Thế giới đối diện với nắng nóng kỷ lục và mối lo El Nino trở lại

21/08/2023 - 03:28 PM
Ngay từ những ngày đầu tháng 4/2023, nhiều quốc gia châu Á đã phải hứng chịu những ngày nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt cao kỷ lục. Trong khi đó, tại châu Âu, vấn nạn nắng nóng thiêu đốt cũng đã hoành hành từ trước đó ở nhiều quốc gia. Các nhà khoa học khí hậu đã đưa ra cảnh báo, nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2023 hoặc 2024, do biến đổi khí hậu và khả năng hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại.
 
Nắng nóng kỷ lục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới

Giới khoa học khí tượng đã đưa ra cảnh báo mùa hè 2023, châu Á được ví như “chảo lửa” của thế giới. Riêng trong tháng 4/2023 đã có hơn 12 quốc gia ở châu lục này trải qua tình trạng nóng khủng khiếp. Theo thống kê, châu Á chỉ mất 8 năm (gần đây nhất) để phá vỡ hơn 1/3 số kỷ lục quốc gia về nắng nóng.

Tại Thái Lan, những ngày cuối tháng 4/2023, quốc gia này đã chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử với mức nhiệt 45,4 độ C. Thậm chí, nhiệt độ cảm nhận thực tế lên tới trên 46 độ C - mức nhiệt được coi là cực đoan và đe dọa đến tính mạng của bất kỳ ai, kể cả những người đã quen với kiểu thời tiết nắng nóng gay gắt kết hợp độ ẩm cao.

Myanmar cũng đã hứng chịu 12 ngày nắng nóng khắc nghiệt trong tháng Tư vừa qua, cho đến khi bão Mocha đem mưa đến xoa dịu bầu không khí nhưng lại tàn phá nặng nề quốc gia này. Nắng nóng tiếp tục tấn công Myanmar khi ngày 31/5, thị trấn Hkamti ở miền Tây nước này ghi nhận mức nhiệt 42,3 độ C, cao nhất trong 58 năm qua, thị trấn Myitkyina ở miền Bắc cũng ghi nhận mức nhiệt 41,8 độ C, cao nhất trong 57 năm.

Người dân Singapore cũng đã trải qua ngày nắng nóng nhất trong 40 năm khi nhiệt độ vào ngày 13/5 lên tới 37 độ C, cao nhất kể từ tháng 4/1983. Lào ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 43,5 độ C trong 2 ngày liên tiếp của tháng Năm. Tình trạng nắng nóng kéo dài cũng xảy ra ở Campuchia và Malaysia trong tháng Tư và Năm năm nay.

Tại Trung Quốc, ngày 29/5, Cơ quan thời tiết Thượng Hải (Trung Quốc) đã đưa ra thông báo: Vào lúc 13h09, nhiệt độ tại ga metro Xujiahui đạt 36,1 độ C, phá kỷ lục các mức nhiệt độ cao nhất trong tháng Năm được ghi nhận trong 100 năm qua. Điều đáng nói là Trung Quốc bắt đầu hứng chịu các đợt nắng nóng ở một số khu vực ngay từ tháng Ba năm nay. Thậm chí tại những địa phương vốn được biết tới với thời tiết ôn hòa như Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc gần đây đã trải qua mức nhiệt hơn 40 độ C. Quốc gia này cũng đã đưa ra công bố, 109 trạm quan trắc khí tượng ở 12 tỉnh đồng loạt phá kỷ lục cao nhất lịch sử tháng Tư.

Tại Ấn Độ, nhiều vùng ở quốc gia này đã ghi nhận mức nhiệt hơn 44 độ C trong khoảng giữa tháng 4/2023, nhiều người dân gần thành phố Mumbai đã bị sốc nhiệt. Chính quyền các bang ở nước này đã phải đóng cửa trường học và các bộ trưởng kêu gọi trẻ em ở nhà để tránh đau đầu và mệt mỏi.

Ở Việt Nam, theo dữ liệu của các nhà khí hậu học, mức nhiệt cao kỷ lục 44,2 độ C cũng đã được ghi nhận vào đầu tháng Năm. Ngày 1/6, Việt Nam trải qua ngày tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay với mức nhiệt 43,8 độ C.

 
Thế giới đối diện với nắng nóng kỷ lục và mối lo El Nino trở lại
Thế giới đối diện với nắng nóng kỷ lục 
 
Không chỉ ở châu Á, nắng nóng cực đoan cũng đã tấn công thế giới một cách khó lường. Tại châu Âu, ngày 8/3, các nhà khoa học thuộc Liên minh châu Âu cho biết châu lục này vừa trải qua mùa đông nóng thứ hai trong lịch sử. Dữ liệu do Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) công bố, nhiệt độ trung bình ở châu Âu từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 cao hơn 1,4 độ C so với mức trung bình của mùa đông phương Bắc giai đoạn 1991-2020. Khoảng thời gian 3 tháng này được xếp vào mùa đông nóng thứ hai tại châu Âu.

Theo C3S, nhiệt độ rất cao ở Đông Âu và phía Bắc các nước Bắc Âu. Trong khi nhiệt độ chung ở châu Âu cao hơn mức bình thường, thì tại một số khu vực lại ghi nhận nhiệt độ dưới mức trung bình, bao gồm một số vùng của Nga và Greenland. Các nhà khoa học cho biết, mùa đông ở châu Âu đang trở nên nóng hơn do nhiệt độ toàn cầu tăng lên, nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu bởi con người gây ra.

Ủy ban châu Âu cho biết, ngày 02/01/2023, hàng trăm kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ trên khắp lục địa, trong đó có thị trấn Altdorf của Thụy Sĩ đạt 19,2 độ C, vượt qua kỷ lục trước đó từ năm 1864. Tại Tây Ban Nha, theo cơ quan khí tượng thủy văn Tây Ban Nha (Aemet), nhiệt độ đã lên đến 38,7 độ C ở thành phố Cordoba (miền nam) và 37,8 độ C ở tỉnh Sevilla vào lúc 15 giờ (giờ GMT) hôm 27/4. Đợt nắng nóng sớm bắt đầu từ 24/4, khiến chính quyền lo ngại Tây Ban Nha trở thành nạn nhân chính ở châu Âu của trình trạng Trái đất nóng lên. Theo Liên hợp quốc, hiện tượng nhiệt độ đặc biệt tăng cao liên tục trong những năm gần đây tại Tây Ban Nha khiến nước này có nguy cơ bị sa mạc hóa đến 75% diện tích.

Tại miền nam nước Pháp, tình hình ở tỉnh Đông Pyrénées cũng ngày càng đáng lo ngại. Do bị hạn hán nghiêm trọng, tháng 4/2023 cũng là tháng khô nhất kể từ năm 1959, vụ cháy rừng đầu tiên cũng đã xảy ra ngay giữa tháng Tư. Ngày 25/4, tỉnh này đã đưa ra báo động sẽ không có đủ nước cho tất cả mọi người trong mùa hè tới.

Trước tình trạng nắng nóng kỷ lục đang diễn ra phổ biến ở hầu khắp các nơi trên thế giới, ngày 03/5/2023, Liên hợp quốc đã cảnh báo nguy cơ cao về hiện tượng El Nino sẽ diễn ra trong vài tháng tới, làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao và có thể dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng đánh giá khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 là 60% và cuối tháng 9 là 80%. Theo Liên hợp quốc cảnh báo gần như chắc chắn giai đoạn 2023-2027 sẽ là thời gian 5 năm ấm nhất từng được ghi nhận, do hiệu ứng nhà kính và hiện tượng El Nino kết hợp làm nhiệt độ tăng mạnh. WMO dự báo, nhiệt độ của năm 2023 có thể cao hơn mức trung bình của giai đoạn 1991-2020 ở hầu hết các vùng trên thế giới, ngoại trừ Alaska, Nam Phi, Nam Á và một số khu vực của Australia.

Theo các nhà khoa học nhận định, tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các hình thái thời tiết trở nên khó lường hơn. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo rằng nhiệt độ Trái đất càng tăng lên sẽ làm gia tăng nhiều rủi ro đồng thời. Riêng tình trạng nắng nóng gay gắt như thiêu đốt ở Đông Nam Á thời gian qua đã trở nên nguy hiểm hơn do độ ẩm cao, khiến cơ thể khó hạ nhiệt, gây ra các triệu chứng như say nắng, kiệt sức, có thể đe dọa tính mạng, nhất là những người mắc bệnh về tim, thận, tiểu đường, phụ nữ có thai. Đặc biệt, nắng nóng tác động trực tiếp tới những người lao động làm việc ngoài trời, lao động phi chính thức. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, các đợt nắng nóng như đổ lửa còn đe dọa môi trường và sinh kế vốn bấp bênh của những người dễ bị tổn thương nhất khi gây hạn hán, tàn phá mùa màng, góp phần gây hỏa hoạn, cháy rừng, phá hủy cơ sở hạ tầng, đường sá.

Những thống kê, tính toán từ thực tế những năm trước đó cho thấy, khi El Nino xuất hiện thì hệ luỵ đồng thời mang đến không chỉ là nắng nóng mà còn cả những hệ luỵ khủng khiếp về người và tài sản. Giai đoạn El Nino 1982-1983, kinh tế toàn cầu thiệt hại 4.100 tỷ USD và giai đoạn El Nino 1997- 1998, toàn cầu mất 5.700 tỷ USD. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng El Nino được dự đoán riêng cho năm 2023 có thể kìm hãm nền kinh tế toàn cầu tới 3.000 tỷ USD. Hiện tượng El Nino đã từng là nguyên nhân của thảm họa cháy rừng tại Indonesia năm 2015, khói độc từ các đám cháy đã lan đến các nước láng giềng như Singapore và Malaysia, và được cho là nguyên nhân tử vong sớm của hơn 100.000 người.

Các quốc gia thực hiện nhiều giải pháp ứng phó

Trước những dự báo về khả năng El Nino xuất hiện trong năm 2023, 2024 đi kèm theo đó là những tác động tiêu cực tới đời sống của người dân, các quốc gia trên thế giới đã có những kế hoạch chuẩn bị để ứng phó:

Tại Ấn Độ, trước dự đoán nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt và El Nino xuất hiện, Thủ tướng Ấn Độ đã chủ trì một cuộc họp cấp cao để xem xét công tác chuẩn bị của chính phủ trong vài tháng tới. Trong đó, yêu cầu các bệnh viện và cơ sở y tế tiến hành kiểm tra nguy cơ hỏa hoạn và thực hiện các cuộc diễn tập an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ còn yêu cầu các kênh truyền thông thường xuyên đưa tin và giải thích rõ cho người dân hiểu về tình hình thời tiết để có những biện pháp ứng phó phù hợp. Theo Viện Y tế Cộng đồng Ấn Độ, quốc gia này đã lập kế hoạch hành động chống nắng nóng đầu tiên của Ấn Độ, trong đó bao gồm các giải pháp đơn giản như hướng dẫn mọi người phải làm gì trong trường hợp nhiệt độ cao và chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về nhiệt.

Tại Philippines, các cơ quan chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước tiềm ẩn do El Nino gây ra để tránh lặp lại sự cố năm 2019, khi khoảng 10.000 hộ gia đình ở khu vực Metro Manila bị mất nước do mực nước trong các hồ chứa chính của Thủ đô cạn khô. 

Tại Indonesia, chính phủ cũng đã khuyến khích nông dân và các công ty đồn điền đề phòng hỏa hoạn ở Sumatra và Kalimantan trước sự kiện El Nino.

Tại Việt Nam, để ứng phó với tình trạng nắng nóng gay gắt cũng như dự báo về sự xuất hiện của El Nino, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và cảnh báo tác động của El Nino, thông tin cho các Bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.

Thực hiện chủ trương này, các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch thực hiện ứng phó cụ thể, trong đó tăng giám sát và tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông. Cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Các chuyên gia tại Việt Nam cho biết, với khả năng cao xuất hiện của El Nino trong thời gian tới, các đơn vị liên quan cần rà soát đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có điều chỉnh kế hoạch phù hợp, đặc biệt là đối với vụ hè thu ở Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, hay các khu vực có hoạt động phát triển du lịch lớn trong những tháng mùa khô 2023. Các hồ chứa cũng cần xem xét có điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó với nguy cơ thâm hụt lượng mưa trong điều kiện El Nino. Bên cạnh ứng phó với tình hình thiếu nước, khô hạn trong điều kiện El Nino thì mọi người dân không được mất cảnh giác với khả năng xảy ra mưa lũ bất thường như đã từng xảy ra trong những năm El Nino trước đây.

Tại Thái Lan, nhiệt độ cao khiến nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng, đặt hệ thống điện ở mức báo động. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan (ERC) cho biết, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 35.000 MW chỉ trong một ngày. Đây là mức tiêu thụ điện kỷ lục trong mùa nắng nóng của nước này và cao hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2022. Một số địa phương tại Thái Lan đã xảy ra các sự cố điện lưới diện rộng khi chịu quá tải cục bộ. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan cho biết sẽ có biện pháp phù hợp nếu như nhu cầu sử dụng điện của Thái Lan vượt ngưỡng 35.000MW.

Trước những nguy cơ đe dọa tính mạng con người, nhà chức trách Thái Lan đã khuyến cáo người dân ở trong nhà, uống đủ nước, mặc quần áo sáng màu và tránh ăn một số loại thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Giới chức Singapore cũng đã nới lỏng các quy định về đồng phục của học sinh để phù hợp với thời tiết nắng nóng ở nước này. Tại Malaysia, chính phủ nước này đã đưa ra một số biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng do nắng nóng kéo dài bao gồm gieo mây, triển khai 101 giếng khoan để phục vụ cho các khu vực khó tiếp cận nguồn nước, tạm thời dừng các hoạt động ngoài trời tại trường học, cung cấp nước uống miễn phí…

Mặc dù nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng gay gắt và đề phòng những rủi ro từ hiện tượng El Nino, song khi El Nino quay trở lại thì việc duy nhất nhân loại có thể làm được là tìm phương cách đối phó nhằm giảm thiểu những thiệt hại do El Nino gây ra. Chính vì vậy, các nhà khoa học khí hậu cho rằng: “Thế giới nên chuẩn bị cho sự phát triển của El Nino - hiện tượng thường liên quan đến nhiệt độ tăng cao hay hạn hán. Nó có thể mang lại thời gian nghỉ ngơi sau hạn hán ở vùng Sừng châu Phi và các tác động khác do La Nina, nhưng cũng có thể gây ra các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn. Điều này nhấn mạnh Liên hợp quốc cần cảnh báo sớm để giúp mọi người giữ an toàn”.

Theo khuyến cáo của WMO, việc cảnh báo sớm không chỉ giúp người dân tự phòng chống trước thiên tai, mà còn tạo điều kiện cho các chuyên gia điều chỉnh các khuyến nghị trồng trọt, giải phóng hoặc duy trì mực nước đập nếu có thể, hoặc chỉ đơn giản là dự trữ vật tư cứu trợ thiên tai. Các nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London cũng cho hay, nhiệt độ do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang trải qua bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng.

Giới chuyên gia cho rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á, một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu, cần chủ động hơn nữa trong việc tìm cách thích nghi, cải thiện khả năng dự báo để có thể hành động ứng phó sớm, nhằm tránh thiệt hại tối đa do sóng nhiệt được coi là “mối đe dọa thầm lặng” này gây ra. Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho rằng thế giới cần có một kế hoạch mang tầm quốc tế để có thể bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro biến đổi khí hậu ngày càng tăng và các biện pháp chủ động để ngăn ngừa các vấn đề tiềm tàng liên quan đến sức khỏe con người trước những tác động của hiện tượng El Nino./.

 
T.Hoà
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top