Xung đột Trung Đông - Thêm rủi ro cho kinh tế thế giới

28/11/2023 - 08:20 AM

Theo các nhà phân tích nhận định, sự bùng nổ xung đột quân sự ở Trung Đông có thể khiến các ngân hàng Trung ương phải đối mặt với các xu hướng lạm phát mới cũng như giáng một đòn mạnh vào triển vọng kinh tế toàn cầu.
Trong vòng bốn năm, thế giới đã trải qua hai cú sốc quan trọng. Đầu tiên là đại dịch COVID-19, khiến xã hội và nền kinh tế bị đình trệ hoàn toàn, gây ra sự gián đoạn kéo dài trong chuỗi cung ứng, tiêu dùng và thương mại toàn cầu. Sau đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường nhiên liệu và các loại thực phẩm thiết yếu như lúa mì và dầu ăn, mà còn tác động đến giá dầu mỏ và khí đốt.
Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga, trong bối cảnh các chính phủ đang cố gắng kiểm soát lạm phát để tránh nguy cơ suy thoái trầm trọng, thì xung đột địa chính trị mới, xảy ra trong một khu vực nhạy cảm như Trung Đông được coi là "cú sốc thứ ba" đối với các ngân hàng trung ương. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cho rằng, thế giới đang ở trong thời điểm "rất nguy hiểm" khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas có nguy cơ kéo dài trong khu vực và tiềm ẩn rủi ro có thể là trở ngại lớn đối với kinh tế toàn cầu. Nếu cuộc xung đột này lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông thì sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường, vì khu vực này là nơi tập trung 40% trữ lượng dầu toàn cầu.

Ảnh minh họa

Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng, cuộc xung đột tại Trung Động có thể tạo thêm các thách thức mới cho nền kinh tế thế giới. Tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tại cuộc họp chung của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Morocco ngày 11/10/2023, nhà kinh tế Mỹ hàng đầu Mohamed El-Erian cho rằng, nếu xung đột mở rộng và kéo theo các bên khác tham gia, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ còn suy yếu hơn, đối mặt áp lực lạm phát cao hơn. 
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh, xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas gây thêm rủi ro cho triển vọng kinh tế toàn cầu vốn đã ảm đạm.
Theo báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa mới công bố, WB nhận định giá dầu toàn cầu trung bình ở mức 90 USD/thùng trong quý IV/2023 và giảm xuống mức trung bình 81 USD/thùng năm nay, khi tăng trưởng chậm lại làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, thể chế tài chính này cảnh báo căng thẳng ở Trung Động leo thang có thể dẫn đến cú sốc giá dầu và các sản phẩm nông nghiệp, nếu xung đột lan ra toàn khu vực.
Theo nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB, tình hình tại Dải Gaza, xung đột ở Ukraine đang khiến xung đột trở thành cú sốc lớn nhất đối với các thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng này nhận định, các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng vì nếu xung đột tiếp tục leo thang, kinh tế toàn cầu sẽ lần đầu đối mặt với cú sốc năng lượng kép trong nhiều thập kỷ, cả từ xung đột tại Ukraine lẫn xung đột tại Trung Đông.
Cũng theo báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa, giá dầu đã tăng 6% kể từ khi xung đột xảy ra tại Dải Gaza, trong khi giá các mặt hàng nông nghiệp, kim loại và các hàng hóa khác hầu như không biến động. Dựa trên lịch sử các cuộc xung đột khu vực từ những năm 1970, báo cáo của WB đã đưa ra dự báo về ba kịch bản với mức độ nghiêm trọng tăng dần.
Trong viễn cảnh lạc quan với tác động tương tự như tình hình tại Libya năm 2011, giá dầu có thể tăng 3-13% lên 93-102 USD/thùng.
Với nguy cơ gián đoạn ở mức trung bình như trong diễn biến tại Iraq năm 2003, giá dầu có thể tăng lên 109-121 USD/thùng. Còn trong kịch bản nghiêm trọng nhất, giá dầu có thể đạt đỉnh 140-157 USD/thùng, có thể vượt mức cao nhất kể từ năm 2008.

 

Cuộc xung đột tại Trung Đông đã khiến giá dầu tăng vọt và thúc đẩy làn sóng đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, điều này có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế đang phát triển.
Indermit Gill - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho rằng, cuộc xung đột có thể làm tăng thêm một loạt rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, bao gồm cả sự phân mảnh trong thương mại, đặc biệt nếu nó làm sống lại sự chậm trễ của chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng cao trong đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, bà Petya Koeva Brooks, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn khá thấp và không đồng đều, và có rất nhiều nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng. Bà Brooks cho rằng, còn quá sớm để xác định được ảnh hưởng của xung đột giữa Israel và Hamas, nhưng IMF đang theo dõi sát diễn biến tại Israel để xem liệu tình hình xung đột này có tác động đến lạm phát toàn cầu hay không. Dù lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, nhưng việc giá dầu toàn cầu tăng mạnh do xung đột tại Israel đang có nguy cơ thổi bùng lạm phát trở lại nếu đà tăng giá này kéo dài. Điều này sẽ khiến các Ngân hàng Trung ương phải tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.
Nếu cuộc xung đột Israel-Hamas lan rộng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản lượng dầu toàn cầu, dẫn đến những hậu quả tồi tệ. Trong báo cáo thường niên về nền kinh tế thế giới, IMF đã nhấn mạnh rằng với mỗi 10 USD tăng của giá dầu trong dài hạn có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 0,15 điểm phần trăm. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vẫn đang phải đối mặt với lạm phát cao, việc đảm bảo lượng dầu dự trữ trên thị trường toàn cầu là một yếu tố quan trọng, để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới. IMF dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, không thay đổi so với với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng Bảy. Tuy nhiên, IMF đã hạ 0,1 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng của năm 2024 xuống 2,9%./.

Tiến Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top