Tổng điều tra Kinh tế năm 2021: Kết quả hoạt động ngành xây dựng giai đoạn 2010-2020

09/06/2023 - 09:40 AM
Trong bức tranh tăng trưởng tích cực của giai đoạn 2010-2020, ngành xây dựng đã đóng góp không nhỏ đối với việc tạo lập, tăng cường, củng cố cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất của toàn bộ các ngành trong nền kinh tế và các địa phương trên cả nước. Để cung cấp thông tin đầy đủ, liên tục, và thống nhất theo thời gian, không gian, Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố ấn phẩm “Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả hoạt động ngành xây dựng giai đoạn 2010-2020” nhằm phục vụ nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp của các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các nhà đầu tư và đông đảo đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.

Ấn phẩm này cung cấp khá đầy đủ số liệu thống kê về hoạt động xây dựng được thu thập, xử lý và phân tích trên phạm vi cả nước theo phương pháp luận và quy định của thống kê quốc tế, phản ánh tổng quan tình hình phát triển hoạt động xây dựng giai đoạn 2010-2020 của cả nước và các vùng kinh tế.

Ấn phẩm “Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả hoạt động ngành xây dựng giai đoạn 2010-2020” gồm có 3 phần:

Phần I: Phạm vi, khái niệm, nội dung và giải thích chung: Trong đó chia thành 3 đầu mục gồm: Phạm vi của ngành xây dựng; Khái niệm, nội dung và phương pháp tính một số chỉ tiêu thống kê; Một số quy ước trong phần số liệu.

Phần II: Tổng quan hoạt động xây dựng tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020: Được chia thành 3 nội dung lớn với rất nhiều số liệu liên quan, gồm:

I. Tổng quan về doanh nghiệp xây dựng Việt Nam: Ấn phẩm cho biết, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tại thời điểm 31/12/2020 cả nước có 94.239 doanh nghiệp xây dựng đang hoạt động, chiếm 13,8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động cả nước, tăng gấp 2,2 lần so với cùng thời điểm năm 2010. Giai đoạn 2010-2020, trung bình mỗi năm số lượng doanh nghiệp xây dựng tăng 8,2%, thấp hơn tốc độ tăng bình quân chung của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước ở giai đoạn này. Trong đó, tốc độ tăng bình quân số lượng doanh nghiệp xây dựng có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất với 12,7%/năm, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 8,2%/năm. Riêng doanh nghiệp xây dựng Nhà nước đang trong quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa nên giảm bình quân 8,4%/năm.

Về cơ cấu, doanh nghiệp xây dựng ngoài Nhà nước luôn chiếm tỷ trọng lớn, trung bình giai đoạn 2010-2020 chiếm 98,4% trong tổng số doanh nghiệp xây dựng cả nước. Trong đó, năm 2011 chiếm tỷ trọng 97,8%, các năm còn lại luôn chiếm từ 98,2% đến 98,9%. Doanh nghiệp xây dựng Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 0,6% và 1,0% trong giai đoạn 2010-2020.

Tại thời điểm 31/12/2020, lao động ngành xây dựng chiếm khoảng 9,7% tổng số lao động trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 0,1 triệu lao động so với thời điểm 31/12/2010. Ngành xây dựng đã thu hút khoảng 1,4 triệu lao động, trong đó có khoảng 0,3 triệu lao động nữ, chiếm 20,8% tổng số lao động ngành xây dựng.

Nguồn vốn sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp xây dựng tăng khá nhanh, từ 876,3 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên gần 3.194,5 nghìn tỷ đồng năm 2020, tăng bình quân 13,8%/năm. Tốc độ tăng về vốn sản xuất kinh doanh luôn cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp hoạt động xây dựng (8,2%/năm) cho thấy xu hướng tăng nhanh về quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp. Tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp xây dựng giai đoạn 2010-2020 tăng bình quân 13,1%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân số lượng doanh nghiệp và lao động nhưng thấp hơn tốc độ tăng bình quân nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

II. Tổng quan về cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể hoạt động xây dựng và các tổ chức, cá nhân có hoạt động xây dựng ở Việt Nam: Tại thời điểm 01/10/2020, cả nước có 94.645 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động xây dựng, chiếm khoảng 2,3% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước, gấp 1,5 lần so với cùng thời điểm 2010. Giai đoạn 2010-2020, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động xây dựng tăng, giảm không ổn định, trung bình mỗi năm tăng 4,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm, thủy sản cả nước (bình quân tăng 2,3%/năm). Trong giai đoạn này, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động xây dựng tăng cao so với cùng kì ở năm 2011, 2012, 2016, 2017, 2019 và giảm mạnh ở năm 2013, 2020.

Tại thời điểm 1/10/2020, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động xây dựng thu hút 562,0 nghìn lao động, chiếm 6,7% tổng số lao động của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước, tăng 223,8 nghìn lao động so với cùng thời điểm năm 2010. Giai đoạn 2010-2020, số lượng lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động xây dựng tăng bình quân mỗi năm 5,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (4,2%/năm).

Chi phí cho hoạt động xây dựng của đơn vị ngoài doanh nghiệp tăng đều trong cả giai đoạn 2010-2020, bình quân tăng 11,9%/năm, trong đó tốc độ tăng chi phí cho hoạt động xây dựng so với cùng kỳ các năm 2011, 2012, 2015, 2018 cao hơn mức tăng bình quân cả giai đoạn (11,9%/năm), các năm còn lại đều tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn mức tăng bình quân chung cả giai đoạn.

III. Nhà ở: Diện tích sàn xây dựng nhà ở mới hoàn thành giai đoạn 2010-2020 tăng thêm gần 1.054,8 triệu m2, bình quân mỗi năm tăng thêm gần 96 triệu m2/năm, tốc độ tăng bình quân 2,7%/năm nhưng tốc độ tăng không đồng đều giữa các năm. Nhà chung cư được phân bố chủ yếu ở hai vùng có hai trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa cao cũng như nhu cầu về nhà ở chung cư của người dân tăng nhanh. Trong khi đó, diện tích sàn xây dựng nhà ở riêng lẻ mới hoàn thành giai đoạn 2010-2016 có xu hướng tăng và giảm dần vào giai đoạn 2017-2020 và phân bố khá đồng đều giữa các vùng trên cả nước.

Tổng diện tích sàn nhà tự xây để ở của khu vực hộ dân cư xây dựng mới giai đoạn 2010-2020 đạt 964,8 triệu m2. Trong đó, nhà ở riêng lẻ dưới 4 tầng xây dựng mới đạt trên 942,5 triệu m2, chiếm 97,7% tổng diện tích; nhà ở riêng lẻ từ 4 tầng trở lên đạt trên 16,9 triệu m2, chiếm 1,8% tổng diện tích; nhà biệt thự đạt trên 5,3 triệu m2, chiếm 0,5% tổng diện tích.

Phần III: Số liệu ngành xây dựng Việt Nam năm 2010-2020 gồm các bảng biểu chi tiết từng chỉ tiêu thống kê cụ thể về: Số lượng doanh nghiệp, Lao động và thu nhập của người lao động, Tài sản và vốn, Kết quả sản xuất kinh doanh, Hiệu quả sản xuất kinh doanh, Cá thể.

Có thể thấy, từ kết quả của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện, bằng việc xuất bản ấn phẩm Tổng điều tra kinh tế năm 2021 - Kết quả hoạt động ngành xây dựng giai đoạn 2010-2020” này, người dùng tin sẽ có cái nhìn tổng quan về kết quả hoạt động của ngành xây dựng trong giai đoạn 2010-2020 và từ đó gợi mở định hướng phát triển ngành xây dựng của Việt Nam trong tương lai.

Qua đây, Tổng cục Thống kê mong nhận được các ý kiến đóng góp để công tác biên soạn và cung cấp thông tin thống kê nói chung và cung cấp thông tin về hoạt động xây dựng nói riêng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dùng tin./.

 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top