Kinh tế thế giới vật lộn với những “cơn gió ngược”

11/09/2023 - 08:54 PM
Trải qua năm 2022 đầy sóng gió, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục phải đương đầu với những “cơn gió ngược” trong bối cảnh tăng trưởng mong manh. Phần còn lại của năm, kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Đoàn kết, hợp tác để cùng giải quyết những thách thức chung
 
Trong nửa đầu năm 2023, kinh tế thế giới phải nỗ lực tăng trưởng trong bối cảnh chung có nhiều thách thức. Theo báo cáo Triển vọng và thống kê thương mại toàn cầu công bố tháng 4/2023, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định, đà sụt giảm thương mại hàng hóa toàn cầu của năm 2022 vẫn kéo sang những tháng đầu năm 2023. Mặc dù triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, nhưng tốc độ mở rộng thương mại năm 2023 dự kiến vẫn ở mức dưới trung bình, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ở U-crai-na, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và bất ổn tài chính.

Thước đo thương mại hàng hóa của WTO (số liệu công bố ngày 30/5/2023) đạt 95,6, dù cao hơn so với mức 92,2 trong tháng 3/2023 nhưng vẫn thấp hơn giá trị cơ bản 100. Các tín hiệu hỗn hợp trong các chỉ số thành phần của Thước đo cho thấy con đường phục hồi thương mại khá gập ghềnh, không chắc chắn.

Ngân hàng thế giới (WB) cũng nhận định tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023 do tổng cầu giảm, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong lĩnh vực sản xuất liên tục bị thu hẹp.

Cùng với sự sụt giảm thương mại toàn cầu là xu hướng giảm của giá năng lượng và hàng hóa, phản ánh lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm lại và căng thẳng thị trường tài chính. Tuy nhiên, trái ngược với đà suy giảm giá năng lượng và hàng hóa thì giá lương thực lại tăng nhanh hơn đáng kể so với lạm phát kể từ sau đại dịch Covid-19 ở một số quốc gia, do các yếu tố đồng tiền yếu đi, giao thông gián đoạn, thời tiết bất lợi (bao gồm cả hiện tượng El Nino), xung đột địa chính trị và các chính sách hạn chế thương mại. Từ đó dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở một số nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt, do tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Mỹ cuối tháng 4/2023. Theo quan sát của các nhà kinh tế, chỉ số giá cổ phiếu của các ngân hàng tại Mỹ đã giảm hơn 30% từ đầu năm 2023, phản ánh những lo ngại về dòng tiền gửi chảy ra, khiến cho các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng nước này đã được thắt chặt hơn rất nhiều trong quý gần đây. Đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế phát triển khiến việc đi vay trở nên tốn kém, đồng thời sự thận trọng từ các nhà đầu tư gián tiếp đã gây áp lực lên dòng vốn đầu tư vào các quốc gia này, trừ Trung Quốc.
Kinh tế thế giới vật lộn với những “cơn gió ngược”
Tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023 
 
Bên cạnh các yếu tố trên, thị trường lao động toàn cầu năm 2023 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Theo báo cáo Giám sát việc làm trên thế giới tháng 5/2023, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại các nước đang phát triển, việc ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay (hay còn gọi là “đa khủng hoảng”) bị hạn chế bởi sự kết hợp giữa lạm phát cao và lãi suất cao, cùng với khó khăn về nợ ngày càng tăng. ILO dự báo các quốc gia có thu nhập thấp, châu Phi và các quốc gia Ả Rập khó có thể phục hồi mức thất nghiệp trước đại dịch trong năm 2023.
 
Dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2023, Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects report) công bố ngày 6/6 cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế. Vấn đề lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ giảm trong những tháng tới do tăng trưởng chậm lại và tình trạng thiếu hàng hóa toàn cầu giảm dần. Tuy nhiên, một số yếu tố như cuộc xung đột Nga - Ukraine, hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây trồng trong ngành nông nghiệp và khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu, từ đó có thể gây rủi ro tăng giá.

Mặc dù vậy, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mùa Hè lần thứ 14 được tổ chức tại Trung Quốc cuối tháng Sáu vừa qua, Lãnh đạo các nước đều bày tỏ lạc quan đối với kinh tế toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết, hợp tác; tăng cường đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng; thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và tăng trưởng toàn diện là yếu tố tiên quyết để cùng giải quyết những thách thức chung toàn cầu.

Những bất ổn của kinh tế Trung Quốc
 
Theo số liệu Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, quý I/2023, nền kinh tế nước này tăng trưởng 4,5%, cao hơn đến 2,9% so với số liệu tăng trưởng quý IV/2022, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc thời kỳ hậu chính sách "Zero - COVID". Sang quý II/2023, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kết quả tăng 4,5% trong quý I. Sự phục hồi này là do chính sách tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến đã giải phóng nhu cầu trong nước bị dồn nén, thúc đẩy chi tiêu của người dân. Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Trung Quốc là chỉ số PMI tổng hợp (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) trong tháng 5/2023 đạt 55,6 điểm, tăng 2,0 điểm so với 53,6 điểm trong tháng 4/2023, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ năm liên tiếp trong hoạt động của khu vực tư nhân và là tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 12/2020.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi không đều và dường như đang mất đà.

Những tháng đầu năm, lĩnh vực bất động sản nước này có dấu hiệu tăng trưởng sau suy thoái kéo dài nhờ các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ thanh khoản cho các nhà phát triển nhà ở và các biện pháp để đảm bảo hoàn thành các dự án dang dở. Nhưng tảng băng của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự tan, thậm chí có nguy cơ rơi lại vào vòng suy thoái. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, giá bất động sản trong tháng Năm giảm đáng kể so với tháng Tư tại nhiều thành phố, khiến nhiều nhà đầu tư có thể vỡ nợ trong năm 2023.

Bên cạnh đó, trong quý II/2023, các hoạt động sản xuất vốn là trụ đỡ của nền kinh tế Trung Quốc bất ngờ suy giảm do giá thành nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu trong và ngoài nước hạ nhiệt, thể hiện sự thiếu ổn định quá trình phục hồi của kinh tế nước này. Điển hình là hoạt động chế tạo của Trung Quốc có chỉ số PMI (thước đo chủ chốt đối với sản lượng của các nhà máy) đảo ngược xu hướng tăng quý I, giảm liên tiếp xuống lần lượt còn 49,2 và 48,8 trong tháng Tư và tháng Năm vừa qua. Nguyên nhân là do các đơn đặt hàng mới sụt giảm, làm cản trở đà phục hồi chung của nền kinh tế quốc gia.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (từ 16 đến 24 tuổi) đạt con số cao kỷ lục là 20,8% trong tháng Năm, vượt qua cả mức đỉnh được thiết lập vào tháng Tư năm nay. Trong tháng Năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động ở mọi lứa tuổi tại các thành phố là 5,2%. Triển vọng việc làm và thu nhập bấp bênh đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin người tiêu dùng Trung Quốc, kéo theo sự sụt giảm đối với nhu cầu nội địa trong những tháng tới.

Những sự bất ổn trên đã khiến nhiều tổ chức, ngân hàng lớn đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Ví dụ như, Citigroup hạ dự báo GDP của Trung Quốc xuống 5% từ mức dự báo tăng 5,5% đưa ra trước đó. JPMorgan cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 5,5% trước đó về 5%. Sau những dự báo trên, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm và các công ty công nghệ Trung Quốc, ngay cả những gã khổng lồ có lãi như Tencent và Alibaba, "ồ ạt" bán cổ phần khiến cho nền kinh tế Trung Quốc lâm vào tình trạng tồi tệ hơn.
Kinh tế Mỹ - sức chống chịu bất ngờ
Đầu năm 2023, nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ khó tránh khỏi suy thoái do tác động trễ của tăng mạnh lãi suất chính sách hơn một năm rưỡi qua nhằm hạ thấp tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ đầu những năm 1980. Tuy nhiên, dường như các nhà kinh tế đã đánh giá thấp sức chống chịu của nền kinh tế Mỹ. Bất chấp lãi suất tăng mạnh, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng, thể hiện sức trụ khá tốt, nhờ các động lực chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và bức tranh việc làm vững chắc.

Theo dữ liệu điều chỉnh của Bộ Thương mại Mỹ, quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt mức 2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính tăng trưởng 1,1% trước đó. Trading Economics dự báo tăng trưởng GDP Quý II/2023 của Mỹ tăng 1,6% so với quý trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Mức tăng này là nhờ chi tiêu hộ gia đình Mỹ tăng mạnh trong quý đầu năm, 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2021 trở lại đây, khi nền kinh tế đang phục hồi sau các đợt hạn chế phòng dịch Covid-19. Người dân Mỹ đã mạnh tay chi tiền mua những hàng hóa lâu bền như ô tô và cho các dịch vụ, bao gồm chăm sóc sức khỏe, ăn ngoài và đi du lịch. Đối với thị trường nhà ở, số lượng nhà tồn kho ở mức thấp lịch sử, giúp thúc đẩy doanh số nhà mới xây. Doanh số nhà mới tháng Năm đã tăng ở mức 2 con số, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế.

Thị trường lao động Mỹ cũng chứng tỏ sức dẻo dai của mình. Dù cho Fed liên tục tăng lãi suất nhưng nhiều công ty vẫn liên tục tuyển người, đặc biệt là đối với một số vị trí như thợ sửa ống nước, kỹ sư máy sưởi và hệ thống làm mát… Trong tháng Năm, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 339.000 việc làm, con số lớn nhất kể từ tháng 01/2023. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức gần thấp nhất lịch sử. Số lượng đơn yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu có xu hướng giảm từ đầu tháng Tư.

Thêm vào đó, theo Trading Economics, chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ có xu hướng tăng, tháng 5/2023 đạt 54,3 điểm, cao hơn so với mức 53,4 điểm của tháng 4/2023. Chỉ số này phản ánh mức tăng nhanh nhất của các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ hơn một năm qua, bù đắp cho tăng trưởng yếu đi của lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo.

Mặc dù có những điểm sáng trong phục hồi kinh tế, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Đó là, sự phục hồi tiêu dùng của người dân Mỹ dự kiến sẽ chậm lại đáng kể trong thời gian tới. Chi phí đi vay cao hơn cùng với điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ gia đình khi phần lớn tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch đã cạn kiệt. Tiêu dùng và đầu tư dân cư giảm tốc có thể sẽ làm suy yếu hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, tuy các cơ quan quản lý quốc gia này đã nhanh chóng ngăn chặn tình trạng hỗn loạn gần đây của ngành ngân hàng, nhưng đã bộc lộ những lỗ hổng tài chính khi lãi suất tăng nhanh. Về thị trường sản phẩm và dịch vụ, nguồn cung không theo kịp nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng, sẽ dẫn đến áp lực tăng giá liên tục và các lựa chọn chính sách tiền tệ phức tạp. Ngoài ra, lãi suất cao hơn và điều kiện thị trường tín dụng chặt hơn sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung hàng hóa và dịch vụ. Những đợt điều chỉnh giá sẽ làm suy yếu các hoạt động kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm và có thể đẩy nền kinh tế suy thoái vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Song nhà lãnh đạo quốc gia này khá tin tưởng vào sự thành công của chiến lược phục hồi kinh tế bởi vẫn còn những động lực tăng trưởng có được trong nửa đầu năm nay./.
Quang Vinh

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top