Tìm hiểu về một số cách chào hỏi độc đáo của người dân Châu Á

31/01/2023 - 08:56 AM
Chào hỏi là một nét văn hóa, một phương thức lễ nghi thể hiện sự tôn trọng người khác. Nhiều quốc gia trên thế giới có những cách chào hỏi nhau khá độc đáo, gây ấn tượng cho du khách quốc tế khi lần đầu được chứng kiến.

Tìm hiểu về cách chào hỏi của người dân trên thế giới cũng như hiểu rõ về thói quen và văn hóa chào hỏi ở những nơi mình đến không chỉ thể hiện sự tôn trọng người bản địa mà còn khiến bạn trở thành người hiểu biết và lịch sự khi ghé thăm đất nước của họ.
 
Thái Lan: Chắp tay và cúi đầu

Khi đến thăm đất nước Thái Lan, mọi người sẽ nhận ra ngay đây là một đất nước sùng Phật, văn hóa của họ chịu ảnh hưởng lớn từ đạo Phật. Các nghi thức, lễ của họ thường trang nghiêm thể hiện sự tôn trọng và văn hóa chào hỏi của họ cũng vậy. Người Thái Lan khi gặp nhau thường khá thân thiện, cung kính. Hình thức giao tiếp chào hỏi của người Thái Lan là nghi thức chắp tay cúi đầu chào. Nghi thức này thường khá nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng và lịch sự.

Việc chắp tay theo hình búp sen thể hiện sự tôn kính bởi vì trong văn hóa Thái Lan hoa sen là biểu trưng cho lòng tôn kính. Việc chắp tay, hai tay nép sát vào lồng ngực thể hiện nghi thức đó xuất phát từ tâm của người chào.

Nếu chào người lớn tuổi hơn thì nên để cho phần mũi chạm vào tay, còn khi chào các nhà sư họ lại cúi nhiều hơn cho trán chạm vào hai tay. Khi chào người cùng trang lứa hay lớn hơn một vài tuổi thì họ chỉ chắp tay và cúi nhẹ đầu. Khi người nhận được cách chào như vậy thì người đó sẽ chắp tay cúi đầu đáp lại, trường hợp các nhà sư sẽ không chắp tay đáp lại khi được chào. Tùy theo các mối quan hệ mà cách chào cũng đa dạng hơn. Khi gặp người lớn tuổi hơn hoặc có chức vị cao hơn thì người nhỏ phải cúi chào trước, theo mức thể hiện mà họ sẽ cúi đầu hoặc nhún người cho phù hợp.

 
Tìm hiểu về một số cách chào hỏi độc đáo CỦA NGƯỜI DÂN CHÂU Á
Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Và khi nhận của người Thái một cái chào ngay lập tức bạn nên chào lại họ để thể hiện mình là người lịch sự và cũng tôn trọng họ. Ngoài hành động chắp tay và cúi đầu chào nhau, người Thái còn nói câu “Sawadee” trong tiếng Thái có nghĩa là “xin cho điều tốt lành đối với bạn”. Câu nói này còn được sử dụng để chúc nhau khi tạm biệt, chia tay.
Malaysia: Chạm và vuốt bàn tay
Nghi thức chào hỏi của người Malaysia được gọi là "namaste". Khi hai người gặp nhau buổi sáng sẽ nói "Salamat pagi", vào buổi chiều nói "saolamat petang" và chạm vuốt bàn tay của đối phương, sau đó thu tay về trước ngực. Người Malaysia thường chạm vào ngón tay của nhau bằng cả hai tay và sau đó đặt lòng bàn tay lên ngực trái của họ. Hành động này tượng trưng cho việc gửi lời chào từ sâu bên trong trái tim. Đàn ông và phụ nữ nước này cũng chào nhau bằng cách áp các ngón tay vào nhau, sau đó rút tay về đặt lên ngực trái. Họ tuyệt đối không bắt tay nhau.

Với khách du lịch hoặc người lạ, ngoài bắt tay thì thường họ sẽ không có sự tiếp xúc nào nơi công cộng giữa hai người khác giới. Khi bạn là nam và được giới thiệu với một phụ nữ Malaysia thì bạn chỉ nên bắt tay khi họ đã đưa tay ra trước. Nếu họ không chủ động đưa tay ra bắt trước thì bạn chỉ nên cười và cúi chào. Ngược lại điều này được chấp nhận ở những người cùng giới.
Tây Tạng: Thè lưỡi chào nhau
Tây Tạng cũng được biết đến là một vùng đất nổi tiếng với Phật giáo, tuy nhiên ở nơi đây có những nét văn hóa và tập tục rất kỳ lạ. Những người Tây Tạng gặp nhau sẽ thè lưỡi (lè lưỡi) để chào nhau. Hành động này được xem là sự chào đón và tôn trọng đối phương.

Thực tế, tập tục lè lưỡi để chào nhau của người Tây Tạng đã có ở nhiều thế kỷ trước. Người Tây Tạng cho biết, ngày xưa, ở vùng đất này có một vị vua vô cùng độc ác tên là Lang Darma. Vị vua này có điểm khác biệt là chiếc lưỡi có màu đen. Khi vua mất, người dân tin rằng vua sẽ được chuyển kiếp. Vì vậy, những người dân Tây Tạng gặp nhau sẽ lè lưỡi để minh chứng cho việc mình không có lưỡi màu đen. Bởi theo họ, nếu người nào có chiếc lưỡi màu đen sẽ được cho là hiện thân của vị vua tàn bạo.

Bên cạnh đó, cũng có một truyền thuyết khác cho rằng, người dân lè lưỡi để đối phương có thể biết rằng họ không hề đọc thần chú hay làm bất cứ ma thuật hắc ám nào làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Nhật Bản: Cúi người để chào nhau
Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước rất coi trọng văn hóa, nghi thức và lễ nghĩa. Tại Nhật Bản để thể hiện sự mến khách họ thường lịch sự chào nhau bằng cái cúi đầu chào đầy khiêm tốn. Đây cũng là một nét văn hóa đặc trưng của xứ sở hoa anh đào.

Nghi thức cúi chào ở Nhật Bản được gọi là Ojigi. Ojigi bao gồm nhiều mức độ khác nhau từ một cái gật đầu khẽ đến tư thế cúi gập người 90 độ. Nghi thức cúi chào của Nhật Bản có nhiều ý nghĩa, thể hiện những cảm xúc khác nhau: Từ biết ơn, tôn trọng cho đến hối lỗi…

Tư thế cúi chào của hành động chào của người Nhật Bản còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, vị thế của người bạn chào đối với bạn và giới tính của bạn. Theo đó, người Nhật có 3 kiểu cúi chào thể hiện hiện 3 mức độ khác nhau:

Cúi 15 độ: Kiểu cúi chào này thường được áp dụng trong xã giao hàng ngày đối với những người ngang bằng mình như bạn bè, đồng nghiệp…; Cúi 30 độ: Kiểu này thể hiện sự trang trọng, lịch sự và thường được áp dụng khi hai người gặp nhau lần đầu tiên. Cúi 45 độ: Khi cúi người 45 độ, tức là khi đó bạn đang thể hiện sự biết ơn với người bạn chào bằng cả tấm lòng.

Bên cạnh đó, kiểu cúi chào ở nam giới và nữ giới cũng khác nhau: Đối với nam thì khi chào hai bàn tay duỗi thẳng, khép ngón tay, khép hai cánh tay sát bên sườn và cúi xuống. Đối với nữ, hai tay duỗi thẳng, đặt trước người tạo thành hình chữ V sao cho bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, ngón tay duỗi thẳng và khép lại, rồi từ từ cúi chào. Đối với cấp trên của mình và những người lớn tuổi hơn, nếu bạn cúi càng thấp và lâu hơn bình thường thì càng thể hiện sự kính trọng của bạn tới người đó.

Trong mọi tình huống, người Nhật đều gập người cúi chào, cúi chào khi gặp mặt, tạm biệt, lễ kỷ niệm… Không chỉ vậy, người Nhật còn cúi chào khi cảm ơn, xin lỗi ai đó hay chúc mừng và đặc biệt là khi thực hiện các nghi lễ thờ cúng.
Người Mông Cổ - giang rộng cánh tay đón khách
Còn đối với người Mông Cổ, họ cũng có cách chào nhau rất khác biệt mà chỉ cần nhìn vào đó người ta có thể nhận ra đó có phải là người Mông Cổ hay không. Theo đó, người Mông Cổ thường chào đón những người khách bằng cách giang rộng cánh tay và đặt lên tay của người kia. Họ quan niệm rằng như thế là thể hiện sự niềm nở, sự vui mừng khi gặp nhau. Cách chào này thể hiện sự chào đón, không quan tâm địa vị xã hội của đối phương mà coi đó là một người bạn. Hoặc để thể hiện sự trang trọng hơn mà người Mông Cổ dành cho những người khách quý là họ sẽ dùng một tấm vải, hay còn gọi là hada để thể hiện sự kết nối với nhau. Lúc này, mỗi người nhẹ nhàng cầm dải lụa bằng hai tay và từ từ cúi thấp người xuống. Đây là một kiểu chào hỏi quan trọng, thể hiện sự tôn trọng văn hóa truyền thống của người Mông Cổ./.
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top