Giống một số nước châu Á, ngày Tết cổ truyền của người Mông Cổ có tên gọi là Tsagaan Sar được tính theo lịch mặt trăng - lịch âm của người Mông Cổ và thông thường diễn ra vào tháng Hai dương lịch hằng năm.
Là dân du mục và thường phải chăn thả gia súc, sinh sống trên những bãi cỏ bạt ngàn, người Mông Cổ rất hiếm khi có dịp tụ tập đầy đủ họ hàng, thậm chí nhiều năm không được gặp gỡ đại gia đình. Vì thế, ngày Tết Tsagaan Sar không chỉ đánh dấu sự kết thúc của mùa đông dài khắc nghiệt và bắt đầu mùa xuân tươi mới mà còn là dịp quan trọng để tất cả các thành viên trong gia đình quây quần và sum họp bên nhau.
Lễ Tsagaan Sar bắt nguồn từ năm 1206, khi đế chế Mông Cổ được thành lập. Thời điểm đó, người Mông Cổ tổ chức Tết Nguyên đán vào những tháng đầu mùa đông, gọi là "Lễ hội sữa". Lễ hội này sau đó được gọi là "Lễ hội của người chăn nuôi" và chỉ được tổ chức bởi những người chăn gia súc từ năm 1952 đến năm 1990. Bắt đầu từ năm 1998, người Mông Cổ tổ chức ăn mừng tết Tsagaan Sar như Tết Nguyên đán với hy vọng có một năm mới dồi dào và xóa bỏ mọi điều xui xẻo của năm trước.
Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ có nhiều phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa bản địa của người dân du mục.
Vì dịp lễ tượng trưng cho một cuộc sống khỏe mạnh và giàu có, nên người Mông Cổ bắt đầu chuẩn bị cho Tsagaan Sar trước một tháng. Theo phong tục, tất cả các thành viên trong gia đình ở Mông Cổ cùng nhau sửa chữa và dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, chuồng trại để chuẩn bị cho ngày tết Tsagaan Sar với niềm tin nơi nào sạch sẽ thì may mắn sẽ đến. Nếu như Trung Quốc hay Việt Nam nổi tiếng với hình tượng Ông Táo thì Mông Cổ lại thờ một vị thần lửa tên là Baldanlkham. Vào ngày 23 tháng Chạp, sau khi dọn dẹp nhà cửa, người Mông Cổ sẽ tổ chức nghi thức cúng tế vị thần lửa Baldanlkham rất trang nghiêm.
Trước ngày Tết, người dân ở đây cũng không quên trả lại đồ đã mượn, xin lỗi hoặc hòa giải hiềm khích với người khác với mong muốn một năm với vui vẻ và đủ đầy.
Ngày đầu xuân năm mới, người Mông Cổ nơi thảo nguyên thường mặc trang phục dân tộc màu trắng
Tsagaan Sar dịch theo tiếng Mông Cổ là Bạch Nguyệt hay Trăng Sáng, có nghĩa là tháng Trắng. Đối với người dân xứ thảo nguyên, màu trắng biểu tượng cho sự trong sáng, thuần khiết, chân thành và hạnh phúc, đó cũng là màu mang tới nhiều may mắn. Vì thế, nếu như vào ngày đầu xuân năm mới, các nước trên thế giới chọn màu sắc rực rỡ thì người Mông Cổ nơi thảo nguyên sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc màu trắng. Tuy nhiên ngày nay, trang phục ngày Tết của người Mông Cổ nhiều màu sắc hơn, gồm áo choàng Deel, thắt lưng, giày cao cổ (ủng) và những đồ trang trí. Các thị tộc, bộ tộc và những nhóm sắc tộc khác nhau sẽ có những dấu hiệu khác biệt trong thời trang của họ. Ngoài ra, trong 3 ngày Tết, người dân nơi đây còn tặng nhau quà màu trắng và cưỡi ngựa trắng. Đến cả các loại thực phẩm cho năm mới cũng có màu trắng, chủ yếu được chế từ sữa.
Trong các món ăn truyền thống ngày Tết Tsagaan Sar, buuz - món bánh bao hấp nhân thịt kiểu Mông Cổ là món ăn phổ biến nhất. Bánh bao Buuz làm khá đơn giản gồm các nguyên liệu chính là bột mì, thịt băm nhuyễn hoặc thái nhỏ, hành, muối, tiêu và thìa là. Ngày nay, nhân bánh có thể thêm rau, bơ hoặc hải sản. Thời gian để làm một mẻ bánh chỉ mất khoảng 20 phút, thế nhưng các gia đình lại mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị, vì họ có thể làm vài trăm đến vài nghìn chiếc bánh, tùy vào kích cỡ bánh và số lượng khách muốn chiêu đãi. Vào những ngày cuối cùng của năm, người Mông Cổ lại cùng nhau vui vẻ làm bánh để cả gia đình cùng thưởng thức và chiêu đãi khách tới nhà. Đôi khi, họ âm thầm đặt vài đồng xu vào trong bánh với lời chúc mang lại điều tốt đẹp trong năm mới cho người nào may mắn chọn trúng chiếc bánh chứa đồng xu.
Bên cạnh món bánh bao buuz, người Mông Cổ còn làm một loại bánh ngọt dài truyền thống và cũng là phần trang trí chính trong mâm cỗ ngày Tết Tsagaan Sar có tên là ul boov và lưng cừu bao gồm cả đuôi, được gọi chung là uuts được luộc chín trong vòng 2-3 ngày trước Tsagaan Sa. Da và đuôi phần uuts càng to béo thì gia chủ càng sung túc.
Ngoài ra, người dân Mông Cổ cũng không quên làm món ăn đầu tiên cho năm mới là tsagaalga có màu trắng được làm từ cơm, nho khô kết hợp bơ vàng, sữa, bột mì, đường, muối cùng nguyên liệu quan trọng nhất là sữa đông, vì họ quan niệm sữa đông màu trắng tinh sẽ "thanh tẩy" những điều đen tối, xui rủi.
Ngày trước Tsagaan Sar được đặt tên là Bituun, có nghĩ là “ngày không có trăng”. Vào ngày này, người Mông Cổ sẽ cùng nhau chuẩn bị các loại thực phẩm và bày biện bữa ăn thịnh soạn với thịt cừu, bánh kẹo truyền thống, đồ uống làm từ sữa ngựa, cơm nấu bằng sữa đông, bánh bao hấp… Người Mông Cổ tin rằng đồ ăn, thức uống được chuẩn bị càng nhiều thì năm mới càng sung túc. Bánh ngọt ul boov sẽ được xếp theo các tầng, số tầng là số lẻ. Tầng đầu đại diện cho hạnh phúc, tầng hai là đau khổ, luân phiên nhau như vậy và cho đến khi kết thúc là tầng hạnh phúc. Mỗi tầng bánh gửi gắm mong ước giản dị “sự bắt đầu và kết thúc của con người đều diễn ra trong hạnh phúc”. Số tầng bánh ul boov phụ thuộc vào số tuổi cũng như địa vị của người lớn tuổi trong gia đình đó. Một gia đình trung lưu bày ul boov 5 tầng, gia đình trẻ tuổi có thể bày 3 tầng, và nếu gia đình nào có người 70 tuổi thì bày bánh 7 hoặc 9 tầng. Tầng trên cùng của tháp bánh thường đặt một chiếc bánh tròn tượng trưng cho ngọn núi trung tâm vũ trụ, bày thêm các sản phẩm từ sữa như bơ, kem đông hoặc kẹo, đường cục... cắt miếng nhỏ vừa ăn để mời khách tự nhón tay thử.
Trước đêm giao thừa Bituun, người Mông Cổ sẽ ăn đến lúc no căng bụng, bởi họ cho rằng để bụng đói trước thềm năm mới là kiêng kỵ.
Vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, việc đầu tiên người Mông Cổ làm là mặc quần áo mới, cùng nhau dùng trà sữa và ăn bữa tối đầm ấm. Trà sữa được pha khá đơn giản, chỉ cần nước nóng, lá trà, sữa và một chút xíu muối. Sữa có thể dùng sữa dê, bò, cừu hoặc lạc đà. Thế nhưng cách thức uống trà của người dân thảo nguyên rất công phu. Trà pha trong ấm được rót ra tách theo kiểu rót từ trên cao xuống. Chủ nhà sẽ rót ra một chén trà thứ nhất, đem ra sân trước vẩy khắp 4 hướng, rót tiếp chén thứ hai mời người chủ trong gia đình, những chén sau mời các thành viên còn lại. Sau đó, gia chủ cắt một phần miếng uuts để dâng thần lửa - một vị thần tối cao trong tín ngưỡng Mông Cổ, rồi mới chia cho cả nhà ăn. Nghi thức dâng thần lửa cũng rất cầu kỳ và long trọng. Người Mông Cổ cho rằng, vào đêm giao thừa vị thần sẽ cưỡi một con la đến từng nhà. Thế nên, người dân thường đặt ba cục đá viên trên bậu cửa hoặc trên ban công để khi đá tan ra con la sẽ có nước uống khi tới thăm. Trong bữa ăn, người già kể cho con cháu nghe những câu chuyện dân gian, thần thoại. Các thành viên trong gia đình cũng chơi những trò chơi truyền thống.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, ngày Tsagaan Sar, tất cả các thành viên sẽ thức dậy trước khi mặt trời mọc và mặc quần áo mới, chuẩn bị sẵn lời chúc cho người lớn tuổi hoặc chủ nhà. Người đàn ông trong gia đình sẽ leo lên đỉnh núi cao để đón ánh bình minh năm mới. Trước khi đi, người Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành Muruu gargakh để chọn hướng xuất hành cho tốt bởi họ tin rằng xuất hành đúng hướng sẽ mang lại may mắn trong năm mới. Còn người phụ nữ ở nhà đun trà sữa, đặt bánh bao lớn và nhỏ đã nấu chín lên bàn và cúng bái để cầu chúc những điều tốt đẹp nhất tới gia đình.
Sau khi cúng lễ ở gia đình, người Mông Cổ sẽ tới chúc Tết ông bà, cha mẹ, người thân và thực hiện nghi thức chào hỏi có tên Zolgolt. Đây là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân thảo nguyên nơi đây. Người trẻ sẽ chào cha mẹ, ông bà bằng cách cầm khăn Khadag trượng trưng cho điều tốt lành, đặt tay dưới khuỷu tay của người lớn tuổi, với ngụ ý tiếp thêm năng lượng cho họ. Tuy vậy, các cặp vợ chồng không cần thực hiện nghi thức zolgolt này vì cả hai được coi là một thể thống nhất, nếu thực hiện thì bất hòa sẽ xảy đến.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, sau khi cúng lễ ở gia đình, người Mông Cổ sẽ tới chúc Tết ông bà, cha mẹ, người thân
Đến chúc Tết ông bà, cha mẹ và người thân xong, mọi người tụ họp tại nhà của thành viên lớn tuổi trong dòng họ, để chào hỏi nhau theo thứ tự thâm niên trong gia phả. Người Mông Cổ cũng có tục lệ lì xì cho người lớn tuổi bằng tiền cùng khăn quàng cổ màu xanh còn được gọi là Hadag.
Lì xì xong, mọi người cùng thưởng thức bữa ăn truyền thống. Trước bữa ăn, người Mông Cổ có một tục khá giống Việt Nam là người trẻ kính rượu các bậc tiền bối, nhưng có phần khắt khe hơn. Người kính rượu phải quỳ để tỏ lòng thành kính. Nếu là đàn ông hay con gái chưa gả chồng thì phải quỳ trên hai gối, cúi đầu xuống thấp, cung kính đưa hai tay dâng rượu về phía trước. Còn với phụ nữ đã xuất giá chỉ quỳ một gối, tay phải đưa lên để mời rượu. Khi nhận rượu mời, người lớn trong gia đình cầu phúc và tuổi thọ cho con cháu.
Đến chúc Tết nhà bạn bè, người quen trong những ngày đầu năm mới, các vị khách cũng được tiếp đón nồng nhiệt. Người đứng đầu trong gia đình sẽ chuẩn bị một bàn tiệc với trà và bánh bao hấp thịt mang ý nghĩa tượng trưng cho sự viên mãn và thịnh vượng. Tục mời rượu khi đi chúc tết nhà bạn bè, người quen của người Mông Cổ cũng phức tạp không kém. Việc đầu tiên khách đến chơi nhà phải làm là cúi đầu trước Phật đường, sau đó hành lễ với bậc trưởng bối trong nhà, tuyệt đối không được ngồi khi kính rượu chưa xong và đặc biệt phải uống hết ly rượu mời. Đặc biệt, trước khi ra về, khách sẽ được chủ nhà nói những lời cảm ơn và tặng những món quà nhỏ như kẹo, socola, quần áo, đồ gia dụng, tất... để trao gửi tình cảm thương mến. Ngược lại, khi khách nhận quà từ chủ nhà phải dùng hai tay để thể hiện sự tôn trọng.
Vào dịp Tết Tsagaan Sar, nhiều người còn tìm đến chùa, thiền viện để nghe những lời cầu nguyện và tụng kinh cầu an lành cho năm mới.
Để có năng lượng tích cực trong năm mới, người Mông Cổ quan niệm không được làm những điều xấu vào kỳ nghỉ Tết vì thế họ chào đón năm mới và lễ Tsagaan Sar với tinh thần lạc quan, trái tim nhân hậu và tâm hồn trong sáng, tránh việc cự cãi, ăn uống chè chén, tiêu xài hoang phí và không mặc đồ màu đen, cắt tóc, khâu quần áo cũ.... Ngoài ra, họ còn tránh những điều cấm kỵ như không đổ nước bẩn ra ngoài, không gọi tên trẻ sơ sinh, không đi chơi qua đêm.
Ngày nghỉ lễ chính thức thường kéo dài ba ngày, còn các hoạt động lễ và hỏi thăm sức khỏe đầu năm sẽ lâu hơn, có thể lên đến hai tuần. Kết thúc Tết Tsagaan Sar, người dân Mông Cổ trở lại với cuộc sống thường nhật, họ mong những gì diễn ra trong năm tới sẽ đẹp đẽ, thuần khiết như chính ý nghĩa tên Bạch Nguyệt của ngày lễ./.
Quang Vinh