Với chủ đề chung: “Các hành động đa phương hiệu quả, toàn diện và bền vững, nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm” kỳ họp thứ sáu Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-6) tại trụ sở Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) ở thủ đô Nairobi của Kenya sau 5 ngày đối thoại sôi nổi (bắt đầu từ ngày 26/2/2024) đã kết thúc với việc thông qua 15 nghị quyết, 2 quyết định và 1 tuyên bố chung cấp bộ trưởng, nhằm ngăn chặn 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh - gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) Inger Andersen khẳng định, thế giới cần hành động nhanh chóng, cần sự thay đổi thực sự và lâu dài. UNEA-6 đã mang đến một động lực bổ sung giúp các nước thực hiện sự thay đổi này và bảo đảm tất cả mọi người trên hành tinh đều được hưởng quyền có môi trường an toàn và lành mạnh. Có thể nói hành động, tốc độ và thay đổi sẽ trở thành "kiềng ba chân" vững chắc để thúc đẩy giải pháp cho 3 cuộc khủng hoảng môi trường mà hành tinh đang phải đối mặt.
UNEA-6 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng và ô nhiễm vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. UNEA-6 được xem là cơ hội để thúc đẩy những hành động đa phương vì môi trường tham vọng hơn.
15 nghị quyết không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý được thông qua là một gói kế hoạch hành động táo bạo nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách, từ thúc đẩy lối sống bền vững, hợp tác khu vực về ô nhiễm không khí, quản lý hợp lý hóa chất và chất thải, thuốc trừ sâu độc hại, chống bão cát và bụi, hạn chế tiêu thụ quá mức, cho đến các giải pháp hiệu quả và toàn diện nhằm tăng cường chính sách về nước để đạt được sự phát triển bền vững.
UNEA-6 lần đầu thông qua nghị quyết về suy thoái đất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chống sa mạc hóa và suy thoái đất đai, thúc đẩy bảo tồn và quản lý đất đai bền vững. Bên cạnh đó, có thể kể đến nghị quyết đưa ra hướng dẫn về cách thế giới có thể làm tốt hơn trong việc bảo vệ, hỗ trợ và phục hồi môi trường ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Trong số các kết quả chính của UNEA-6 còn có nghị quyết đầy tham vọng nhằm giải quyết các vấn đề môi trường quan trọng. Đáng chú ý, Tổ chức Greenpeace của Canada nhấn mạnh lời kêu gọi của hội đồng về một Hiệp ước Nhựa Toàn cầu mạnh mẽ, kêu gọi giảm sản lượng nhựa ít nhất 75% vào năm 2040. Điều này cho thấy, nhu cầu cấp thiết phải giải quyết ngay vấn đề ô nhiễm nhựa, một quan điểm đã được lặp lại trong nhiều cuộc thảo luận khác nhau.
Lần đầu tiên UNEA-6 dành một ngày thảo luận về các Hiệp định Môi trường đa phương nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường sự hội tụ các hành động và chia sẻ kinh nghiệm giữa các hiệp định này.
UNEA-6 cũng đã diễn ra hàng chục sự kiện bên lề về những sáng kiến mới có thể tạo ra đột phá như việc sử dụng AI để chống biến đổi khí hậu.
Kết quả của các phiên thảo luận tại UNEA-6 đã thể hiện bước tiến trong nỗ lực chung của thế giới nhằm làm chậm 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh. Các nghị quyết được thông qua sẽ giúp UNEP và các quốc gia thành viên giải quyết được nhiều vấn đề về hóa chất, rác thải, bão cát hay bụi, sự sa mạc hóa, phục hồi đất đai và hơn thế nữa.
Phó Tổng thư ký LHQ Amina Mohammed cho biết, các cuộc thảo luận và kết quả mạnh mẽ của UNEA-6 sẽ đẩy nhanh các mục tiêu chung của thế giới, bao gồm nỗ lực đạt được cả Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững cũng như 17 Mục tiêu Phát triển bền vững.
Theo giới chuyên gia, UNEA-6 đã nêu bật được một số lĩnh vực hành động quan trọng song việc biến các cam kết thành kết quả hữu hình vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những trở ngại lớn là tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để giải quyết biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần xây dựng những hệ thống mạnh mẽ để theo dõi và đo lường tiến bộ hướng tới các mục tiêu khí hậu. Sự phân mảnh dai dẳng trong quản trị môi trường toàn cầu, khi có rất nhiều hiệp định môi trường đa phương tập trung vào các vấn đề môi trường cụ thể, đòi hỏi tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả và tối đa hóa tác động chung của các hiệp định này.
Có thể thấy, con đường giải quyết các cuộc khủng hoảng môi trường phía trước có thể còn gập ghềnh, song UNEA-6 đã đặt ra một quỹ đạo để củng cố tham vọng, cam kết và phối hợp hành động. UNEA-6 đã đóng vai trò là một diễn đàn quan trọng đặt nền tảng cho các nỗ lực phối hợp giữa Liên hợp quốc, các nước thành viên và đối tác để đưa ra những hành động toàn cầu có ảnh hưởng lớn./.
PV