Mỹ kỳ vọng nâng tầm vị thế

05/06/2023 - 10:23 AM

Kế hoạch tham vọng

Đạo luật CHIPS và Khoa học đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật từ tháng 8/2022 với quy mô lên tới 280 tỷ USD. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Mỹ nhằm đưa nước này quay lại thời hoàng kim, trở thành nước dẫn đầu không chỉ về các phát minh và sở hữu bản quyền công nghệ, mà còn là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu trong thập niên tới.

Đạo luật này được đưa ra sau khi tình trạng thiếu chất bán dẫn làm ảnh hưởng đến sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng và các sản phẩm khác trong đại dịch Covid-19 và mối lo ngại về sự tập trung sản xuất chip tiên tiến ở Đông Á ngày càng tăng.

Tháng 2/2023, Mỹ bắt đầu triển khai Đạo luật CHIPS và Khoa học để thúc đẩy sản xuất chip. Bộ Thương mại Mỹ đã lên kế hoạch trợ cấp sản phẩm chip và cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách thức các công ty đăng ký tài trợ. Đạo luật trên bao gồm khoản đầu tư giá trị khoảng 39 tỷ USD để khuyến khích các nhà máy sản xuất chip và các nhà máy sản xuất vật liệu và thiết bị, cùng với khoản 13.2 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo lực lượng lao động của ngành. Đạo luật còn kèm theo các ưu đãi về thuế, cung cấp khoản tín dụng thế đầu tư nâng cao 25% cho thiết bị sản xuất và chế biến. Theo Hiệp hội công nghiệp chất bán dẫn của Mỹ, hơn 40 dự án đã được công bố với cam kết đầu tư gần 200 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất mới. Các nhà sản xuất công nghệ hàng đầu của Mỹ như Intel, Micron Technology và Texas Instruments… đều đã công bố kế hoạch mở rộng sản xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ Gina Raimondo, Đạo luật CHIPS và tầm nhìn dài hạn cho vai trò lãnh đạo công nghệ của Mỹ đã khẳng định, Mỹ sẽ đặt mục tiêu tạo ra ít nhất hai cụm sản xuất chất bán dẫn hàng đầu vào năm 2023 để hoàn tất giai đoạn đầu trong kế hoạch nhằm đưa hoạt động sản xuất chip trở lại nước Mỹ.

Bộ trưởng Raimondo cũng nhấn mạnh, việc xây dựng sẽ giúp tạo ra hệ sinh thái gồm các nhà máy chế tạo, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở đóng gói phục vụ lắp ráp chip và các nhà cung cấp giúp đáp ứng yêu cầu hỗ trợ đối với từng giai đoạn. Sau khi hoàn thành triển khai sáng kiến tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Biden là nhằm biến Mỹ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới tập trung các công ty có khả năng sản xuất các dòng chip tiên tiến, các cơ sở sản xuất có quy mô lớn và trung tâm R&D.
 
Có thế thấy, chính quyền Mỹ muốn tận dụng tối đa những lợi ích gói hỗ trợ cho ngành bán dẫn mang lại. Họ vừa muốn thu hút đầu tư vào Mỹ, vừa muốn quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất bán dẫn trên đất Mỹ. Để hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này, chính quyền Mỹ đang tích cực thúc đẩy đầu tư tư nhân, tăng cường hợp tác với các đối tác, đồng minh, tập trung xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao; cắt giảm thời gian và chi phí xây dựng nhà máy, cũng như thực thi các hàng rào bảo vệ. Điều này đều hướng tới mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ tận dụng triệt để vị thế của cường quốc kinh tế mạnh nhất cũng như thị trường lớn nhất thế giới để thu hút dòng vốn đầu tư vào ngành sản xuất chip, trong khi làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh. Việc thâm nhập thị trường Mỹ là điều bắt buộc cho các công ty công nghệ nước ngoài để tiếp tục đứng vững trong ngành sản xuất bán dẫn, nhưng cùng với đó sẽ là những đánh đổi và lựa chọn khó khăn.

Những lo ngại về Đạo luật CHIPS và khoa học

Các nhà giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà lập pháp và những người trong ngành cho rằng, chỉ riêng Đạo luật CHIPS và khoa học sẽ không đủ để giải quyết các thách thức mà Mỹ phải đối mặt để củng cố ngành công nghiệp này trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Đạo luật trên còn gây lo ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hàn Quốc và Mỹ đã hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn, tuy nhiên, Hàn Quốc cho biết, hiện có nhiều lo ngại liên quan đến việc Đạo luật CHIPS và khoa học đòi hỏi quá nhiều thông tin để đổi lấy trợ cấp.

Theo Đạo luật CHIPS và khoa học, để nhận được trợ cấp, các nhà sản xuất bị cấm thực hiện các khoản đầu tư mới để sản xuất chip ở Trung Quốc trong 10 năm; đồng thời phải cung cấp thông tin về nhà máy, kế hoạch tài chính, tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển cũng như chia sẻ lợi nhuận với chính phủ Mỹ nếu lợi nhuận vượt mức dự kiến. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, bán dẫn là ngành có tính biến động cao. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến việc đòi hỏi quá nhiều thông tin hoặc các hạn chế liên quan đến hoạt động ở Trung Quốc có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Nhà Trắng cho rằng, việc giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các vi mạch do nước ngoài sản xuất là rất quan trọng giữa bối cảnh thị phần của Mỹ trên thị trường chip toàn cầu đã giảm từ 37% năm 1990 xuống 12% hiện nay. Trong khi đó, những năm tới, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục sẽ cung cấp các khoản trợ cấp và giảm thuế cho ngành trị giá hàng trăm tỷ USD này.

Chính quyền Mỹ cho rằng, Đạo luật CHIPS và khoa học không nhằm mục đích giúp nước Mỹ tự cung tự cấp tất cả chip. Nước Mỹ không hề tìm cách tự đóng cửa mình khỏi thị trường toàn cầu hoặc sự cạnh tranh mà đang tìm cách giành chiến thắng trong cuộc đua đổi mới, cũng như bảo vệ an ninh quốc gia và tương lại kinh tế của nước mình.

Đạo luật CHIPS và khoa học được cho là phép thử đối với Mỹ về việc theo đuổi chính sách công nghiệp và xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước để có đủ khả năng chống đỡ các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính chương trình có thể hỗ trợ tăng thị phần của Mỹ trong sản xuất chip toàn cầu. Chính quyền Biden kỳ vọng, Đạo luật CHIPS và khoa học sẽ giúp nước Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế, đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip hàng đầu thế giới và là bước đột phá đưa Mỹ nâng tầm vị thế./.

Tiến Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top