Năm 2023, bức tranh kinh tế các nước Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận những tín hiệu tích cực giữa bối cảnh bất định của thế giới. Theo số liệu của Ban Thư ký ASEAN đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30 (AEMR 30) vào đầu tháng 3/2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN dự kiến tăng trưởng 4,7%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 3,1%. Về thương mại hàng hóa, tính đến quý III năm 2023, kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 2,6 nghìn tỷ USD. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong quý III năm 2023, dòng vốn FDI là khoảng 41,1 tỷ USD. Du lịch ASEAN cũng phục hồi đáng kể khi thu hút 101,9 triệu du khách năm 2023, tăng 136,2% so với năm 2022.
Những sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế được ASEAN thông qua trong năm 2024 có nhiều sáng kiến ưu tiên
trong lĩnh vực thương mại. Ảnh: moit.go.vn
Năm 2024, các nước thành viên ASEAN thông qua 14 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế (PED) của Lào đưa ra trong vai trò Chủ tịch năm dưới chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”. Các sáng kiến ưu tiên hợp tác trên lĩnh vực kinh tế tập trung vào ba định hướng chính: (1) Hồi phục và kết nối các nền kinh tế; (2) Kiến tạo tương lai bao trùm và bền vững; (3) Chuyển đổi hướng đến tương lai số. Các PED của năm 2024 vừa bao gồm các nội dung mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của ASEAN trong năm 2023, vừa tính đến các nội dung, vấn đề mới.
Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực trong thương mại và một số lĩnh vực khác đã được AEMR 30 thống nhất trong các ưu tiên thường niên năm 2024, cụ thể như: Thương mại hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, hải quan, thương mại dịch vụ và di chuyển thể nhân, đầu tư, tài chính, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, v.v…
Thêm vào đó, Khung tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASFF) được thông qua kỳ vọng sẽ thực hiện mục tiêu cải thiện chính sách và quy định hiện hành của các quốc gia trong khu vực ASEAN thông qua việc hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho thương mại và đầu tư; đồng thời tăng cường lợi ích hiện có từ các cam kết mở cửa thị trường từ tiến trình hội nhập dịch vụ trong khu vực. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập dịch vụ trong ASEAN và cải thiện khả năng cạnh tranh của các ngành thương mại dịch vụ, cũng như góp phần thực thi các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN, Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân.
Nhiều nội dung quan trọng đối với hợp tác kinh tế ASEAN được quan tâm thảo luận tại AEMR 30 như: Tình hình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đàm phán Hiệp định Khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA), Hiệp định khung ASEAN về Cạnh tranh, nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tình hình triển khai các sáng kiến về bền vững trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các khuyến nghị của Nhóm Cấp cao Đặc trách về Hội nhập kinh tế ASEAN liên quan đến việc thực thi Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, xây dựng kế hoạch chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn 2026-2030, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và chiến lược của ASEAN đối với những vấn đề mới nổi trong các FTA ASEAN + 1, v.v...
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam thể hiện sự ủng hộ đối với các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024; đồng thời cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Lào - nước chủ tịch ASEAN năm 2024 và các nước thành viên. Đặc biệt, Việt Nam nhấn mạnh ưu tiên cho phát triển phục hồi và kết nối các nền kinh tế; đặc biệt là việc ưu tiên dành nguồn lực cho các hoạt động đàm phán mới, đàm phán nâng cấp các hiệp định của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác.
Những kết quả đạt được và quyết tâm, nỗ lực của cộng đồng ASEAN đã, đang và sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế nói chung và thương mại - dịch vụ của các nước trong khối ASEAN trong năm 2024 và sau này./.
P.V