Covid-19 thêm những mảng tối cho bức tranh di cư toàn cầu

04/01/2022 - 09:57 AM
Theo Báo cáo mới công bố vào tháng 6/2021 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) với tiêu đề “Ước tính toàn cầu của ILO về Lao động Di cư ra ngước ngoài: Kết quả và Phương pháp luận”, ước tính trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, số lượng người lao động di cư ra nước ngoài đã tăng từ 164 triệu lên 169 triệu người. Tỷ lệ lao động di cư trẻ tuổi (15-24 tuổi) cũng tăng gần 2%, tương đương 3,2 triệu người, kể từ năm 2017, đạt mức 16,8 triệu người vào năm 2019. Tính riêng trong năm 2019, lao động di cư ra nước ngoài chiếm gần 5% lực lượng lao động toàn cầu.

Cũng theo báo cáo này, các nước có thu nhập cao thu hút phần đông lao động di cư, có hơn 2/3 số lao động di cư ra nước ngoài tập trung tại các nước có thu nhập cao. Trong tổng số 169 triệu lao động di cư ra nước ngoài của năm 2019, có đến 63,8 triệu (37,7%) làm việc tại châu Âu và Trung Á, 43,3 triệu người (25,6%) làm việc tại châu Mỹ. Tính trên tổng số lao động di cư ra nước ngoài, tỷ lệ lao động di cư tại châu Âu, Trung Á và châu Mỹ chiếm 63,3%. Đối với các quốc gia Ả-rập và khu vực châu Á và Thái Bình Dương, mỗi khu vực hiện tiếp nhận khoảng 24 triệu lao động di cư, tổng cộng tương đương với 28,5% tổng số lao động di cư. Châu Phi hiện tiếp nhận 13,7 triệu lao động di cư, chiếm 8,1%. Phần lớn lao động di cư là nam giới, với 99 triệu người và hiện số lao động di cư là nữ là 70 triệu.

Trong các lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực dịch vụ thu hút nhiều lao động di cư nhất với 66,2% lao động di cư làm việc, còn lại 26,7% lao động di cư làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và 7,1% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo phân tích của ILO, phần lớn lao động di cư thường phải làm những công việc tạm thời, phi chính thức và không được bảo vệ, có nguy cơ cao rơi vào tình trạng không ổn định, bị sa thải và sa sút về điều kiện làm việc. Đặc biệt, phụ nữ phải đối diện với nhiều trở ngại kinh tế - xã hội hơn khi di cư lao động, đặc biệt là tình trạng phân biệt giới.

Trên thực tế, người di cư khắp thế giới đã và đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu do: Rào cản ngôn ngữ, chính sách y tế dành cho người di cư, các dịch vụ hoặc tình trạng nhập cư bất thường. Ngoài ra, nhiều người di cư sống trong những không gian quá đông đúc hoặc những nơi ở tạm bợ, với các dịch vụ vệ sinh kém, điều này làm tăng khả năng dễ bị tổn thương. Các chuyên gia cho rằng, những thách thức này ảnh hưởng đến đời sống của người di cư và làm suy yếu xã hội bằng cách hạn chế sự đóng góp của người di cư và làm chậm việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe toàn cầu.

Tại Lễ Mít tinh Ngày Quốc tế Người Di cư với chủ đề “Tiếng nói của Người di cư trong đại dịch Covid-19” được tổ chức vào giữa tháng 12/2020 do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam phối hợp với Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế Việt Nam tổ chức, IOM cho biết, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chỉ có khoảng 17/51 quốc gia tham gia khảo sát cung cấp các dịch vụ y tế do chính phủ tài trợ cho cả người dân và 
người di cư, bất kể tình trạng di cư của họ.

Năm 2020, các làn sóng dịch bệnh Covid-19 liên tục diễn ra đã ảnh hưởng lớn đến đặc điểm và quy mô di cư toàn cầu. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 1/2021, số người di cư trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7 - 8 triệu người từ giữa năm 2019 đến giữa năm 2020. Tuy nhiên, do việc đóng cửa biên giới và các lệnh hạn chế đi lại được ban bố bắt đầu từ tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới, trong tháng 4/2020, việc di cư trên thế giới đã không diễn ra như dự báo trên, số lượng người di cư quốc tế giảm 2 triệu người do lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại, tương đương mức giảm 27%. Giám đốc Bộ phận Dân số của Liên Hợp Quốc cũng cho biết, vào tháng 8/2020, đã có hơn 80.000 lệnh hạn chế đi lại được áp đặt tại 219 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới.
 
Covid-19 thêm những mảng tối cho bức tranh di cư toàn cầu
Ảnh minh họa

Báo cáo "Di cư quốc tế 2020" của Liên hợp quốc còn cho thấy các con số, có khoảng 281 triệu người sống bên ngoài quốc gia quê hương của họ vào năm 2020. 2/3 số người di cư đã đăng ký sống ở 20 quốc gia, trong đó Mỹ đứng đầu danh sách, với 51 triệu người di cư quốc tế vào năm 2020. Tiếp theo là Đức với 16 triệu người, Ả Rập Xê-út với 13 triệu người, Nga 12 triệu người và Anh 9 triệu người.

Năm 2020, Ấn Độ đứng đầu danh sách các quốc gia có cộng đồng dân di cư lớn nhất, với 18 triệu người Ấn Độ sống bên ngoài quốc gia họ sinh ra. Các quốc gia khác có cộng đồng xuyên quốc gia lớn bao gồm Mexico và Nga, mỗi nước có 11 triệu người, Trung Quốc với 10 triệu người và Syria 8 triệu người. Năm 2020, số lượng người di cư quốc tế lớn nhất cư trú ở châu Âu, với tổng số 87 triệu người. Châu Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong di cư nội khối. 70% người di cư sinh ra ở châu Âu sống ở một nước châu Âu khác.

Covid-19 diễn ra khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái, đồng thời cho thấy rõ hơn tình trạng bấp bênh, những khó khăn ngày một tăng của người di cư, đặc biệt là đối với nữ lao động di cư, vì họ chiếm số đông trong các công việc bị trả lương thấp, đòi hỏi tay nghề thấp và họ ít được tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội cũng như ít có lựa chọn đối với các dịch vụ hỗ trợ. Trên thực tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, tại nhiều quốc gia, lao động di cư thường là đối tượng đầu tiên bị cho nghỉ việc, mất việc làm, mất thu nhập và thường xuyên phải đối mặt với kỳ thị và phân biệt đối xử đôi khi dưới hình thức bạo lực. Bên cạnh đó, với những rào cản văn hóa - ngôn ngữ và tình trạng kinh tế xã hội, họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận với các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn để được chữa trị bệnh khi mắc Covid-19 và thường không được đưa vào diện điều chỉnh của các chính sách ứng phó với đại dịch tại các quốc gia.

Vào cuối năm 2020, Chủ tịch Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã cho biết, người di cư có nguy cơ bị loại trừ khi các quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng và việc phân phối vaccine không công bằng có nguy cơ làm suy yếu sức khỏe chung của tất cả mọi người. Một báo cáo gần đây của IFRC cũng cho thấy, những người di cư đã mắc Covid-19 do bị hạn chế tiếp cận với các cơ sở y tế thiết yếu, các dịch vụ cấp nước, vệ sinh cũng như điều kiện sống và làm việc không an toàn khiến việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản trở nên khó khăn hơn. Còn Liên hợp quốc cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến sinh kế của hàng triệu người di cư và gia đình của họ, làm suy yếu các kết quả hướng tới những mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc đến năm 2030. Những điều trên cho thấy, những người di cư phần lớn đang bị lãng quên trong đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, một số tổ chức cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, thực hiện tốt việc phòng chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19 vì những hành trình khỏe mạnh, an toàn, vì hạnh phúc của mỗi người di cư, của gia đình họ và của cả cộng đồng. Ví dụ như IFRC đã tăng cường hỗ trợ người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn để đối phó với các tác động của đại dịch Covid-19. Hay như thông qua Mạng lưới an toàn xã hội khẩn cấp (ESSN) do EU tài trợ, 1,8 triệu người tị nạn nhận được hỗ trợ tiền mặt hàng tháng để giúp trang trải các nhu cầu thiết yếu.

Đến nay sự lây lan của đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại trên toàn cầu. Do đó, các quốc gia cần dành có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đối với người di cư, đặc biệt cần đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng với các vaccine ngừa Covid-19, vì sự an toàn của chính họ cũng như an toàn cho toàn thể cộng đồng và cùng nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe toàn cầu./.
Quang Vinh

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top