Các địa phương ven biển có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp thông tin của các địa phương này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ hoạch định chính sách, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ đối với sự phát triển của kinh tế biển và các địa phương ven biển.
Nhằm tập trung phân tích, đánh giá thực trạng tăng trưởng kinh tế, một số lĩnh vực xã hội và tác động tăng trưởng của các địa phương ven biển, tiềm năng kinh tế biển ở nước ta hiện nay, Tổng cục Thống kê đã biên soạn ấn phẩm “Kinh tế - xã hội các địa phương ven biển giai đoạn 2011-2022”. Bên cạnh đó, Ấn phẩm còn đề xuất một số giải pháp để nâng cao vai trò của các địa phương ven biển, phát huy tiềm năng kinh tế biển Việt Nam hiện nay.
Ấn phẩm gồm 3 Chương và Phụ lục gồm 34 biểu số liệu.
Chương I: Tổng quan các yếu tố và các điều kiện tự nhiên ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội các địa phương ven biển gồm 4 nội dung về: Vị trí địa chính trị - kinh tế; nguồn tài nguyên biển; dân số, lao động và đô thị hóa; vai trò của kinh tế biển trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chương II: Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển giai đoạn 2011-2022 gồm 5 nội dung về: (1) Quan điểm, định hướng và chính sách phát triển kinh tế biển; (2) Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương ven biển giai đoạn 2011-2022; (3) Lĩnh vực xã hội; (4) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; (5) Đánh giá năng lực cạnh tranh.
Chương III: Một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển trong thời gian tới gồm 2 nội dung về: Bối cảnh quốc tế và trong nước ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội các địa phương ven biển; Đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển trong giai đoạn tới.
Theo đó, Ấn phẩm cho biết, kinh tế biển là các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển ở dải đất liền ven biển. Phát triển kinh tế biển góp phần chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng và phát triển kinh tế; phát triển cơ sở hạ tầng đường thủy; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ chuyên môn của người lao đồng; đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với xu hướng phát triển của toàn nền kinh tế, tăng trưởng của vùng ven biển cũng có xu hướng ngày càng tăng. Bình quân giai đoạn 2011-2015, GRDP của các địa phương ven biển tăng 6,75%, cao hơn tốc độ tăng GDP của cả nước 0,58 điểm phần trăm; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,95 điểm phần trăm, thấp hơn tốc độ tăng chung của cả nước do ảnh hưởng của tình trạng xâm ngập mặn nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Các địa phương ven biển đã trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút vốn đầu tư với quy mô ngày càng lớn. Giai đoạn 2011-2022, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giai đoạn 2011-2022 của các địa phương ven biển đạt 14.158,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,2% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có vốn đầu tư cao nhất, đạt 3.801,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư của 63 tỉnh và chiếm 26,8% của các địa phương ven biển. Bình quân mỗi năm của giai đoạn, tốc độ tăng vốn đầu tư trên địa bàn của các địa phương ven biển đạt 9,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các địa phương ven biển tăng từ 1.186 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 15,6 tỷ USD năm 2011 lên 2.169 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 29,3 tỷ USD năm 2022.
Cùng với xu thế phát triển chung của doanh nghiệp cả nước, giai đoạn 2011-2022, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh các địa phương ven biển đã tăng gấp 2,6 lần kể từ đầu giai đoạn; đạt 465,4 nghìn doanh nghiệp vào năm 2021, chiếm 54,3% số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước. Mật độ doanh nghiệp bình quân trên 1000 dân tăng gấp 2,4 lần từ đầu giai đoạn với 9,9 doanh nghiệp đang hoạt động/1000 dân năm 2022. Năm 2021, có 6,5 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại các địa phương ven biển.
Qua những thông tin về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011-2022, Ấn phẩm đưa ra một số nhóm giải pháp phát triển trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục nâng cao nhận thức về kinh tế biển. Giải pháp về thể chế, chính sách. Giải pháp về khoa học công nghệ. Giải pháp về nguồn nhân lực. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về kinh tế - xã hội, hệ thống giám sát thực hiện liên kết các địa phương ven biển./.
Thu Hiền