Năm 2021, mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN đều vẫn phải chống chọi với các làn sóng dịch bệnh Covid-19 và chịu tác động từ những yếu tố như chuỗi giá trị toàn cầu tắc nghẽn làm tăng giá nguyên liệu sản xuất, giá năng lượng tăng chóng mặt... Nhưng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và từng bước mở cửa, các nền kinh tế đã thoát khỏi đà suy giảm và có sự phục hồi ấn tượng, tạo lực đẩy để các quốc gia tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
Nhìn lại kinh tế ASEAN 2021
Năm 2021, Singapore là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng ngoạn mục nhất trong khu vực. Dữ liệu công bố ngày 17/2 năm nay của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho thấy, mặc dù vẫn phải hứng chịu những tác động từ dịch bệnh Covid-19 song nền kinh tế quốc đảo sư tử tăng trưởng tới 7,6% trong năm 2021, cao hơn con số ước tính được đưa ra đầu năm là 7,2%. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất của Singapore kể từ năm 2010, đảo ngược cơn sốc sụt giảm 5,4% trong năm 2020, mức tồi tệ nhất khi quốc gia này rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1965 do ảnh hưởng của Covid-19. Kết quả này có được là do sự tăng tốc phục hồi của Singapore trong 3 tháng cuối năm. GDP quý 4/2021 của Singapore tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn con số ước tính trước đó là 5,9%. Trong năm vừa qua, những trụ cột và động lực tăng trưởng của nền kinh tế là ngành sản xuất và xây dựng vẫn tiếp tục làm điểm tựa để nền kinh tế Singapore phục hồi. Những yếu tố tạo điều kiện cho nền kinh tế Singapore tăng tốc những tháng cuối năm là nhờ việc Singapore sớm chuyển sang chiến lược sống chung với dịch Covid-19 và tốc độ tiêm chủng nhanh chóng cho phép nước này sớm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và tái mở cửa nền kinh tế. Có thể nói Singapore đã có “cú” lội ngược dòng ngoạn mục và vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch.
Một thành viên khác của khu vực ASEAN có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 là Philippines. Trong năm vừa qua, nền kinh tế nước này đã đổi chiều đà suy giảm 9,6% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, vượt qua mục tiêu mà Chính phủ nước này đặt ra tăng trưởng từ 5% đến 5,5%. Tính riêng quý 4/2021, GDP Philippines tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ nhờ số ca Covid-19 tại quốc gia này giảm mạnh, đã khuyến khích hầu hết các doanh nghiệp mở cửa kinh doanh trở lại, làm việc hết công suất.
Indonesia cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong năm vừa qua. Theo số liệu công bố của Chính phủ Indonesia, sau lần suy giảm đầu tiên trong 2 thập kỷ của năm 2020 với mức tăng trưởng âm 2,07%, nền kinh tế Indonesia đã dần phục hồi trong năm 2021 và có mức tăng trưởng GDP là 3,69% so với năm trước, dù cho nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Kết quả đạt được là nhờ sự tăng trưởng kinh tế trong quý cuối của năm, đạt 5,02%, sau khi nước này nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và đạt được giá trị xuất khẩu cao kỷ lục do giá hàng hóa tăng. Tuy vậy, con số 3,69% vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trước đại dịch là 5% mỗi năm.
Sau 2 năm chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 khiến hàng nghìn người mất việc làm, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa sản xuất kinh doanh, năm 2021, Malaysia cũng đã lấy lại được đà phục hồi, các doanh nghiệp đang dần trở lại trạng thái bình thường. Theo Cục thống kê Malaysia, năm 2021, GDP quốc gia này tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ. Doanh thu thương mại bán buôn và bán lẻ tăng trở lại, đạt mức cao nhất vào tháng 10/2021 với mức tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, chạm mốc 116,4 tỷ RM (27,76 tỷ USD). Từ tháng 6/2021, doanh số bán xe có động cơ tăng trở lại ở mức 10,2%, đạt 14,2 tỷ RM (3,39 tỷ USD) sau khoảng thời gian giảm ở mức hai con số. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử và điện, dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại, hóa chất và các sản phẩm liên quan đến hóa chất, dầu cọ và các hàng hóa liên quan cũng tăng ấn tượng.
Trong năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng dương và cao nhất thế giới với 2,91%. Đây là điểm tựa để nền kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong năm 2021 cho dù làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,58% trong năm 2021 so với năm 2020. Nền kinh tế Việt Nam được khắc họa với nhiều điểm sáng như giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 4,82% so với năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%. Đạt được Kết quả trên là nhờ những quyết sách kịp thời để phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, giúp Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Thái Lan đã giảm 6,2% trong năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoàng kinh tế châu Á năm 1997. Bước sang năm 2021, nhờ xuất khẩu tăng mạnh, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng cho phép du lịch hoạt động trở lại, tiêu thụ cá nhân được cải thiện, tăng đầu tư và phục hồi trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, sản xuất, thương mại. Kết thúc năm 2021, kinh tế Thái Lan đã đảo chiều, lấy lại đà tăng trưởng, đạt mức 1,6%, cao hơn so với mức dự báo 1,2% mà Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) đưa ra giữa tháng 11/2021. Trong năm 2021, tiêu dùng cá nhân của Thái Lan tăng 0,3% so với năm trước, sản xuất tăng trưởng 4,9% nhờ nhu cầu xuất khẩu lớn. Các ngành thông tin và truyền thông, tài chính và bảo hiểm của Thái Lan tăng trưởng 5,7%. Mức giải ngân vốn đầu tư nhà nước trong quý 4 cũng cao hơn so với mức dự kiến. Kết quả trên đã chứng tỏ sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, phản ánh khả năng xử lý đại dịch Covid-19 của Chính phủ Thái Lan, trong đó có việc triển khai vay tiền theo sắc lệnh vay mượn khẩn cấp đã tạo lợi ích tối đa cho tất cả mọi lĩnh vực. Thế nhưng điều này vẫn chưa đủ để đưa GDP nước này phục hồi bằng mức năm 2019 và mức tăng trưởng của Thái Lan vẫn chậm hơn so với các nền kinh tế trong khu vực do phụ thuộc lớn vào du lịch...
Với sự bùng phát các làn sóng Covid-19, buộc chính phủ các nước Lào và Campuchia phải áp đặt một loạt các biện pháp như phong tỏa, làm gián đoạn hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ trong nước, bao gồm khách sạn, nhà hàng và giao thông vận tải nên Lào và Campuchia không có được đà phục hồi tăng trưởng như 6 nền kinh tế lớn của khu vực. Thậm chí, trái ngược với đà tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực, nền kinh tế của Myanmar lại rơi vào vực sâu do những bất ổn về chính trị khiến hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ, hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ.
Những tín hiệu lạc quan năm 2022
Bước sang năm 2022, có nhiều yếu tố khiến nền kinh tế Singapore phải “e ngại” như sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu dự kiến sẽ kéo dài trong suốt nửa những tháng đầu năm, sự gián đoạn nguồn cung và giá năng lượng tăng cao do căng thẳng địa chính trị, cuộc chiến Covid-19 vẫn chưa kết thúc với việc xuất hiện và tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng Omicron và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Singapore. Mặc dù vậy, với đà tăng trưởng của năm 2021 và tỷ lệ dân số đã tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine Covid-19 đạt ở mức cao, Singapore tự tin ở vị thế tốt hơn 2 năm trước và Chính phủ nước này thể hiện rõ quyết tâm giữ vững chiến lược dần mở cửa trở lại. Trong quý 1/2022, Singapore có mức tăng trưởng là 3,7%. Đây là cơ sở để Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) giữ nguyên dự báo GDP của Singapore sẽ tăng trưởng từ 3-5% trong năm nay.
Còn tại Philippines, nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2021, nền kinh tế tiếp tục tăng tốc ngay những tháng đầu năm. Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Philippines (PSA), nền kinh tế nước này tăng trưởng 8,3% trong quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước, vượt tốc độ tăng trưởng ghi nhận quý 1/2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, và cao hơn mức 7% mà các nhà phân tích dự báo. Con số 8,3% đã giúp Philippines trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Á trong quý đầu tiên của năm và tiến gần hơn tới mục tiêu tăng trưởng 7-9% trong cả năm. Trong số những lĩnh vực kinh tế chính, các ngành nông, lâm và ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng dương trong quý 1/2022 lần lượt ở các mức 0,2%, 10,4% và 8,6%. Động cơ tăng trưởng quan trọng nhất trong quý 1/2022 của Philippine là nhờ việc khôi phục hoạt động toàn bộ nền kinh tế khi năng lực y tế quốc gia được củng cố, chương trình tiêm phòng được đẩy nhanh, Chính phủ đã có thể kiểm soát các đợt bùng phát dịch và mở cửa an toàn nền kinh tế quốc gia, các hạn chế về đại dịch được nới lỏng đã giúp tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Những con số trên cho thấy, Philippines đã vững vàng vượt qua những thách thức kinh tế và y tế nghiêm trọng nhất cũng như thể hiện được khả năng chống chịu và khắc phục những ảnh hưởng từ đại dịch. Đà phục hồi kinh tế Philippines được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022 và 2023 nhờ các yếu tố đầu tư và tiêu dùng nội địa tăng cao. Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7% năm 2022 lên 9% và từ 6% - 7% vào năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Philippines chỉ tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 6,3% trong năm 2023. Còn các nhà quản lý kinh tế của Philippines lạc quan cho rằng, quốc gia sẽ không chỉ phục hồi đến mức trước đại dịch vào năm 2022, mà còn đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Kinh tế Philippines lạc quan trong năm 2022
Cũng giống như Philippines, những tháng đầu năm 2022, kinh tế Malaysia tăng trưởng nhanh hơn dự kiến do việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch Covid-19, nhu cầu trong nước tăng và sự phục hồi việc làm. Theo công bố của ngân hàng trung ương Malaysia, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia trong quý 1/2022 vừa qua tăng 5% so cùng kỳ năm 2021, nhanh hơn ước tính trung bình tăng trưởng 4% trong một khảo sát tại nước này. Ngân hàng quốc gia Malaysia giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia cả năm 2022 ở mức 5,3-6,3% so mức tăng trưởng 3,1% năm 2021. Mặc dù vậy, nền kinh tế Malaysia vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro do những nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, sự biến đổi khí hậu, khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng làm tắc nghẽn năng lực sản xuất, tình trạng thiếu nhân công và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng làm giảm tốc độ sản xuất.
Năm 2022 nền kinh tế Indonesia vẫn đang đối diện với những thách thức hiện hữu như làn sóng Covid-19 thứ ba bùng phát mạnh bởi biến thể Omicron, thị trường tài chính tiềm ẩn biến động do thắt chặt tiền tệ toàn cầu và Chính phủ quay lại các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa. Do vậy, dù tăng trưởng GDP Indonesia được nhận định là tiếp tục tăng tốc trong năm 2022, song Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 của Indonesia xuống 5,6%, từ mức 5,9% được đưa ra trước đó, đồng thời, cắt giảm dự báo năm 2023 từ 6,4% xuống 6%.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,03% trong quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn so với mức 5,22% được ghi nhận trong quý 4/2021 nhưng vẫn là kết quả đáng ghi nhận. Kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 88,58 tỷ USD, tăng 14%. Doanh số bán lẻ của Việt Nam, bao gồm cả doanh thu dịch vụ, tăng 4,4%. Việt Nam vẫn là lựa chọn của các doanh nghiệp toàn cầu trong xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á. Đây là niềm tin để Việt Nam nhận được những dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng tin tưởng rằng tiến trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ nhờ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.
Nền kinh tế Thái Lan cũng được đánh giá tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) của Thái Lan cho biết, nền kinh tế "xứ sở chùa Vàng" đã tăng 2,2% trong quý đầu tiên năm nay so với một năm trước đó nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19 đã giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh và phục hồi ngành du lịch. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) đã đưa ra dự báo, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này sẽ đạt mức từ 3,5 - 4,5% nhờ nhu cầu trong nước gia tăng, sự phục hồi của du lịch nội địa, tăng trưởng xuất khẩu cũng như kế hoạch chi tiêu của chính phủ bắt đầu được thực hiện. Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan tính theo đô-la Mỹ cũng sẽ tăng khoảng 4,9% trong năm nay, trong khi tiêu thụ và đầu tư cá nhân được tăng lần lượt 4,5% và 3,8%. Đầu tư công dự kiến tăng 4,6%, lạm phát toàn phần sẽ nằm trong khoảng từ 1,5-2,5%. Đồng thời, tài khoản vãng lai đạt mức thặng dư 1,5% so với GDP. Lượng khách du lịch quốc tế tới Thái Lan trong năm 2022 cũng được Cơ quan tư vấn của Chính phủ Thái Lan dự báo sẽ đạt khoảng 5 triệu lượt khách, giúp nước này thu về 470 tỷ bạt; cao hơn đáng kể so với mức 430 nghìn lượt du khách quốc tế và 150 tỷ bạt trong năm 2021.
Với việc bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid và đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm thúc đẩy sự phục hồi tại các thị trường nội địa, bao gồm cả ngành du lịch và các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh và các chính sách tài khóa tiền tệ tiếp tục được thực hiện, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra những đánh giá rất lạc quan về tình hình phục hồi hinh tế Lào. Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ phục hồi ở mức 3,4% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn lên mức 3,7% trong năm 2023.
Sự phục hồi dần của nền kinh tế toàn cầu được nhận định là sẽ góp phần hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu của Campuchia, nhất là các sản phẩm ngoài ngành dệt may như phụ tùng điện và xe đạp, phù hợp với chiến lược đa dạng hóa. Dó đó, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) gần đây ước tính tăng trưởng kinh tế của Vương quốc này sẽ đạt 5% trong năm 2022 nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, bất chấp khả năng xuất hiện biến chủng Covid-19 mới…
Có thể nói hầu hết các nền kinh tế trong khu vực ASEAN đều đang có những tín hiệu tích cực lạc quan trong các năm 2022 và năm 2023. Điều này chứng tỏ, các quốc gia thành viên đã rất nỗ lực vượt qua những thách thức và luôn vững tin cùng nhau trên hành trình xây dựng ASEAN trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới./.
Q.V