Covid-19 tác động mạnh tới xuất nhập khẩu hàng hóa của EU

24/06/2021 - 04:30 PM
Năm 2020, EU bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra và bùng phát tại các quốc gia châu Âu gây thiệt hại lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh... Thương mại hai chiều của khối liên minh kinh tế quyền lực này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những kỳ vọng phục hồi trong năm 2021 vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của EU.

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực kinh tế sử dụng đồng tiền chung (Euro) lớn nhất thế giới. Sau khi Anh hoàn tất quá trình rời EU (Brexit), EU là khối kinh tế gồm 27 thành viên, dân số 446 triệu người, có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới gần 14 nghìn Euro, tổng mức thương mại hàng hóa đạt 4,07 nghìn tỷ Euro (chưa bao gồm thương mại nội khối), chiếm 15% thị phần thương mại thế giới và đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm. Chính vì vậy, EU được các chuyên gia kinh tế đánh giá là khu vực thị trường rộng lớn và tiềm năng nhất trong trao đổi thương mại với các quốc gia trên thế giới.

 
Covid-19 tác động mạnh tới xuất nhập khẩu hàng hóa của EU
Ảnh minh họa

Năm 2020, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, cơn khủng hoảng toàn cầu mang tên Covid-19 đã khiến một số quốc gia của khu vực này rơi vào khó khăn nghiêm trọng do thiếu các biện pháp sớm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Các nền kinh tế của khu vực EU đã bị chấn động trong suốt một năm qua và hiện vẫn đang ở giai đoạn vừa phục hồi cầm chừng, vừa đối phó với những làn sóng dịch bệnh bùng phát mới. Theo Báo cáo Kinh tế Xuân 2020 của Ủy ban châu Âu (EC) hậu quả từ đại dịch Covid-19 được cho là đã khiến các nền kinh tế thuộc EU và khu vực đồng tiền chung châu ÂU suy giảm lần lượt ở mức 7,5% và 7,75%. Tính toán của Ủy ban châu Âu cho thấy, mức suy giảm GDP trong năm 2020 ở một số nền kinh tế lớn của EU là khá lớn, trong đó phải kể đến Tây Ban Nha giảm 12,4%, Pháp giảm 9,4% và Đức giảm 5,6%. Thiệt hại gây ra bởi dịch bệnh Covid-19 được dự báo nhiều khả năng đến cuối năm 2021 vẫn chưa thể khắc phục được. Bên cạnh du lịch là lĩnh vực thiệt hại nhiều nhất thì hoạt động thương mại hàng hóa của EU cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.

Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), sự sụt giảm thương mại hàng hóa diễn ra với hầu hết tất cả các nền kinh tế của EU, cả với các đối tác nội khối và ngoại khối. Sau đợt bùng phát dịch lần thứ 2 vào tháng 8/2020, trong tháng đầu tiên của quý IV/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của EU ra thị trường ngoài khối ghi nhận mức 178,9 tỷ Euro (tương đương 218,17 tỷ USD), giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu từ thị trường ngoài khối ở mức 150,8 tỷ Euro (tương đương 183,9 tỷ USD), giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thương mại nội khối giữa các quốc gia thành viên của EU giảm 4,5% xuống còn 266,6 tỷ Euro (tương đương 325,12 tỷ USD).

Thống kê đến gần cuối năm, tổng thương mại hàng hóa của EU và hai chiều xuất - nhập đều bị sụt giảm ở mức trên 10%. Eurostat thống kê lũy kế đến hết tháng 10/2020, kim ngạch thương mại hàng hóa của EU với thị trường ngoài khối đạt trên 2,99 nghìn tỷ Euro (tương đương 3,65 nghìn tỷ USD), giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của EU ra thị trường ngoài khối đạt 1,57 nghìn tỷ Euro (tương đương 1,92 nghìn tỷ USD), giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,42 nghìn tỷ Euro (tương đương 1,72 nghìn tỷ USD), giảm 13%. Dù vậy, điểm đáng mừng là thặng dư thương mại của EU với thị trường ngoài khối tại thời điểm nói trên đạt 162,2 tỷ Euro (tương đương 197,8 tỷ USD), cao hơn so với mức 151,4 tỷ Euro của cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra và ảnh hưởng đến hầu như tất cả các quốc gia, thương mại nội khối của EU trong 10 tháng đầu năm cũng giảm còn 2,33 nghìn tỷ Euro (tương đương 2,84 nghìn tỷ USD), giảm 9,5%.

Nhìn chung, năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tất cả các nước thành viên trong khối đều giảm so với năm 2019. Sự sụt giảm tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa xảy ra ở hầu hết các thành viên, chỉ riêng Ai-len ghi nhận xuất khẩu tăng 3% do xuất khẩu nội khối của nước này tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Về chủng loại hàng hóa xuất khẩu, theo ghi nhận của Thương vụ Việt Nam tại EU, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu của EU đều giảm, trừ kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thực phẩm và đồ uống, nhóm hàng hóa chất tăng nhẹ lần lượt 1,1% và 0,4%.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tất cả các nước thành viên trong khối đều giảm so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường ngoài khối của hầu hết tất cả các nước thành niên giảm mạnh hơn so với nhập khẩu nội khối. Riêng với nhóm hàng thủy sản, 8 tháng đầu năm 2020, EU nhập khẩu từ thị trường ngoại khối khoảng trên 3,3 triệu tấn với kim ngạch 15,1 tỷ Euro, tăng 4,6% về lượng và tăng 9,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nhu cầu nhập khẩu đối với ngành hàng này của EU trong nửa đầu năm 2021 sẽ có xu hướng tăng đối với những sản phẩm đông lạnh và có trị giá trung bình thấp.

Việc nhập khẩu hàng hóa của EU giảm so với năm 2019 được cho là do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong khu vực giảm mạnh bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù đã có sự phục hồi nhẹ ở cuối năm những vẫn chưa trở lại được mức bình thường như trước khi dịch bệnh xảy ra.

Đến 2 tháng cuối năm, dù kim ngạch xuất khẩu của một số quốc gia thuộc EU có sự khởi sắc nhưng sức phục hồi rất nhẹ không đủ để giảm bớt sự ảm đạm trong bức tranh thương mại toàn khối EU. Điển hình là Cộng hòa Liên bang Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng rơi vào tình trạng xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết, xuất khẩu hàng hóa của nước này trong năm 2020 đã giảm 9,3%. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm là do đại dịch Covid-19 tác động từ tháng 3/2020, khi biên giới bị đóng cửa, lĩnh vực logistics bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu. Đến tận tháng 12/2020, xuất khẩu của Đức mới tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước nhờ hoạt đồng thương mại với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng 11,6% lên 9,3 tỷ USD và xuất khẩu sang Mỹ tăng 8,4%, lên 9,2 tỷ USD trong tháng 12/2020.

Bước sang tháng đầu tiên của năm 2021, Eurostat ghi nhận thặng dư thương mại của EU trong tháng 1/2021 đạt 8,4 tỷ Euro, dù vậy, xuất khẩu và nhập khẩu của khối kinh tế này vẫn trong tình trạng giảm lần lượt gần 11% và xấp xỉ 17%. Bức tranh thương mại chưa thể sáng hơn, nhất là trong bối cảnh từ đầu tháng 3/2021, châu Âu đã phải hết sức nỗ lực đối phó với làn sóng dịch bệnh lần thứ ba do biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Tính đến 9h30 ngày 23/3/2021 (theo giờ Việt Nam), tại châu Âu có 37,7 triệu ca mắc với tổng số trên 881 nghìn người tử vong vì Covid-19. Rất nhiều quốc gia nằm trong khối EU thuộc top các nước có số ca mắc nhiều nhất châu Âu.

Trước bối cảnh đó, hàng loạt các nước EU đã phải thực hiện các biện pháp hạn chế tăng cường nhằm kiểm soát dịch bệnh và điều này không thể không gây tác động đến nền kinh tế các nước nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng.

Mặc dù thế giới đã đã điều chế được vacxin và có thể tiến hành tiêm chủng mở rộng, nhưng chiến dịch tiêm chủng ở châu Âu trong những ngày đầu năm tiến triển khá chậm do những lo ngại về tác dụng phụ của loại vacxin đang sử dụng và mới được một số quốc gia thúc đẩy mạnh trở lại trong tháng 3/2021. Sự kỳ vọng vào sự phục hồi thương mại của EU trong năm 2021 chỉ có thể thuận lợi khi các quốc gia nội khối và các đối tác ngoại khối cùng khống chế được dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó nhiều nước trong khối EU vẫn chưa sẵn sàng tiếp tục sử dụng vacxin, vì vậy, bài toán phục hồi thương mại của EU dự kiến sẽ cần nhiều thời gian hơn để được giải một cách tuần tự./.

Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top