Bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế của nhiều quốc gia, từ nửa cuối năm 2020 đến nay thị trường M&A thế giới đang có đà phục hồi mạnh mẽ với nhiều thương vụ đình đám.
Theo báo cáo xu hướng ngành M&A toàn cầu do Công ty kiểm toán PwC công bố vào tháng 2/2021, thị trường toàn cầu chứng kiến tăng trưởng mạnh về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong nửa cuối năm 2020 với số thương vụ tăng 18% và tổng giá trị thương vụ tăng tới 94%, số giao dịch quy mô lớn (megadeal) tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm.
Dữ liệu của Refinitiv cũng cho thấy, các hoạt động nhộn nhịp trở lại trên thị trường M&A trong những tháng cuối năm 2020, giúp tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu trong cả năm đạt mức 3.600 tỷ USD.
Ở cấp độ khu vực, theo PwC, so với 6 tháng đầu năm, số lượng thương vụ nửa cuối năm 2020 tại Châu Mỹ tăng 20%, tại khối các quốc gia Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) tăng 17%, tại Châu Á Thái Bình Dương tăng 17%. Tổng giá trị các thương vụ tại Châu Mỹ chứng kiến mức tăng lớn nhất lên tới trên 200%, phần lớn nhờ vào các giao dịch quy mô lớn diễn ra vào nửa cuối năm. Trong năm 2020, có tới 8/10 thương vụ M&A lớn nhất được chốt trong nửa cuối năm, trong đó có thể kể đến những thương vụ đình đám như hãng chip Nvidia (Mỹ) mua lại hãng thiết kế chip Arm Holdings của Anh từ Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) với trị giá 40 tỷ USD. Hãng chip AMD (Mỹ) thâu tóm đối thủ Xilinx với giá 35 tỷ USD. S&P Global của Mỹ chi 44 tỷ USD mua lại hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit của Anh. Hãng dược AstraZeneca (Anh) bỏ ra 39 tỷ USD để sáp nhập hãng công nghệ sinh học Alexion (Mỹ)…
Điều đáng chú ý là ngành công nghệ đã dẫn dắt thị trường M&A trong năm qua cả về số lượng và giá trị giao dịch. Chỉ trong cuối năm 2020, số thương vụ công nghệ tăng 34% và tăng 118% về giá trị. Số lượng thương vụ viễn thông tăng 15% với giá trị tăng đáng kể gần 300% nhờ có 3 thương vụ quy mô lớn. Theo phân tích của PwC, sở dĩ có sự trỗi dậy của ngành công nghệ trong thị trường M&A toàn cầu là do trong bối cảnh và thách thức mới của dịch bệnh Covid-19 đang tạo ra những nhu cầu và cơ hội đặc thù dành cho các dịch vụ công nghệ và kỹ thuật số, giúp hỗ trợ cho xã hội và doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, trong sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc liên tục đẩy nhanh tiến trình số hóa đã trở nên cấp thiết đối với các ngành kinh tế. Hơn nữa, nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp ưu tiên chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng (buy-versus-build), để có được cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bước sang năm 2021, đúng như kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường M&A toàn cầu vẫn tiếp tục sôi động do lãi suất thấp, cổ phiếu tăng cao và nhiều công ty tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh giữa bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đang phục hồi sau khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19. Theo số liệu phân tích của Refinitiv, tổng giá trị của các giao dịch M&A đang chờ xử lý và hoàn tất được công bố trong giai đoạn từ tháng 1-5/2021 đạt mức cao kỷ lục 2.400 tỷ USD. Chỉ tính riêng tháng 5 vừa qua, giá trị các vụ M&A toàn cầu đạt khoảng 532,9 tỷ USD, mức cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước. Tính theo khu vực, Mỹ ghi nhận số vụ M&A với tổng giá trị lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, đạt 1.300 tỷ USD, tiếp đến là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương khi lần lượt đạt 411 tỷ USD và 387 tỷ USD.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Về số thương vụ, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng cộng có 428 thương vụ M&A với giá trị mỗi thương vụ hơn 1 tỷ USD, cao hơn nhiều lần so với con số 131 vụ trong cùng kỳ năm trước. Số thương vụ trong lĩnh vực công nghệ vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số thương vụ hoàn tất, đặc biệt là trong quý 2/2021. Một trong những thương vụ M&A đình đám có thể kể đến là việc hai công ty O2 và Virgin Media tuyên bố sáp nhập thành một doanh nghiệp viễn thông có giá trị 31 tỷ bảng Anh (gần 44,5 tỷ USD) vào ngày 7/5. Virgin Media vốn là một công ty viễn thông của Anh, chuyên cung cấp các dịch vụ điện thoại, truyền hình và Internet, hiện có khoảng 6 triệu khách hàng thuê bao dịch vụ cáp và hơn 3 triệu khách hàng thuê bao di động. Trong khi đó, O2 là nhà điều hành mạng điện thoại di động lớn nhất của Vương quốc Anh với khoảng 36,6 triệu khách hàng trên các mạng của mình, bao gồm Giffgaff, Tesco Mobile, Sky Mobile và Lycamobile. Giới chuyên gia cho rằng thương vụ sáp nhập hai công ty sẽ gây dựng nên một“gã khổng lồ” trong cung cấp dịch vụ Internet và di động lớn nhất nước Anh với 46 triệu thuê bao video, băng thông rộng và di động, trong khi doanh thu chung của họ trị giá 11 tỷ bảng Anh... Ngoài ra, việc sáp nhập sẽ tạo ra khoản tiết kiệm 6,2 tỷ bảng Anh, chủ yếu từ việc giảm chi tiêu vốn.
Cũng trong tháng 5/2021, với nỗ lực thúc đẩy tăng doanh thu sau khoảng 10 năm hoạt động, công ty cung cấp ứng dụng gọi xe Gojek và công ty thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia tuyên bố sáp nhập để tạo thành một công ty mới có tên gọi GoTo Group. Thương vụ sáp nhập này giữa có giá trị lên tới 18 tỷ USD và sẽ tạo ra một công ty Internet lớn nhất ở đất nước đông dân thứ 4 thế giới, với các mảng kinh doanh trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ gọi xe, thanh toán số cho đến thương mại điện tử, giao hàng. Gojek và Tokopedia cho biết, sự kết hợp của họ sẽ tạo ra một hệ sinh thái bổ sung cho nhau và riêng biệt trên toàn cầu giữa lúc họ tìm cách gia tăng cạnh tranh với Grab và nền tảng thương mại điện tử Shopee thuộc sở hữu của Sea Group (Singapore).
Trong tháng 5/2021, thị trường M&A toàn cầu còn được chứng kiến thương vụ Công ty Cổ phần Năng lượng BCG Energy (thuộc BCG Group) chuyển nhượng 49% cổ phần công ty con của mình hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái là Skylar Energy cho SP Group của Singapore. SP Group hiện sở hữu, vận hành các doanh nghiệp lưới truyền tải, phân phối điện cùng như khí đốt ở Singapore và Australia, chuyên cung cấp giải pháp tổng thể về năng lượng bền vững. Việc nhận chuyển nhượng 49% cổ phần sẽ giúp Tập đoàn điện lực đến từ Singapore SP Group có một bước tiến nhanh vào mảng năng lượng tái tạo tại Việt Nam, hỗ trợ mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là tăng tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 30% vào năm 2030. Năm 2020, Skylar đã lắp đặt gần 50 MW năng lượng mặt trời áp mái tại nhiều tỉnh, thành phố khắp Việt Nam. Giai đoạn 2021-2022, Skylar dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thêm 250 MWp điện mặt trời áp mái tại các nhà máy, khu công nghiệp Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đại địch Covid-19 vẫn đang tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia, song hoạt động giao dịch M&A những tháng cuối năm 2021 sẽ còn tiếp tục sôi động do việc tăng tốc số hóa và chuyển đổi đang trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp hậu Covid-19. Trong một cuộc khảo sát của PwC, 76% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, họ có kế hoạch phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt trong phân tích dữ liệu, tự động hóa, đám mây, trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ. Bên cạnh đó, có 53% doanh nghiệp cho biết sẽ phân bổ nhiều hơn cho hoạt động M&A như một cách để đạt được các ưu tiên chiến lược chính của mình.
Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International dự báo hoạt động M&A đặc biệt sẽ tăng vọt tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2021, vượt qua Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia dẫn đầu về số lượng giao dịch M&A toàn cầu, chiếm tới 38%. Các quốc gia như: Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 26%. Thị trường M&A hứa hẹn sẽ nóng bỏng trong lĩnh vực truyền thông, mạng lưới phân phối, bán lẻ, bất động sản, công nghệ, sáng tạo…
Sự sôi động trở lại của thị trường M&A sẽ là niềm tin để nền kinh tế toàn cầu phục hồi trong trạng thái bình thường khi đại dịch vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp./.
B.N (tổng hợp)