DỰ BÁO KINH TẾ TOÀN CẦU
Tại thời điểm đầu năm 2023, đa số dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng so với dự báo trước đây
Tại thời điểm tháng 3/2023, một số tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 so với các dự báo đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10/2022. Fitch Ratings (FR) nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đạt mức 2,0% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2022. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,6% trong năm 2023, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong các báo cáo đầu năm 2023. Cụ thể, WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7% năm 2023, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. UNDESA cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 1,9%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022.
Tổng quan biến động thị trường thế giới
Thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm trong nửa cuối năm 2022
Theo WTO, thước đo thương mại hàng hóa đạt 92,2 vào tháng 12/2022, thấp hơn giá trị cơ sở 100 và thấp hơn nhiều so với chỉ số khối lượng giao dịch thương mại hàng hóa. Hầu hết các chỉ số thành phần của thước đo đều giảm xuống dưới mức xu hướng, trừ chỉ số sản phẩm ô tô (105,8). Chỉ số đơn hàng xuất khẩu (97,4) nằm dưới xu hướng nhưng đang tăng, phản ánh khả năng tăng trong thời gian tới. Các chỉ số về vận chuyển container (89,3), vận tải hàng không (87,8), linh kiện điện tử (84,9) và nguyên liệu thô (92,0) đều nằm dưới xu hướng và giảm, thể hiện sự yếu kém trong thương mại đang lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. WB cũng đồng quan điểm khi cho rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu đang chậm lại.
Giá năng lượng có xu hướng giảm, trái ngược với xu hướng tăng của giá kim loại, lạm phát đạt đỉnh
WB nhận định trong tháng 01/2023 giá năng lượng giảm gần 9%, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu và Hoa Kỳ giảm hơn 40% so với tháng trước. Giá than cũng giảm. Giá dầu thô Brent trung bình đạt 83 đô la Mỹ/thùng trong tháng 01/2023, tăng nhẹ so với tháng 12/2022 nhưng không ổn định do các thị trường cân nhắc về triển vọng nhu cầu toàn cầu và việc áp đặt giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Ngược lại, giá kim loại tăng 6% trong tháng 01/2023 so với tháng trước, cao nhất là thiếc (16%), quặng sắt (9%) và đồng (8%).
Chỉ số giá lương thực, thực phẩm (FFPI) của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc đạt bình quân 129,8 điểm trong tháng 02/2023, giảm nhẹ (0,6%) so với tháng 01/2023, tiếp tục xu hướng giảm trong tháng thứ 11 liên tiếp, chủ yếu do sự sụt giảm chỉ số giá dầu thực vật, sữa và ngũ cốc.
IMF nhận định chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 của 84% các quốc gia sẽ thấp hơn so với năm 2022. Lạm phát bình quân năm của toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 8,8% năm 2022 xuống 6,6% năm 2023, một phần phản ánh giá nhiên liệu quốc tế và hàng hóa phi nhiên liệu giảm. Lạm phát bình quân năm ở các nền kinh tế phát triển dự báo giảm từ 7,3% năm 2022 xuống 4,6% năm 2023, ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến giảm từ 9,9% năm 2022 xuống 8,1% năm 2023.
Điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng ổn định
Theo WB, điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng ổn định vào đầu năm 2023. Chứng khoán toàn cầu tăng khoảng 7% trong tháng 01/2023, trước khi ổn định vào tháng 02/2023. Trong những tháng đầu năm 2023, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đã ghi nhận dòng tài chính tăng. IMF cho rằng, các điều kiện tài chính toàn cầu đã phần nào dịu bớt kể từ tháng 10/2022, chủ yếu do kỳ vọng của thị trường về chu kỳ lãi suất thay đổi. Lợi suất trái phiếu toàn cầu và chênh lệch lãi suất doanh nghiệp gần đây đã giảm, thị trường chứng khoán phần nào hồi phục.
Triển vọng thị trường lao động toàn cầu năm 2023 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch
Theo ILO, đến cuối năm 2022, quá trình phục hồi sau khủng hoảng Covid-19 vẫn chưa hoàn thiện và không đồng đều trên toàn thế giới, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình, đồng thời bị cản trở nhiều hơn do hậu quả của cuộc xung đột ở U-crai-na. Việc làm toàn cầu dự báo tăng 1,0% năm 2023, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% năm 2022.
Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới
IMF chỉ ra sáu nhân tố rủi ro chính có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gồm: (i) Quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể bị đình trệ; (ii) Leo thang xung đột ở U-crai-na; (iii) Khó khăn về nợ; (iv) Lạm phát kéo dài; (v) Định giá lại thị trường tài chính đột ngột; (vi) Sự phân mảnh địa chính trị.
TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ
Hoa Kỳ. Theo IMF, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ năm 2023 dự báo đạt 1,4%, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 10/2022 do phục hồi nhu cầu trong nước của năm 2022 tiếp diễn sang năm 2023. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ đạt 1,5% năm 2023, điều chỉnh tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 11/2022.
WB dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ chỉ đạt 0,5% năm 2023, thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2022. Lạm phát dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 khi thị trường lao động dịu lại và áp lực tiền lương giảm bớt. UNDESA dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Hoa Kỳ chỉ đạt 0,4% do nguy cơ suy thoái ngày càng lớn, điều chỉnh giảm 1,4 điểm phần trăm so với con số 1,8% đưa ra trong báo cáo tháng 5/2022.
Chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ tháng 02/2023 đạt 50,1 điểm, cao hơn nhiều so với mức 46,8 điểm của tháng 01/2023. Chỉ số này báo hiệu sự kết thúc của 7 tháng giảm liên tiếp và phản ánh mức độ ổn định của các hoạt động kinh doanh tại các công ty khu vực tư nhân. Trong cuộc họp ngày 22/3/2023, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa ra quan điểm thận trọng về những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng và dự kiến kết thúc lộ trình tăng lãi suất.
Trading Economics dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ Quý I/2023 tăng 0,5% so với quý trước và tăng 1,4% so với Quý I/2022.
Khu vực đồng Euro. UNDESA dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro chỉ đạt 0,1% năm 2023, điều chỉnh giảm 2,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 5/2022, sau khi khu vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% năm 2022. WB nhận định GDP khu vực đồng Euro năm 2023 dự báo ở mức 0%, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra trong tháng 6/2022.
OECD dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro đạt 0,8% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro năm 2023 đạt 0,7%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 10/2022.
Chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 02/2023 của khu vực đồng Euro đạt 52 điểm, giảm nhẹ so với số ước tính sơ bộ 52,3 điểm và cao hơn mức 50,3 điểm của tháng 01/2023.
Theo Trading Economics, GDP Quý I/2023 của khu vực đồng Euro dự báo giảm 0,2% so với Quý IV/2022 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.
Nhật Bản. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 đạt 1,8%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022.
UNDESA nhận định tăng trưởng GDP năm 2023 của Nhật Bản dự báo đạt 1,5%, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2022. WB dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ chậm lại, giảm xuống còn 1,0% năm 2023, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 đạt 1,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.
Chỉ số PMI tổng hợp tháng 02/2023 của Nhật Bản tăng lên 51,1 điểm, cao hơn 0,4 điểm so với số sơ bộ 50,7 điểm đưa ra trước đó, phản ánh tốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực tư nhân nhanh nhất kể từ tháng 10/2022.
Theo Trading Economics, GDP Quý I/2023 của nền kinh tế Nhật Bản dự báo tăng 0,8% so với quý trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc. IMF dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 đạt 5,2%, điều chỉnh tăng 0,8 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022. OECD dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc đạt 5,3% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022.
UNDESA dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 4,8% năm 2023, điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2022. WB dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 4,3% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, chủ yếu là do gián đoạn liên quan đến đại dịch kéo dài hơn dự kiến, nhu cầu bên ngoài yếu hơn và sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.
Chỉ số PMI tổng hợp của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 02/2023 đạt 54,2 điểm, tăng 3,1 điểm so với 51,1 điểm trong tháng 01/2023.
Theo Trading Economics, GDP Quý I/2023 của nền kinh tế Trung Quốc tăng 1,6% so với quý trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đông Nam Á. WB nhận định phục hồi kinh tế trong khu vực không đồng đều sau suy thoái do đại dịch gây ra. Tăng trưởng GDP của In-đô-nê-xi-a dự báo tăng 4,8% năm 2023, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022, phản ánh chi tiêu dùng tư nhân giảm. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin và Việt Nam được dự báo lần lượt đạt 4% (giảm 0,5 điểm phần trăm), 5,4% (giảm 0,2 điểm phần trăm) và 6,3% (giảm 0,2 điểm phần trăm) do được hưởng lợi từ tăng tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa mạnh. Tốc độ tăng trưởng của Thái Lan dự báo đạt 3,6% năm 2023 (giảm 0,7 điểm phần trăm), phản ánh phục hồi chậm trong lĩnh vực du lịch và vận tải.
IMF dự báo tăng trưởng ở các quốc gia ASEAN-5 (In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Xi-ga-po và Thái Lan) đạt 4,3% năm 2023, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022.
Việt Nam
Trong báo cáo Điểm lại tháng 3/2023, WB nhận định triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,3% năm 2023. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau Covid-19 yếu đi. Nhu cầu trong nước có thể bị ảnh hưởng do lạm phát cao hơn dự kiến trong năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định.
Cán cân tài khóa dự kiến ghi nhận thâm hụt nhỏ trong khi chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục thận trọng. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thặng dư ở mức nhỏ trong trung hạn nhờ kết quả xuất khẩu hàng hóa, lượt du khách nước ngoài được phục hồi và nguồn kiều hối vẫn vững. Khi những cú sốc về giá hàng hóa yếu dần, rủi ro lạm phát toàn cầu giảm, nhu cầu toàn cầu dự kiến phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng.
UNDESA dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đạt 6,3%, cao hơn mức trung bình 5 năm trước đại dịch (từ 2015 đến 2019).
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 6,8%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 10/2022.
Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý I/2023 của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đạt 4,8%.
Nguồn: Vụ Thống kê Nước ngoài và Hợp tác quốc tế - TCTK