Những tháng qua, cả thế giới phải đối mặt với tình trạng thời tiết bất thường, diễn biến phức tạp và khắc nghiệt. Trong khi châu Âu hứng chịu những đợt nắng nóng khủng khiếp, hạn hán kỷ lục; châu Á “oằn mình” chống chọi với mưa lớn bất thường, lũ lụt, thiên tai... Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đó một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu tới thời tiết của cả thế giới hiện nay.
Tại Châu Á, những trận mưa lũ lịch sử xảy ra vào các tháng mùa hè vừa qua đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Tại Hàn Quốc: Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết, Hàn Quốc vừa trải qua trận mưa lớn kỷ lục tại thủ đô Seoul và một số nơi khác ở miền Trung và Đông của nước này. Mưa lớn với tổng mực nước đo được lên tới 525mm đã trút xuống thủ đô Seoul từ ngày 8/8 đến sáng 10/8. Trong khi đó, ở Yanpyeong, cách Seoul 45km về phía Đông, tổng mực nước mưa đo được trong cùng giai đoạn lên đến 526,2mm.
Trong đêm 7/8/2022, nhiều khu vực của Seoul, thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi đã hứng chịu trận mưa lớn hơn 100mm mỗi giờ. Lượng mưa mỗi giờ tại quận Dongjak của Seoul có thời điểm đã vượt qua 141,5mm, trở thành trận mưa lớn nhất kể từ năm 1942. Đến 4 giờ sáng theo giờ địa phương, lượng mưa tích lũy tại quận này đạt 417mm. Nước lũ dâng nhanh gây ngập lụt nhà cửa, đường phố và ga tầu điện ngầm.
Tại khu vực Gangnam, ngày 8/8 một số tòa nhà và cửa hàng bị ngập nước và mất điện; ôtô, xe buýt và ga tàu điện ngầm bị nhấn chìm; nhiều người dân bị mắc kẹt bởi nước dâng quá nhanh. Nhiều tuyến đường ngập nặng gây cản trở các phương tiện giao thông, trong khi các tuyến đường sắt và tàu điện ngầm đã phải dừng hoạt động. Các con đường chính ở Daechidong, phía nam Seoul bị ngập hoàn toàn. Hàng loạt phương tiện chết máy giữa đường do ngập nước, khiến tài xế phải bỏ xe lại trên đường, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn giao thông. Chính quyền thành phố Seoul đã phải phát thông báo kêu gọi người dân chuẩn bị đối phó với thiệt hại do lũ lụt gây ra, đồng thời ra lệnh sơ tán tại các khu vực trũng thấp và sạt lở đất để hạn chế thương vong.
Trước những diễn biến đột suất và phức tạp của thời tiết, chính quyền Trung ương Hàn Quốc đã tiến hành cuộc họp ứng phó khẩn cấp, ra lệnh cho các cơ quan chức năng tập trung vào việc ngăn chặn thương vong, nhanh chóng kiểm soát và khắc phục các khu vực bị ngập lụt.
Đợt mưa kỷ lục bắt đầu từ ngày 8/8 đã gây thiệt hại lớn cho Hàn Quốc với nhiều người thiệt mạng, mất tích, khoảng 7.955 người bị ảnh hưởng, 6.876 ngôi nhà và hơn 1.140ha đất canh tác bị ngập úng. Nhiều cơ sở hạ tầng đã bị hư hại, trong khi khoảng 52 đường cao tốc và đường bộ đã bị phong tỏa do không thể di chuyển do mưa lũ…
Tại Trung Quốc: Đợt lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trong tháng 6 ở miền Nam Trung Quốc đã khiến hơn 500 nghìn người phải sơ tán, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng, thiệt hại kinh tế ước tính 250 triệu USD.
Hãng tin Reuters đưa tin, trong ngày 18/6, tại ít nhất là hai quận ở tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc, mưa lớn đã biến đường phố thành sông. Ôtô và những căn nhà một tầng bị cuốn trôi. Lượng mưa ở một số khu vực được ghi nhận là kỷ lục trong vòng 60 năm qua. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết lượng mưa trung bình ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6/2022 đạt 621mm - mức cao nhất kể từ năm 1961.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ngày 18/8, truyền thông Trung Quốc đưa tin: Trận mưa dông xảy ra bất ngờ tối 17/8 đã gây ra vụ sạt lở đất làm thay đổi dòng chảy một con sông và gây ra lũ quét tại tỉnh Thanh Hải, miền Tây Trung Quốc. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, trận lũ quét gây ảnh hưởng tới hơn 6.200 người từ 6 ngôi làng. Đã có nhiều người bị thiệt mạng và mất tích do lũ quét do đợt mưa lũ này.
Trước đó, giới chức Trung Quốc cũng đã đưa ra cảnh báo mưa to dự kiến sẽ đổ bộ vào các khu vực phía Bắc nước này. Ban chỉ huy phòng, chống lũ lụt và hạn hán quốc gia Trung Quốc đã kích hoạt biện pháp ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 đối với công tác phòng, chống lũ lụt do mưa lớn. Biện pháp ứng phó khẩn cấp được áp dụng cho những khu vực gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Thiểm Tây và Cam Túc. Các địa phương được yêu cầu tăng cường các biện pháp giám sát và cảnh báo sớm, đồng thời tiến hành những hoạt động chuẩn bị cho công tác phòng, chống lũ lụt.
Không chỉ phải đối mặt với tình trạng mưa lũ, những diễn biến phức tạp của thời tiết cũng đã khiến Trung Quốc phải hứng chịu cả những đợt nắng nóng đỉnh điểm. Theo đó, tình trạng nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ lên tới 43,4oC được ghi nhận tại thành phố Thành Đô vào ngày 21/8 làm cho mức nước của nhiều con sông và hồ thủy điện ở hai tỉnh Hồ Bắc và Tứ Xuyên giảm mạnh. Trong khi phần lớn nguồn điện cung cấp cho hai tỉnh này được sản xuất từ các đập thủy điện. Do vậy, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp “cấp độ 1”, mức cao nhất trên thang xếp hạng. Tập đoàn lưới điện quốc gia Trung Quốc cho biết, ít nhất 50 máy phát điện di động từ các địa phương khác đã được huy động nhằm giúp ổn định mạng nguồn cung điện tại địa phương này. Một loạt xí nghiệp, nhà máy tại tỉnh Tứ Xuyên đã bị ngừng cấp điện. Toyota và Foxconn buộc phải tạm dừng hoạt động sản xuất tại tỉnh Tứ Xuyên (địa phương với 84 triệu dân và là thủ phủ của ngành công nghiệp khai thác Lithium và sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời).
Hai thành phố Trùng Khánh và Thành Đô yêu cầu giảm độ sáng của đèn đường vào buổi tối. Nhiều trung tâm thương mại và tòa nhà buộc phải tắt biển hiệu quảng cáo cũng như dừng hoạt động của thang máy. Các nhân viên căn phòng được khuyến khích bật điều hòa ở ngưỡng 27oC để tiết kiệm điện. Thượng Hải cũng phải tạm dừng các chương trình biểu diễn ánh sáng tại khu vực Bến Thượng Hải trong hai ngày. Tại Tứ Xuyên, chủ các phương tiện chạy điện phải tự xoay sở khi các trạm sạc đồng loạt đóng cửa. Tesla thông báo chỉ có 2/14 trạm sạc trên toàn thành phố Thành Đô hoạt động vào 17/8.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, quốc gia này không chỉ phải chịu những đợt mưa giông, lũ lịch sử, mà còn phải đối mặt với những đợt nắng nóng và hạn hán trong năm nay ở mức tồi tệ nhất kể từ khi số liệu về các hiện tượng thời tiết cực đoan được ghi nhận cách đây 60 năm. Các chuyên gia cho biết, điều đáng lo ngại hơn nữa là những cảnh báo thời tiết khắc nghiệt đang xuất hiện thường xuyên hơn tại Trung Quốc.
Không chỉ tại Trung Quốc hay Hàn Quốc, tại Ấn Độ và Bangladesh, những tháng vừa qua đã có nhiều người thiệt mạng vì lũ lụt, sét đánh và lở đất kể từ khi mưa lớn bắt đầu vào tháng 6/2022.
Hàng trăm nghìn người đã phải sơ tán, hoạt động cứu hộ diễn ra trong tình trạng gặp nhiều khó khăn do thiên tai làm ngập đường sá, phá hỏng hệ thống điện và liên lạc.
Riêng ở Ấn Độ, giới chức bang Assam ngày 20/6 cho biết, lũ lụt hoành hành tại toàn bộ 33 huyện của bang này đã khiến nhiều người thiệt mạng. Bang lân cận Assam là Meghalaya cũng chứng kiến các trận mưa lớn chưa từng có trong nhiều năm qua. Mưa lớn đã khiến vùng Sylhet bị ngập.
Tại New Zealand, mưa lớn xối xả trút xuống khu vực phía Tây và phía Bắc của đảo Nam nước này trong nhiều ngày liên tiếp (từ 16-18/8), khiến hàng nghìn người dân phải đi sơ tán, nhiều trường học phải đóng cửa. Theo các chuyên gia thời tiết của New Zealand, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thời tiết trên là do một luồng hơi nước hẹp của sông khí quyển đang xuất hiện trên toàn lãnh thổ. Ngoài khu vực này, cảnh báo mưa to cũng được đưa ra đối với các khu vực ở phía bắc đảo Bắc của New Zealand.
Trái ngược với tình trạng mưa lụt tại châu Á, tại châu Âu, Mỹ lại phải đối diện với tình trạng nhiệt độ tăng cao kỷ lục, sông ngòi cạn nước, cháy rừng hoành hành.
Các nhà nghiên cứu về thời tiết cho biết, châu Âu vừa trải qua một mùa hè nắng nóng khủng khiếp, với hàng loạt đợt nắng nóng, cháy rừng và hạn hán chưa từng có trong lịch sử. Và theo dự báo thời kỳ khô hạn của châu Âu dự kiến sẽ còn tiếp tục, các chuyên gia cũng cho rằng đây có thể là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua.
Tại Tây Ban Nha và Đức trong những ngày cuối tháng 6/2022 đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, vượt mốc 40 - 43oC. Pháp cũng ghi nhận thời tiết tháng 5 và 6 nóng nhất trong vòng 100 năm, với mức nhiệt lên đến 41,9oC tại vùng Cazaux. Tại Tây Ban Nha, hỏa hoạn tại vùng núi Sierra de Culebra đã thiêu rụi hơn 30 nghìn ha đất rừng khiến hàng chục ngôi làng phải sơ tán, trước khi đám cháy được dập tắt vào ngày 26/6. Hạn hán cũng khiến sản lượng nông sản ở miền bắc Ý thiệt hại khoảng 50%, còn dòng sông Po dài nhất nước này đang khô hạn kỷ lục trong vòng 70 năm.
Tại Mỹ, miền Tây nước này đang trải qua năm hạn hán thứ 23, là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 1.000 năm qua. Giới chức Washington ngày 16/8 cho biết sẽ phải cắt nguồn cung nước tới một số bang ở Mỹ và tới Mexico nhằm tránh thảm họa sụp đổ của sông Colorado trong bối cảnh dòng sông này đang bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán lịch sử. Đây là con sông cung cấp nước cho khu vực Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, lượng mưa ở dưới mức trung bình trong hơn 2 thập kỷ qua khiến mực nước của con sông này đang ở mức thấp nguy hiểm, đặc biệt khi chu kỳ hạn hán tự nhiên ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Tại Anh: Tình trạng hạn hán xảy ra sau khi vùng England chứng kiến tháng 7 khô hạn nhất trong gần 90 năm qua với nhiệt độ lần đầu tiên vượt 40oC. Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Anh (Met Office) cho biết, nhiều khu vực của England và xứ Wales đang trải qua đợt nắng nóng dự báo kéo dài 4 ngày với“nhiệt độ cực cao”. Cùng với đó là những cảnh báo về nguy cơ với sức khỏe do nắng nóng đã được gia hạn nhiều ngày hơn so với trước đây.
Ngày 12/8, Anh đã ban bố tình trạng hạn hán tại nhiều khu vực. Cơ quan Môi trường Anh đã ban bố tình trạng hạn hán khẩn cấp. Theo đó, các công ty cung cấp nước sẽ tăng cường quản lý tác động của thời tiết khô hạn đối với nông dân và môi trường, trong đó có việc quản lý sử dụng nước để bảo vệ nguồn cung cấp nước. Cùng ngày 12/8, công ty Yorkshire Water - cung cấp nước cho 2,3 triệu hộ gia đình và 130 nghìn doanh nghiệp ở England, đã áp dụng lệnh cấm sử dụng vòi ống nước để tưới vườn, rửa xe hoặc bơm nước vào bể bơi. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 26/8.
Tại Thụy Sĩ, mực nước các hồ ở miền Đông, miền Trung và miền Nam nước này đã xuống mức thấp kỷ lục do thời tiết mùa hè nóng và khô. Đây là điều hiếm khi xảy ra ở quốc gia được ví là“hồ chứa nước của châu Âu” này. Nắng nóng và thời tiết khô hạn đã làm gia tăng nguy cơ hỏa hoạn trên hầu như toàn bộ đất nước Thụy Sĩ. Nhiều bang đã ban hành lệnh cấm đốt pháo hoa, đốt lửa ngoài trời, trong khi một số bang cũng đã đưa ra các hạn chế về sử dụng nước.
Tại Pháp: Giới chức vùng Aveyron, miền Nam nước Pháp ngày 14/8 cho biết một đám cháy rừng tại đây đã bất ngờ tái bùng phát khiến trên 1.000 người phải sơ tán và thiêu rụi 1.260 ha đất rừng. Đám cháy tại Aveyron lần đầu bùng phát ngày 8/8 khi nước Pháp trải qua một mùa hè khô hạn chưa từng có trong lịch sử. Đáng chú ý, đám cháy này kéo dài gần một tuần, gần như đã được kiểm soát và hoàn toàn được dập tắt vào chiều 13/8 rồi tái bùng phát với mức độ dữ dội và nhanh chóng lan rộng diện tích hơn 500 ha.
Các chuyên gia thời tiết cho biết, trước tình trạng hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt đang diễn ra sẽ khiến nguy cơ sa mạc hóa tăng cao ở châu Âu, gây ảnh hưởng ngày càng rõ ở các quốc gia Địa Trung Hải, trước khi lan dần đến các quốc gia Bắc Âu. Hệ thống Thông tin về Cháy rừng châu Âu (EFFIS) cho biết, mặc dù mùa hè ở châu lục này chưa kết thúc, nhưng năm 2022 đã phá vỡ kỷ lục về các vụ cháy rừng với gần 660 nghìn ha rừng bị tàn phá kể từ tháng 1 năm 2022.
Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đưa ra cảnh báo thiệt hại kinh tế từ những đợt nắng nóng và hạn hán có thể lớn hơn nhiều các tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, đồng thời kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), sự xuất hiện của các hiện tượng cực đoan chưa từng có trong lịch sử sẽ gia tăng cùng với sự nóng lên toàn cầu. Thế giới đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa khí hậu không thể tránh khỏi trong hai thập kỷ tới với nhiệt độ toàn cầu có thể nóng lên hơn 1,5°C (2,7°F) so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức nhiệt độ quá nóng này sẽ dẫn đến các tác động nghiêm trọng khác, một số tác động trong số đó sẽ không thể phục hồi được. Nhiệt độ khắc nghiệt đã trở nên thường xuyên hơn và khốc liệt hơn kể từ những năm 1950 và gây ảnh hưởng đến nhiều nơi trên toàn cầu. Tỷ lệ xoáy thuận nhiệt đới cường độ mạnh (loại 4-5) dự kiến sẽ tăng lên khi Trái đất nóng lên nhiều hơn. Cùng với đó là tần suất và cường độ của các trận mưa lớn đã tăng lên kể từ những năm 1950 và điều này dự kiến sẽ tiếp tục. Diện tích đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán thường xuyên và nghiêm trọng hơn, một trong những loại hình thiên tai gây ra ít nghiêm trọng, cũng được dự báo sẽ tăng lên. Các nhà nghiên cứu về khí hậu cho rằng, thủ phạm của sự gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan được xác định là biến đổi khí hậu.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường thời gian qua đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, khiến cho hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và cuộc sống của người dân bị đảo lộn, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế… đã cho thấy hệ lụy ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học kêu gọi nhiều hành động cụ thể hơn nữa để ứng phó với các mô hình thời tiết mới ngày càng khắc nghiệt, gây ra nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội và sức khỏe của người dân, và thế giới cần phải chuẩn bị sẵn sàng hơn nữa cho những mô hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt trong tương lai./.
Gia Linh