Sửa đổi, bổ sung Danh mục - Chỉ tiêu Thống kê quốc gia: Để thực hiện tốt hơn Luật Thống kê

30/09/2021 - 10:59 AM

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia là nội dung quan trọng của Luật Thống kê. Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng còn những hạn chế và đứng trước những yêu cầu mới; danh mục này phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 đã được thực hiện khẩn trương sớm đưa vào thực tiễn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Danh mục chỉ tiêu này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hỗi; đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thực hiện trong thời kỳ 2016-2020. Danh mục chỉ tiêu này đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu so sánh quốc tế; đáp ứng nhiều hơn nhu cầu sử dụng thống tin thống kê của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và quốc tế. Do số lượng chỉ tiêu giảm so với trước, nên việc thu thập tổng hợp, công bố nhanh hơn, chính xác hơn, nghiêng về chất lượng hơn… nên đã đáp ứng được nhu cầu thông tin tốt hơn. Kết quả tích cực đó đã góp phần làm cho “ngũ giác” mục tiêu (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán, thất nghiệp, môi trường) của Việt Nam trong thời kỳ 2016-2020 phù hợp với thực tế hơn, làm cho các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025), chiến lược 10 năm (2021-2030) vừa thể hiện quyết tâm cao, vừa có tính khả thi.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành còn có một số hạn chế, thể hiện trên một số mặt. Một số chỉ tiêu thống kê chưa thật cần thiết hoặc không còn cần thiết trong điều kiện mới cần được bỏ bớt; Một số chỉ tiêu thống kê do thiếu tính khả thi trong thực tế cũng cần thiết phải loại bỏ; Một số chỉ tiêu thống kê về tên gọi hoặc nội hàm không phù hợp thực tiễn hay chuẩn mực quốc tế cũng cần được sửa đổi. Quan trọng hơn là cần bổ sung những chỉ tiêu phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn và xu hướng phát triển mới của đất nước. Các chỉ tiêu này bao gồm các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, logistics, đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, mức độ ứng dụng công nghệ (chữ ký số), các chỉ tiêu thể hiện năng lực cạnh tranh quốc gia; các chỉ tiêu thống kê liên quan đến phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia…

Các nguyên tắc cơ bản để sửa đổi, bổ sung

Để việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu quốc gia, ngoài các yêu cầu của việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê, còn phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định.

Một là, Chỉ tiêu được sửa đổi, bổ sung quy định tại danh mục phải phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế; phản ánh, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách trong bối cảnh mới. Đó là những thông tin, số liệu về kinh tế - xã hội chủ yếu ở tầm quốc gia phản ánh các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới; kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm và quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Hai là, chỉ tiêu được sửa đổi, bổ sung quy định tại danh mục bảo đảm tính khả thi – tức là chỉ tiêu phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trong thực tế. Đơn cử như sẽ bỏ chỉ tiêu “Chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị”, vì hiện nay dữ liệu để tính toán chỉ tiêu số đổi mới công nghệ, thiết bị không đầy đủ, không đồng nhất nên việc tính toán chỉ số này không khả thi trong thực tế. Mặt khác, đổi mới công nghệ, thiết bị chỉ là một phần hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và không mang tính bao quát và khó khăn khi tính cho cả nước.

Nguyên tắc này đòi hỏi phải bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; khắc phục hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của đất nước; bảo đảm thống nhất, tương thích và tính so sánh quốc gia, giữa các vùng miền nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện thực tiễn; bảo đảm thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh và các hệ thống chỉ tiêu thống kê đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết vùng khác.

Ba là, chỉ tiêu được sửa đổi bổ sung quy định tại danh mục bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc. Ví dụ như: Chỉ tiêu “Số lượng thuê bao truy nhập Internet” sửa tên thành “Số lượng thuê bao truy nhập Internet băng rộng” để thuận lợi cho việc thu thập số liệu cung cấp cho Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và cũng để bảo đảm công bằng trong đánh giá, xếp hạng Việt Nam về Bộ chỉ tiêu số phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu (IDI).

Ngoài những nguyên tắc chung trên, đối với chỉ tiêu cụ thể thì việc xác định, lựa chọn từng chỉ tiêu cũng bảo đảm nguyên tắc SMART. Theo đó, S (Simply): Đơn giản (dễ phân tích và dễ sử dụng); M (Measurable): Có thể đo lường được (dễ xác nhận số liệu thống kê, tái sản xuất và thể hiện rõ xu hướng); A (Accessible): Có thể tiếp cận (được giám sát định kỳ, hiệu quả và nhất quán); R (Reference): Tương thích (trực tiếp đáp ứng những vấn đề hoặc những mục đích và thống nhất); T (Timely): Kịp thời (cung cấp những cảnh báo sớm về các vấn đề tiềm năng).

Cùng với nguyên tắc cơ bản, các đặc điểm quan trọng khác cần được ngành Thống kê cân nhắc chỉnh sửa bổ sung các chỉ tiêu. Đó là: Có thể sử dụng với tất cả các bên liên quan; thích hợp với các khung quốc tế hiện hành; tính toàn cầu; định hướng hành động; rõ ràng, thống nhất về khái niệm; thích ứng rộng rãi với thông tin hệ thống; được xây dựng từ những nguồn dữ liệu tin cậy; được phân loại; tập trung kết quả nếu có thể; cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp số liệu; chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị có liên quan; tính sẵn có về số liệu của từng chi tiêu.

Một số kiến nghị cụ thể:

 1. Bỏ bớt so với danh mục hiện hành

- Giá trị tăng thêm trên 01 đồng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp do ít có tính vĩ mô và không thật cần thiết.

- GDP xanh: Có thể cài đặt trong chỉ tiêu tốc độ tăng GDP

- Chỉ số giá xây dựng vì thực tế khó tính và không thật cần thiết.

- Diện tích rừng được bảo vệ.

2. Bổ sung

- “Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức”, bởi tỷ lệ này của Việt Nam còn quá cao, cần phải giảm xuống nhanh.

- “Tổng diện tích nhà ở theo dự án hoàn thành trong năm” để thấy kế hoạch, tiềm năng.

- “Tổng số nhà ở và tổng diện tích nhà ở xã hội hoàn thành trong năm” để thấy được mục tiêu của nước ta là công bằng, không để ai tụt lại phía sau.

- “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics trong tổng sản phẩm trong nước” để thấy rõ hơn vai trò của logistics.

- “Chi phí logistics so với tổng sản phẩm trong nước” để thấy rằng của Việt Nam còn quá cao, hiện phải giảm mạnh.

- “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước” để thấy vai trò của kinh tế số và có giải pháp phát triển, bởi hiện chưa có số liệu, trong khi mục tiêu theo Đai hội XIII là khá cao.

- “Tỷ lệ tổng phương tiện thanh toán so với tổng sản phẩm trong nước” – tuy là chỉ tiêu phân tích, vì đã có chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán, nhưng do đây là chỉ tiêu rất quan trọng trong phục vụ cho sự giám sát – một trong những mục đích của hoạt động thống kê.

- “Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu” – đây là chỉ tiêu quan trọng của thị trường chứng khoán cần bổ sung.

- “Tỷ lệ vốn hóa thị trường cổ phiếu so với tổng sản phẩm trong nước” – Tuy là chỉ tiêu phân tích, nhưng do tầm quan trọng của vốn hóa nên có thể bổ sung.

- “Tốc độ tăng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu” cũng là chỉ tiêu phân tích, có thể bổ sung.

- “Giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán”. Đây là chỉ tiêu thể hiện mục tiêu của thị trường nên cần bổ sung.

- Tỷ lệ mất an ninh lương thực

- “Doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản” là chỉ tiêu của thị trường quan trọng nên cần bổ sung.

- “Tỷ lệ hộ gia đình có máy tính” là chỉ tiêu quan trọng cần bổ sung.

- “Tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng di động” là chỉ tiêu quan trọng cần bổ sung.

- Lưu lượng Internet băng rộng;

- Tổng số chứng thư số đang hoạt động;

- Tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông;

- Tỷ lệ người dân có sử dụng dịch vụ công trực tuyến;

- Tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội;

- Tỷ lệ người Việt Nam đọc báo, tạp chí;

- Chi cho chuyển đổi số.

- “Tỷ lệ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa” là xu hướng tốt của ngành Y tế.

- “Tỷ lệ nghèo đa chiều” thay cho tỉ lệ nghèo trước đây.

- “Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều” là chỉ tiêu quan trọng cần bổ sung
 

Đào Ngọc Lâm
Nguyên Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top