.5

7.0

718

312

Trung du và miền núi phía Bắc

58

60

7.0

6.8

1006

434

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung

72

59

7.4

7.0

561

246

Tây Nguyên

62

72

7.1

7.5

509

286

Đông Nam Bộ

62

66

7.4

7.0

830

375

Đồng bằng sông Cửu Long

76

69

7.8

7.5

563

238

Thành phố

 

 

 

 

 

 

Hà Nội

74

75

7.6

7.3

414

163

Hồ Chí Minh

66

64

7.6

7.2

437

189

Trình độ học vấn

 

 

 

 

 

 

Học đến tiểu học/ chưa đi học

50

50

6.7

6.5

657

224

THCS

63

63

7.3

7.0

1105

615

THPT

65

63

7.4

7.0

1350

649

Trung cấp

73

57

7.6

7.2

124

61

Cao đẳng, đại học trở lên

73

73

7.7

7.4

951

342

Tình trạng hôn nhân

 

 

 

 

 

 

Đã kết hôn/đang chung sống như vợ chồng

69

78

7.4

7.3

2719

853

Chưa kết hôn

63

57

7.5

7.0

1467

1038

Dân tộc

 

 

 

 

 

 

Kinh/Hoa

69

66

7.5

7.2

2464

1072

Khác

51

56

6.8

6.8

1723

819

Nhóm mức sống

 

 

 

 

 

 

Nghèo nhất

56

56

7.0

6.9

1599

782

Nghèo

61

57

7.3

6.8

732

339

Trung bình

65

65

7.4

7.1

664

271

Khá giả

72

70

7.6

7.2

623

275

Khá giả nhất

81

75

7.8

7.6

569

224

* Tác giả tự tính toán từ số liệu Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ 2020-2021, Tổng cục Thống kê.

 Tô Thúy Hạnh
Thạc sĩ Kinh tế Phát triển - Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường - TCTK


Tài liệu tham khảo

Tổng cục Thống kê và UNICEF 2021. Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021. Báo cáo kết quả điều tra. Hà Nội, Việt Nam: Tổng cục Thống kê
Tổng cục Thống kê (2022). Thông cáo báo chí kết quả Khảo sát mức sống dân cư 2021. Truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/06/thong-cao-bao-chi-ket-qua-khao-sat-muc-song-dan-cu-2021/.
Tổng cục Thống kê (2022). Số liệu Diện tích, dân số và mật độ dân số phân theo địa phương 2021. Truy cập từ https://www.gso.gov.vn/dan-so/.


 


[1] Tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước năm 2021 là 4,4%. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021, Tổng cục Thống kê

[2] Mật độ dân số Hà Nội là 2480 người/km² và Hồ Chí Minh là 4375 người/km² năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Thống kê

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top