Hội Thống kê Việt Nam được thành lập từ năm 2006, đến nay đã tròn 15 năm. Chặng đường 15 năm chưa phải là dài so với lịch sử thành lập Ngành, song cũng đủ để ghi nhận những đóng góp tích cực của Hội Thống kê Việt Nam trong sự phát triển chung của ngành Thống kê và trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, Hội Thống kê Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, uy tín, với số hội viên không ngừng tăng lên và luôn tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế thống kê nước nhà trong khu vực và quốc tế.
Bối cảnh ra đời của Hội Thống kê Việt Nam
Nha Thống kê (nay là Tổng cục Thống kê) được thành lập từ năm 1946 cho đến trước năm 2006 vẫn chưa có tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Hội, Hiệp hội) nào ra đời để tập hợp đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học thống kê đã nghỉ hưu và đang làm công tác thống kê ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Phần lớn đội ngũ này là những nhà chuyên môn, chuyên gia giàu kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực thống kê, đam mê và nhiệt huyết với nghề. Trong khi đó, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật ở nước ta đã hoạt động theo mô hình có ít nhất một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại hội đại biểu Hội Thống kê Việt Nam lần thứ II (nhiệm kỳ 2012-2017)
Nhằm giúp các hội viên tiếp tục cống hiến công sức và trí tuệ của mình cho sự phát triển khoa học và kỹ thuật nước nhà nói chung, khoa học thống kê nói riêng, năm 2006, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã thành lập Ban Sáng lập, Ban Vận động thành lập Hội Thống kê Việt Nam. Ngày 04/5/2006, Bộ trưởng, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 704/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Thống kê Việt Nam. Và tới ngày 14/11/2006, Hội Thống kê Việt Nam tiến hành Đại hội nhiệm kỳ lần thứ I (2007-2011). Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội Thống kê Việt Nam và bầu ra Ban Chấp hành Hội, gồm 15 thành viên, trong đó có 01 Chủ tịch và 02 Phó Chủ tịch Hội, Tổng thư ký Hội (do 01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm).
Dấu ấn chặng đường 15 năm của Hội Thống kê Việt Nam
Cơ cấu tổ chức ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, số lượng và chất lượng hội viên ngày càng tăng lên
Ngay sau Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2007-2011 thành công tốt đẹp, Hội Thống kê Việt Nam đã khẩn trương triển khai thực hiện các điều khoản quy định trong Điều lệ Hội Thống kê Việt Nam. Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2007-2011 là tập trung tạo dựng cơ sở vật chất của Hội (trụ sở làm việc, trang thiết bị văn phòng), xây dựng cơ cấu tổ chức của Hội, phát triển đội ngũ hội viên. Ngày 08/01/2007, Hội Thống kê Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Hai kỳ Đại hội tiếp theo của Hội Thống kê Việt Nam đã diễn ra trong các ngày: 26/7/2012 (Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2012-2017); ngày 20/9/2018 (Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2023). Đặc biệt, qua mỗi nhiệm kỳ, quy mô của Hội Thống kê Việt Nam ngày càng được mở rộng, chất lượng hoạt động ngày càng nâng lên, từng bước khẳng định uy tín cũng như vai trò của Hội trong các Tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Cơ cấu tổ chức của Hội cũng ngày càng hoàn thiện. Hiện, cơ cấu tổ chức của Hội Thống kê Việt Nam như sau:
-
Ban Chấp hành Hội với 15 thành viên, trong đó, số ủy viên nguyên lãnh đạo, lãnh đạo cấp Tổng cục Thống kê, lãnh đạo cấp Vụ chiếm 87%; thành viên nữ chiếm 40%;
-
Ban Kiểm tra Hội với 03 ủy viên, số ủy viên nữ chiếm 33%;
-
Ban Thường vụ Hội với 05 ủy viên, gồm: 01 Chủ tịch Hội và 02 Phó Chủ tịch Hội đều là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tổng cục Thống kê, trong đó 01 Phó Chủ tịch là nữ giới, kiêm Tổng thư ký; 02 ủy viên đều là lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục Thống kê;
-
Ban Kiểm tra Hội với 03 thành viên;
-
05 đơn vị chức năng thuộc Hội: Văn phòng Hội; Ban Đối ngoại và Phối hợp hoạt động; Ban Tuyên truyền và Ngôn luận; Ban Chuyên môn; Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và Dịch vụ thống kê;
-
22 Chi hội với 371 hội viên chính thức đều là hội viên cá nhân, trong đó số hội viên nữ chiếm 41,5%; số hội viên đương chức chiếm 56,6%; số hội hưu trí chiếm 43,4%. Số chi hội và số hội viên nhiệm kỳ này đều tăng so với nhiệm kỳ II (số chi hội tăng 10%, số hội viên tăng 31,1%).
Song song với việc kiện toàn tổ chức, Hội Thống kê Việt Nam đã ban hành các quy chế làm việc, như Quy chế làm việc của Cơ quan Hội TKVN; Quy chế hoạt động của Ban Kiểm tra Hội; Quy chế tạo nguồn thu và quản lý, sử dụng tài sản công của Hội TKVN. Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức, xây dựng các quy chế làm việc của Hội, Hội TKVN đã hướng dẫn một số địa phương thành lập Hội Thống kê tỉnh/thành phố. Đến nay, đã có 06 Hội Thống kê cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, gồm: Hội Thống kê tỉnh Tiền Giang, Hội Thống kê tỉnh Tây Ninh, Hội Thống kê tỉnh An Giang, Hội Thống kê TP. Hồ Chí Minh, Hội Thống kê tỉnh Phú Thọ, Hội Thống kê tỉnh Cà Mau. Các Hội Thống kê cấp tỉnh đều là thành viên của Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh.
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, nghề nghiệp, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, ứng dụng thực tế hiệu quả
Trong 15 năm qua, Hội Thống kê Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, nghề nghiệp theo chức năng, bao gồm: Nghiên cứu khoa học; tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật trong lĩnh vực thống kê. Một số kết quả tiêu biểu như sau:
-
Về hoạt động nghiên cứu khoa học: Chủ trì nghiên cứu 03 đề tài khoa học, kết quả nghiệm thu đạt kết quả khá và giỏi; một số hội viên đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Thống kê quản lý.
-
Về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Hội Thống kê đã tích cực, chủ động đề xuất, tham mưu với lãnh đạo các cấp những vấn đề lớn về chính sách phát triển tầm quốc gia, cấp ngành, cấp địa phương. Tham gia góp ý (bằng văn bản) về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và một số bộ, ngành khác. Viết tham luận và trình bày tại một số hội thảo, tọa đàm do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Cử hội viên tham gia xây dựng chiến lược và chính sách phát triển Thống kê Việt Nam.
-
Về hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức và pháp luật thống kê: Ngoài các bài viết dăng trên tạp chí, trang thông tin điện tử của Ngành, Hội Thống kê Việt Nam đã chủ trì biên soạn và phát hành 04 cuốn sách: Kiến thức thống kê dành cho cán bộ, lãnh đạo (2010); Vị thế kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố Việt Nam (2012); Sổ tay công tác thống kê cấp xã (2016); Xếp hạng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 63 tỉnh, thành Việt Nam 15 năm đầu Thế kỷ 21 (xuất bản năm 2017). Tham gia với Viện Khoa học Thống kê biên soạn, biên dịch nhiều cuốn sách về khoa học thống kê, như: Giáo trình Thực hành thống kê (2010); Hướng dẫn kiến thức thống kê bằng truyện tranh (năm 2014); Từ điển Thống kê (năm 2015); Kiến thức thống kê thông dụng (năm 2015).
Có thể nói, trong chặng đường 15 năm đầu tiên, Hội Thống kê Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm hoạt động, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước (trực tiếp là Tổng cục Thống kê); sự hợp tác tích cực của các tổ chức và sự tâm huyết của lãnh đạo Hội và sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể hội viên, Hội Thống kê Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, ngày càng khẳng định vị thế của một Tổ chức khoa học uy tín trong lĩnh vực thống kê nói riêng và lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung.
Có thể nói, những thành công trên chặng đường 15 năm qua sẽ là nền tảng vững chắc để Hội Thống kê Việt Nam vững bước trên chặng đường tiếp theo và vươn tới những tầm cao mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thống kê nước nhà và sự phát triển của thống kê khu vực và thế giới./.
Hội Thống kê Việt Nam