Kết quả đo lường, tính toán khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình năm 2020-2021

20/09/2023 - 08:50 AM
Năm 2022, Tổng cục Thống kê thực hiện biên soạn các chỉ tiêu về khu vực phi chính thức năm 2021 dựa vào nguồn thông tin từ Tổng điều tra Kinh tế năm 2012, 2017, 2021 và từ điều tra cơ sở kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm. Đồng thời biên soạn hoạt động tự sản tự tiêu hộ gia đình từ số liệu: Khảo sát mức sống hộ dân cư; Điều tra năng suất, sản lượng cây trồng; Điều tra chăn nuôi; Điều tra lâm nghiệp; Điều tra nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản biển.
 
Sau biên soạn, TCTK có được một số kết quả chủ yếu trong đo lường, tính toán khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình năm 2020-2021 như sau:
 
Đối với khu vực phi chính thức
 
Số lượng cơ sở phi chính thức [1] năm 2021 chiếm 77,4% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cao hơn 3,7 điểm % so với tỷ trọng 73,7% của cùng kỳ năm 2020. Về tốc độ tăng, thời kỳ dịch bệnh Covid-19 năm 2021, số lượng cơ sở phi chính thức tăng 2,3% so với năm 2020, tương đương tăng khoảng 89 nghìn cơ sở.
 
Số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có xu hướng giảm trong 2 năm 2020-2021 với tốc độ lần lượt là: giảm 3,3% và giảm 2,6%. Trong đó, số lượng cơ sở phi chính thức năm 2020 giảm 3,2% nhưng năm 2021 lại tăng 2,3%; số lượng hộ chính thức (cơ sở đã đăng ký kinh doanh) năm 2020 giảm 3,7%; năm 2021 giảm 16,3%.
 
Điều này không chỉ phản ánh số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh sụt giảm mà còn phản ánh kết quả chính thức hóa hoạt động phi chính thức trong 2 năm 2020-2021 chưa thực sự hiệu quả, có thể do thời kỳ dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tác động tới cả hoạt động đăng ký kinh doanh của chủ cơ sở với cơ quan quản lý.
 
10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ trọng cơ sở phi chính thức lớn nhất (gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Bắc Ninh, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương), chiếm khoảng 36% tổng số cơ sở phi chính thức cả nước (trong đó thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ nhất và thứ hai cả nước với tỷ trọng lần lượt là: 7,16% và 6,82%). Đây là các thành phố có quy mô kinh tế lớn, tập trung đông dân cư, người lao động, cũng là nơi quy tụ các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo, tiểu thủ công nghiệp làng nghề và các hoạt động dịch vụ thị trường, nhỏ lẻ.
 
Biểu đồ 1: 10 tỉnh có tỷ trọng cơ sở phi chính thức lớn nhất cả nước năm 2021

Kết quả đo lường, tính toán khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình năm 2020-2021

 
10 tỉnh có tỷ trọng cơ sở phi chính thức nhỏ nhất chỉ chiếm khoảng 3,9% tổng số lượng cơ sở phi chính thức cả nước, cũng là những tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ, dân cư thưa thớt, lao động thường di chuyển đến các địa phương khác để làm việc.
 
Giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức năm 2021 chiếm 4,14% quy mô GDP theo giá hiện hành, thấp hơn 1,62 điểm % so với năm 2020 và thấp hơn 1,34 điểm % so với năm 2019. Kết quả này đã được thu thập, tính toán bao gồm trong quy mô GDP cả nước năm 2021 và được tính toán, bóc tách riêng cơ cấu của khu vực phi chính thức trong quy mô GDP năm 2021 phục vụ thực hiện Đề án NOE.
 
Khu vực phi chính thức năm 2021 giảm 16,82%, bao gồm cơ sở chưa đăng ký kinh doanh giảm 24,04%; cơ sở không phải đăng ký kinh doanh tăng 297,87%. Nếu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở một số địa phương thì khu vực phi chính thức vẫn đạt kết quả tăng trưởng dương (tăng 10,09% so với cùng kỳ năm 2019). Sang năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng ở hầu hết các địa phương của cả nước, trong đó có những tỉnh, thành phố tập trung nhiều cơ sở phi chính thức như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng với mức sụt giảm về tốc độ tăng giá trị tăng thêm so với cùng kỳ năm 2020 lần lượt là: 44,70%; 33,36%; 30,2%; 25,48%; và 8,68%. Để kiểm soát dịch bệnh, các địa phương buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian khá dài; sau khi gỡ bỏ giãn cách, nhiều hoạt động trong đó có hoạt động phi chính thức vẫn chưa thể phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng như trước.
 
Trong các vùng kinh tế - xã hội, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng tạo ra giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức năm 2021 lớn nhất, đạt 104,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,7%; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 76,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,8%; vùng Đông Nam Bộ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,8%; vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 58,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,7%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,3%; thấp nhất là vùng Tây Nguyên chỉ đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6%.
 
Theo ngành kinh tế, giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức công nghiệp và xây dựng năm 2021 chiếm 26,95% tổng giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức; khu vực phi chính thức dịch vụ chiếm 75,52%. Trong các ngành kinh tế, ngành bán buôn bán lẻ chiếm 32,59%, cao nhất trong các ngành; tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 20,4%; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm 12,95%.

10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng doanh thu phi chính thức năm 2021 lớn nhất chiếm khoảng 40% tổng doanh thu toàn khu vực phi chính thức cả nước, trong đó thành phố Hà Nội chiếm 7,43% tổng doanh thu khu vực phi chính thức cả nước; thành phố Hồ Chí Minh chiếm 4,48%.
 
Biểu đồ 2: 10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng doanh thu phi chính thức lớn nhất cả nước năm 2021
Kết quả đo lường, tính toán khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình năm 2020-2021 1

Lao động làm việc tại các cơ sở phi chính thức năm 2021 chiếm 74% tổng số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cao hơn 5 điểm % so với tỷ trọng 69% của cùng kỳ năm 2020.

Số lao động bình quân làm việc tại một cơ sở phi chính thức năm 2021 từ khoảng 1-2 lao động/cơ sở, trong đó thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh có số lao động/cơ sở bình quân lần lượt là: 1,8 người/cơ sở và 1,7 người/cơ sở. Nhiều địa phương có tỷ trọng cơ sở phi chính thức thấp nhất cả nước lại có số lao động bình quân làm việc tại cơ sở cao nhất, chứng tỏ các cơ sở phi chính thức tại các địa phương này đòi hỏi quy tụ số lượng lao động nhất định. Những địa phương khác có tỷ trọng cơ sở phi chính thức lớn nhất nhưng số lao động bình quân làm việc tại cơ sở thấp (như thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh) thể hiện tính linh hoạt, dễ hình thành cơ sở phi chính thức nhỏ lẻ. 

Hoạt động tự sản, tự tiêu hộ gia đình
 
Giá trị sản xuất của hoạt động tự sản, tự tiêu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 theo giá hiện hành chiếm 5,71% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, cao hơn 0,12 điểm % so với mức 5,59% của năm 2020. Trong đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ trọng giá trị hoạt động tự sản, tự tiêu trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành cao nhất, chiếm 13,94%, cao hơn 0,36 điểm % của cơ cấu 13,58% năm 2020; tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 13,24%, cao hơn 0,35 điểm % của cơ cấu cùng kỳ năm 2020; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 7,9%, cao hơn 0,3 điểm % so với mức 7,6% của năm trước; vùng Tây Nguyên chiếm 1,19%, giảm 1,61 điểm % so với cơ cấu 2,8 điểm % của năm 2020; vùng Đông Nam Bộ chiếm 2,85%, tăng 1,85 điểm % so với cơ cấu 1,0% của cùng kỳ năm trước; vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 1,0%.
 
Xem xét theo cơ cấu trong GDP, hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành năm 2021 bằng 1,44% quy mô GDP cả nước, giữ mức ổn định so với năm 2020. Tương tự khu vực phi chính thức, kết quả của hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình cũng đã được thu thập, tính toán bao gồm trong quy mô GDP cả nước năm 2021 và được tính toán, bóc tách riêng cơ cấu của hoạt động này trong quy mô GDP năm 2021 phục vụ thực hiện Đề án NOE.
 
Cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện phương pháp luận và nguồn thông tin tính
 
Kết quả biên soạn khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình ở Việt Nam năm 2021 vẫn còn nhiều bất cập và cần có thêm nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện phương pháp luận và nguồn thông tin trong những năm tới. Một số bất cập và khó khăn cụ thể như sau:
 
- Đối với việc biên soạn khu vực phi chính thức
 
+ Trong các cuộc Tổng điều tra kinh tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản thuộc khu vực phi chính thức phải được thu thập về số lượng đơn vị đầy đủ, phân loại đúng, đủ thông tin về tình trạng đăng ký kinh doanh, không đăng ký kinh doanh để có cơ sở phân loại số liệu phi chính thức và phi chính thức.
 
+ Công tác thu thập số liệu hàng năm của khu vực cơ sở kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm (những năm không có Tổng điều tra Kinh tế) cần phải được thực hiện tốt, đảm bảo tính suy rộng trên phạm vi cả nước, có như vậy, mới đảm bảo kết quả tính toán khu vực phi chính thức phản ánh đúng quy mô trong nền kinh tế nước ta.
 
+ Để tính được giá trị tăng thêm (VA) của khu vực phi chính thức sát với thực tế hơn cần có được hệ số chi phí trung gian cập nhật hàng năm, từ đó phù hợp với sự thay đổi về phương thức hoạt động sản xuất và kinh doanh.
 
+ Đối với ngành công nghiệp cần kiểm soát tốt hơn các số liệu về hàng tồn kho để tính toán số liệu giá trị sản xuất, đảm bảo theo chuẩn mực quốc tế.
 
+ Đối với hoạt động bán buôn, bán lẻ cần thực hiện tốt hơn nữa, rà soát, bổ sung thông tin vào các phiếu điều tra mẫu để thu thập được thông tin về tỷ lệ vốn và doanh thu phản ánh đúng tình hình thực tế theo từng ngành và từng địa phương.
 
+ Đối với ngành xây dựng, hiện tại ở các cuộc Tổng điều tra Kinh tế và Điều tra mẫu hàng năm chủ yếu là thông tin mới thu thập ở số lượng lao động. Để tính được doanh thu, giá trị sản xuất của ngành này, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang áp dụng cách tính gán mức thu nhập lương trung bình của các ngành dịch vụ khác. Những năm tới cần thu thập thêm thông tin thu nhập trung bình tháng của ngành này để việc tính toán sát với thực tế hơn.
 
- Đối với việc tính toán hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình
 
+ Trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ có ngành trồng trọt có thể tính toán được hệ số tự sản, tự tiêu thông qua các cuộc điều tra. Trong khi các ngành nông nghiệp khác phải sử dụng rất nhiều hệ số khác nhau để ước tính. Ngoài ra, do thời gian thực hiện tính toán hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình kể từ khi triển khai Đề án NOE đến nay mới được 3 năm, nên chưa xây dựng được chuỗi số liệu với nhiều năm quan sát để kiểm tra chéo, kiểm chứng. Vì vậy, để đảm bảo có đủ chuỗi số liệu đáng tin cậy, cần tiếp tục duy trì lồng ghép thu thập thông tin đo lường các chỉ tiêu hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình trong các cuộc Điều tra thường xuyên của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và Điều tra mức sống dân cư hàng năm.
 
+ Do đặc thù sản xuất của hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khác nhau, ví dụ: Trong nông nghiệp, hoạt động chăn nuôi và trồng trọt có định mức kỹ thuật sản xuất rất khác nhau. Để tính toán chính xác cho toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản nói chung và chỉ tiêu tự sản, tự tiêu của hộ gia đình nông, lâm nghiệp và thủy sản nói riêng, cần phải có tỷ lệ chi phí trung gian tính toán chi tiết đến phân ngành cấp 4/5, mới đảm bảo phản ánh đúng các hoạt động này khi tính toán giá trị tăng thêm./.
 Nguyễn Diệu Huyền
 Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK
Phong viên
Đoàn Minh Châu

 
___________________

[1] Cơ sở phi chính thức bao gồm: cơ sở sản xuất kinh doanh không có đăng ký kinh doanh; không bao gồm cơ sở sản xuất kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa nhận giấy chứng nhận đăng ký.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top