Bức tranh dân số thế giới 2020: Những gam màu u ám

04/11/2020 - 10:02 AM
Tháng 7/2020, bức tranh dân số thế giới năm 2020 được khắc họa qua báo cáo Tình trạng được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố cho thấy những câu chuyện đáng buồn về xâm phạm quyền và thân thể con người, đặc biệt với trẻ em và phụ nữ bất chấp các bước tiến lớn về bình đẳng giới trong tiếp cận y tế và giáo dục. Đây dù là những vấn đề từ lâu đã bị lên án trong các công ước quốc tế về quyền con người cũng như luật pháp quốc gia, nhưng vẫn đang diễn ra ở cả nước đang phát triển lẫn nước phát triển và được thực hiện bởi cộng đồng tôn giáo, nhân viên y tế, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ hay thậm chí là do thành viên trong gia đình. Mỗi hành vi có hại đều có thể gây ra tổn thương ngắn hạn và dài hạn không chỉ về thể chất, tinh thần hay cảm xúc đối với một con người mà còn là sự tổn thất về kinh tế, sự tổn hại uy tín, hạ thấp chỗ đứng của một con người trong cộng đồng. Không những để lại hậu quả bi kịch đối với mỗi cá nhân, những hành vi có hại được cho là “cuộc khủng hoảng ngầm mang tính đặc thù vùng miền” vẫn đang tác động đến toàn xã hội.

Tảo hôn vẫn là một vấn nạn nhức nhối

Mặc dù tảo hôn là hành vi bị nghiêm cấm ở gần như tất cả mọi nơi trên thế giới và đang dần được xóa bỏ, nhưng đây vẫn là vấn nạn phổ biến nhất ở nhiều quốc gia, nhất là ở các khu vực nghèo, vùng nông thôn tại một số quốc gia đang phát triển. Cả trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể trở thành nạn nhân của tảo hôn, thường bị ép buộc bởi các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng hoặc cả xã hội, nhưng trẻ em gái là đối tượng chủ yếu bị nhắm đến. Theo thống kê, mỗi ngày vẫn có đến 33 nghìn trẻ em bị buộc phải kết hôn sớm. Ước tính có 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ hiện nay kết hôn ở độ tuổi nhỏ và sẽ có thêm 150 triệu trẻ em gái dưới 18 tuổi kết hôn vào năm 2030.

Hiện tình trạng tảo hôn diễn ra nghiêm trọng nhất ở Nam Á, châu Phi cận Sahara, một số khu vực thuộc Mỹ Latinh và vùng Caribe. Cụ thể, tỉ lệ phổ biến ở mức cao nhất là tại Tây Phi và Trung Phi với 40%, tiếp theo là Đông Phi và Nam Phi với 34% (số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF). Cũng theo Tổ chức này, tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, cứ 4 trẻ em gái thì có 1 trẻ kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với bạn tình trước 18 tuổi, thậm chí ở một số khu vực khác thì nhiều hơn khi cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ kết hôn sớm.

Các chuyên gia phân tích và cho rằng, định kiến về giới và phân biệt giới tính là hai nguyên nhân chính giải thích vì sao trẻ em gái chiếm phần đa trong các trường hợp tảo hôn thay vì trẻ em trai.

Ngoài việc xâm phạm đến các quyền cơ bản, tảo hôn đang gây ra nhiều hệ lụy đặc biệt các trẻ em gái như: Việc học hành bị bỏ dở; sức khỏe trở nên kém dần do mang thai và sinh con sớm trong khi chưa sẵn sàng về mặt thể chất, cảm xúc, kiến thức hay tài chính; bị đe dọa hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực giới cũng như phải đối mặt với khả năng tử vong do mang thai sớm... Cùng với đó, trẻ em do phụ nữ vị thành niên sinh ra có sức khỏe kém, dinh dưỡng không đảm bảo. Những yếu tố này kết hợp với nhau gây ảnh hưởng đến khả năng lao động và tiềm năng kinh tế của trẻ em gái khi bị bắt kết hôn quá sớm. Không chỉ ảnh hưởng đến duy nhất trẻ em gái, những vấn đề trên còn tác động lan rộng ra cả gia đình và cộng đồng khi làm suy giảm sự phát triển của một lực lượng lao động có trình độ, năng suất cao và tác động trực tiếp đến sức khỏe của nền kinh tế.

Ảnh hưởng của vấn nạn tảo hôn đối với quyền, lựa chọn và cơ hội của trẻ em gái dù không thể đong đếm, song một số quốc gia đã đo lường thiệt hại về tiềm lực con người dẫn đến những tổn hại lớn về kinh tế do tảo hôn gây ra. Ngân hàng Thế giới tính toán, tại 12 quốc gia nơi tình trạng tảo hôn diễn ra phổ biến, tổn thất về vốn con người lên đến 63 tỷ USD trong giai đoạn 2017- 2030, lớn hơn rất nhiều so với khoản hỗ trợ ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) mà các quốc gia này nhận được.

 
Bức tranh dân số thế giới 2020: Những gam màu u ám

Sự ưa thích con trai – bất bình đẳng ăn sâu trong tư tưởng người dân

Dù ưa thích con trai được cho không phải là một truyền thống vô hại nhưng lại là một biểu hiện của bất bình đẳng giới đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân, xuất phát từ các định kiến giới tiêu cực và xuất hiện ở nhiều quốc gia, trong các gia đình có quan điểm sống gia trưởng.
 
Bức tranh dân số thế giới 2020: Những gam màu u ám 1

Tư tưởng ưa thích con trai được thể hiện rõ ràng nhất ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm cả việc phá thai khi biết là con gái. Không thể khẳng định sự phát triển của y học ngày nay với tính sẵn có của các biện pháp sàng lọc, xác định giới tính thai nhi… song với luật pháp và chính sách hướng đến chấm dứt việc phá thai lựa chọn giới tính đã và đang không hoạt động hiệu quả như hiện nay thì điều này càng thúc đẩy hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là khi tỷ lệ sinh giảm và xu hướng quy mô gia đình thu hẹp.
 
Tỷ lệ giới tính khi sinh tự nhiên là 105 hoặc 106 nam trên 100 nữ. Theo Báo cáo tình trạng dân số thế giới 2020 của UNFPA, 3 quốc gia Hàn Quốc, Singapore và Tunisa từng có tỷ lệ giới tính mất cân bằng nhưng hiện đã trở lại mức gần với tỷ lệ giới tính khi sinh tự nhiên và lần lượt là 105,4; 106,1 và 107,0. Trung Quốc và Ấn Độ hiện là 2 quốc gia có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất thế giới với các con số 111,9 và 111,6. Hai quốc gia này cũng chiếm khoảng 90-95% trong số ước tính 1,2 triệu - 1,5 triệu trẻ em gái mất đi khi sinh hàng năm trên toàn thế giới do việc lựa chọn giới tính thai nhi. Đây cũng là 2 quốc gia chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số trẻ em sinh ra mỗi năm. Có một xu hướng chung tại các quốc gia là việc lựa chọn giới tính thai nhi thường không thực hiện đối với con đầu lòng. Tuy nhiên, về sau, họ có thể quyết định phá thai để lựa chọn giới tính nếu con đầu lòng là con gái.
 
Các chuyên gia phân tích, tư tưởng ưa thích con trai được thúc đẩy từ vấn đề nghèo đói bởi theo định kiến, nam giới là trụ cột, kiếm tiền nuôi gia đình và người bảo vệ gia đình. Ngược lại, phụ nữ được coi là “người chăm sóc”, phụ trách nội trợ, chăm con, chăm người cao tuổi - những công việc cần ít giáo dục chính quy và không cần trả công thỏa đáng. Tuy nhiên, nghèo chưa phải là toàn bộ câu chuyện mà còn là quan niệm con trai nối dõi tông đường ở một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở châu Á, bị ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng Nho giáo truyền thống.
 
Tư tưởng ưa thích con trai đã dẫn đến tình trạng đàn ông có nguy cơ không tìm được bạn đời và có con. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực đối với phụ nữ và tình trạng buôn bán người. 
 
Theo một ước tính gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trung bình sẽ mất gần 100 năm để xóa bỏ khoảng cách giữa nam và nữ nói chung, và 257 năm để xóa bỏ khoảng cách về sự tham gia vào nền kinh tế giữa nam và nữ. Một khảo sát trên 80% dân số thế giới cũng cho thấy 90% nam giới và cả nữ giới đều có một số định kiến nhất định đối với phụ nữ (UNDP, 2020).
 
Năm 2020 là năm bắt đầu một “thập kỷ hành động” hướng tới hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đến năm 2030, bao gồm Chỉ tiêu 5.3 về chấm dứt các thực hành có hại. Để đảm bảo lời hứa đặt ra trong Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994 cũng như Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, bảo vệ hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái, UNFPA khuyến nghị chính phủ các nước trên toàn thế giới cần đẩy mạnh nỗ lực thay đổi nhận thức cổ xúy bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, cũng cần có những sự thay đổi trong hệ thống kinh tế, giáo dục, pháp lý và chăm sóc y tế để phản ánh và hạn chế thấp các tổn hại mà những hành vi trên gây ra./.
Ngọc Linh

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top