Hệ thống tàu điện nội đô ASEAN

19/07/2019 - 03:41 PM
Tình trạng giao thông nội đô ASEAN
 
Hệ thống giao thông ở ASEAN nổi cộm nhiều vấn đề, đặc biệt là tắc đường nghiêm trọng và tai nạn giao thông. Theo Numbeo - cơ sở dữ liệu trực tuyến về xu hướng xã hội, Indonesia nổi bật với 3 thành phố: Jakarta, Surabaya, Medan nằm trong top 10 thành phố ùn tắc nhất Đông Nam Á năm 2016. Trong đó, Jakarta đã được tạp chí Times đánh giá là thủ đô có tình trạng tắc đường tồi tệ nhất thế giới, điển hình là vụ tắc đường 20 giờ xảy ra vào tháng 7/2016 tại một trạm thu phí, làm cho 18 người tử vong do kiệt sức. Thủ đô Manila của Philippin đứng đầu danh sách thống kê này với vấn nạn kẹt xe tồn tại dai dẳng, là hệ quả tất yếu từ đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Philippines trong những năm gần đây khiến cho nước này thiệt hại 18 tỉ đô la mỗi năm, đồng thời kìm hãm năng suất tổng thể của nền kinh tế. Thủ đô Bangkok của Thái Lan là thành phố du lịch náo nhiệt nhất thế giới, nhưng trung bình mỗi năm người dân Bangkok phải mất thêm 230 giờ cho việc đi lại do tắc đường. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự tại nhiều thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực ASEAN, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng có mặt tại vị trí thứ 9 trong danh sách của Numbeo. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự tăng vọt số lượng ô tô ở tất cả các quốc gia, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của phương tiện giao thông, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn ở các thành phố lớn của những quốc gia này. Điều này đã khiến nhiều quốc gia phải tập trung nghiên cứu, tìm kiếm phương án chiến lược để giải bài toán hệ thống giao thông công cộng trong nước; và là tiền đề để phát triển giao thông liên vận ASEAN, hướng đến phát triển giao thông liên vận châu Á và thế giới.

 
Hệ thống tàu điện nội đô ASEAN
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Phát triển hệ thống tàu điện nội đô ở các nước ASEAN
 
Trước thực trạng trên, phương án xây dựng và khai thác hệ thống tàu điện nội đô được cộng đồng các nước ASEAN đánh giá là biện pháp phù hợp, không chỉ giải quyết hiệu quả tình trạng tắc đường, mà còn làm thay đổi diện mạo đô thị, làm tăng đáng kể giá trị bất động sản, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm không khí, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tại các đô thị phát triển trên thế giới và ở châu Á, các nhà ga tàu điện ngầm được lấy làm trung tâm để phát triển các khu đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit-Oriented Development - TOD). Còn tại các đô thị lớn, các tuyến tàu điện được coi xương sống của hệ thống vận tải đô thị, chúng có thể phục vụ từ 20-40% nhu cầu đi lại của người dân. Căn cứ vào năng lực chuyên chở và các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đường sắt đô thị thường được phân loại thành: Tàu điện ngầm (Metro); tàu điện mặt đất (Monorail; Tramway) và tàu điện ngoại ô.
 
Philiplines
 
Thủ đô Manila của Philippines là thành phố đầu tiên của khu vực ASEAN có tàu điện nội đô (năm 1984) với 8km đường sắt nhẹ trên cao LRT được nhập khẩu. Mặc dù đi tiên phong, nhưng đến tận 20 năm sau Manila mới vay vốn ODA của Nhật Bản để làm thêm 14km nữa, và tính đến năm 2015, hệ thống tàu điện nội đô của Manil mới chỉ có 29km LRT chạy qua 19 ga, vận chuyển 0,75 triệu hành khách/ngày(10%), trong khi 350.000 jeepny tư nhân (phương tiện phổ biến nhất của giao thông công cộng tại Philippines) đáp ứng tới 90% hành khách công cộng. Sự thiếu hiệu quả của hệ thống tàu điện nội đô Philippines khi đi vào hoạt động là do quy hoạch bất hợp lý: Tuyến LRT 1 đi trên cao ở giữa, để hai bên đường mặt đất cho ô tô, ùn tắc trên đường xảy ra nghiêm trọng hơn do nhiều người xếp hàng gom khách đi jeepny và xích lô; chưa kể, tuyến LRT3 lại chậm chạp với mật độ 40 phút/chuyến. Thêm vào đó, tàu điện nội đô ở Philippines không được cư dân ưa chuộng do giá vé cao gấp đôi jeepny, lại không luồn lách được các phố xung quanh các ga do tư nhân sở hữu manh mún, không thuận tiện cho hành khách tiếp cận, các tuyến LRT không kết nối với đường sắt liên tỉnh làm suy giảm cả hai hệ thống.
 
Ngày nay, với mục tiêu thúc đẩy kinh tế, Philippines đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt quốc gia từ 77 km lên 1.900 km. Trong đó, Tổng thống Philippines đã nỗ lực kêu gọi đầu tư 7 tỷ USD cho dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Manila. Đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ Philippines, với hy vọng một đường hầm dài 25,3km với 13 trạm từ vùng ngoại ô phía Bắc đến ga cuối tại sân bay Manila phía Nam sẽ giúp giảm mức ùn tắc giao thông tại nước này.
 
Singapore
 
đất nước diện tích mặt đất nhỏ hẹp, Singapore lựa chọn việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nhằm quy hoạch hệ thống giao thông và tận dụng không gian dưới lòng đất. Tàu điện ngầm của Singapore có 2 loại là hệ thống MRT chạy nhanh, toa dài cho các mạch giao thông chính và LRT chạy chậm hơn, toa ngắn cho các mạch phụ; tuy nhiên, người dân Singapore vẫn quen gọi chung cả 2 hệ thống MRT. Hệ thống tàu điện MRT đầu tiên của Singapore được khởi công từ năm 1983, đến năm 1987 bắt đầu đi vào hoạt động và là hệ thống tàu điện lâu đời thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Philippines. Sau nhiều năm phát triển, hệ thống MRT đã dần trở thành phương tiện di chuyển phổ biến thứ 2 tại Singapore sau xe buýt. Năm 2015, khoảng 3 tỷ lượt hành khách đã sử dụng tàu điện, tương đương 78% so với số hành khách sử dụng xe buýt cùng thời gian đó. Đến nay, tổng chiều dài đường sắt của Singapore đã đạt tới gần 200km với hơn 100 sân ga chính thức đang hoạt động. Hầu hết các nhà ga được xây dựng dưới lòng đất, được thiết kế đủ sâu và chắc chắn, thậm chí có thể làm nơi trú ẩn cho người dân trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Đồng thời, các nhà ga đều tích hợp các tiện nghi nhằm đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho hành khách như: Mạng điện thoại, internet, điều hòa, máy bán tự động, lối riêng cho người khuyết tật… Hệ thống này đã góp phần tạo nên mạng lưới giao thông chất lượng bậc nhất thế giới của Singapore.
 
Indonesia
 
Ngày 25/3/2019 vừa qua, thủ đô Jakarta của Indonesia đã khai trương hệ thống tàu điện ngầm MRT đầu tiên trong dự án giao thông vận tải lớn, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng tại đây. Dự án này được nghiên cứu từ năm 1980, khởi công một vài lần rồi dừng lại do tình hình chính trị và khó khăn về vốn. Sau hơn 30 năm, khi dự án được tái khởi động vào năm 2013, đến nay, hệ thống MRT mới đi vào hoạt động. Dự kiến, trong năm đầu tiên hoạt động, MRT Jakarta sẽ vận chuyển 65.000 lượt hành khách mỗi ngày, giảm đáng kể lưu lượng người tham gia giao thông bằng các phương tiện trên mặt đất.
 
Đây là tuyến hành trình trong giai đoạn 1 của hệ thống dài 16km từ Bắc xuống Nam thủ đô Jakarta, nối từ trung tâm thành phố đến phía Nam với khoảng thời gian chỉ 30 phút, thay vì phải mất khoảng 1,5 giờ để di chuyển bằng ô tô cá nhân hay thậm chí mất tới 2,5-3 giờ trong khung giờ cao điểm. Tổng nguồn vốn đầu tư cho tuyến số 1 là 17.000 tỷ rupiah (1,2 tỷ USD), trong đó 1 tỷ USD là nguồn vốn vay của Nhật Bản, cũng   là nước trúng thầu thực hiện dự án này. Tuyến thứ hai của hệ thống tàu điện ngầm cũng bắt đầu được khởi công trong ngày 24/3/2019 và sẽ hoàn tất vào năm 2024.
 
Malaysia
 
Cùng với Thái Lan, Singapore và nhiều quốc gia phát triển, Malaysia sở hữu hệ thống tàu điện nội đô hiện đại và là phương tiện công cộng chính của người dân Thủ đô Kuala Lumpur. Hệ thống tàu điện nội đô đầu tiên của Malaysia được vận hành vào năm 2016 với 12km LRT, năm 2017 đã có tổng cộng 160 km, phục vụ hơn 0,5 triệu khách/ngày. Đến năm 2021, thành phố này sẽ có thêm 150 km đi qua 90 ga phục vụ 2 triệu khách và tăng lên 4 triệu khách ngày những năm tiếp theo.
 
Hiện nay, Malaysia đã 3 tuyến đường sắt nội đô chính đi qua hơn 100 nhà ga ở Kuala Lumpur bao gồm LRT (Light Rail Transit); KL Monorail KTM Komuter. Với hơn 7 triệu dân thủ đô cùng hàng triệu lượt du khách mỗi năm, Metro Kuala Lumpur đáp ứng được nhu cầu của khoảng 1,6 triệu hành khách, ước tính khoảng 35 triệu lượt khách sử dụng mỗi năm. Khu phố trung tâm Bunkit Bintang của Kuala Lumpur trước năm 2000 đường phố dày đặc ô tô, năm 2018, sau khi hệ thống tàu điện ngầm nổi hoạt động, vỉadành cho người đi bộ đã được mở rộng thêm.
 
Thái Lan
 
Năm 1999, Thái Lan triển khai hoạt động hệ thống đường sắt đô thị trên cao Bangkok Skytrain với 2 tuyến Sukhumvit và Silom có tổng chiều dài 38,7km, đi qua 35 ga, phục vụ 900.000 khách/ngày. Năm 2004, Thái Lan mở tuyến tàu điện ngầm đầu tiên (MRT Blue Line) dài 21 km qua 19 ga. Hơn 10 năm sau (2016), mở tuyến thứ hai (MRT Purple Line) dài 23 km qua 16 ga. Năm 2010, mở tuyến Airport Rail Link dài 28,6 km nối trung tâm Bangkok với sân bay Suvarnabhumi, hiện đã mở rộng tới sân bay Donmuang. Tính đến tháng 7/2018, hệ thống đường sắt đô thị của Bangkok đã có hơn 111 km và đang tiến hành xây dựng thêm 181 km, mục tiêu đến năm 2020, Thái Lan sẽ có gần 300km đường sắt đô thị phục vụ cho các chuyến tàu điện.
 
Các dự án tàu điện nội đô ở Thái Lan đã trở thành động lực phát triển kinh tế trong nước, tạo ra hàng triệu việc làm mới, thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư từ xã hội và khởi tạo những mô hình kinh tế mới của kỷ nguyên 4.0 tại đất nước này.
 
Việt Nam
 
Tại Việt Nam, những năm 30-80 của thế kỉ XX, tàu điện là phương tiện giao thông công cộng quan trọng và là nét văn hóa đặc trưng của giao thông đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, khoảng cuối những năm 80, tàu điện chính thức bị xóa bỏ, do các tuyến tàu điện chạy trên mặt đường nội đô không phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và giao thông đô thị ngày nay.
 
Hiện Việt Nam có hai dự án tàu điện nội đô lớn đang trong giai đoạn đẩy mạnh thi công và hoàn thiện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch tổng thể sau khi hoàn thiện sẽ có 6 tuyến tàu điện ngầm và hai tuyến đường sắt ngắn có tổng chiều dài 174 km được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo dõi và tư vấn. Tại Hà Nội, theo quy hoạch sẽ có 10 tuyến tàu điện nội đô, với tổng chiều dài 417,8 km gồm 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm, 5 tuyến kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13 km đã được vận hành thử vào ngày 20/9/2018. Theo nghiên cứu thị trường của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về sự trông đợi của người dân, hơn 90% người dân được hỏi sẵn sàng sử dụng metro Hà Nội với lý do chủ yếu thu hút người dân sử dụng là không lo tắc đường, tiết kiệm thời gian di chuyển.
 
Myanmar
 
Myanmar có khoảng 5.800 km đường sắt, nhưng chỉ có khoảng 6 km đường tại Yangon chạy bằng điện từ tháng 1/2016, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Nhật. Hiện tại, trên 6 km này mới chỉ có hai tàu điện được sản xuất vào năm 1950 và 1963 do Nhật Bản tặng để hỗ trợ phát triển hạ tầng ở quốc gia mới mở cửa này.
 
Brunei, Lào, Campuchia là ba quốc gia duy nhất ở khu vực ASEAN chưa có dự án tàu điện nội đô. Bruneiđất nước giàu có nhờ trữ lượng giàu mỏ nên người dân hầu hết đều sở hữu ô tô riêng. Giao thông tại Brunei khá thuận lợi với hệ thống xe bus linh hoạt điểm dừng đỗ và ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân do luật lệ ở quốc gia Hồi giáo này rất nghiêm khắc. Campuchia lựa chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển công cộng kết nối nội đô PhnomPenh với sân bay quốc gia. Còn tại Lào, có đủ loại phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nội đô.
 
Có thể nói, đối với hàng trăm triệu người dân ở các đô thị lớn của các quốc gia ASEAN, các tuyến tàu điện nội đô đã trở thành cứu cánh cho tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, các hệ thống metro cũng làm cho mức độ ô nhiễm đô thị thấp hơn do giảm lượng khí thải carbon, kết nối tốt hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn, làm gia tăng giá trị tài sản của các khu vực xung quanh và đem lại sự phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn./.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top