55 năm Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Campuchia

14/07/2022 - 03:39 PM
Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2022). Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam - Campuchia đã được thử thách, tôi luyện và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài.
 
Là hai nước láng giềng, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam và Campuchia là các quốc gia có nguồn gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời trong khu vực Đông Nam Á. Với nhiều điểm tương đồng, hai nước luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bằng quyết tâm và nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo đà phát triển về mọi mặt trong giai đoạn mới. Một số thành tựu quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2011 - 2021:

Trong quan hệ chính trị: Với việc nhấn mạnh tầm quan trọng và quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Capuchia, thời gian qua quan hệ chính trị, ngoại giao luôn giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước. Theo đó, hai bên đã duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác thông qua việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, ký kết nhiều văn kiện hợp tác làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện giữa hai nước, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm... Hằng năm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều có các cuộc gặp gỡ, trao đổi dưới nhiều hình thức và đã đạt được nhiều thỏa thuận chiến lược, vừa định hướng cho tổng thể quan hệ, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, gần đây trong hai năm 2020, 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mặc dù không thực hiện được các chuyến thăm trực tiếp, song hai nước vẫn duy trì quan hệ chính trị thông qua các kênh tiếp xúc trực tuyến như các cuộc hội đàm, thăm hỏi, chia sẻ và động viên lẫn nhau...

Trong hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Hai nước đã có bước phát triển mới, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên phối hợp giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển ở mỗi nước, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an Việt Nam với Bộ Nội vụ Campuchia và kế hoạch hợp tác an ninh giữa hai Bộ Quốc phòng hằng năm; tiếp tục duy trì và phát huy các cơ chế hợp tác quốc phòng; xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển bền vững; phối hợp trao đổi nhiều đoàn các cấp, các quân khu, tổng cục, bộ tư lệnh, bộ đội biên phòng, quân chủng hải quân, bộ tư lệnh cảnh sát biển, nhằm thúc đẩy triển khai kế hoạch hợp tác hằng năm...

 
55 năm: Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Campuchia

Sáng 20/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen đã cắt băng khánh thành
Nhà Hữu nghị Campuchia-Việt Nam. Ảnh: VGP 

 
Trong bối cảnh mới, trên lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam và Campuchia đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Lãnh đạo hai nước bày tỏ nguyện vọng và quyết tâm tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa học - kỹ thuật: Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam - Campuchia những năm gần đây tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ chế hợp tác song phương và đa phương được coi trọng và thúc đẩy hiệu quả như: Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại vào Campuchia; Hội chợ thương mại Việt Nam - Campuchia; Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, đoàn thể địa phương hai nước... Đặc biệt là các cơ chế hợp tác như Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS). Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là cơ chế hợp tác quan trọng duy trì sự ổn định về an ninh chính trị, an toàn xã hội tại biên giới ba nước. Thông qua các cơ chế phối hợp, nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đã được triển khai và đạt được những kết quả quan trọng. Hai bên chủ động, tích cực triển khai các hiệp định giữa hai Chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác.

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, Chính phủ hai nước thỏa thuận việc xây dựng và thực hiện cơ chế mở cửa thông thoáng cho các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch liên quốc gia, hợp tác lao động, thủ tục hải quan, xuất, nhập cảnh và các quy chế về thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường của nhau. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế và chính sách ưu đãi các doanh nghiệp về đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, tổ chức các diễn đàn, tham gia hội chợ, xúc tiến thị trường tại Campuchia và Việt Nam; đa dạng hóa các hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia và ngược lại.

Về hợp tác đầu tư, Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký 2,88 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia, chủ yếu là các lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng vốn đăng ký), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và viễn thông; các dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực hàng không, khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản và các dịch vụ khác. Sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ hai nước là cơ sở quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước có bước phát triển mạnh. Nhiều sự kiện quan trọng như: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia, Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia được tổ chức đã thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Nhờ đó, hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia có sự chuyển biến mạnh mẽ trong những năm gần đây với vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn.

Về thương mại, Việt Nam và Campuchia đều là thành viên của ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đây là một thuận lợi lớn thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại của hai nước. Hai bên quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất xứ từ mỗi nước; coi trọng hợp tác thương mại biên giới; hỗ trợ giúp đỡ địa phương giáp biên giới hai nước đẩy mạnh các hoạt động giao lưu thương mại. Theo đó, thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019 - 2020 đã cam kết những ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng có xuất xứ từ hai nước. Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia. Đây là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng dành ưu đãi đặc biệt thuế suất nhập khẩu 0% cho 32 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản.

Hoạt động hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Campuchia được xúc tiến tích cực thông qua nhiều hoạt động của diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm hàng không Việt Nam tại Campuchia, mở khu kinh tế cửa khẩu; xây dựng hành lang pháp lý, kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại ngày càng gia tăng giữa hai bên. Hai năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước có sự tăng trưởng đột phá: Tổng kim ngạch hai chiều năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD, năm 2021, đạt 9,53 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2020. Trong quý I/2022 đạt gần 3,4 tỷ USD, dự kiến trong năm 2022 có thể đạt trên 10 tỷ USD.

Trong hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Đây là lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm, coi là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược, nhằm hình thành đội ngũ cán bộ hiểu biết lẫn nhau giữa các ngành, các lĩnh vực của hai nước, góp phần tích cực củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, lâu dài giữa nhân dân hai nước. Hằng năm, Việt Nam dành cho Campuchia hàng trăm suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Campuchia cũng dành cho phía Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khơ-me trong vòng hai năm. Hiện có khoảng 200 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Campuchia. Ngoài ra, hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề thông qua việc tổ chức các hoạt động phát triển nguồn nhân lực nhằm bổ sung nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, các ủy ban của Quốc hội, đoàn thể và tổ chức nhân dân hai nước tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn. Hai bên trao đổi các đoàn, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới, tiếp tục mở rộng xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của hai nước Việt Nam - Campuchia, hai bên xác định tiếp tục duy trì và phát huy quan hệ tốt đẹp về chính trị để định hướng tổng thể quan hệ giữa hai nước. Theo đó, hai bên cần quan tâm gìn giữ và không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của quan hệ Việt Nam - Campuchia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới. Củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Campuchia cũng sẽ đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của mỗi nước và trở thành nguồn lực và nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của quan hệ hai nước. Hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - kỹ thuật. Trong năm 2022, hai nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau; đồng thời, tiếp tục coi trọng, thúc đẩy và tăng cường quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và y tế.

Việt Nam và Campuchia sẽ cùng phát huy tốt quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức nhân dân hai nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa.

Với những định hướng và khuôn khổ quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, trên tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, trong những năm tới, quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục sẽ phát triển lên tầm cao mới, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì cuộc sống ấm no của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top