Phát triển đường cao tốc ở một số nước trên thế giới

23/10/2023 - 10:19 AM
Xây dựng và phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc từ lâu đã được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm và coi đây là một trong những đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Mạng lưới đường cao tốc không chỉ là “huyết mạch” trong lưu thông, kết nối giao thương giữa các vùng/miền trong nước, quốc tế mà còn mở ra cánh cửa hội nhập.
 
Nhật Bản: Là một trong những quốc gia sở hữu hệ thống vận tải đa phương thức phát triển nhất thế giới. Để đạt được thành công này, Nhật đã xây dựng mạng lưới đường cao tốc rộng khắp trong cả nước. Ngay từ những năm 1940, Nhật Bản bắt đầu xem xét xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Năm 1957, quốc gia này triển khai lập kế hoạch xây dựng 7 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài 3.730 km. Đến năm 1966, Nhật Bản sửa đổi kế hoạch xây dựng 32 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 7.600 km và triển khai thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả. Đến nay, tổng chiều dài đường bộ cao tốc tại Nhật Bản đạt 8.358 km, phân bổ đều khắp các vùng miền trên toàn lãnh thổ. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc của Nhật đặt ra tiêu chuẩn cao, tối thiểu 4 làn xe, tương ứng tiêu chuẩn Châu Âu với tiêu chí phải đảm bảo việc kết nối đến thủ phủ các tỉnh trong vòng 1 giờ.

Để có được thành công trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc phát triển, Nhật đã xây dựng hệ thống pháp lý cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Theo đó, ngay sau khi có kế hoạch xây dựng đường cao tốc, Nhật Bản đã ban hành các luật như: Luật Xây dựng đường trục cao tốc phát triển Quốc gia và Luật giao thông đường bộ cao tốc Quốc gia, năm 1957 và được sửa đổi vào năm 1966.

Năm 1956, Nhật Bản đã thành lập Tập đoàn đường bộ cao tốc, đây là cơ quan xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Tập đoàn này được hưởng một số ưu đãi như: Miễn các loại thuế khác nhau, bao gồm thuế doanh nghiệp; được thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và các khoản phí khác liên quan đến vận hành kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc; quyền mua đất bắt buộc và cưỡng chế hành chính; các khoản vay từ chính phủ, phát hành trái phiếu vào quỹ chính phủ và bảo lãnh của chính phủ đối với trái phiếu. Nguồn thu phí cùng với việc phát hành trái phiếu đã cho phép Tập đoàn xây dựng và vận hành gần như toàn bộ hệ thống đường cao tốc.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chú trọng hình thành mô hình xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc theo mô hình nhượng quyền, cấp vốn. Thông qua Luật Đầu tư công tư (PFI) từ năm 1999, Nhật Bản áp dụng mô hình PPP đối với các dự án đường bộ cao tốc.., nhờ vậy giảm chi phí, giảm rủi ro trong môi trường cạnh tranh cao.

Ngoài Luật Đầu tư công, theo Luật về các biện pháp đặc biệt về xây dựng và nâng cấp đường bộ, các hoạt đông xây dựng, nâng cấp và bảo trì đường bộ cao tốc tại Nhật được thực hiện bằng các khoản vay, số tiền vay và chi phí quản lý được bù đắp bằng doanh số thu phí; các công ty đường bộ cao tốc là đơn vị quản lý vốn. Bên cạnh các khoản thuế quốc gia dùng để cấp vốn cho công trình đường bộ, còn có thuế đánh vào tải trọng xe và các khoản thuế địa phương để cấp vốn cho công trình đường bộ, gồm thuế chuyển nhượng xe, thuế nhiên liệu và thuế phương tiện.

Mỹ: Được đánh giá là một trong những quốc gia có mạng lưới đường bộ cao tốc phát triển từ khá sớm. Ngay từ những năm 1956, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc liên bang đã bắt đầu được xây dựng hình thành một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc theo các tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc. Theo số liệu thống kê, năm 2019, Mỹ có 107.702 km đường bộ cao tốc các loại (57.711 km đường bộ cao tốc ngoài đô thị và 49.991 km đường bộ cao tốc trong đô thị).

 
Phát triển đường cao tốc ở một số nước trên thế giới
Cao tốc liên bang I-75 kết nối từ Florida, rồi qua Georgia, Tennessee, Kentucky, Ohio và Michigan - Mỹ
 
Quy hoạch phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc của Mỹ có mục tiêu dài hạn từ 30 đến 50 năm. Mạng lưới đường bộ cao tốc đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các chùm đô thị và trong đô thị tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ Mỹ sở hữu và chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và tổ chức đấu thầu. Tư nhân chịu trách nhiệm trong việc bảo trì, thu phí và vận hành khai thác trên các tuyến đường do Liên bang đầu tư xây dựng thông qua hình thức hợp tác nhượng quyền trong khoảng thời gian từ 5 năm đến 15 năm.
 
Tiêu chuẩn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc tại Mỹ cho phép phương tiện giao thông lưu thông với tốc độ cao (tối thiểu 80 km/h và tối đa đến 120 km/h hoặc có thể cao hơn), thông suốt và bảo đảm an toàn, giảm thời gian đi lại, quy mô kỹ thuật các tuyến đường bộ cao tốc tối thiểu là 4 làn xe đối với tất cả các cao tốc bang và liên bang. Các chuyên gia cho rằng, việc xác định quy mô kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc trong dài hạn, làm cơ sở giữ đất và giải phóng mặt bằng đảm bảo thuận lợi trong quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch, đây được cho là yếu tố giúp cho Mỹ thành công trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc.

Phần lớn các tuyến đường bộ cao tốc qua các tiểu bang được Chính phủ Liên bang dùng ngân sách liên bang để đầu tư xây dựng thông qua Quỹ Tín thác đường cao tốc (Highway Trust Fund), quỹ này được hình thành từ nguồn thu thuế nhiên liệu trên toàn Liên bang. Mặc dù quy định pháp luật chung của Liên bang không cho phép thu phí người sử dụng đường bộ do Liên bang đầu tư bằng ngân sách Liên bang. Tuy nhiên, tại một số các tiểu bang và với một số các tuyến đường cụ thể có tính chất đặc thù, luật của tiểu bang vẫn cho phép thu phí người sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc để lấy nguồn thu phục vụ bảo trì và xây dựng mới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc.

Hàn Quốc: Nước này hiện có khoảng trên 4.760 km đường cao tốc, phân bổ hợp lý trên các vùng miền và thuận lợi kết nối tới các chùm đô thị, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp. Các khu vực được kết nối bởi tuyến cao tốc của Hàn Quốc hiện chiếm tới 63% dân số, đóng góp 63% GNP và 81% sản lượng công nghiệp trong nước...

Từ những năm 1960, khi hệ thống đường cao tốc được hình thành, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập công ty nhà nước về đường bộ cao tốc, thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch, xây dựng và quản lý đường bộ cao tốc quốc gia, đồng thời phát triển các khu vực gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Theo đó, Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc (KEC) được giao nhiệm vụ quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc tại Hàn Quốc. Đây là doanh nghiệp nhà nước, cơ quan chuyên ngành về kỹ thuật giao thông, có nhiệm vụ lập kế hoạch thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bộ, quản lý các trạm nghỉ, các cây xăng, kết nối các tuyến đường bộ cao tốc và điều hành cơ quan nghiên cứu về giao thông.

Để khuyến khích phát triển hệ thống đường cao tốc, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư và Tổng công ty chịu trách nhiệm 50% tổng mức đầu tư. Phần vốn đầu tư do Chính phủ hỗ trợ được sử dụng để chi trả cho việc mua đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án (bao gồm cả đất xây dựng đường, đất xây trạm nghỉ, cây xăng) và kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường. Đối với trạm nghỉ và cây xăng, Tổng công ty có trách nhiệm tự bỏ vốn đầu tư xây dựng và khai thác, không tính vào tổng mức đầu tư dự án. Sau khi các tuyến đường bộ cao tốc được triển khai xây dựng và hoàn thành, Tổng công ty sẽ trực tiếp quản lý và thu phí. Toàn bộ nguồn thu được từ khai thác tuyến đường bộ (thu phí, thu khác) sẽ tập trung vào một quỹ và được sử dụng cho chi phí quản lý, bảo trì tuyến đường (như: Duy tu, bảo dưỡng, điều hành...), sử dụng cho việc nghiên cứu và đầu tư xây dựng tuyến đường bộ (gồm cả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc) mới.

Năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật về hợp tác công tư phát triển hạ tầng nhằm cải thiện hình thức PPP, cách thức xử lý các dự án đơn lẻ, quy định bắt buộc nghiên cứu khả thi, lập hệ thống hỗ trợ xử lý rủi ro và thành lập Trung tâm xúc tiến và phát triển dự án PPP cơ sở hạ tầng Hàn Quốc. Chính phủ còn thực hiện đơn giản thủ tục đấu thầu, miễn giảm thuế, bảo đảm doanh thu tối thiểu 90% nên tư nhân hầu như không có rủi ro doanh thu. Ngoài ra, để khuyến khích các nhà đầu tư triển khai dự án PPP đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ với chi phí tiết kiệm, Nhà nước còn thưởng cho những dự án hoàn thành sớm, cho phép nhà đầu tư thu lợi nhuận vượt mức khi họ tiết kiệm được chi phí xây dựng.

Đến nay, đầu tư tư nhân trong lĩnh vực đường bộ cao tốc tại Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Tư nhân đầu tư 15 tuyến đường bộ cao tốc, trong khi Nhà nước chỉ đầu tư 05 tuyến đường bộ cao tốc (chủ yếu là các dự án có tính chất an sinh xã hội như: đường bộ cao tốc nối phía Nam, đường điều hoà giao thông….). Chính phủ thực hiện lập quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc và không có chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc bằng nguồn ngân sách Nhà nước trong tương lai, thay vào đó, Chính phủ kêu gọi thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc từ khu vực tư nhân.

Trung Quốc: Theo đánh giá, mạng lưới đường bộ cao tốc của Trung Quốc có tốc độ phát triển nhanh so với các quốc gia trên thế giới. Tính đến cuối năm 1998, đất nước này đã có 8.733 km, đứng thứ sáu thế giới; đến năm 1999, có khoảng 10.000 km, đứng thứ tư thế giới; cuối năm 2000 đạt khoảng 16.000 km, đứng thứ ba thế giới; năm 2010 là 104.400 km và đến năm 2020 lên 168.100 km cao nhất thế giới.

Hiện Trung Quốc phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia với khoảng 85.000 km. Mạng lưới mới này được hợp thành bởi 7 tuyến từ Thủ đô Bắc Kinh, 9 tuyến dọc Nam - Bắc và 18 tuyến ngang Đông - Tây, bởi vậy có tên gọi tắt là “Mạng lưới 7918”. Mạng lưới này liên kết tất cả các thành phố có 200 nghìn dân trở lên với nhau và nối với các trục giao thông đường sắt, sân bay, đường thủy chính và các cửa khẩu quan trọng…

Các chuyên gia cho rằng, kể từ khi “Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc quốc gia” được Quốc vụ viện phê chuẩn cuối năm 2004 và công bố ngày 13/01/2005, tốc độ phát triển của loại đường này ở Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu của Chính phủ, chỉ tiêu đặt ra cho 30 năm tuy nhiên đã hoàn thành trong khoảng 25 năm.

Với tầm nhìn và xác định quy mô dài hạn, Trung Quốc cũng đã thành công trong việc giữ quỹ đất và giải phóng mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi cho xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc tương tự như Mỹ.

Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc được huy động bằng nhiều hình thức: Vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, thu tiền chuyển nhượng quyền kinh doanh đối với loại đường thu phí (chuyển nhượng quyền thu phí) và sử dụng vốn nước ngoài. Nhà nước chủ yếu hỗ trợ về chính sách như tín dụng cho vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc, thu phí hoàn trả, thu các phụ phí mua sắm phương tiện, cho lập Quỹ xây dựng đường bộ.

Đối với các dự án PPP (xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc) pháp nhân được đầu tư, xây dựng và có quyền kinh doanh dự án bằng phương thức thu phí trong vòng 30 năm. Cá nhân có quyền đầu tư gián tiếp bằng cách mua cổ phần của dự án. Nhà nước cũng phân cấp cho các tỉnh chịu trách nhiệm tài chính, gồm các khoản vay và trích ngân sách để thực hiện. Chính quyền địa phương sẽ lựa chọn và thành lập một số công ty chuyên biệt để xây dựng và vận hành đường bộ, dựa theo từng trường hợp.

Đối với hình thức “Chuyển nhượng quyền thu phí”, theo Điều 60 của Luật Đường cao tốc, các tuyến đường được chuyển quyền thu phí, sau khi chuyển nhượng quyền thu phí, bên nhận sẽ thu phí và vận hành. Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí theo thỏa thuận, thời gian không quá số năm do Hội đồng cấp Nhà nước quy định.

Dữ liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, tính đến cuối năm 2018, hệ thống đường bộ cao tốc trả phí tại nước này dài 168.100 km, mang về 555,24 tỷ nhân dân tệ (tương đương 79,1 tỷ USD) lợi nhuận thường niên.

Có thể thấy, Trung Quốc là quốc gia điển hình trong phân quyền cho các địa phương và đã thành công trong việc áp dụng mô hình này. Chính quyền cấp tỉnh có quyền và chủ động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Đồng thời việc cá thể hóa trách nhiệm gắn với với chỉ tiêu phát triển của Đảng, Chính quyền đối với người đứng đầu cấp tỉnh đã giúp Trung Quốc có những bước phát triển vượt bậc trong kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc./.
 
Tại Việt Nam, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, định hướng đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km; mạng lưới quốc lộ gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại I; kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại II, cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại II trở xuống. Phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
 
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top