Phát triển ngành công nghiệp văn hóa - Kinh nghiệm một số nước

12/09/2023 - 02:02 PM
Trong một thế giới phẳng của thời kỳ hội nhập, văn hóa đang ngày càng chứng tỏ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Mỗi cường quốc đều khai mở một lối đi riêng để tạo nên sức mạnh mềm của nền công nghiệp văn hóa quốc gia, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, bảo tồn, tái sinh và phát huy vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của đất nước. Đó là những bài học kinh nghiệm quý gợi ý cho Việt Nam về phát triển công nghiệp văn hóa trong tầm nhìn chiến lược quốc gia.

Hàn Quốc- Chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn

Hàn Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ khiến ngay cả các quốc gia lớn cũng phải học hỏi. Thông thường ở các nước, xuất khẩu văn hóa bắt nguồn từ xây dựng đế chế kinh tế thì Hàn Quốc lựa chọn hành trình ngược lại: “Văn hóa đi trước, kinh tế theo sau”.

Chiến lược phát triển văn hóa dài hạn được các nhà lãnh đạo Hàn Quốc triển khai qua nhiều thời kỳ. Chính sách văn hóa dài hạn đầu tiên của Hàn Quốc là Kế hoạch tổng thể phát triển văn hóa lần thứ nhất, được đề xướng vào năm 1973 dựa trên nền tảng Đạo luật khuyến khích văn hóa và nghệ thuật, ban hành năm 1972. Qua nhiều giai đoạn phát triển, mặc dù các mục tiêu của từng thời kỳ có những thay đổi nhất định tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của đất nước, song định hướng xuyên suốt trong chính sách văn hóa Hàn Quốc là: Xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.

Để đạt được mục tiêu trở thành một trong 5 cường quốc phát triển văn hóa đại chúng và quảng bá hình ảnh quốc gia với thế giới, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành hàng loạt các chính sách như: Hàn Quốc sáng tạo (Creative Korea) (2004); Kế hoạch phát triển nghệ thuật trung hạn và dài hạn “Sức mạnh của nghệ thuật” (2004); C- Korea 2010... đều thể hiện một tầm nhìn, trong đó văn hóa, du lịch, thể thao và giải trí là động lực thúc đẩy kinh tế và sức mạnh quốc gia.

Đến tháng 6/2013, Chính phủ Hàn Quốc chính thức vào cuộc, nắm vai trò nhạc trưởng, chỉ huy thực hiện Kế hoạch hành động để xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo, với ba mục tiêu: Tạo việc làm mới và thị trường mới thông qua sáng tạo và đổi mới; Khẳng định sức mạnh mềm Hàn Quốc trong vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xu thế phát triển toàn cầu với sức ảnh hưởng của những thành tựu kinh tế sáng tạo; Xây dựng một xã hội ưu việt nơi sáng tạo được tôn vinh và là động lực phát triển.

Hiện thực hóa kế hoạch trên, Hàn Quốc đã thành lập hơn 20 hiệp hội, liên đoàn các ngành công nghiệp sáng tạo, trung tâm sáng tạo và bản quyền là các cơ quan kết nối, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy hợp tác quốc tế phục vụ sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Tiêu biểu là Trung tâm Sáng tạo nội dung Hàn Quốc (Korea Creative Content Agency - KOCCA).

Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn thực hiện chính sách mở rộng mạng lưới và hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại nước ngoài, đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), giúp phát huy tầm ảnh hưởng của quốc gia này một cách mạnh mẽ.

Hợp tác quốc tế về văn hóa cũng là một nội dung được Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên thúc đẩy từ hơn 20 năm qua với sự “nhập cuộc” của Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ Công nghiệp và Năng lượng, cũng như Bộ Văn hóa và Du lịch để đưa văn hóa xứ “kim chi” lan tỏa toàn cầu.

Để tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, Chính phủ Hàn Quốc đã dành một nguồn lực tài chính đáng kể cho lĩnh vực này. Trong giai đoạn 1998-2005, ngân sách cho văn hóa - nghệ thuật tăng từ 0,6% lên đến 1,05%. Chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã nhận được khoảng 172,3 triệu USD. Năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đầu tư 5,3 tỷ USD cho phát triển ngành công nghiệp sáng tạo bằng việc thành lập các Hiệp hội ngành công nghiệp sáng tạo, Trung tâm văn hoá Hàn Quốc ở các quốc gia, Quỹ trao đổi, giao lưu văn hoá Hàn Quốc và nước ngoài. Đến năm 2023, ngân sách dành cho ngành này là 1,217 tỷ USD. Ngoài việc thành lập các hiệp hội, trung tâm văn hóa, trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Hàn Quốc sử dụng nguồn lực trên để xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành nhiều quỹ cho văn hóa - nghệ thuật, cải tạo và nâng cấp nhiều trung tâm biểu diễn văn hóa nhỏ, đảm bảo điều kiện vật chất cho các địa điểm biểu diễn và quảng bá, thúc đẩy văn hóa - nghệ thuật thông qua nhiều hoạt động, sự kiện.

Bên cạnh đó, trong thời gian dài, Hàn Quốc liên tục duy trì các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn trong nước tập trung vào ngành công nghiệp truyền thông và sáng tạo; đặc biệt là đẩy mạnh mạng xã hội và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến.
 
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa kinh nghiệm một số nước
Chiến lược phát triển và đầu tư bài bản đã mang lại “quả ngọt” cho nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc

Chiến lược phát triển và đầu tư bài bản đã mang lại “quả ngọt” cho nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Xuất khẩu văn hóa đã thành trào lưu mang tên Hallyu - Làn sóng văn hóa Hàn Quốc với những bộ phim truyền hình phủ sóng tại các nước châu Á đầu những năm 2000 như Trái tim mùa thu, Cô nàng ngổ ngáo, Bản tình ca mùa đông… cho đến các nhóm nhạc K-pop đình đám như BTS, BlackPink liên tục tạo tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc quốc tế. Không chỉ phát triển văn hoá nghệ thuật đương đại mà Hàn Quốc còn mang đến giới trẻ và người dân trên thế giới những nét văn hoá truyền thống qua món dưa muối Kimchi, trang phục Hanbok... Tính đến tháng 8/2020, Hàn Quốc đã thành lập 32 Trung tâm Văn hóa tại 28 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ để quảng bá Hallyu.

Nhờ hướng đi đúng, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hàn Quốc và vươn lên vị trí thứ 7 thế giới, tạo ra khoảng 680.000 việc làm mỗi năm. Doanh thu ngành văn hóa Hàn Quốc đạt khoảng 120 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu văn hóa chiếm tới hơn 12 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng sản xuất dẫn đầu như thiết bị gia dụng, xe điện và màn hình hiển thị... Hơn thế nữa, công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc đang thực hiện rất tốt vai trò sức mạnh mềm, mở đường giúp các ngành công nghiệp khác thâm nhập thị trường nước ngoài.

Nhật Bản - lan tỏa chiến dịch Cool Japan

Với một nền văn hóa mang nhiều nét độc đáo và đặc sắc, Nhật Bản là một trong những quốc gia có ảnh hưởng “sức mạnh mềm” trên thế giới. Từ cuối thế kỷ XX, Nhật Bản đã định hướng phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên văn hóa và thực hiện chủ trương đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế quốc gia. Với định hướng đó, năm 2007, Chính phủ Nhật Bản chính thức ban hành Chiến lược công nghiệp văn hóa với quan điểm xây dựng công nghiệp văn hóa thành một trụ cột kinh tế và quảng bá ảnh hưởng văn hóa Nhật Bản trên toàn cầu.

Nhật Bản đồng thời xây dựng chính sách ngoại giao văn hóa trong từng thời kỳ. Sau chiến tranh, trong giai đoạn 1950-1960, trước những đánh giá tiêu cực về sự áp đặt của đế quốc Nhật Bản đối với truyền thông và văn hóa trong thế chiến, Chính phủ Nhật Bản khá e dè trong thực thi các chính sách quản lý văn hóa và hướng tới xây dựng hình ảnh về một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Sau năm 1960, ngoại giao văn hóa Nhật Bản tập trung vào việc tạo ra hình ảnh về một quốc gia hòa bình và thịnh vượng về kinh tế. Từ năm 1990, chính sách ngoại giao văn hóa Nhật Bản chú trọng phát triển văn hóa đại chúng để quảng bá ra thế giới và củng cố bản sắc Nhật Bản. Bước sang thế kỷ XXI, Nhật Bản phát triển công nghiệp văn hóa - tập trung đại chúng và tăng cường giao lưu văn hóa - phát huy triết lý cộng sinh. Xuyên suốt trong chiều dài lịch sử, chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản được triển khai trên nhiều khía cạnh, bao gồm văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, du lịch, ẩm thực… với mong muốn truyền bá các giá trị và lý tưởng “kiểu Nhật”.

Một trong những điểm nhấn trong phát triển công nghiệp văn hóa Nhật Bản là chiến dịch Cool Japan được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) ra mắt vào cuối năm 2011. Kể từ năm 2012, chiến dịch Cool Japan được thực hiện dưới sự chỉ đạo của một bộ trưởng do Văn phòng Nội các Nhật Bản chỉ định nhằm điều phối chính sách giữa các cơ quan chính phủ khác nhau.

Năm 2011, ngân sách cho Cool Japan là 20 tỉ Yên. Năm 2013, quỹ Cool Japan Fund được thành lập để đầu tư vào các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ của Nhật Bản. Đến năm 2020, ngân sách dành cho Cool Japan đã tăng lên 55 tỉ Yên. Trong 8 năm 2013-2021, quỹ Cool Japan Fund đã đầu tư hơn 100 tỉ Yên cho khoảng 50 dự án các loại, nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm văn hóa Nhật Bản ra ngoài biên giới quốc gia.

Những năm đầu, chiến dịch Cool Japan tập trung vào quảng bá truyện tranh manga và các bộ phim hoạt hình anime giàu tính văn học. Với sức hấp dẫn từ phần đồ họa hai chiều chi tiết và cách kể chuyện ấn tượng, anime và manga đã tạo được chú ý với thị trường nước ngoài và tạo nên trào lưu cosplay tại một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ nhờ vào việc hóa trang có nét tương đồng với các lễ hội ở nước này. Trong những năm trở lại đây, anime có bước đột phá xuất hiện nhiều trên các nền tảng có bản quyền trên internet, giúp doanh thu ở thị trường nước ngoài tăng lên đáng kể. Năm 2020, thị trường anime Nhật Bản có trị giá khoảng 24 tỉ USD, tăng gần gấp đôi từ con số 13 tỉ USD vào năm 2011.
 
Phát triển ngành công nghiệp văn hóa kinh nghiệm một số nước 1
Xuyên suốt trong chiều dài lịch sử, chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản được triển khai
trên nhiều khía cạnh

Bên cạnh những hiệu ứng có được từ anime hay manga, Chiến dịch Cool Japan cũng chú ý đến đưa văn hóa ẩm thực Nhật Bản ra thế giới. Trong giai đoạn năm 2006-2027, số lượng nhà hàng Nhật Bản tăng một cách đáng kể. Tại thời điểm 2017, có đến 117.500 nhà hàng Nhật Bản được đăng ký kinh doanh trên toàn cầu (gấp 5 lần so với cả năm 2006) với nhiều món ăn phong phú như sushi, tempura, izakaya hay kaiseki.

Trên thực tế cũng có một số hoạt động trong chiến dịch Cool Japan gặp phải thất bại. Dù không hoàn toàn thành công trên mọi mặt trận song vẫn phải khẳng định rằng Cool Japan đóng vai trò quan trọng trong quá trình xuất khẩu văn hóa Nhật ra toàn cầu.

Trung Quốc tạo một thế lực có khả năng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu

Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra khái niệm “công nghiệp văn hóa” và đặt ra các yêu cầu cụ thể về cải cách thể chế nhằm phát triển công nghiệp văn hóa là tại Kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc chế định kế hoạch 5 năm lần thứ X phát triển kinh tế và xã hội quốc dân, tháng 10/2000. Khái niệm này tiếp tục được nhắc đến tại Đại hội lần thứ XVI của ĐCS Trung Quốc năm 2002, khi chính thức công bố sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ X và đưa ra quan điểm“giải phóng và phát triển sức sản xuất văn hóa”, tập trung cải cách thể chế, dỡ bỏ những rào cản đối với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Tháng 11/2002, Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định tập trung chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đi sâu cải cách thể chế văn hóa và phát triển các tập đoàn công nghiệp văn hóa.

Tại Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVII, một cuộc thảo luận đặc biệt với chủ đề về công nghiệp văn hóa lần đầu tiên được tiến hành. Nghị quyết hội nghị sau đó đã nêu ra nhiệm vụ thực hiện sự phát triển và thịnh vượng văn hóa để "thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc dân".

Tiếp nối quan điểm này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII xác định rõ mục tiêu trước năm 2020 là phải "phát triển các hình thức văn hóa mới, nâng cao quy mô, tăng cường và chuyên môn hóa công nghiệp văn hóa". Để hiện thực hóa mục tiêu đó, vào năm 2013, Trung Quốc đã thành lập Hiệp hội Công nghiệp văn hóa Trung Quốc (China Cultural Industry Association - CCIA) - một tổ chức hoạt động với tư cách là một pháp nhân độc lập. Đây là một liên minh của quyền lực chính trị và sức mạnh kinh tế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử Trung Hoa. Thành viên sáng lập của CCIA là các cơ quan văn hóa giáo dục uy tín nhất của quốc gia và các tập đoàn lớn nhất cả nước là: Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghiệp văn hóa ở Đại học Thanh Hoa; Đại học Khoa học và công nghệ Trung Quốc; Tập đoàn Nghệ thuật và giải trí Trung Quốc (CAEG); Nhà hát opera thuộc Tổng cục Chính trị; Tập đoàn Alibaba; Tập đoàn Shanghai Shanda Networking; tập đoàn bất động sản lớn nhất hành tinh Evergrande Group; Tập đoàn Tencent và Ngân hàng Bắc Kinh Bank of Beijing. Lãnh đạo CCIA là những cái tên quyền lực nhất của nền kinh tế Trung Quốc để tạo nên một thế lực thực sự có khả năng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Đảm đương sứ mệnh "xây dựng nền tảng, cung cấp dịch vụ, tăng cường hợp tác và đạt được tăng trưởng mới", CCIA được trao quyền thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Trung Quốc, bành trướng sức mạnh mềm của văn hóa Trung Quốc, đồng thời triển khai các chiến dịch vươn ra toàn cầu của văn hóa Trung Quốc. Thông qua việc điều hành sáu hoạt động kinh doanh cốt lõi là truyền thông quốc tế và trao đổi văn hóa, trao đổi và hợp tác, nghiên cứu ngành, tài chính văn hóa, đầu tư công nghiệp và hoạt động thực tiễn, CCIA đã xây dựng một nền tảng trao đổi trên các lĩnh vực đầu tư công - tư, kinh doanh và học thuật, đồng thời tạo dựng một mô hình phát triển về sự kết nối, khơi nguồn cảm hứng cho nỗ lực chung của quốc gia.

Nhằm xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, năm 2016, Trung Quốc liên tiếp thông qua 2 bộ luật quan trọng là Luật Bảo đảm dịch vụ văn hóa công cộng và Luật Thúc đẩy sản nghiệp điện ảnh. Tiếp sau đó, Trung Quốc tiếp tục đưa ra hàng loạt các dự thảo luật để lấy ý kiến, ban hành Luật Thư viện công cộng, Luật Thúc đẩy sản nghiệp văn hóa và tiến hành sửa đổi Luật Bản quyền, Luật Bảo vệ Di sản Văn hóa. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, bảo đảm quyền văn hóa của người dân và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, hàng năm Chính phủ Trung Quốc đầu tư nguồn vốn cho công nghiệp văn hóa với mức độ không thấp hơn tốc độ đầu tư tài chính nói chung. Cùng với việc ưu tiên tăng đầu tư tài chính cho công nghiệp văn hóa cả nước nói chung, Trung Quốc còn ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa ở các vùng kém phát triển khu vực miền Trung và phía Tây Trung Quốc cũng như các khu vực thiểu số. Các nguồn vốn này được Trung Quốc ưu tiên xây dựng các dự án văn hóa trọng điểm quốc gia phục vụ nhân dân như thư viện, viện bảo tàng, nhà hát quốc gia, các trung tâm khoa học và công nghệ, các trung tâm văn hóa, các cơ sở văn hóa công cộng.

Các cách làm trên đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia số 1 thế giới về xuất khẩu, thống trị thị trường công nghiệp văn hóa toàn cầu vào năm 2014. Từ năm 2005 đến năm 2018, hằng năm công nghiệp văn hóa Trung Quốc bình quân tăng trưởng đạt 18,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm cả nước là 7,9%; tỷ trọng công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế quốc dân năm 2018 chiếm 4,3% GDP./.
Bích Ngọc

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top