Năm 2020: Thế giới chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu

12/04/2021 - 11:18 AM
Không chỉ phải đối chọi với đại dịch Covid-19, năm 2020 còn là một năm thế giới tiếp tục phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ của sự biến đổi khí hậu như nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt cùng với mùa bão kỷ lục, khiến cuộc sống của người dân nhiều nơi trở nên điêu đứng và gây ra mối đe dọa cho sự ổn định kinh tế của nhiều quốc gia.
 
 Những con số bất an
 
Kết thúc năm 2020, hàng loạt các tổ chức quốc tế đã công bố những con số đầy bất an về tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Một báo cáo thường niên công bố vào tháng 12 vừa qua của Dự án carbon toàn cầu (GCP) cho biết, năm 2020, ước tính tổng lượng phát thải khí carbonic (CO2) trên toàn thế giới giảm 2,4 tỉ tấn so với năm 2019, tương đương mức giảm kỷ lục 7%. Lượng phát thải CO2 giảm đáng kể ở các quốc gia và khu vực phát thải nhiều nhất thế giới như: Mỹ giảm 12%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 11%, Ấn Độ giảm 9%. Giới phân tích cho rằng, lượng phát thải CO2 giảm là do chính phủ nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.
 
Tuy nhiên, do thời gian tồn tại lâu dài của CO2 trong khí quyển dẫn tới sự gia tăng nồng độ khí nhà kính, khiến nền nhiệt toàn cầu không ngừng tăng lên. Theo Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố vào tháng 12/2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm vừa qua cao hơn khoảng 1,2°C so thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900). Mức tăng này cũng tương tự với con số công bố vào đầu tháng 01/2021 của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S). Với mức nền nhiệt đó, năm 2020 trở thành một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất trong lịch sử và cũng khép lại một thập kỷ có nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu.
 
Sự ấm lên của trái đất được ghi nhận đáng chú ý nhất ở khu vực Bắc Á, đặc biệt là Bắc Cực. Vào ngày 20/6/2020, nhiệt độ ở Thị trấn Verkhoyansk (thuộc Siberia, Nga, nơi được biết đến với cái lạnh cực độ) đã tăng vọt lên mức 38,0°C, đánh dấu nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở phía Bắc vòng Bắc Cực. Nhiệt độ tăng lên đã khiến cho băng biển ở khu vực Bắc Cực tiếp tục tan chảy. Viện Khí tượng Đan Mạch ghi nhận diện tích băng biển tại Bắc Cực trong tháng 10/2020 ở mức thấp kỷ lục trong ít nhất 40 năm qua, đạt 6,5 triệu km2 do nước biển ấm bất thường. Trong năm 2020, khối băng lớn thứ 2 thế giới là Greenland cũng đã mất đi 152 tỷ tấn băng do hiện tượng tan chảy. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng mực nước biển toàn cầu trong những năm gần đây.
 
Báo cáo dựa trên các dữ liệu vệ tinh cũng cho thấy, nhiều khu vực có nền nhiệt cao vượt qua mức nhiệt trung bình toàn cầu năm 2020 do phải trải qua những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng. Ví dụ như vào tháng 8/2020, mức nhiệt ghi nhận tại Thung lũng Chết ở sa mạc Mojave (bang California, Mỹ) đã có thời điểm lên đến 54,4°C, nhiệt độ cao nhất được biết đến trên thế giới trong ít nhất 80 năm qua. Hay như tại châu Âu, sau khi trải qua một mùa Thu và Đông ấm bất thường cùng những đợt hạn hạn, nắng nóng, châu lục này đã xác nhận 2020 là năm nóng nhất trong lịch sử khu vực, với nhiệt độ trung bình cả năm cao hơn 2,2°C so với mức tiền công nghiệp và hơn gần 0,5°C so với năm 2019, năm từng được xem là năm nóng nhất tại "Lục địa Già". Cuba cũng đã phải trải qua ngày hè nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ đạt 39,7°C tại Veguitas vào giữa tháng 4/2020 trong khi Havana cũng có ngày nóng nhất với 38,5°C. Ở phía đông Địa Trung Hải, nhiều kỷ lục mới được thiết lập khi Jerusalem có mức nhiệt lên tới 42,7°C và Eilat là 48,9°C vào đầu tháng 9/2020. Còn ở Trung Đông, sân bay Kuwait và Baghdad có thời điểm đạt ngưỡng 52,1°C và 51,8°C sau đợt nắng nóng vào cuối tháng 7.
 
Trong năm 2020, mặc dù số lượng vụ cháy rừng giảm song điều đáng tiếc là lại nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí toàn cầu. Điển hình là vụ cháy rừng ở Australia, kéo dài từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020, do hạn hán kéo dài trên khắp quốc gia này nước. Đây được coi là một trong những thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất không chỉ trong lịch sử Australia mà còn trên cả thế giới nhiều năm qua, với mức độ thiệt hại ước tính khoảng 18 triệu ha đất, hơn 9000 tòa nhà và ngôi nhà bị phá hủy và cướp đi mạng sống của hơn 400 người; gây ra khoảng 400 triệu tấn CO2 với những đám khói lớn đủ để bao phủ toàn nước Nga.
 
Năm 2020: Thế giới chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu
Một thảm họa cháy rừng ở Australia tháng 1/2020

Khi thiệt hại từ thảm họa cháy rừng ở Australia chưa thể hồi phục, thì vào cuối mùa hè và mùa thu năm 2020 thế giới lại chứng kiến thêm một thảm họa cháy rừng khác hoành hành khắp miền Tây nước Mỹ do những đợt hạn hán trên diện rộng và nhiệt độ khắc nghiệt gây ra. Tính đến đầu tháng 11, bang California của quốc gia này đã xảy ra hơn 9.000 vụ cháy rừng, đốt cháy hơn 1,764 triệu hecta và khiến hàng chục nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn.
 
Con số thống kê chính thức của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cũng đáng báo động. Năm 2020, tại Brazil đã xảy ra tổng cộng 222,8 nghìn vụ cháy rừng, mức cao nhất trong thập kỷ vừa qua tại nước này. Trong đó, hơn 103 nghìn vụ xảy ra ở khu vực rừng Amazon, tăng gần 16% so với năm 2019 và hơn 22 nghìn vụ cháy tại khu vực đầm lầy lớn nhất thế giới Pantanal, tăng tới 120%.
 
Nếu như giai đoạn 2016-2019, nhiệt độ nhiều nơi trên trái đất cao kỷ lục do chịu tác động của hiện tượng El Nino (nước biển nóng lên), thì năm 2020 hoàn toàn ngược lai, trái đất chứng kiến hiện tượng La Nina (nước biển lạnh đi so với bình thường), khiến mùa mưa lũ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở các khu vực châu Phi, Nam Á - Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trên thế giới.
 
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), kể từ tháng 6 đến tháng 10/2020, những trận lũ lụt và lở đất kinh hoàng đã diễn ra, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của 3,6 triệu người ở Đông Phi. Cụ thể, lũ lụt đã khiến gần 1,1 triệu người ở Ethiopia bị ảnh hưởng, trong đó có trên 313 nghìn người phải sơ tán, trong khi con số này ở Nam Sudan lần lượt là 856 nghìn người và gần 400 nghìn người. Mực nước tại các hồ chứa ở Kenya cũng đã lên đến mức cao nhất trong lịch sử, khiến hàng nghìn người phải sơ tán.
 
Tại Trung Quốc, lượng mưa lớn liên tục ở lưu vực sông Dương Tử trong mùa gió mùa cũng gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã trải qua 21 trận lũ lụt, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ những năm trước, thiết lập kỷ lục lịch sử kể từ năm 1998. Cả năm 2020, lượng mưa trung bình trên toàn Trung Quốc là 616 mm, nhiều hơn 13% so với cùng kỳ năm trước và cao thứ hai kể từ năm 1961. Trong khu vực Đông Nam Á, những cơn mưa lớn khiến nước sông tràn bờ cũng đã gây trận lũ lụt nghiêm trọng ở thủ đô Jakarta của quốc gia Indonesia trong tháng 01/2020, làm cho ít nhất hơn 60 người thiệt mạng và 60.000 người phải sơ tán.
 
Năm 2020, thế giới còn chịu sự hoành hành của lượng lớn xoáy thuận nhiệt đới (gồm bão và áp thấp nhiệt đới). Theo WMO, số lượng xoáy thuận nhiệt trên toàn cầu năm 2020 cao hơn mức trung bình với 96 xoáy thuận tính đến nửa đầu tháng 11 ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu giai đoạn 2019-2020. Riêng tại khu vực Bắc Đại Tây Dương đã có một mùa mưa bão dữ dội khác thường với 30 xoáy thuận nhiệt đới tính đến giữa tháng 11/2020, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình dài hạn (1981-2010) và phá kỷ lục trong cả mùa được thiết lập vào năm 2005, khiến ít nhất 400 người thiệt mạng.
 
Tại Việt Nam, người dân cũng phải hứng chịu một năm 2020 thiên tai dị thường, khốc liệt. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020 Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, với 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 tại khu vực Trung Bộ... Trong gần 2 tháng, khu vực Duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua. Tính đến ngày đầu tháng 12/2020, thiên tai đã làm khoảng 350 người chết, mất tích và hơn 870 người bị thương.
 
Không chỉ gây thiệt hại về người và làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người dân, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã dẫn đến những tổn thất đáng kể về kinh tế đối với nhiều quốc gia. Ví dụ như tại Mỹ, Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, các thảm họa gây thiệt hại tổng cộng 16 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020, tương đương với các mức thiệt hại cao nhất được ghi nhận vào các năm 2011 và năm 2017. Trong khi đó tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu AMP Capital dự báo, các vụ cháy rừng của Australia có thể gây thiệt hại lên đến 1% tăng trưởng GDP nước này, tương đương 20 tỷ AUD. Cơn bão Amphan đổ bộ vào gần biên giới Ấn Độ - Bangladesh trong tháng 5/2020 cũng gây thiệt hại khoảng 14 tỷ USD cho nền kinh tế Ấn Độ....
 
Cùng với đó, sự biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đang khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng trở lại kể từ năm 2014 sau nhiều thập kỷ suy giảm. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), gần 690 triệu người, tương đương 9% dân số thế giới, bị suy dinh dưỡng và khoảng 750 triệu người đã trải qua mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào năm 2019. Số người được xếp vào tình trạng khủng hoảng, khẩn cấp và đói kém đã tăng lên gần 135 triệu người trên 55 quốc gia. Năm 2020, FAO và WFP cùng nhận định, hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi đồng thời các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán và bão) và đại dịch COVID-19, khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng hơn.
 
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cần sự nỗ lực và đồng thuận thực hiện cam kết mạnh mẽ hơn
 
Những con số báo động trên đã khiến các nhà nghiên cứu, chuyên gia đặt dấu hỏi về việc các quốc gia thực hiện đến đâu trong cam kết của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015. Nhìn lại 5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn. Thực hiện các mục tiêu đặt ra, hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ cùng nỗ lực hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 20C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên sau 5 năm ký kết, Thỏa thuận Paris đã không mang lại nhiều tiến bộ như mong đợi. Dù hàng loạt các cảnh báo cấp bách về thiên tai khí hậu vẫn đang được đưa ra, nhưng thực tế là các chính phủ vẫn dè dặt trong chính sách về khí hậu.
 
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến cho nhiều quốc gia quay cuồng trong cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế và nhiều nước đã phải tạm gác lại những cam kết về chống biến đổi khí hậu. Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 cũng đã dời ngày tổ chức sang tháng 11/2021. Theo đó, nhiều nước cũng đã trì hoãn trình bản Cam kết tự nguyện đóng góp cắt giảm khí thải nhà kính (NDC) mới theo đúng kế hoạch vào cuối năm 2020 sang năm sau. Cho tới nay, có chưa đến 20 quốc gia trong nhóm phát thải khoảng 5% khí thải toàn cầu nộp bản kế hoạch mới.
 
Tuy nhiên, tại một hội nghị do LHQ cùng Anh và Pháp đồng bảo trợ đã được tổ chức trực tuyến vào ngày 12/12/2020, nhiều nền kinh tế đã công bố những cam kết khí hậu mạnh mẽ hơn. Ví dụ như Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mục tiêu tới năm 2030 cắt giảm 55% lượng khí thải, tăng so với mức 40% trước đây. Vương quốc Anh thông báo vào năm 2030 sẽ cắt giảm 68% khí thải so với mức năm 1990. Trung Quốc cam kết cắt giảm 25% và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Mặc dù vậy, bên cạnh đó vẫn còn sự“im lặng” của nhiều quốc gia trong hành động để giảm thiểu sự biến đổi khí hậu. Đơn cử như Brazil và Nga, dù đã đưa ra NDC mới nhưng không đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cao hơn, còn Indonesia và Australia tuyên bố sẽ không tăng mức cắt giảm, trong khi một số nước phát thải lớn, như Ấn Độ, cam kết đưa ra mục tiêu cao hơn nhưng chưa thực hiện.
 
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nếu như các nước không có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện tốt mục tiêu ngăn biến đổi khí hậu, trong vòng 30 năm tới, thế giới sẽ phải chấp nhận làm quen với tình trạng thảm họa tự nhiên ngày càng dày đặc và khắc nghiệt, thậm chí vượt quá mức kiểm soát và ứng phó của con người. Người dân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, từ mất an ninh lương thực gia tăng cho đến hạn hán ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên. Số người sống ở các khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng từ 42% đến 95%, tương đương 2,7 đến 3,2 tỷ người. Người dân ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Á sẽ phải đối mặt với việc giảm lượng nước cung cấp nhiều nhất. Tại một cuộc họp báo Liên hợp quốc, nhận định "Thế giới đang đi chệch hướng, còn rất xa để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 1,50C. Nếu mọi thứ vẫn như cũ, nhiệt độ sẽ tăng 3 đến 5 độ so với mức thời kì tiền công nghiệp” cũng được đưa ra.
 
Trước những nguy cơ trên và nhìn vào hành động thực tế của các quốc gia thì rõ ràng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần sự đồng thuận mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cần có những hành động thiết thực hơn./.
Ngọc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top