Cuối năm 2021, nền kinh tế Mỹ được nhận định sẽ trải qua năm 2022 với xu hướng thích ứng dần với đại dịch Covid-19 mà không cần nhiều sự trợ giúp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoặc chính phủ liên bang. Trái ngược với dự báo, trên thực tế nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phải trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất.
Đầu năm 2022, mặc dù nền kinh tế còn tồn đọng nhiều đơn đặt hàng từ Giáng sinh năm trước, nhưng làn sóng hàng hóa tràn vào Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay với tốc độ kỷ lục 3,4 nghìn tỷ USD, do nhu cầu của người dân trong nước liên tục tăng cao và các dòng sản phẩm đến từ khắp nơi trên thế giới nhanh chóng được cải thiện, chuỗi cung ứng toàn cầu đã phần nào được chữa lành sau một thời gian bị “đứt gãy” do dịch bệnh Covid-19. Đây tưởng chừng là một tin tốt lành, song theo báo cáo được Cục Nghiên cứu kinh tế Mỹ công bố ngày 29/6, GDP nước này đã bất ngờ sụt giảm tới 1,6% trong 3 tháng đầu năm 2022 so cùng kỳ năm ngoái. Mức suy giảm này sâu hơn so với mức 1,4% mà cơ quan này công bố dữ liệu sơ bộ hồi tháng 4/2022 và thể hiện một nền kinh tế “ốm yếu”. Quý I/2022 cũng là lần đầu tiên kinh tế Mỹ sụt giảm kể từ quý II/2020 khi nước này chìm sâu trong cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. Một số đánh giá gần đây cho rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục giảm trong quý 2, chứng minh mối lo nền kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật đang diễn ra khi 2 quý liên tiếp tăng trưởng sụt giảm. Một số yếu tố chính khiến kinh tế Mỹ đi xuống vào đầu năm 2022 được cho là do các nhà bán lẻ giảm mua hàng tồn kho, thâm hụt thương mại đối với hàng hóa của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3 (theo Bộ Thương mại Mỹ).
Báo cáo của Cục Thống kê lao động Mỹ cũng cho thấy, tháng 6 vừa qua đánh dấu quãng thời gian khó khăn đối với người tiêu dùng tại quốc gia này - họ đã phải trả giá cao cho tất cả mọi thứ. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê lao động Mỹ công bố vào ngày 13/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn tháng trước (8,6%) và bỏ xa dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Refinitiv (8,8%). Đây cũng là mức lạm phát cao nhất được ghi nhận tại nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ tháng 11/1981, khiến nền kinh tế nước này chậm lại. Phần lớn mức tăng của CPI trong tháng 6 vừa qua được dẫn dắt bởi giá xăng cao kỷ lục, trung bình là 5 USD/Gallon (tương đương 3,7 lít) và do tác động của xung đột Nga-Ukraine. Giá năng lượng đã tăng 7,5% trong tháng 6/2022 và tăng 41,6% trong 12 tháng qua. Nếu trừ giá năng lượng và thực phẩm, lạm phát cơ bản của Mỹ tăng 5,9% so với năm ngoái. Cũng trong tháng 6/2022, chỉ số giá lương thực tăng 1%, chi phí nhà ở - chiếm khoảng 1/3 CPI tăng 0,6%. Trong đó, chi phí thuê nhà đã tăng 0,8% - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/1986. Nhận định về chỉ số lạm phát, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, đây là mức "cao không thể chấp nhận được". Sức tăng phi mã của những con số trên đã ăn mòn sức mua của người dân bởi lương tăng không theo kịp giá cả bởi chi phí cho các vật dụng thiết yếu hàng ngày đang tăng nhanh chóng.
Lạm phát tăng nóng khiến giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và ghìm giá cả. Kết quả cuộc thăm dò các chuyên gia được Reuters được tiến hành từ ngày 14- 20/7 mới được công bố cho thấy, đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong 40 năm là 9,1%, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 6/2022 - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Vào cuối tháng 7 mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát. Theo Reuters, một lộ trình tăng lãi suất tích cực như vậy đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái ở Mỹ. Lãi suất cao sẽ khiến cho doanh nghiệp hạn chế vay mượn để mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh. Người tiêu dùng cũng sẽ bớt vay bớt tiêu, kết quả là nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đều đi xuống. Tiêu dùng của hộ gia đình giảm xuống là một dấu hiệu nữa cho thấy suy thoái đang đến gần.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Mỹ ngày 7/7 công bố số liệu cho thấy các đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 2/7 vừa qua đã tăng lên 235 nghìn người. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp số đơn đăng ký thất nghiệp tăng và ở mức cao nhất trong gần 6 tháng. Cụ thể, con số trên tăng 4 nghìn so với tuần trước đó và cao nhất kể từ giữa tháng 1. Trong 6 tháng đầu năm, các đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn chưa vượt quá 220 nghìn và thường dưới 200 nghìn đơn. Tuy nhiên, số đơn đăng ký thất nghiệp trung bình trong 4 tuần gần đây đã tăng lên 232,5 nghìn đơn. Tổng số người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 25/6 đã tăng 51 nghìn người so với tuần trước, lên gần 1,4 triệu người.
Ngày 22/7, S&P Global cũng cho biết chỉ số PMI tổng hợp sản xuất của Mỹ sơ bộ trong tháng 7 đã giảm nhiều hơn dự kiến, từ mức 52,3 của tháng 6 xuống 47,5 (dưới 50), cho thấy hoạt động kinh doanh của nền kinh tế số 1 thế giới đang trên đà đi xuống.
Không chỉ vậy, thị trường chứng khoán của Mỹ cũng nhiều ngày “đỏ lửa” diễn ra những phiên giao dịch giảm mạnh do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trước quan ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế bởi hàng loạt những vấn đề đáng quan ngại như cuộc xung đột Nga-Ukraine, lạm phát đang tác động tiêu cực tới nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Những con số trên minh chứng nền kinh tế Mỹ đang phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn. Trong nửa sau của năm 2022, những bàn tán không ngớt về việc nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái ngày một nhiều hơn.
Lạm phát cao, chi tiêu của người tiêu dùng đang suy yếu và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát là cơ sở để ngày 12-7 vừa qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng việc tránh một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ ngày càng“khó khăn hơn”, đồng thời một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2022 và 2023. Cụ thể, tổ chức này cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Mỹ từ 2,9% xuống 2,3. Ngoài ra, IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 còn 1%, từ mức 1,7% đưa ra hồi tháng 6 vừa qua. Quỹ IFM cũng dự báo việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ giúp giảm lạm phát xuống 1,9% vào quý 4/2023, so với mức dự báo 6,6% cho quý 4/2022.
Còn các chuyên gia của Bank of America cho rằng, GDP của Mỹ sẽ giảm 1,4% trong năm 2022, trước khi tăng trở lại 1% vào năm 2023. Vào cuối năm 2023, Fed sẽ đảo ngược hướng đi và bắt đầu cắt giảm lãi suất sau một loạt các đợt tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Trong khi đó, các chuyên gia trong cuộc thăm dò mới nhất của Reuters dự báo kinh tế Mỹ có 40% nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm tới và nguy cơ này có thể tăng lên 50% trong vòng hai năm. Các mức dự báo này tăng từ các mức lần lượt 25% và 40% trong cuộc thăm dò hồi tháng 6.
Các dự báo trên đều cho thấy một tương lai không mấy sáng sủa cho nền kinh tế lớn nhất thế giới và các chuyên gia kinh tế đều mong muốn nền kinh tế Mỹ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này./.
Quang Vinh