Thiếu hụt tiêm chủng thế giới đối mặt với báo động đỏ về sức khỏe trẻ em

29/08/2023 - 03:23 PM
Thế giới đang đối mặt với tình trạng báo động đỏ về sức khỏe trẻ em, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, khiến có thêm hàng triệu trẻ em không được bảo vệ chống lại một số bệnh nghiêm trọng. Chưa kể đến hàng triệu trẻ em từ những cộng đồng bị thiệt thòi nhất trên thế giới từ lâu đã không được tiêm chủng những loại vắc-xin cơ bản nhất. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về một chiến dịch tiêm chủng bổ sung và khôi phục tiêm chủng với quy mô toàn cầu, nhất là với những trẻ em bị bỏ lại phía sau.
Theo cáo cáo “Tình hình trẻ em năm 2023” của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), vắc-xin đã cứu sống khoảng 4,4 triệu người mỗi năm. Trước khi có vắc-xin vào năm 1963, ước tính bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2,6 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, chủ yếu là trẻ em. Đến năm 2021, con số đó đã giảm xuống còn 128 nghìn trẻ em; tuy vẫn còn trẻ nhỏ chịu thiệt mạng vì căn bệnh này nhưng đó đã là một bước cải thiện đáng kể và cho thấy tác dụng lớn của việc tiêm chủng phòng ngừa bệnh. Một số lợi ích đối với trẻ em, gia đình và cộng đồng khi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ có thể thấy rõ là: Tiêm chủng bảo vệ trẻ em khỏi bệnh tật, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng nghỉ học, nhờ vậy cải thiện kết quả học tập của trẻ em. Khi trẻ em được bảo vệ khỏi bệnh tật, cha mẹ và người chăm sóc trẻ (chủ yếu là các bà mẹ) không cần phải nghỉ làm để chăm sóc con cái bị bệnh, nhờ đó không ảnh hưởng đến năng suất lao động. Đặc biệt, các gia đình cũng ít có nguy cơ phải chịu các nỗi đau tinh thần trước di chứng, mất mát và đôi khi là các chi phí cao khi điều trị và chăm sóc một trẻ bị bệnh. Thêm vào đó, việc tiêm phòng cho trẻ em góp phần hỗ trợ sức khỏe của cộng đồng nói chung bằng cách tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng và giúp hạn chế sự lây lan của tình trạng kháng kháng sinh. Ngoài ra, vắc-xin được cho là có khả năng mang lại lợi tức đầu tư rất lớn khi mà mỗi 1 USD chi cho tiêm chủng có thể mang lại 26 USD lợi tức đầu tư.

Mặc dù công dụng của việc tiêm chủng đã được chứng minh trong nhiều thập kỷ, đã cứu sống đươc nhiều mạng người, nhưng vẫn còn quá nhiều trẻ em trên thế giới chưa được tiêm chủng. UNICEF cho biết, hiện nay, cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ không được tiêm và tiêm vắc-xin không đầy đủ khiến các em có thể dễ dàng mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Cứ 5 trẻ em thì lại có 1 trẻ không được tiêm phòng ngừa bệnh sởi, căn bệnh được thế giới gọi với cái tên “sát thủ trẻ em” do khả năng gây di chứng và tử vong cao. Khoảng 7 trong số 8 trẻ em gái đủ điều kiện không được tiêm vắc-xin ngừa vi-rút gây u nhú ở người (HPV), loại vi-rút có thể gây ung thư cổ tử cung.
 
Biểu 1: Trẻ em không tiêm chủng trên toàn cầu giai đoạn 2000-2021
Thiếu hụt tiêm chủng thế giới đối mặt với báo động đỏ về sức khỏe trẻ em
 
Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, "Ước tính tỷ lệ tiêm chủng Quốc gia (WUENIC), sửa đổi năm 2021", tháng 7, năm 2022.
  
Đa số trẻ em không được tiêm chủng thường sống trong các cộng đồng nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất, ở những nơi không có hoặc có ít dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Điều này đã thể hiện cả sự bất bình đẳng, đói nghèo, cộng đồng không được quan tâm đúng mức và phụ nữ không được trao quyền. Cụ thể ở những hộ gia đình nghèo nhất, có nhiều hơn 1 trong 5 trẻ không được tiêm vắc-xin, trong khi ở những hộ gia đình giàu nhất, tỷ lệ này chỉ là 1 trong 20 trẻ. Tại một số vùng nghèo đói nhất thế giới, khoảng cách này còn lớn hơn nhiều, như: Ở Tây và Trung Phi, gần 1 trong số 2 trẻ em ở các hộ gia đình nghèo nhất không được tiêm vắc-xin, con số này ở những hộ gia đình giàu có nhất là khoảng 1 trên 16 trẻ em. Trong số 20 quốc gia trên thế giới có số trẻ em chưa từng được tiêm chủng cao nhất, có đến 10 nước nằm ở châu Phi, trong đó, Nigeria và Ethiopia là hai quốc gia có số lượng trẻ em “không vaccine” cao nhất châu lục, với lần lượt hơn 2,2 triệu và 1,1 triệu trẻ. Các nghiên cứu cũng cho thấy, trình độ tri thức của người mẹ cũng có ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ tiêm chủng của trẻ em. Cụ thể: Những bà mẹ không đi học thì tỷ lệ trẻ không được tiêm phòng là 23,5%; trong khi ở những bà mẹ hoàn thành bậc tiểu học là 13,1%; còn ở những bà mẹ hoàn thành tối thiểu bậc trung học, tỷ lệ trẻ không được tiêm chủng là 6,9%.

Một điều đáng buồn là bất chấp những nỗ lực làm giảm tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng trong hàng thập kỷ qua của các quốc gia trên thế giới, tỷ lệ này đã gia tăng rất nhanh trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát, đã đẩy lùi những thành tựu mà thế giới phải vất vả mới đạt được trong hơn một thập kỷ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em. Theo ước tính của UNICEF, có đến 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã bỏ lỡ hoàn toàn hoặc một phần việc tiêm chủng định kỳ từ năm 2019 đến năm 2021, trong đó có 48 triệu trẻ đã bỏ lỡ hoàn toàn việc tiêm chủng.

 
Biểu 2: Số trẻ em bỏ lỡ tiêm chủng tăng lên trong đại dịch Covid-19
Thiếu hụt tiêm chủng thế giới đối mặt với báo động đỏ về sức khỏe trẻ em 1
 
Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, “Ước tính Tỷ lệ Tiêm chủng Quốc gia (WUENIC), sửa đổi năm 2021”, tháng 7 năm 2022

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra những yêu cầu mới rất lớn đối với các hệ thống y tế trên toàn cầu, mà các hệ thống này thường không được trang bị đầy đủ để ứng phó. Đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhân viên y tế vốn có; gây căng thẳng cho các nhân viên y tế tuyến đầu, chủ yếu là phụ nữ, những người đồng thời phải chăm sóc gia đình nhiều hơn; đồng thời, nỗi sợ lây nhiễm vi-rút từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã khiến các gia đình trì hoãn việc tiêm phòng cho con trẻ. Ngoài những ảnh hưởng trên, bóng đen đại dịch đã bao trùm các nền kinh tế, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, khiến nhiều quốc gia cũng như cá nhân khó khăn hơn khi đưa ra các lựa chọn về chi tiêu và đầu tư, trong đó có nguồn chi tiêu cho tiêm chủng. Ngoài ra, một thách thức khác cũng cận kề đó là niềm tin vào vắc-xin đang suy yếu ở nhiều quốc gia. Mặc dù niềm tin vào vắc-xin không phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định nhu cầu vắc-xin ở hầu hết các cộng đồng, nhưng không thể phủ nhận rằng tâm lý quan ngại vắc-xin đang có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Tất cả những điều trên đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ trẻ em không được tiếp cận tiêm chủng trên toàn thế giới.

Điểm sáng trong bức tranh khủng hoảng tiêm chủng toàn cầu giai đoạn 2019-2021 đó là nhiều quốc gia trên thế giới vẫn không ngừng nỗ lực bảo vệ sức khỏe ban đầu cho trẻ em thông qua tiêm chủng. Điển hình là hoạt động tiêm chủng thiết yếu tại Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, Uganda cũng duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong thời kỳ đại dịch. Tại Kenya, nỗ lực phối hợp giữa các nhân viên y tế cộng đồng và lãnh đạo địa phương đã cải thiện mức độ tiêm chủng đối với cộng đồng du mục ở phía Bắc.

Vì một tương lai sức khỏe cho trẻ em, các quốc gia cần mạnh mẽ lồng ghép tiêm chủng trẻ em vào chương trình tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng cho mọi trẻ em một cách bền vững. Cung cấp các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết cho lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu với các biện pháp ứng phó bao gồm: Cung cấp việc làm toàn thời gian với mức lương tốt, chi trả thường xuyên và điều kiện làm việc tốt; tạo cơ hội đào tạo và phát triển sự nghiệp, bao gồm quản lý tổng hợp bệnh tật ở trẻ em; công nhận và chính thức hóa vai trò của nhân viên y tế cộng đồng. Bên cạnh đó, các quốc gia cần tích hợp các dịch vụ, trong đó có tiêm chủng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe gia đình; thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng; đồng thời dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho công tác tiêm chủng. Song song với đó, cần xây dựng niềm tin và nhu cầu về vắc xin trong cộng đồng, đồng thời giải quyết những trở ngại trong khôi phục tỷ lệ tiêm chủng.

Thông qua lời kêu gọi“The Big Catch-up”, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng UNICEF, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Bill & Melinda Gates, cùng nhiều đối tác y tế toàn cầu và quốc gia chung tay phối hợp trong nỗ lực đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em nhằm mục tiêu đảo ngược tình trạng sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng trẻ em được ghi nhận ở hơn 100 quốc gia kể từ khi Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Mọi nỗ lực đều cần sự chung tay của toàn cộng đồng để đảm bảo trẻ em ở mọi nơi đều được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng tránh được bằng vắc-xin./.

 
Lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện về bệnh tật và dịch bệnh. Nhưng câu chuyện về vắc-xin đã làm thay đổi hoàn toàn tiến trình tồn tại và phát triển của loài người. Vào cuối những năm 1980, khoảng 7/10 trẻ em trên thế giới được bảo vệ bằng vắc-xin và con số này liên tục tăng lên trong những thập kỷ tiếp theo, dù với tốc độ chậm hơn. Tuy đã có nhiều thập kỷ tiến bộ trong hoạt động tiêm chủng trẻ em, song những nỗ lực chung của thế giới vẫn chưa đạt được kết quả là mục tiêu tiêm chủng cho mọi trẻ em. Dù đã có những loại vắcxin mới giúp tăng khả năng phòng bệnh, nhưng chưa có vắc-xin nào tiếp cận được hơn 90% trẻ em (theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc).

Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top