Phụ nữ và trẻ em thế giới trước tác động của đại dịch Covid-19

23/12/2021 - 09:56 AM
Cú sốc do dịch bệnh Covid-19 gây ra đã tạo nên nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, kèm theo đó là sự gia tăng bất bình đẳng. Trong đó, phụ nữ và trẻ em, nhất là phụ nữ đã có con hoặc đang nuôi con nhỏ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Những tác động đó còn làm đảo lộn, gián đoạn những thành tựu, kết quả trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ đối với trẻ em và phụ nữ trên toàn thế giới.

Báo cáo mới đây của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế, tác động tới phụ nữ trên nhiều khía cạnh (việc làm, thu nhập, sức khỏe, quan hệ trong gia đình, xã hội, cơ hội...). Trong khi tất cả mọi người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có thì phụ nữ còn phải chịu ảnh hưởng nặng hơn. Nhiều phụ nữ nghèo bị thiệt thòi vì phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn, mất kế sinh nhai và bị bạo hành nhiều hơn.

Kết quả phân tích của UN Women:

Đại dịch Covid-19 làm tăng tỉ lệ nữ nghèo hơn nam: Phân tích đánh giá của Báo cáo cho biết, trong 22 năm qua, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu đã giảm dần, nhưng Covid-19 xuất hiện, cùng với nó là mất việc làm, thu hẹp nền kinh tế và mất sinh kế, đặc biệt là đối với phụ nữ. Các hệ thống bảo trợ xã hội suy yếu đi đã khiến nhiều người nghèo nhất trong xã hội không được bảo vệ, không có biện pháp giúp họ vượt qua cơn bão đói nghèo.

Theo dự báo, đại dịch Covid-19 sẽ đẩy 96 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021, trong đó 47 triệu là phụ nữ và trẻ em gái. Điều này sẽ nâng tổng số phụ nữ và trẻ em gái sống ở mức dưới 1,90 USD lên 435 triệu người. Sự gia tăng nghèo đói do đại dịch Covid-19 gây ra cũng sẽ làm gia tăng khoảng cách nghèo đói theo giới, có nghĩa là nhiều phụ nữ sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo hơn nam giới. Trong đó, những phụ nữ từ 25 đến 34 tuổi, độ tuổi sung mãn đỉnh cao của năng suất lao động sản xuất và lập gia đình là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các ngành bị ảnh hưởng đa số là lao động nữ: Phụ nữ là đối tượng chiếm đa số trong nhiều ngành bị ảnh hưởng do Covid-19 nặng nề nhất, cụ thể như dịch vụ ăn uống, bán lẻ và giải trí. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 40% tổng số phụ nữ có việc làm (trong khoảng 510 triệu phụ nữ trên toàn cầu) đang làm việc trong các lĩnh vực sẽ gặp khó khăn hơn so với 36,6% nam giới.

 
Phụ nữ và trẻ em thế giới trước tác động của đại dịch Covid-19

Ảnh minh họa

Bất bình đẳng tại nhà và chăm sóc không lương: Khi các biện pháp cách ly yêu cầu mọi người ở nhà, đóng cửa trường học và các cơ sở giữ trẻ, gánh nặng chăm sóc không lương, công việc gia đình đã bùng nổ. Mặc dù vậy, ngay cả trước Covid-19, phụ nữ đã dành trung bình 4,1 giờ mỗi ngày để thực hiện công việc không được trả lương, trong khi nam giới dành 1,7 giờ - điều đó có nghĩa là phụ nữ đã làm công việc chăm sóc không được trả lương nhiều hơn nam giới gấp ba lần trên toàn thế giới. Số công việc không được trả lương ngày càng tăng kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng phụ nữ vẫn đang tiếp tục gánh vác phần lớn công việc đó.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả là sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới. Sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình của UNFPA có thể dẫn tới 2 triệu trường hợp em gái phải cắt bỏ bộ phận sinh dục và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020- 2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được.

Chuyên gia của UNFPA về sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục cũng chia sẻ, Covid-19 đang đe dọa tình trạng sức khỏe bà mẹ và có khả năng số ca tử vong mẹ sẽ gia tăng đáng kể do hậu quả tiêu cực của Covid-19. Ngoài ra, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong thời gian giãn cách xã hội, bạo lực gia đình đã tăng từ 30% đến 300%.

Theo một nghiên cứu khác của UNFPA thực hiện vào tháng 3/2021, ước tính 12 triệu phụ nữ trên thế giới đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, phụ nữ nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đại dịch đã làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực SKSS ở nhiều nước trên thế giới.

Đối với trẻ em, Báo cáo “Lao động trẻ em: Ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã đưa ra cảnh báo tiến độ hướng tới mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em đã bị ngừng trệ lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, đảo ngược xu hướng giảm trước đó. (Trước đây, từ năm 2000 đến năm 2016, số lượng lao động trẻ em đã giảm 94 triệu trẻ em).

Theo Báo cáo, lần đầu tiên trong hai thập kỷ số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng bốn năm qua và hàng triệu trẻ em khác đang đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch Covid-19. Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu.

Báo cáo đã chỉ ra mức tăng đáng kể về số lượng lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 dù đối tượng này chỉ chiếm hơn một nửa tổng số trẻ em toàn cầu. Số trẻ em trong độ tuổi 5-17 phải làm các công việc nguy hại - được định nghĩa là những công việc có thể gây tổn hại tới sức khỏe, sự an toàn và tinh thần của trẻ - đã tăng 6,5 triệu trẻ kể từ năm 2016, lên 79 triệu trẻ.

Tại châu Phi hạ Sahara, tình trạng dân số tăng, khủng hoảng liên tục tái diễn, nghèo đói cùng cực và thiếu các chế độ an sinh xã hội khiến lao động trẻ em tăng thêm 16,6 triệu trẻ trong vòng bốn năm qua.

Ngay cả với những khu vực đã có những bước tiến từ năm 2016 như châu Á và Thái Bình Dương; châu Mỹ Latinh và Caribê, Covid-19 cũng đang đe dọa đến những tiến bộ này.

Ngoài những cú sốc về kinh tế thì việc các trường học bị đóng cửa do đại dịch Covid-19 cũng đồng nghĩa với việc những lao động trẻ em có thể phải làm việc trong thời gian dài hơn hay với điều kiện làm việc tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều em khác có thể sẽ bị buộc làm việc trong những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khi các gia đình thuộc diện dễ bị tổn thương phải đối mặt với tình trạng mất việc làm và thu nhập.

Theo UNICEF, trong khi các trường học ở khu vực phía Bắc bán cầu đóng cửa vào mùa hè, hơn 600 triệu trẻ em ở các quốc gia không nghỉ học vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học.

UNICEF cho biết, đối với ít nhất 1/3 số trẻ em đang đi học trên thế giới, việc học từ xa là không thể tiếp cận được. Ở Đông Á và Thái Bình Dương, cơ quan Liên hợp quốc ước tính có hơn 80 triệu trẻ em không được tiếp cận với bất kỳ chương trình giáo dục từ xa nào trong thời gian trường học đóng cửa. Các trường học ở miền Nam châu Phi và Uganda đã bị đóng cửa trong 306 ngày và là quốc gia có kết nối Internet tại nhà thấp nhất (0,3%); tiếp theo là Nam Sudan với 231 ngày đóng cửa trường học và chưa đầy 0,5% học sinh truy cập Internet ở nhà. Tại Nam Phi, việc đóng cửa trường học có nghĩa là 400-500 nghìn học sinh đã bỏ học hoàn toàn trong 16 tháng qua.

Một số phát hiện chính khác của Báo cáo, cho thấy: 70% lao động trẻ em hiện làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (112 triệu trẻ), 20% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (31,4 triệu trẻ) và 10% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp (16,5 triệu trẻ); Gần 28% trẻ trong độ tuổi 5-11 và 35% trẻ trong độ tuổi 12-14 là lao động trẻ em và không được đi học; Lao động trẻ em là các trẻ em trai phổ biến hơn trẻ em gái ở mọi lứa tuổi. Nếu tính đến các công việc gia đình phải làm mất ít nhất 21 giờ mỗi tuần thì khoảng cách giới trong lao động trẻ em thu hẹp hơn; Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).

Có thể thấy, những con số ước tính đáng báo động về sự ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới phụ nữ và trẻ em đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng bất bình đẳng cũng như những tổn hại về kết quả của các chương trình về bảo vệ phụ nữ, trẻ em toàn cầu. Trong bối cảnh, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ làm tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em hoàn toàn có thể xảy ra, do đó rất cần những hành động cụ thể nhằm giúp cho phụ nữ và trẻ em trên thế giới có được sự hỗ trợ và bảo vệ cao nhất trong và sau khi đại dịch Covid-19 đi qua./.

 
 
Gia Linh 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top