Được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế số lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc hiện dẫn đầu về đổi mới toàn cầu trong trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thương mại điện tử và phát video trực tiếp (live-streaming)… Quốc gia này đang thực hiện chiến lược mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số và xác định đây là động lực chính cho tăng trưởng trong vài thập kỷ tới.
“Sách trắng về phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc 2021” do Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc công bố tháng 4/2021 cho biết, tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc trong GDP đã tăng lên hàng năm từ 14,2% năm 2005 đến 38,6% năm 2020.
Giai đoạn 2015-2020, kinh tế số ở Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 16,6% cao nhất thế giới và về quy mô, đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ). Năm 2020, kinh tế số Trung Quốc tăng trưởng 9,7%, đạt tỷ nhân dân tệ (6.100 tỷ USD), chiếm 38,6% GDP. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số ở Trung Quốc cao gấp hơn ba lần GDP. Điều này cho thấy vai trò then chốt của kinh tế số trong thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Sách trắng cũng cho biết, năm 2020 có 13 tỉnh, thành phố và khu tự trị Trung Quốc đạt được quy mô nền kinh tế kỹ thuật số hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ, 8 khu vực khác vượt 500 tỷ nhân dân tệ. Kinh tế số ở hai trung tâm hàng đầu là Bắc Kinh và Thượng Hải có đóng góp đến hơn một nửa GDP của khu vực. Các thống kê mới đây cho biết, năm 2021, Trung Quốc đã có 23 thành phố gia nhập câu lạc bộ GDP 1000 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 150 tỷ USD và đang hướng tới nền kinh tế số.
Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc với lợi thế của thị trường quy mô lớn, dân số chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu (1,44 tỷ người – tại thời điểm Quý I/2021) đã chuyển đổi thành cường quốc về sản xuất và công nghệ, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, cùng hệ sinh thái internet dẫn đầu về đổi mới. Phát triển kinh tế số hiện được xem là lựa chọn tất yếu của Trung Quốc và đã đạt được nhiều dấu ấn, thành tựu.
Ảnh minh họa
Kinh tế số tăng trưởng mạnh của Trung Quốc được thể hiện qua tốc độ tăng đột biến các giao dịch thương mại điện tử. Giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc hiện lớn hơn 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ và sở hữu một lượng lớn người dùng trong lĩnh vực thanh toán di động với giá trị giao dịch lớn hơn 11 lần giá trị giao dịch của Mỹ. Năm 2015, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thương mại điện tử trên toàn thế giới, với việc mua sắm trực tuyến chiếm 18% tổng doanh số bán lẻ, so với chỉ 8% ở Mỹ. Năm 2016, Trung Quốc có 731 triệu người dùng internet, nhiều hơn số lượng người dùng của cả EU và Mỹ cộng lại và tăng lên 940 triệu người vào nửa đầu năm 2017. Số thuê bao điện thoại di động của Trung Quốc đạt 95% số người dùng internet (695 triệu), cao hơn tỷ lệ của EU 79% (342 triệu) và Mỹ 91% (262 triệu). Đến năm 2018, thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc tiếp tục có sự phát triển vượt bậc. Doanh thu bán lẻ trực tuyến toàn cầu năm 2018 của Trung Quốc đạt khoảng 2.800 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2017. Bán lẻ trực tuyến đã dần trở thành một kênh quan trọng cho tiêu dùng của Trung Quốc.
Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2020 cho biết, Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ người dùng internet di động, dân số mua hàng online lớn nhất, số lượng hàng hóa lớn nhất và tỷ lệ thanh toán di động cao nhất thế giới. Trong năm 2019, có tới 1/4 số giao dịch bán lẻ diễn ra online, tổng trị giá 1.800 tỷ USD và hơn 90% trong số này được thanh toán di động.
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và thương mại điện tử với sự hiện diện của 3 nhà cung ứng nội địa khổng lồ bao gồm: Thương mại điện tử (Alibaba); Game trực tuyến và mạng xã hội (Tencent); Công cụ tìm kiếm (Baidu) chính là những đặc trưng quan trọng của kinh tế số của Trung Quốc. Theo thống kê, mỗi năm, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba xử lý số giao dịch mua bán nhiều hơn cả Ebay (công ty của Mỹ, quản lý trang web eBay.com) và Amazon (công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ) cộng lại. Với thế mạnh về game trực tuyến và mạng xã hội, Tencent hiện là công ty có giá trị lớn thứ 10 toàn cầu (khoảng 275 tỷ USD). Baidu là công ty thống trị mảng công cụ tìm kiếm tại thị trường nội địa sau khi Google phải rút khỏi thị trường do bị kiểm duyệt.
Không chỉ có sự phát triển bùng nổ trong thương mại điện tử, kinh tế số của Trung Quốc còn được thể hiện qua chủ trương thành lập chính phủ điện tử với việc thông qua chương trình phát triển chữ ký điện tử ngay từ rất sớm (năm 2004). Các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương thiết lập trang web riêng, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho công việc của người dân. Trung Quốc phát triển mạnh ngân hàng điện tử, phương thức cho vay ngang hàng P2P (Peer-to-Peer) dựa trên Internet. Năm 2016, tổng khối lượng giao dịch P2P của Trung Quốc đạt 2,06 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng hơn gấp đôi chỉ trong một năm và tương đương 12% tổng số khoản vay ngân hàng được gia hạn. Năm 2018, có khoảng 50 triệu người tham gia vào nền tảng cho vay P2P, với tổng dư nợ lên đến 1.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 192 tỷ USD). Hiện Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thị trường cho vay P2P trên toàn cầu. Hình thức thanh toán tiền mặt ngày càng giảm và được thay thế bằng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử. Chính phủ điện tử giúp nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công thông qua số hóa. Theo Chỉ số chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, số hóa các dịch vụ công ở Trung Quốc đứng thứ 63 trong số 193 quốc gia được khảo sát.
Cùng với đó, để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, Trung Quốc đã xây dựng Kế hoạch hành động Internet Cộng - Internet Plus (năm 2015) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập internet bằng cách sử dụng công nghệ của các công ty Baidu, Alibaba, Tencent. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ phát triển mạnh các dịch vụ dựa trên internet và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các dịch vụ này với doanh nghiệp. Trung Quốc cũng phát triển một hệ sinh thái công nghiệp mới trên nền tảng internet bao gồm mạng lưới, dịch vụ và các ngành công nghiệp kết nối internet.
Ngoài ra, để phát triển kinh tế số, Trung Quốc đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng số, phát triển mạng thông tin thế hệ mới, mở rộng ứng dụng 5G. Với đặc điểm nổi bật của công nghệ 5G là năng lực truyền tải dữ liệu mạnh hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đây. Do đó, công nghệ 5G có vai trò nền tảng, mở ra khả năng ứng dụng ở quy mô lớn chưa từng có cho các công nghệ mới, như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT).
Theo đánh giá, Trung Quốc rất mạnh trong ứng dụng và phát triển mở rộng 5G không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu. Các ứng dụng của cơ sở hạ tầng số 5G, trí tuệ nhân tạo đã phát huy vai trò quan trọng trong chống dịch Covid-19, đồng thời, giúp Trung Quốc tạo thêm hơn 7 triệu việc làm trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) cùng hàng chục triệu việc làm gián tiếp thuộc các ngành kinh tế số. Dự báo, công nghệ 5G sẽ đóng góp khoảng 1,3 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu, trong đó đóng góp của Trung Quốc là 220 tỷ USD. Năm 2020, Trung Quốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng số lên đến 3.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 420 tỷ USD); kế hoạch trong 5 năm (2021-2025) riêng đầu tư trực tiếp cho xây dựng cơ sở hạ tầng số là 10.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 1.400 tỷ USD). Tối thiểu 80% các ứng dụng doanh nghiệp mới của Trung Quốc sẽ sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2025.
Đặc biệt, trong những năm gần đây công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) được ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã góp phần quan trọng vào đẩy nhanh quá trình số hóa, xây dựng và phát triển kinh tế số ở Trung Quốc. Cụ thể, hạ tầng kinh tế số được đầu tư và phát triển quy mô lớn với việc hoàn thành xây dựng mạng lưới cáp quang lớn nhất thế giới. Tính đến hết quý I/2022, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 1,559 triệu trạm phát sóng 5G, thúc đẩy hiệu quả đầu tư vào kinh tế số với quy mô gần 100 tỷ nhân dân tệ.
Các ngành nghề kinh tế số cũng phát triển và tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2021, đầu tư tài sản cố định vào ngành thông tin điện tử tăng 22,3%; ngành phần mềm và dịch vụ thông tin điện tử đạt mức tăng trưởng 17,7% về doanh thu, góp phần hiệu quả vào chuyển đổi số ở Trung Quốc. Đáng chú ý, các công nghệ số, nhất là dữ liệu lớn (big data), đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho kinh tế sản xuất. Ngành internet công nghiệp phát triển nhanh, với hơn 100 nền tảng internet công nghiệp trọng điểm có tầm ảnh hưởng khu vực. Công nghệ số đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực tiêu dùng, thương mại điện tử, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê, Trung Quốc đã triển khai 10 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia, với năng lực tính toán đạt 13.500 triệu tỷ phép tính/giây, tương đương với 27 triệu máy tính cá nhân. Dự báo trong 5 năm tới, đầu tư vào các trung tâm dữ liệu lớn ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ hơn 20%/năm với tổng mức đầu tư vượt 3.000 tỷ nhân dân tệ. Cùng với sự gia tăng nhu cầu về nguồn dữ liệu của toàn xã hội, các trung tâm dữ liệu lớn đã trở thành công cụ hỗ trợ chủ yếu cho phát triển kinh tế số, không chỉ thúc đẩy phát triển ngành công nghệ thông tin và viễn thông, mà còn kéo theo cả quá trình chuyển đổi số của toàn xã hội.
Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số cùng nhiều thành tựu, dấu ấn, Trung Quốc xác định kinh tế kỹ thuật số là động lực chính cho tăng trưởng trong vài thập kỷ tới, đồng thời đặt mục tiêu biến việc đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trên con đường tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giai đoạn phía trước, song với các chính sách, quy định tạo điều kiện thuận lợi, kinh tế số sẽ thúc đẩy việc nâng cấp cơ cấu kinh tế của Trung Quốc cùng với những đột phá về công nghệ chủ chốt và đạt được mức tăng trưởng cao ổn định. Theo dự kiến đến năm 2027, kinh tế số sẽ chiếm khoảng một nửa GDP của Trung Quốc và trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước này./.
Gia Linh