Ứng phó với già hóa dân số - Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

17/04/2024 - 08:29 AM
Hàn Quốc đang có những thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số do tỷ lệ sinh thấp kéo dài, ngày càng già hóa do tuổi thọ tăng và chuyển sang thời kỳ dân số giảm. Tình trạng này đe dọa đến những thành tựu tăng trưởng kinh tế mà Hàn Quốc đã đạt được trong nhiều năm qua, buộc Chính phủ nước này phải có giải pháp kịp thời nhằm ứng phó. Các giải pháp Hàn Quốc đặt ra cũng chính là bài học kinh nghiệm đối với các quốc gia đã, đang và chuẩn bị đối mặt với già hóa dân số.

Thực trạng già hóa dân số tại Hàn Quốc

Hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng cơ cấu dân số trong xã hội Hàn Quốc được thể hiện qua sự chuyển đổi sang thời kỳ tỷ lệ sinh thấp kéo dài, tuổi thọ tăng khiến tốc độ chuyển sang dân số già và suy giảm dân số diễn ra nhanh. Theo cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSTAT), đất nước này vẫn chưa phục hồi suy giảm dân số khi tỷ suất sinh (số con sinh ra tình bình quân trên một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ) giảm từ 6,0 năm 1960 xuống còn 2,06 năm 1983 (tổng tỷ suất sinh dưới mức trung bình 2,1). Kể từ năm 2001, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc duy trì ở mức cực thấp, chỉ giao động ở mức trên dưới 1,3.

Trong khi đó, nhờ kinh tế phát triển, đời sống được cải thiện, tuổi thọ của người dân Hàn Quốc đã tăng thêm khá cao. Cụ thể, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 61,9 (58,7 tuổi đối với nam và 65,6 tuổi đối với nữ) năm 1970 lên 81,5 tuổi (78,0 tuổi đối với nam và 84,8 tuổi đối với nữ) năm 2014 và dự kiến tăng lên 88,6 tuổi vào năm 2060. Qua đó có thể thấy, nữ giới Hàn Quốc có tuổi thọ trung bình cao hơn rất nhiều so với nam giới của đất nước này.

Có thể nói, quá trình chuyển đổi chính thức sang kỷ nguyên tiếp theo của già hóa dân số và suy giảm dân số tại Hàn Quốc đã bắt đầu. Theo KOSTAT, già hóa dân số tại Hàn Quốc tăng nhanh kể từ năm 2020. Cụ thể, số người cao tuổi được dự đoán sẽ tăng gấp đôi từ 6,62 triệu người năm 2015 lên 12,69 triệu người vào năm 2030 và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lên khoảng 18 triệu người vào năm 2050 nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời. Với con số vừa nêu, tỷ trọng người cao tuổi dự kiến sẽ tăng từ 13,1% năm 2015 lên 24,3% năm 2030 và 37,4% vào năm 2050; trong đó, tỷ trọng người cao tuổi (trên 85 tuổi) dự kiến sẽ tăng từ 8,3% năm 2015 lên 20,6% vào năm 2050, từ đó góp phần gia tăng già hóa dân số.

 
Bảng 1: Thay đổi về quy mô và cấu trúc của dân số cao tuổi tại Hàn Quốc
Ứng phó với già hóa dân số - Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Nguồn: Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc

Những thay đổi trong cơ cấu nhân khẩu học của Hàn Quốc như nhóm dân số cao tuổi tăng nhanh, nhóm dân số trong độ tuổi sinh đẻ giảm đang là vấn đề đáng quan tâm tại đây. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với quốc gia này đó là, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác. Theo đó, Hàn Quốc bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2000 với hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên và dự kiến sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2026 với 20% dân số từ 65 tuổi trở lên. Như vậy, quốc gia này sẽ trở thành xã hội siêu già chỉ 26 năm sau khi dân số già hóa, nhanh hơn rất nhiều so với Nhật Bản (36 năm), Ý (79 năm), Hoa Kỳ (94 năm) và Pháp (154 năm).

Các chuyên gia cho biết, với sự thay đổi cơ cấu dân số này, tổng dân số Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng từ 50,62 triệu người năm 2015 lên đỉnh điểm 52,16 triệu người vào năm 2030 và giảm xuống còn 48,12 triệu người vào năm 2050.

Ứng phó già hóa dân số bằng các chính sách trọng điểm

Giống như tại bất cứ quốc gia nào, sự thay đổi nhân khẩu học theo hướng già hóa dân số sẽ mở ra những cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với kinh tế - xã hội. Đáng nói là, già hóa dân số gây nhiều ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế trong dài hạn, làm giảm lực lượng và năng suất lao động, đòi hỏi đầu tư, chi tiêu xã hội nhiều hơn cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng và những vấn đề về xã hội cho người cao tuổi trong khi vẫn phải duy trì động lực tăng trưởng kinh tế.

Để giải quyết bài toán già hóa dân số, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai các chính sách giải quyết theo ba hướng chính, đó là: Thích ứng với tỷ lệ sinh thấp và dân số già; sử dụng chính sách tăng trưởng kinh tế dài hạn và thực hiện chính sách phúc lợi theo ngành.

Thứ nhất, Chính phủ Hàn Quốc chủ động coi xã hội người cao tuổi là một vấn để tích cực đối với vấn đề dân số và nỗ lực xây dựng nền tảng để ứng phó với tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số thông qua 04 Kế hoạch cơ bản. Kế hoạch cơ bản đầu tiên được triển khai từ giai đoạn 2006-2010 nhằm thúc đẩy sinh con và hỗ trợ mức sống cho người cao tuổi. Kế hoạch cơ bản thứ hai thực hiện từ 2011-2015 với các mục tiêu tương tự Kế hoạch cơ bản thứ nhất. Tuy nhiên các biện pháp trong Kế hoạch cơ bản thứ nhất và thứ hai nhằm nâng tỷ lệ sinh để ứng phó với già hóa dân số lại được thực hiện với các chính sách riêng lẻ không rõ ràng, thậm chí có những phản ứng thụ động đối với việc giải quyết tình trạng già hóa dân số và không đem lại hiệu quả cao.

Trong khi đó, Kế hoạch cơ bản thứ ba thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 dựa trên quan điểm cho rằng khuôn khổ chính sách có cách tiếp cận chưa phù hợp để khắc phục cuộc khủng hoảng dân số của nước này. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã tiếp tục triển khai kế hoạch thứ tư, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch cơ bản thứ tư mở rộng phạm vi chính sách, hướng đến nhóm tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa, chuyển từ khuyến khích sinh con sang cải thiện chất lượng vòng đời của cuộc sống.

 
Ứng phó với già hóa dân số - Kinh nghiệm từ Hàn Quốc 1
Nhiều người cao tuổi tại Hàn Quốc tham gia vào lực lượng lao động

Hàn Quốc đã chuyển định hướng nâng cao tỷ lệ sinh từ giảm gánh nặng chăm sóc con cái cho các hộ gia đình sang các biện pháp giải quyết việc làm và nhà ở để tăng tỷ lệ kết hôn. Ngoài ra, cũng có giải pháp về việc làm, tạo và tăng thu nhập dành cho người cao tuổi để giải quyết các vấn đề về y tế, phúc lợi, chăm sóc sức khỏe… Chính phủ đã công bố kế hoạch tăng tổng tỷ suất sinh từ 1,05 con/phụ nữ năm 2017 lên 1,25 con/phụ nữ năm 2037, bằng cách tập trung vào các giải pháp việc làm và nhà ở cho thành niên. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các trường hợp như vô sinh, mở rộng việc chăm sóc theo yêu cầu, cải cách giáo dục và giải quyết sự tương thích giữa công việc và gia đình.

Thứ hai, Hàn Quốc thúc đẩy chính sách tăng trưởng kinh tế dài hạn, khắc phục tình trạng tăng trưởng thấp, tập trung vào thực hiện các biện pháp nhằm tác động đến các yếu tố quyết định tăng năng suất lao động. Do vai trò của lao động cũng có những hạn chế nhất định khi dựa vào đầu vào định lượng nên cần phải tập trung vào các khía cạnh thông qua cải thiện nguồn vốn con người. Nhất là khi tác động lớn nhất của già hóa dân số chính là làm giảm nguồn cung lao động do dân số trong bộ tuổi sinh đẻ giảm. Đặc biệt, Hàn Quốc chú trọng tăng cường tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ, thanh niên và người già thông qua các chính sách mới hoặc cải thiện hệ thống sẵn có.

Thứ ba, Hàn Quốc triển khai các chính sách phúc lợi cho một xã hội già hóa dân số giúp đảm bảo thu nhập hưu trí, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn lực là phụ nữ, người trung niên và người nước ngoài. Tăng cường chương trình hưu trí nhà nước là ưu tiên chính sách hàng đầu nhằm cải thiện hệ thống đảm bảo thu nhập công - tư cho chế độ hưu trí ổn định. Định hướng chính sách liên quan đến việc mở rộng các điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi như: Sức khỏe, giải trí, tham gia xã hội và an toàn. Bên cạnh đó, Hàn Quốc thực hiện đa dạng hóa mô hình làm việc thông qua lựa chọn khung giờ, phân bổ công việc linh hoạt, tăng cường hỗ trợ cho phụ nữ bị gián đoạn công việc và tăng cường bình đẳng giới tại nơi làm việc để tận dụng tối đa nguồn lao động.

Nhìn chung, các chính sách ứng phó với già hóa dân số của Hàn Quốc đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ nước này trước thực trạng biến đổi cơ cấu dân số, mặc dù các biện pháp vẫn gặp phải một số khó khăn và chưa thực sự đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, những thành tựu và hạn chế trong các chính sách của Hàn Quốc là cần thiết để các quốc gia tham khảo rút kinh nghiệm, xây dựng các chính phù hợp để quản lý già hóa dân số và đảm bảo an sinh xã hội./.
Minh Huyền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top