Giá gạo tăng gây sức ép lên hàng tỷ người

11/08/2023 - 08:44 AM
Việc giá gạo châu Á cao nhất 15 năm làm dấy lên lo ngại chi phí lương thực sẽ ngày càng đắt đỏ với nhóm nghèo nhất thế giới.

Gạo hiện là nhu yếu phẩm với hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi, đóng góp 60% tổng năng lượng nạp vào mỗi ngày cho người dân ở hai khu vực này. Thậm chí, ở một số quốc gia như Bangladesh, tỷ lệ này lên tới 70%.

Vì vậy, việc giá tăng gần đây sẽ gây thêm sức ép lên ngân sách của người dân châu Á, châu Phi, trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu vốn đang lao đao vì thời tiết khắc nghiệt và xung đột Nga - Ukraine.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan - được coi là tham chiếu tại châu Á - tuần này đã lên 648 USD một tấn, cao nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân là khô hạn đe dọa mùa màng ở Thái Lan và Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - cấm bán gạo ra nước ngoài để bảo vệ thị trường nội địa.

 
Giá gạo tăng gây sức ép lên hàng tỷ người
Diễn biến giá gạo 5% tấm của Thái Lan giai đoạn 2008 - 2023. Biểu đồ: Bloomberg

"Giá gạo cao sẽ góp phần vào lạm phát giá lương thực, đặc biệt với các hộ gia đình nghèo ở những nước tiêu thụ gạo lớn tại châu Á. Các nước thường sẽ làm theo khi có một nước cấm xuất khẩu gạo. Thiệt hại lớn nhất sẽ là nhóm người nghèo trên thế giới", Joseph Glauber – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (Washington, Mỹ) cho biết trên Bloomberg.

Lo ngại về nguồn cung toàn cầu đang làm tăng nguy cơ xảy ra làn sóng bảo hộ thương mại mới, khi các nước tìm cách đảm bảo dự trữ lương thực. Việc El Nino quay trở lại càng khiến nỗi lo thêm nghiêm trọng. El Nino có thể gây ra khô hạn, đe dọa mùa màng tại châu Á.

"Gạo đang đắt đỏ hơn so với thời điểm trước khi El Nino xuất hiện và chiến sự Nga – Ukraine leo thang", Peter Timmer – Giáo sư tại Đại học Harvard cho biết. Ông đã nghiên cứu an ninh lương thực hàng thập kỷ nay. Timmer dự báo giá có thể tăng thêm 100 USD một tấn trong 6-12 tháng tới.

"Câu hỏi hiện tại là liệu giá có tăng dần đều hay không, để người tiêu dùng có thời gian thích ứng mà không hoảng loạn. Hay là giá sẽ vọt lên 1.000 USD một tấn hoặc cao hơn?", ông cho biết. Timmer đã làm việc với nhiều chính phủ châu Á về phản ứng chính sách trong khủng hoảng lương thực 2008. Thời điểm đó, giá gạo tăng vượt 1.000 USD do lệnh cấm xuất khẩu của hàng loạt nước sản xuất lớn.

Hiện tại, phần lớn gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ tại châu Á. Nông dân ở khu vực này đang quay cuồng với nắng nóng và khô hạn. Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới – đang khuyến khích nông dân chuyển từ trồng lúa sang loại khác cần ít nước hơn. Tại Indonesia, nông dân tại các vùng trồng lúa hàng đầu cũng đang trồng ngô và cải bắp thay thế, do dự đoán sắp xảy ra khô hạn.

Chua Hak Bin – nhà kinh tế học tại Maybank Investment Banking cho rằng rủi ro lớn nhất là liệu El Nino và biến đổi khí hậu có gây gián đoạn sản xuất nông nghiệp và kéo lạm phát lương thực lên cao hay không.

"Việc này sẽ châm ngòi cho nhiều chính sách bảo hộ hơn nữa, bao gồm cả kiểm soát xuất khẩu. Chúng sẽ làm trầm trọng thêm thiếu hụt lương thực toàn cầu và tăng áp lực giá. Các nền kinh tế mới nổi rất dễ tổn thương trước các cú sốc này, vì phần lớn thu nhập của người dân là dành cho mua lương thực", Chua cho biết.

Dù vậy, ông cho rằng các chính sách kiểm soát giá, cũng như trợ giá lương thực của chính phủ có thể ghìm lạm phát. Chua đánh giá tình hình hiện tại "tương đối dễ kiểm soát" so với năm 2008.

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top