“Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 - Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong sản xuất kinh doanh” là ấn phẩm được tổng hợp và phân tích từ những kết quả của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Ấn phẩm được Tổng cục Thống kê (TCTK) biên soạn và công bố nhằm đánh giá những thay đổi lớn so với kỳ Tổng điều tra trước và phác họa đầy đủ vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, điều hành và quản trị doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp và các đơn vị kinh tế khác.
Ấn phẩm cho biết, công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng đối với mọi lĩnh vực trong xã hội hiện đại, công nghệ thông tin không chỉ mang lại nhiều tiện ích trong đời sống xã hội mà còn đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của các cơ sở kinh tế; giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng quản trị của các cơ sở này. Đặc biệt, trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, công nghệ thông tin càng thể hiện rõ vai trò là công cụ... kết nối hàng triệu người trên khắp thế giới với nhau; giúp cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có thể tiếp tục diễn ra theo một phương thức mới và chưa từng có trong tiền lệ. Việc kết nối này còn giúp duy trì việc làm cho hàng triệu lao động, không những hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế mà còn rất hữu ích cho công tác an sinh xã hội trong giai đoạn giãn cách xã hội khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Ấn phẩm “Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 - Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong sản xuất kinh doanh” bao gồm 02 phần:
Phần I: Tổng quan chung giới thiệu các nội dung về: Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; hợp tác xã; các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản; các đơn vị sự nghiệp; hiệp hội; đơn vị hành chính; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Phần II: Các biểu số liệu.
Ấn phẩm cho biết, theo kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2021, cả nước có 2,1 triệu đơn vị kinh tế có kết nối internet, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể. So với kết quả kỳ Tổng điều tra năm 2017, tỷ lệ đơn vị kinh tế có kết nối internet tăng gần 7 điểm phần trăm, tương đương 373,7 nghìn đơn vị; tốc độ tăng bình quân là 4,9%/năm. Có 189,3 nghìn đơn vị kinh tế sở hữu cổng thông tin/trang thông tin điện tử riêng (website), tăng 0,55 điểm phần trăm, tương đương 29,8 nghìn đơn vị; tốc độ tăng bình quân là 4,4%/năm cho thấy tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh qua Tổng điều tra Kinh tế 2021 đã phát triển hơn so với kỳ trước đó.
Kết quả Tổng điều tra Kinh tế 2021 cũng cho biết, có 658,6 nghìn doanh nghiệp và hợp tác xã (doanh nghiệp) có kết nối internet phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ 94,2%. So sánh với kết quả Tổng điều tra Kinh tế 2017, số lượng doanh nghiệp kết nối internet tăng bình quân 10,3%/năm; tương ứng với tăng 53,5 nghìn doanh nghiệp/năm; tỷ lệ kết nối tăng 9,1 điểm phần trăm (năm 2016 đạt 85,1%).
Có gần 147,5 nghìn doanh nghiệp có cổng thông tin/trang điện tử riêng, tăng 12,8 nghìn doanh nghiệp so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 2,3%/năm, tương ứng với tăng bình quân 3,2 nghìn doanh nghiệp/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có cổng thông tin/trang điện tử riêng năm 2020 lại giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2016 (21,1% so với 25,8%).
Việc kết nối internet phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ ở cả 6 vùng kinh tế với tốc độ tăng bình quân số lượng các doanh nghiệp kết nối internet của mỗi vùng đạt từ 8-14%/năm, trong đó đạt cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long tăng 13,8%/năm. Tuy nhiên nếu xét theo tỷ lệ kết nối internet thì Đông Nam bộ lại là vùng tăng trưởng mạnh mẽ nhất, tăng 15,3 điểm phần trăm so với năm 2016.
Có 1,38 triệu cơ sở cá thể kết nối internet, tăng hơn 200 nghìn cơ sở so với kỳ Tổng điều tra năm 2017; tăng bình quân 4,0%/năm, tương đương tăng hơn 50 nghìn cơ sở/năm. Tỷ lệ kết nối internet của các cơ sở cá thể đạt 31,05%, cao hơn 5 điểm phần trăm so với năm 2016 (đạt 26,03%).
Số lượng và tỷ lệ cơ sở cá thể có cổng thông tin/trang thông tin điện tử riêng (website riêng) của các cơ sở cá thể tăng so với năm 2016 nhưng mức tăng không đáng kể. Theo đó, chỉ có 4.360 cơ sở cá thể có website riêng, tăng bình quân 1,7%/năm, tương đương với tăng 72 cơ sở/năm. Các cơ sở này chủ yếu có địa điểm sản xuất kinh doanh tại đường phố, ngõ xóm (chiếm tỷ trọng 94,6%) hoặc đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (64,4%).
Có 51.890 đơn vị sự nghiệp trên cả nước có kết nối internet phục vụ cho hoạt động của đơn vị, đạt tỷ lệ 99%, tương đương với kết quả của kỳ Tổng điều tra trước.
Kết quả tổng hợp cho thấy, các đơn vị hiệp hội có tỷ lệ kết nối internet tương đối cao, đạt 69,2% với mục đích chủ yếu là sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và giao dịch với các tổ chức khác. Với 4.483 đơn vị hiệp hội có kết nối internet, đạt tỷ lệ 69,2%; trong đó các tổ chức phi Chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam có tỷ lệ cao nhất (98,9%); đứng thứ hai là các tổ chức chính trị - xã hội (78,1%); tiếp theo là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp (68,7%); thấp nhất là các tổ chức xã hội (67,2%).
Các cơ sở tôn giáo có kết nối internet chiếm tỷ trọng lớn với 15.193 cơ sở (chiếm 86,1%); tuy nhiên có sự phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, có 15.193 cơ sở tôn giáo có kết nối internet, đạt tỷ lệ 53,3%, cao hơn 12,8 điểm phần trăm so với năm 2016 (10.980 cơ sở, đạt tỷ lệ 40,5%).
Có 2.448 cơ sở tín ngưỡng kết nối internet, chiếm tỷ trọng 13,9%, tỷ lệ kết nối là 13,4%. Các cơ sở này tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Hồng với 1.567 cơ sở, chiếm tới 64%; tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 279 cơ sở, chiếm 11,4%; Đồng bằng sông Cửu Long với 250 cơ sở, chiếm 10,2%.
Có thể thấy, từ những kết quả của cuộc Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 đã phác họa đầy đủ tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị điều tra. Kết quả cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị, điều hành đơn vị đã có những bước tiến lớn, thể hiện xu thế phát triển tất yếu trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 như 2 năm vừa qua.
Trong thời gian tới, để việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp đến các mặt kinh tế - xã hội, Chính phủ, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần có sự chung tay trong việc hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, định hướng phát triển, kinh phí đầu tư và nhân lực cốt lõi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số và góp phần quan trọng trong việc hình thành Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số./
T.Hoa